Hình bìa tạp chí Heritage số tháng 11.2015 bị thu hồi
Sáng nay, cùng bạn thơ Trương Nam Hương sang Nhà Tang lễ thành phố thắp nén nhang vĩnh biệt đồng nghiệp, nhà văn Thanh Giang. Ghé tai bạn, nói nhỏ: “Bước vào nơi tang lễ, nếu có bàn thờ Phật, âm vang nhè nhẹ tiếng kinh cầu, tự dưng cảm thấy ấm áp, không sợ sự lạnh lẽo của cái chết”.
Lâu nay vẫn sưu tập tạp chí Heritage. Đã có chừng 500 số. Một tạp chí sang trọng, trình bày đẹp nhất hiện nay. Chỉ phát hành trên máy bay, trực thuộc Vietnam Airlines. Có thể lưu giữ lâu dài. Thông tin mới nhất: Vietnam Airlines quyết định thu hồi tạp chí Heritage số tháng 11.2015. Vì bìa vì in hình chùa Shwedagon (hay còn gọi là chùa Vàng) của Myanmar trên tà áo dài. Cô người mẫu Hồng Quế mặc áo dài này, nằm trong bộ sưu tập của thương hiệu Thái Tuấn, chụp ở Mù Căng Chải (Yên Bái). Quyết định thu hồi bắt đầu từ phản ứng trên Facebook của nhà sư Venerable Nayaka. Theo bản dịch của trang điện tử Motthegioi.vn, nguyên văn như sau:
"Hãng hàng không Vietnam airline, những nhà thiết kế và những nhà tạo mẫu Việt Nam thân mến! Người Myanmar chúng tôi thật sự rất tức giận khi thấy tấm ảnh này. Shwedagon là 1 nơi linh thiêng của tôn giáo chúng tôi, đạo Phật. Tóc, áo choàng và các dấu vết khác đều được coi là vật linh thiêng. Làm ơn tránh hành vi thiếu tôn trọng, hành vi sỉ nhục văn hóa và đức tin của người khác. Làm ơn đừng sử dụng những bức hình về ngôi đền Shwedagon cho phụ nữ mặc.
Những bức hình này là tạp chí Heritage đã cung cấp trên máy bay của các bạn ư? Các bạn đang thực sự lăng mạ lên trái tim của tất cả người dân Miến Điện chúng tôi. Các bạn có thể thấy được chúng tôi tôn trọng tôn giáo của chúng tôi ở khắp nơi như thế nào. Chúng tôi không thể cho phép bất cứ ai mặc váy hay quần ngắn để leo lên chùa cho dù các bạn có là người địa phương hay du khách. Còn bây giờ cô gái Việt các bạn lại mặc quần áo truyền thống chùa Shwedagon của chúng tôi. Thật là lố bịch! Người Miến Điện chúng tôi tôn trọng quý mến mỗi người Việt Nam khi chúng tôi gặp các bạn ở bất cứ đâu.
Các bạn sử dụng văn hóa của nước khác làm công cụ kinh doanh buôn bán một cách thiết thực để thu hút người ta nhìn vào, vậy nên chúng tôi rất bực tức. Nhân danh người Miến Điện, tôi sẽ báo cáo đến Đại sứ quán Việt nam ở Yangon, cũng như là Đại sứ quán của chúng tôi tại Việt Nam. Hơn nữa là tòa hành chính của Hãng hàng không nước các bạn ở Yangon. Làm ơn hãy dừng hành vi này ngay lập tức vì đây là vấn đề rất khẩn cấp với chúng tôi. Thật sự đáng buồn. Chẳng còn từ nào để nói nữa”.
Thu hồi tạp chí này là phải đạo. Phải vậy thôi.
