Nhà văn Vũ Trọng Phụng chết vì bệnh ho lao, nằm trên giường bệnh, ông thở dài: “Nếu mỗi ngày có một miếng bít tết thì đâu đến nỗi”; nhân vật của Jack London bước lên võ đài chỉ ước ao được ăn một miếng bít tết; tướng Christian de Castries sau bại trận Điện Biên Phủ, quay về Pháp việc đầu tiên là ngấu nghiến miếng bít tết. Chiều nay muốn đi ăn bít tết nhưng lại ngại đường xa. Ở Sài Gòn, quán Tín Nghĩa trên đường An Dương Vương (Q.5) là ngon nhất. Chỉ tiếc quán nhỏ, ngồi trong quán cứ nghe tiếng dzô dzô như súng thần công xuyên qua lỗ tai. Miếng thịt bò cắt vuông vức, dầy chừng hai lóng tay, cắn ngập răng. Bền ngoài chiên chín, dùng dao cắt thấy miếng thịt đỏ tươi mà mềm. Gia vị chấm là muối tiêu chanh, ăn kèm với ớt ngâm dấm và đầu hành, nếu muốn có thể gọi thêm củ cải, mỗi củ được cắt dọc làm sáu. Thèm thì thèm, nhưng xa quá nên thôi.
Ăn cơm nguội lúc trưa vậy. Trưa, mẹ đã nấu cơm nhưng lại đi ăn mì Ý.
Có trang web cũng vui, thỉnh thoảng đọc những comment vừa quen và vừa lạ.
Sáng nay đã viết xong “Thân này ví đổ làm trai được” cho TGPN.
Anh Huỳnh Bá Thành, họa sĩ Ớt là người viết thư tay để y nhập hộ khẩu vào TP.HCM lúc mới chân ướt chân ráo ra trường đi làm việc. Quy định thời đó tréo ngoe như sau: Có hộ khẩu mới vào biên chế/ Có biên chế thì mới có hộ khẩu. Cứ như đánh đố nhau. Vì thế, trong tập thơ Ngày mai còn lại một mình tôi mới có bài thơ Tự sự:tôi tuổi Kỷ Hợi không phải cầm tinh con heo
tôi sinh ra ăn mày để cầm theo bị gậy
đứng giữa ngã tư đường xin cuộc đời nhìn lại
tấm thẻ Nhân Dân trong túi áo của tôi
ngày rong chơi và đêm cũng rong chơi
căn phòng trọ từng ngày hãm hiếp tôi
lúc hai mươi lăm giờ (nếu chính xác là 25 giờ 1 phút)
người ta dò xét nhau hộ khẩu ở đâu rồi?
mấy năm tôi cư ngụ ở núi đồi
hộ khẩu của tôi là kẻ thù trước mặt
là những địa danh với nỗi buồn hiu hắt
tôi sống: hành quân rồi chết cũng: hành quân
tôi hành quân đi hết tuổi thanh xuân
trở về quên mang theo tờ hộ khẩu
ôi hậu khổ buồn tênh như giọt máu
đêm từng đêm lại ám ảnh viễn vông
chim có tổ cá có sông
còn tôi thì lạc chợ lông bông
tôi ăn mày cuộc đời một tờ hậu khổ
có hộ khẩu đời như trúng số
mấy năm tôi vất vưởng giữa núi đồi
hộ khẩu là cánh võng dài bên khẩu súng
là tấm lòng trước người yêu còn ngượng ngùng lúng túng
tôi sống và yêu trọn vẹn trái tim mình
tuổi Kỷ Hợi chính là tuổi cầm tinh
bị gậy ăn mày chờ xin hộ khẩu
tôi chỉ có Chứng Minh Nhân Dân trong túi áo
không hộ khẩu thì có gọi Công Dân?
(1990)
Chiều đọc lại tài liệu cũ, tình cờ gặp bài trả lời phỏng vấn của tờ Thanh Niên Thể thao & giải trí, trực thuộc báo Thanh Niên. Anh Huỳnh Kim Sánh (Hoàng Hải Vân) làm chủ biên tờ này một thời gian. Sau đóng cửa vì lỗ. Thỉnh thoảng Q có cộng tác. Lúc anh Sánh viết về anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thạch in nhiều kỳ trên Thanh Niên, Q có cho một tài liệu quý, đó là hồi ký của nhà báo, linh mục Nguyễn Quang Lãm in nhiều kỳ trên báo nhật báo Hòa Bình trước 1975. Tài liệu này được cắt dán từng ngày, và lưu trữ ở Thư viện báo Tin Sáng. Tình cờ Q mua được, nghĩ mình có lẽ chẳng bao giờ sử dụng đến nên cho anh Vân khai thác thì tốt hơn.
