Cái tính của y, nó thế. Biết thế nào.
Chiều hôm kia, lai rai với vài anh bạn làm sách. Những tư nhân “vào nghề” từ thập niên 1980. Một anh bạn hỏi: “Chiều ngày 18.4.2015, lần đầu tiên Cục Xuất bản phía Nam tổ chức lấy ý kiến đề xuất chọn đường Nguyễn Văn Bình làm Đường sách của TP.HCM. Lúc đó, Q không đồng tình nhưng sao nay lại có ý kiến khác”. Khác như thế nào? Chỉ cần mở điện thoại, ngồi tại quán nhậu, với vài thao tác nhanh, gọn, lẹ là biết ngay thôi: “Nhà thơ Lê Minh Quốc đưa ý kiến: “Đường sách sẽ là một nét sinh hoạt mới cho người dân TP, là dấu ấn văn hóa đáng ghi nhận. Việc đường sách đặt ở Nguyễn Văn Bình, Q.1 sẽ có những thuận lợi về địa lý, khiến du khách thuận lợi hơn trong việc thưởng thức văn hóa du lịch của TP. Tuy nhiên, tôi cũng mong nếu đường sách thành công thì cần được nhân rộng hơn ở các quận, huyện để văn hóa đọc được lan tỏa rộng hơn” (Báo Thanh Niên ngày 21.11.2015).
Nghe anh hỏi, bèn trả lời rằng, dù tranh luận, phùng mang trợn mắt cãi nhau, không đồng tình nhưng một khi sự việc đã ngã ngũ thì cần ủng hộ nó. Chẳng việc gì phải khư khư giữ rịt lấy quan niệm của riêng mình, đó là vì cái chung có cùng một mục tiêu. Lấy cái mục tiêu chung làm trọng. Thế thôi. Vì lẽ đó, sáng hôm kia ngồi viết thêm đôi dòng cổ xúy cho việc ra đời Đường Sách, để quy trình kịp in Báo Phụ Nũ chủ nhật:
“Đầu năm 2016. Quyển lịch đã lật qua một trang mới. Một búp non trên cành biếc đang nõn. Có lẽ, sự kiện mới nhất trong chuỗi sư kiện đón chào năm mới, theo y, không thể kể đến sự ra đời của Đường Sách. Vị trí này là con đường Nguyễn Văn Bình, sát bên Bưu điện đường phố đã được UBNDTP.HCM đồng tình. Động thái này, cho thấy rằng, một trong nhiều giá trị văn hóa cần tôn vinh, cần khuyến khích sâu rộng vẫn là sự tiếp cận với con chữ trên từng trang sách. Chưa bao giờ “văn hóa đọc” lại trở nên cần thiết như trong thời buổi khi mà sự nghe, nhìn đã là lựa chọn quen thuộc, hàng đầu của giới trẻ.
Thêm một con đường sách ngay vị trí trung tâm, chắc chắn sẽ tạo nên một thiện cảm, một cảm hứng không chỉ với người dân thành phố mà còn cả với du khách nước ngoài. Y mường tượng nghe nhịp chuông thánh thiện từ Nhà thờ Đức Bà vọng sang, lúc đang đứng lật quyển sách mới. Y hình dung ra những gương mặt tươi trẻ đang hát nhịp đồng ca tại NVH Thanh Niên khi nhìn vào những bìa sách mới. Dòng đời mỗi ngày mỗi đi qua. Vòm lá trên các con đường Nguyễn Văn Bình, Phạm Ngọc Thạch, Hai Bà Trưng… vẫn bốn mùa thay lá, nhưng từ đây đã hình thàn nên một “điểm nhấn” dành cho người yêu sách.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, y rất thần tượng, ngưỡng mộ thời Lê Thánh Tông. Triều đại ấy, đức vua ấy, nhà bác học, nhà sử học lỗi lạc Phan Huy Chú đã nhận xét: “Tư chất và tính khí nhà vua cao sáng, ham học không biết mỏi, tay không rời sách; kinh, sử, chư tử, lịch số, toán, chương đều tinh thông; văn thơ càng giỏi hơn các bề tôi. Về trị nước thì vua tôn trọng nho thuật, cất nhắc anh tài, sáng lập chế độ, khôi phục và mở mang bờ cõi, văn vũ, tài lược hơn các đời. Người ta cho chính trị đời Hồng Đức là rất thịnh”. Điều gì đã hun đúc nên con người văn võ song toàn ấy? Tôi nghĩ, còn có phần do nhà vua ham thích đọc sách. Ngài cho biết:
Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc trời dám trể đâu
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu
Học tập tiền nhân có nhiều điều phải học, trong đó, có một điêu dễ dàng hơn cả, vẫn là việc đọc sách, vậy nên sao ta không bắt chước theo?
