LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.12.2015

tumblr_mhcw76QfyP1s3g9tso1_500(ảnh: Internet)

 

“Căn nhà đó nằm trong ngõ vắng. Ngõ có bức tường dài, sâu thăm thẳm. Trên tường, rải rác có những dòng chữ nghệch ngoạc, viết bằng hắc ín: Cấm đái… Cấm đái… Dưới dòng “Cấm đái” là những bãi nước dải vòng vèo, đêm trước, còn hắt lên những vệt cũ đã lên rêu. Ngoài đầu ngõ, treo lủng lẳng cái biển sơn cấm xe hạng nặng đi vào, tuy đường trong ngõ, chỉ một cái xe bò đi đã chật”. Viết về ngõ vắng, nơi căn nhà y đang trú đấy chăng? Cũng có thể như thế. Có điều đoạn văn trên viết từ thập niên 1950 tại Thủ đô Hà Nội. Trích từ truyện ngắn Tết năm ấy… của tác giả Đỗ Quang Tiến, in trong tập sách Thơ văn Xuân 1957 của NXB Văn Nghệ ở ngoài Bắc. Hầu như ít ai biết đến tập sách này. Không rõ, căn cớ gì sau đó không thấy Đỗ Quang Tiến viết thêm gì khác?

Đọc đoạn văn trên giật mình nghĩ rằng, hóa ra cái sự tiến hóa văn minh đô thị của đất nước Đại Nam văn hiến này vẫn không có gì thay đổi. Vẫn giẫm chân tại chỗ, giữ rịt lấy cái nếp sinh hoạt đã tồn tại hơn 50 năm trước. Ngõ ngách nào hiện nay lại không có những dòng chữ chết tiệt trên? Đến bao giờ mới chấm dứt đây? Hỏi như thể bởi từ mấy chục năm qua, cái Bộ phụ trách về văn hóa nước nhà đã phát động rầm rộ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Kết quả ra làm sao?

Sáng ngày 3.12.2015, Ban chỉ đạo trung ương của phong trào họp tổng kết năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016. Theo số liệu công bố: “Đến nay cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014”. Với các con số đó, dư luận "phản biện" ầm ầm và quả quyết chính là biểu hiện của bệnh thành tích bởi nó không phản ánh đúng thực chất đang diễn ra.

Sáng ngày 5.12.2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri tại TP HCM. Ông phát biểu: “Tại sao nước mình là anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc mà vấn nạn tham nhũng lại bị xếp hạng cao? Bê bối quá, không chấp nhận được”. Cũng trong bài báo "Chủ tịch nước: 'Xấu hổ khi Việt Nam bị xếp hạng tham nhũng cao", Báo diện tử Vnexpress còn cho biết: “Chỉ số nhận thức tham nhũng do Tổ chức Minh bạch thế giới công bố dựa trên ý kiến chuyên gia toàn thế giới về tham nhũng trong lĩnh vực công. Năm 2014, ba nước được đánh giá là trong sạch nhất là Đan Mạch, New Zealand và Phần Lan. Singapore là quốc gia châu Á duy nhất lọt top 10 với 84 điểm, xếp thứ 7. Việt Nam xếp hạng 119 trên 174 nước với 31 điểm”.

Mỗi ngày, lật tờ báo, bao nhiêu thông tin hắc ám như cơn gió độc quật, quất te tua cái tâm hồn chỉ mong muốn được sống trong một xã hội lành mạnh? Biết thế nào được. Rồi cuối cùng vẫn phải sống. Vẫn phải tồn tại. Có điều sự nguy hiểm nhất ở mỗi con người, dần dần tự nó sẽ dẫn đến sự vô cảm. Bàng quan, Dửng dưng. Bịt tai. Nhắm mắt. Chẳng còn phải đau đáu, trăn trở, nặng lòng với cái xấu, cái ác đang tác oai tác quái như làm xiếc. Nghệ thuật xiếc đã đạt đến mức độ siêu việt. Dù rằng, ai ai cũng thừa biết tỏng bản chất của nó, nhưng người ta vẫn tuôn ra dạt dào lời hay ý đẹp cứ như thể mục hạ vô nhân.