Sau khi rời khỏi Nhà Tang lễ, qua Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật uống cà phê. Vấn đề chính là cần có bộ Nguyễn Du toàn tập. 2 quyển dày gần 2 ngàn trang in. Vừa bước vào phòng nhận sách biếu, một giọng nói đùng đùng vang lên, cứ như súng thần công nã vào lỗ tai: “Q đọc cái này này”. Liền đọc thử xem sao, cơn cơ gì mà người trò chuyện, đang đối diện giận dữ đến thế? Trước mặt là tạp chí Cõi người ta số 1 do NXB Hồng Đức và Hội Kiều học phối hợp thực hiện. Ở trang 125 có đoạn liên quan đến câu thơ Kiều:
“Chén hà sánh giọng quỳnh tương
Dải là hương lộn bình gương bóng lồng
Nhưng thắc mắc sao Nguyễn Du thay vì dùng chữ lộn không dùng những chữ đượm, đậm, quyện hay trộn đều rõ nghĩa và thông dụng hơn. Tôi không giải thích được.Cho nên bây giờ, tôi nghĩ Nguyễn Du cố tình chọn dùng chữ “lộn” để đặc tả nàng Kiều bằng cách nói lái nửa đầu câu 454 đấy. Người đẹp như tiên thì cái gì cũng thơm. Nên tứ thơ trên thành câu đố Kiều như sau: “Nguyễn Du hay tả Kiều thơm/ Hỏi rằng vùng kín nàng thơm mùi gì?”.
Giật mình, khi đọc dứt đoạn một văn nhảm nhí. Hội Kiều học Việt Nam là diễn đàn văn học của những người mê, yêu, thành kính, ngưỡng mộ kiệt tác Truyện Kiếu như lại có thể tòi ra câu thơ lục bát lục cà lục cục đến thế ư? Đã thế, còn hỏi một câu, xin lỗi, chỉ xuất hiện trong phòng the, chứ người có học, ai lại hỏi oang oang giữa thiên thanh bạch nhật thế bao giờ? Họa có là điên.Nhăng nhố không ngượng miệng. Hỏi xong, tác giả lại tự “đáp”: “Chén hà sánh giọng quỳnh tương/ Dải LÀ HƯƠNG LỘN bình gương bóng lồng/ Nguyễn Du nói lái ở trong/ Tả mùi thơm lạ, vui lòng thử xem”.
Đành rằng, có thể tác giả viết đùa, như đã có hàng ngàn kiểu “tập Kiều”, “lẩy Kiều” v.v… nhằm liên tưởng này nọ như một cách mua vui. Chẳng hạn, “Thênh thang đường cái thanh vân/ Một xe trong cõi hồng trần như bay” là Nguyễn Du miêu tả…xe hơi! Nhưng rồi, một khi hướng sự liên tưởng ấy đến cả cái “vùng kín” nữa, có lẽ đã là sự quá lố lắm rồi. Nếu nghiên cứu về Nguyễn Du, rõ ràng, ông không hề sử dụng bút pháp thuộc trường phái “nói thanh giảng tục” gì gì đó như Hồ Xuân Hương. Vậy hà cớ gì phải đặt ra cái sự thô tục này? Mà thôi, sở thích, nhận thức mỗi người mỗi khác, nơi nào đó, chốn nào đó có thể ăn nào bừa bãi, viết xằng thì kệ nhưng tạp chí thuộc Hội Kiều học Việt Nam lại cho in thì kể ra cũng lạ. Lạ một cách quái đản. Người đối diện, đang trò chuyện nổi giận đùng đùng là có lý, chứ nào phải do khắc khe, khó tính gì.
Đành rằng, kể từ ngày Truyện Kiều được phố biến rộng rãi cho đến nay, thiên hạ vẫn tiếp tục tìm hiểu sức hấp dẫn và nghiên cứu kiệt tác này dưới nhiều góc độ khác nhau. Có lẽ, trên thế giới chỉ có Truyện Kiều là trường hợp duy nhất mà độc giả đã dùng tác phẩm để bói cho số phận của mình. Và bản thân tác phẩm đã được quần chúng sử dụng để trở thành một sinh hoạt văn hóa rất đa dạng. Có thể kể đến: bói Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, nhại Kiều, vịnh Kiều…hoặc dùng các thể loại phú, văn tế, văn sách, biểu, từ khúc, ngâm khúc… để viết về Kiều và các nhân vật trong Truyện Kiều. Ngoài ra, Truyện Kiều còn được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, chèo, cải lương… và cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho các họa sĩ vẽ nhân vật, cảnh vật trong tác phẩm này…
Với y, đáng nể nhất là “thú chơi” Truyện Kiều của hai thi sĩ tài danh nước Việt: Phạm Mạnh Đan (1866-1942); Vũ Hoàng Chương (1916-1976).