Từ con đường sách Nguyễn Văn Bình, chỉ đi bộ một đoạn ngắn ắt gặp Thư viện Quốc gia, nơi ấy trước kia là Khám lớn Sài Gòn. Ai lại không từng có những ngày ngồi lặng lẽ cùng trang sách, nhìn ánh nắng xiên xiên ngoài cửa sổ mà lóng nhẹ nhàng, thanh thản? Rồi cũng từ đường Nguyễn văn Bình, đi một đoạn ngắn ắt gặp Dinh Thống nhất, thử hỏi, giữa hiện tại và quá khứ đã đan quyện vào lòng người ra sao? Chỉ nghĩ đến đó đã thấy lòng vui. Và vui hơn cả, cũng từ con đường sách ấy, phóng một tầm mắt là gặp ngay ngôi trường cũ. Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, trước là Trường Đại học Tổng hợp, trước đó nữa là Trường Văn khoa Sài Gòn. Có lẽ làm nên huyền thoại cho ngôi trường ấy, phải kể thêm thi sĩ sĩ Đông Hồ. Lúc đang giảng quốc văn, ngâm bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang, thầy Đông Hồ đã đột quỵ mà trên tay vẫn còn cầm quyển sách. Nhiều thế hệ sinh viên làm sao quên câu chuyện ấy?
Sáng nay, nói như nhà thơ Thanh Tịnh: “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Vâng, đọc sách cũng là một cách tự học đấy thôi. Sáng nay, bước vào dòng người tấp nập xuống phố, hoa đã biếc, lá đã xanh, lòng người đã mới và y ngâm lại bài thơ của thi sĩ Đông Hồ miêu tả quyển sách, khác gì khắc họa hình bóng giai nhân diễm tuyệt:
Da ngọc ngà phô giấy nõn nường
Tóc huyền mun gợn mực yêu đương
Dịu thon lưng uốn đường sông núi
Trinh sạch lòng pha chút tuyết sương
Xiêm áo phong phanh tờ lụa ngỏ
Phấn hồng thoang thoảng bụi hương vương
Nàng thơ kiều diễm Xuân kiều diễm
Chữ gấm lời hoa gửi bốn phương.
Cha chả là hay”.
Viết đến đó, ngưng bút, đi làm. Send email. Thú thật, chưa đọc bài thơ nào miêu tả về quyển sách hay đến thế. Quá hay. Bài thơ trên, thi sĩ Đông Hồ in thiếp mừng xuân năm 1955 rồi gửi thi hữu. Chao ơi, thú chơi của người xưa thật tao nhã. Phải là người yêu sách cực kỳ, mới có thể nhọc công dụng bút diệu vợi đến từng dòng, từng chữ… Từng dòng, từng chữ ấy hiễn hiện lên trong mắt là bóng và hình của giai nhân đấy chứ? Hãy nghe chinh tác giả giải thích: “Giai nhân là ai? Là nàng sách, là nàng thơ, là nàng văn chương kiều diễm đang giữa đời xuân kiều diễm. Nhân ngày xuân mượn lời chim hoa, chuyển khắp tri kỷ bốn phương trời. Ý thơ đong đưa, lời thơ bay bướm, vừa trang trọng, vừa lịch sự, đáng là bài thơ chúc lành buổi đầu xuân năm mới”. Và cũng trong tập sách Úc viên thi thoại do chính Đông Hồ tuyển, đóng thành tập hai hôm trước ngày mất, Mộng Tuyết thất tiểu muội cho XB năm 1969 - NXB Mặc Lâm, còn có thêm bài thơ khác:
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương
Tơ tình xưa để mối nay vương
Thơ lai láng khắp hồn kim cổ
Mực đậm đà thêm ý cỏ sương
Nhà ngọc mong treo vần diễm tuyệt
Lạng vàng dám đổi giá tương đương
Ơn nhờ son phấn duyên tri kỷ
Cho một lần Xuân một nõn nường.
Đọc lại lần nữa đi. Có phát hiện ra gì không? Chú ý các vần “phương, vương, sương, đương, nường” cả hai bài thơ ắt sẽ nhận ra ngay thôi. Thế mới biết, dụng công việc làm thơ. Đông Hồ lại tâm tình về bài thơ thứ hai: “Là ý thi nhân không dám nghĩ đem lạng vàng đổi lấy một vần thơ. Vàng sánh với thơ, cân xứng tương đương làm sao được. Duy lòng thành khẩn ước mong, chỉ cầu được một vần diễm tuyệt, để treo cao ở chốn ngọc đường”. Hỡi ôi, những con người thi sĩ thứ thiệt ấy, nay có còn không? Những vần thơ thứ thiệt ấy, thời buổi này có còn ai đọc nữa không? Có lẽ đã qua cái thời của thơ rồi. Những tập thơ của bạn bè,thân hữu tặng lâu nay, y chất trong nhà đã cao ngất chạm nóc rồi đấy. Nghĩ mà thương.
Vừa đọc trên VnEconomy - Báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam bài báo Người châu Á tìm gì trên mạng năm 2015? Vài thông tin cần ghi lại: “Công ty sở hữu công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, Google vừa công bố danh sách những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất đối với từng nước và cả thế giới. Theo hãng tin Bloomberg, tại châu Á, kết quả tìm kiếm tại mỗi nước có rất nhiều khác biệt, nhưng vẫn cho thấy được nhiều điều thú vị về sở thích của các “công dân mạng”; “Riêng với Trung Quốc, Google không thể công bố danh sách những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại nước này, do Google hoàn toàn bị chặn tại Trung Quốc đại lục”; “Dưới đây là danh sách những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại một số nước/vùng lãnh thổ châu Á:
Việt Nam:
Vợ người ta - Bài hát về tâm trạng một chàng trai trẻ khi bạn gái cũ đi lấy chồng;
Âm thầm bên em - Bài hát của ca sỹ Sơn Tùng, về một “tay anh chị” cố gắng thay đổi bản thân để được bạn gái yêu;
Không phải dạng vừa đâu - Một bài hát khác của ca sỹ Sơn Tùng;
How-Old.net - Công cụ đoán tuổi từ ảnh do Microsoft cung cấp;
Fast Furious 7 - Một bộ phim Mỹ với nhiều cảnh đua xe, với sự tham gia của Paul Walker, người qua đời vì tai nạn xe hơi cuối năm 2013;
Khuôn mặt đáng thương - Lại một bài hát của ca sỹ Sơn Tùng;
Em của quá khứ - Bài hát về một thanh niên chờ đợi bạn gái cũ từ thời trung học quay trở về;
Cười xuyên Việt - Một chương trình hài trên truyền hình;
Cô dâu 8 tuổi - Bộ phim truyền hình dài tập của Ấn Độ, kể về câu chuyện của một bé gái bị buộc phải kết hôn từ năm lên 8 tuổi;
Chàng trai năm ấy - Bộ phim lãng mạn được lấy cảm hứng từ cuộc đời của chàng ca sỹ trẻ tuổi bạc mệnh Wanbi Tuấn Anh".
Đọc xong nên có thái độ thế nào? Suy nghĩ nghĩ gì? Chà, so với sự quan tâm của ngươi dân tại các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Indonesia, Philippines Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, rõ ràng có sự cách biệt nhau nhiều lắm. Năm 2015, dù thờ ơ, vô cảm đến mấy đi nữa, không một ai có thể dửng dưng với tình hình biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa; thực phẩm bẩn tràn vào bữa ăn mỗi nhà; các vụ giết người hàng loạt; tham nhũng; chính sách bất cập trong giáo dục, y tế, xây dựng...; tai nạn giao thông; phát minh công nghệ mới toàn cầu v.v.... Điều gì đã dẫn đến kết quả vừa công bố? Mà tra cứu Google nhiều nhất là ai? Giới trẻ. Tự dưng nhớ đến thơ. Thơ nữa à? Vâng, lại nhớ đến một đoạn trong bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận:
Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|