Mới đây, trang web của Trường Đại học Văn Hoá Hà Nội (Hanoi University Of Culture) có post bài viết: “Đặc tính của người Việt qua nhận xét của Viện Nghiên Cứu Mỹ”. Nguyên văn: “Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu đã nói lên 10 đặc tính căn bản của người Việt, xin tạm dịch như sau:

1. Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn.

2. Thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt.

3. Khéo léo nhưng ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng các thành phẩm của mình.
4. Vừa thực tế vừa có lý tưởng, nhưng lại không phát huy được xu hướng nào thành những nguyên lý.

5. Yêu thích kiến thức và hiểu biết nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì những công việc tốt).

6. Cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách của họ không kéo dài.

7. Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương).

8. Có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau chủ yếu trong những tình huống khó khăn và nghèo đói, còn trong điều kiện tốt hơn, đặc tính này ít khi có.

9. Yêu hòa bình và có thể chịu đựng mọi thứ, nhưng thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ.

10. Và sau cùng, thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh (một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 3 người làm thì kém, 7 người làm thì hỏng việc).
Những phân tích trên đây cho chúng ta thấy người Mỹ đã hiểu rất rõ người Việt. Tại sao người Việt lại có những đặc tính như thế này?”.

Trả lời câu hỏi này, thật ra, từ trước, các nhà Nho dấn thân theo Tân học như các cụ Trần Trọng Kim, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Bính v.v… đã chỉ ra rồi. Tại sao những yếu tố tích cực ngày càng thui chột, không thể phát huy; trong khi đó, cái xấu, sự hạn chế lại nẩy nở ngày một nhiều? Bàn gì thì bàn, nói gì thì nói. Vấn đề cốt lõi vẫn là con người ta đang sống trong sự vận hành của cơ chế chính trị như thế nào. Đó mới chính là căn cơ, giải quyết cốt lõi của mọi vấn đề.

Mấy hôm nay, không có gì mới. Vẫn cứ thế. Ngày của mỗi ngày cứ đều đặn trôi qua. Có gì mới trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật chăng? Chỉ có thể nhắc đến bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (tên tiếng Anh Yellow flowers on the green grass). Bộ phim này, đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đoạt giải phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Phúc Châu (Trung Quốc). Mới đây nhất, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, diễn ra từ ngày 1.12 đến ngày 5.12.2015 tại TP.HCM, bộ phim này lại giành được giải thưởng Bông sen Vàng. Kinh phí đầu tư 20 tỷ, thu về 80 tỷ. Vấn đề đặt ra, không phải giải thưởng và lợi nhuận mà chính là nó đã tạo ra sức hút mới cực kỳ đáng lưu tâm là kéo khán giả quay trở lại với phim Việt. Được vậy, đã quý. Điều quý hơn là do đạo diễn Victor Vũ lấy bối cảnh từ Phú Yên, sau khi công chiếu bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, lập tức, nơi đó thu hút hàng vạn lượt khách du lịch. Ý nghĩa cuối cùng của sự sáng tạo vẫn là tạo ra hiệu ứng chung, sự cộng hưởng từ phía công chúng.

Thời buổi này, những giá trị nhân văn đang mất dần đi. Thế giới trong trẻo, hồn nhiên của ngày thơ đã cảm nhận, đã nhìn thấy vẫn là nơi mà con người ta muốn tìm về. Để làm gì? Thanh lọc lại tâm hồn. Nếu không có tâm hồn trẻ thơ, làm sao thi sĩ Bàng Bá Lân (1912-1988) có thể viết được dăm ba câu thơ mộc mạc lại diệu vợi thế này:

Hoa đào còn đỏ

Hoa cúc có vàng?

Hoa Xuân có phô màu tuyết

Bàn thờ còn ngát trầm hương

Gió khuya heo hút phố phường

Có ai đi lễ trong sương lạnh lùng?