Nhà thơ Phạm Mạnh Danh rất kỳ khu, nhọc công khi đã viết hàng trăm bài thơ mà ông gọi Kiều tập thơ cổ: Lấy bất kỳ những câu thơ cổ điển của các thi nhân Trung Quốc, ghép lại thành bài thơ tứ tuyệt; rồi dùng thơ Kiều mà dịch nghĩa những câu thơ ấy. Phạm Quỳnh nhận xét: “Hơn ngàn câu thanh cao diễm lệ trong thơ cổ chữ Hán, đối chiếu với hơn ngàn câu bóng bẩy chải chuốt trong Truyện Kiều của ta, ghép vần ghép điệu, lựa ý lựa lời, Nôm với chữ Hán, chữ Hán với Nôm, phảng phất xa gần, tưa hồ dịch mà không phải dịch, rất có công phu, thật cũng tài tình, âu cũng là để thỏa cái thị hiếu văn chương, biểu lộ cái cốt cách thanh nhã của một khách chơi thơ sành sỏi vậy”. Chẳng hạn, Phạm Mạnh Danh đã ghép:
Ngọc tác phu cơ, băng tác thần, (Tân Liêu Trai)
Hối tương tĩnh chất điếm phong trần. (Bách Mỹ)
Đa nhân lợi hại đa phùng kiếp, (Thuyết Đường)
Nhược vị hồng nhan tích thử thân. (Bách Mỹ)
Và dùng thơ Kiều để “dịch”:
Tiếc thay trong giá, trắng ngần
Đến phong trần cũng phong trần như ai
Tẻ vui cũng một kiếp người
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru?
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng có cách chơi mà ông gọi là "Thơ truyền Kiều" mà người chơi gọi là “người truyền” do quan niệm: Truyện Kiều được coi là như một kiến trúc trường giang, đặt trên nền tảng ngôn ngữ chứ không phải văn tự, do đó 3.254 câu lục bát của Nguyễn Du chỉ là một chuỗi liên tiếp 22.778 tiếng (không có vấn đề chấm câu hay viết hoa…). “Người truyền” sẽ lấy ra từng chuỗi nhỏ từ 6 tiếng trở lên, bất cứ ở quãng nào trên chuỗi mẹ (dài tới 22.778 tiếng của Truyện Kiều) để kết hợp lại thành một kiến trúc nhỏ mang tên Thơ truyền Kiều, mà ý nghĩa có thể khác hẳn, không lệ thuộc vào nội dung của Truyện Kiều. Chẳng hạn, một bài Thơ truyền Kiều của “người truyền” Vũ Hoàng Chương:
Cạn tóc tơ gà đà gáy sáng
Thôi bây giờ kẻ ngược người xuôi
Tài tình chi lắm cho trời đất
Ghen cánh hồng bay bổng tuyệt vời.
(Bài truyền số 4)
Về hai trường hợp sáng tạo độc đáo này, hầu như các nhà nghiên cứu chưa mấy ai lưu tâm đến.
Sắp đến đây, ngày 28.12.2015, rại Khoa văn học và Ngôn ngữ thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM sẽ tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du. Có thể ghi nhận đây là hội thảo cuối cùng trong chuỗi kỷ niệm của cả nước vinh danh một danh nhân văn hóa vừa đuọc được UNESCO công nhận. Tham dự Hội thảo, y có tham luận Sinh hoạt văn hóa bắt nguồn từ Truyện Kiều in trong Kỷ yếu, là ít nhiều đề cập thoáng qua đến trường hợp nhà thơ Phạm Mạnh Danh và Vũ Hoàng Chương.
Chiều rồi.
Phải làm gì cho hết buổi chiều?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|