Với chủ đề Hài trong mắt nghệ sĩ, trên báo Q Thanh Niên Thể thao & giải trí, Q trả lời như thế này:
“Cười là một đặc tính của con người. Muốn người ta khóc không khó, nhưng để tạo ra tiếng cười là điều không dễ dàng. Cười là biểu hiện của sự tự do. Từ xưa đến nay, tiếng cười trong văn học dân gian đã biểu thị ở nhiều góc độ, nhiều sắc thái, nhiều phong cách rất phong phú và đa dạng. Trong khi đó, các nhà văn trong dòng văn học hiện đại đã không theo kịp. Học tập truyền thống Folklore Việt Nam để nâng cao và tạo ra tiếng cười trong tác phẩm văn học vẫn còn hiếm. Ta từng có kiệt tác hoạt kê Số đỏ của Vũ Trọng Phụng “làm vinh dự cho mọi nền văn học”, nay vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua nổi.
Nhìn lại giai đoạn văn học “thời tiền chiến” ta thấy dường như các nhà văn biết cười và cười nhiều hơn sau này, tiếng cười trong tác phẩm văn học ngày càng ít. Nếu có thì cũng không “đứng” được. Tại sao? Vì nhà văn chưa cười đúng vào bản chất của sự việc, mà chỉ mới loanh quanh “râu ria” bên ngoài, cho dù hiện thực xã hội ngày nay đang có nhiều, rất nhiều hiện tượng đáng để cười. Tôi tin, dòng chảy văn học dân gian vẫn đang tiếp tục phát huy sức mạnh của nó. Trong thời đại @ này, dưỡng chất “u-mua” rất cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn, nếu chúng ta không muốn biến thành người máy” (TN 2.9.2005).
Ngẫm lại vẫn còn thấy đúng.
Nhà văn đang cười cái gì vậy? Đang viết cái gì vậy? Đang đứng trong/ ngoài cuộc sống? Hai chân đang dẫm dưới đất hay đang tung tăng trên mây?
Còn nhớ trong tác phẩm của nhà văn Võ Phiến trước 1975, đọc lâu quá không nhớ quyển gì, tra tài liệu sẽ tìm ra, nhưng thôi. Ông bảo, các nhà văn XHCN không biết cười. Ông chứng minh qua thơ trào phúng của miền Bắc và miền Nam để rút ra kết luận đó. Đọc Võ Phiến thấy hay. Vừa rồi Nhã Nam có in một tạp bút của ông nhưng chỉ ghi bút danh “Tràng Thiên”, dù ngoài bìa là hình Võ Phiến. Lần nọ ngồi chơi với Sơn Nam, ông kể, khi nhà Lê Vĩnh Hòa (em ruột Võ Phiến, thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam) qua đời, ông có đến báo cho Võ Phiến biết trước nhất. Võ Phiến không nói gì và lẳng lặng cúi xuống làm việc. Tạp bút Võ Phiến hay ở chi tiết. Của Nguyễn Tuân hay ở chữ.
Hôm kia gặp Đoàn Dũng. Dũng phân trần là chưa thể trả nhuận bút được. Cả năm 2012, viết chuyên mục Yểu điệu cười, mỗi số 1 triệu nhưng chẳng nhận được xu nào. Tờ báo Phụ Nữ Ấp Bắc lỗ quá và đóng cửa trước Tết. Tờ báo này trong những ngày đầu tiên là do anh Biền cố vấn nội dung. Q có in một loạt thơ trào phúng ở đây. Ngày chưa có internet, tờ này cũng có “số má”, nay đã khác. Sự ra đời của internet khiến báo giấy điêu đứng.
Lẽ tất nhiên.
Post lại tấm hình đã in trên Kiến thức ngày nay ngày 20.8.2005, chung với nhà báo Nguyễn Phan. Lâu quá không gặp Phan.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|