Những bàn tay mịn như nhung

Có vịn cành tơ hái lộc?

Những bàn tay già gầy guộc

Còn lay ống thẻ đầu năm?

Và ở miền quê yêu dấu

Đình chùa miếu mạo ra sao?

Hội hè nô nức xôn xao

Cây đu còn dải yếm đào đùa bay?

Những chiếc khăn vuông mỏ quạ

Còn ôm ấp má hây hây

Những cặp môi hồng tươi nở

Còn thơm, còn thắm trầu cay?

Có thể hiểu "lay ống thẻ" là xin xăm, bói xem một quẻ tốt xấu thế ào; "yếm": đồ mặc nhằm che ngực của phụ nữ; "khăn vuông mỏ quạ":  khăn của đàn bà chít như hình mỏ con quạ... Những người sống xa xứ, nếu đã từng cảm nhận những hình ảnh  trên, khi đọc ắt ứa nước mắt. Bùi ngùi. Cảm động. Với thế hệ của y, tất nhiên không thể nhìn thấy “cây đu, dải yếm đào, chiếc khăn vuông mỏ quạ” của Tết xứ Bắc nhưng làm sao không nhớ đến “trầu cay”? Ngày xưa, mẹ y và các dì có ăn trầu. Đêm qua, đọc lại một đoạn văn ngắn, tự dưng nhớ thương da diết ngày tháng xa xưa ấy, ngày mẹ còn khỏe mạnh, còn ăn trầu “cặp môi hồng tươi nở”. Văn chương đôi lúc cũng chẳng phải gánh vác cho lắm sứ mệnh to tát gì, chỉ cần qua đó, người đọc nhớ về một kỷ niệm êm đềm đã xa xăm. Vậy là đủ. Đêm qua, nằm đọc quyển Giảng văn lớp 7 in tại miền Nam năm 1972. Dừng lại với đoạn văn này của nhà văn Tô Nguyệt Đình (1920-1988):

“Bà phán mới ngồi xề lại chiếc ghế ngựa, mở ô lấy một lá trầu vàng, bệt vôi bỏ vào miệng nhai nhóc nhách. Bà lại lấy miếng câu tươi mà chị ở bổ sẵn, một cọng vỏ giấy rồi bỏ vào miệng nhai luôn. Nước bã trầu đỏ ối chảy ra hai bên mép, bà phán cầm ống nhổ bằng đồng bóng lộn nhổ vào một bã trầu, đoạn cầm lấy khăn trên vai xuống chùi miệng. Bá vớ lấy một cục thuốc bằng ngón tay cái để lên môi xỉa qua xỉa lại, mấy ngón tay cái của bà vảnh ra để lộ mấy chiếc cà rá nhận hột  xoàn chiếu sáng ngời trên các ngón giữa, áp út và út”.

Ông nhà văn tả khéo quá. Nếu không, làm sao y có thể nhớ về ngày hoa niên đã nhìn thấy mẹ ăn trầu? Giải thích luôn vào từ, chẳng hạn, "ghế ngựa": dùng hai tấm gỗ dày ghép lại, kê lên cái giá để ngồi hoặc nằm; "mở ô": cái hộp đựng trầu; "chị ở": người giúp việc, Osin;  "vỏ giấy": vỏ trầu đã thái, đập dẹp phơi khô; "cà rá": chiếc nhẫn đeo tay; "nhận": khảm" sầu vào chỗ thủng... Rồi lại nhớ câu thơ đã viết từ thời trai trẻ trên chiến trường K. Tự dưng buồn buồn.

tưởng tượng một ngày kia

trăng treo trên vòm trời Đà Nẵng rất khuya

mẹ khỏe mạnh giã gạo

hương cau thơm rụng đầy sân nhà ông ngoại

thuở ấy mẹ mới về với cha

mới nghĩ vậy thôi con sung sướng khóc òa

một niềm vui vĩnh cửu...

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment