Trong vài ngày gần đây nhận được nhiều sách biếu. Có lẽ khó đọc hết. Đọc sách, chẳng gì phải vội. Có những quyển sách đã mua, được tặng nhưng có khi vài tháng sau người ta mới đọc. Vội gì.
Sáng qua nhà sách của Cứ chơi. Cứ lại cho thêm mấy quyền sách nữa, về Đà Nẵng. Gặp anh bạn thơ P.C.S - phụ việc cho Cứ, anh tâm sự sắp làm tập sách gồm các bài viết về nhà văn Võ Hồng. Q xem qua bản thảo, chỉ thấy các bài phỏng vấn, nhận định về nhà văn Võ Hồng sau 1975 bèn nói: “Q đang giữ số tạp chí Văn đặc biệt về Võ Hồng. Nếu in luôn những bài này thì tập sách sẽ tốt hơn, đầy đủ hơn và bạn đọc sẽ có được cái nhìn về Võ Hồng toàn diện hơn. Muốn vậy thì nói Cứ trả tiền để Q photo cho”.
P.C.S không đồng ý và nói đây là sách làm việc nghĩa.
Ủa! Thế con người ta bỏ tiền ra mua tư liệu, gìn giữ nó và khi anh cần anh lại bảo cho không vì làm việc nghĩa? Đừng quên, ngay cả anh vào thư viện nhà nước mượn sách đọc cũng phải đóng tiền làm thẻ kia mà.
Chẳng lẽ, vì việc nghĩa mà ta có quyền gom in tất tần tật bài việc của người khác rồi bán? Thế còn bản quyền của các tác giả đó thì sao? Sự nhập nhằng này trong giới làm sách đang phổ biến. Cứ nhân danh cái này cái kia để lờ luôn tác quyền người khác. Mà sự nhân danh gì, dù làm việc nghĩa đi nữa thì đích đến cuối cùng cũng là kinh doanh đấy thôi.
Nghĩ mà chán!
Chiều trời mưa. Đã viết xong bài cho tạp chí DDVN; sáng mai "cày" cho tạp chí TGPN nữa. Vừa đọc lại bài Q viết đã in trên DDVN số 5 và Mực Tím số đặc biệt vừa phát hành.
Có một điều thú vị chẳng rõ có ai để ý không? Q cảm nhận rằng:
Chỉ vài tháng trở lại đây, trên thị trường sách đã có những ấn phẩm lấy địa danh Sài Gòn làm tựa. Ta có thể kể đến Sài Gòn dậy mà đi (Lê Văn Nuôi), Ăn vặt Sài Gòn (Chu Thị Hồng Anh - Trần Việt Đức); Chuyện nhỏ Sài Gòn (Đàm Hà Phú), Người tình Sài Gòn (Linh Lê), Sài Gòn đi và nhớ của Nguyễn Ngọc Hà và trong tháng 4.2013, Tủ sách Tuổi Trẻ của báo Tuổi Trẻ sẽ ấn hành thêm tập sách khác là Ve vãn Sài Gòn của tác giả Chị Đẹp v.v… Mỗi người chọn cho mình một phong cách viết khác nhau nhằm thể hiện tình yêu dành cho vùng đất khá đặc trưng: “Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về” (Diệp Minh Tuyền).
Với Lê Văn Nuôi, anh đã khắc họa được tính cách cụ thể của một thế hệ thanh niên mà nhà văn Sơn Nam đã khái quát qua chuyên luận Người Sài Gòn. Tác giả Nguyễn Ngọc Hà cũng sinh ra tại Sài Gòn nên hầu như các tùy bút của chị đều xoay quanh với những kỷ niệm của thời niên thiếu. Đó là những Sài Gòn cà phê, Passage Eden, Bò bía- bánh tráng trộn Sài Gòn, Chợ Nancy, Nhà chú Hỏa v.v… Dù sống từng ngày tại Sài Gòn, nhưng sự thay đổi nhanh chóng để rồi một ngày nọ, chị chợt nhận ra: “Giờ ngôi chợ Nancy không còn nữa, tôi như mất người bạn. Sống gần bạn, thỉnh thoảng đi ngang bạn, lại không được thấy bạn lần cuối”. Với nhà văn Linh Lê: “Sài Gòn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai”; Phạm Hà Phú lại là: “Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó…”.
Khi đọc những trang viết này, chúng ta thấy hiện lên một Sài Gòn của ngày Hôm qua và thấp thoáng đâu đó Sài Gòn của Hôm nay. Tuy nhiên, những cảm nhận ấy chỉ mới dừng lại bề ngoài, hơn là đi sâu vào “hồn vía” của một thành phố trẻ chỉ mới ngoài 300 năm tuổi.
Nhắc lại kỷ niệm xa xưa để gợi nhớ là cần thiết, nhưng bạn đọc vẫn thấy thiếu hình ảnh của một Sài Gòn đang đổi mới. Có thể nói, những nét đẹp và mới trong kiến trúc đô thị, phố xá, những con đường mới mở, cầu mới xây dựng v.v… vẫn chưa được “cập nhật” nhiều. Sài Gòn hôm nay đã khác với câu nói phổ thông ngày trước: “Ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1, trấn lột quận 4” mà thay da đổi thịt từng ngày. Khác như thế nào, các trang viết vẫn chưa chạm đến được chiều sâu. Hoặc nếu có đề cập đến, cũng chỉ mới dừng lại quan sát, hơn là phân tích, khắc họa sâu hơn về đặc trưng của tính cách, không gian đô thị, cảnh quan… mang dấu ấn Sài Gòn.
Đòi hỏi ngày càng có nhiều tác phẩm viết về sâu hơn, hay hơn về Sài Gòn là cần thiết. Đôi khi tôi tự hỏi, khi người nước ngoài biết đến Sài Gòn qua tác phẩm văn học nào của chúng ta? Khoan vội trả lời, ta thử suy nghĩ, vì sao năm 2002 đạo diễn Phillip Noyce chọn Người Mỹ trầm lặng của nhà văn Anh Graham Greene để tái hiện lại Sài Gòn của thập niên 1950? Tại sao mỗi lần đi ngang qua khách sạn Continental ta lại nhớ đến nhân vật Phượng qua ngòi bút của Graham Greene?
So với Hà Nội, Huế… đến nay vẫn chưa có nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn. Khi yêu một thành phố mà ta đang sống là bao giờ ta cũng muốn sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho thành phố ấy. Để hiểu và thêm yêu Sài Gòn, công chúng cần có nhiều hơn nữa tác phẩm viết về vùng đất này. Sự “trỗi dậy” của địa danh Sài Gòn trong các tập sách gần đây ít nhiều cho thấy sức hấp dẫn, quyến rũ của một thành phố trẻ Sài Gòn và bản thân Sài Gòn đủ sức tạo cảm hứng cho mọi người.
Nhân đây post mẫu bài sách Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp. Mẫu bìa này cuối cùng đã thay đổi. Một mẫu bài khác. không rõ sách có ra kịp trước ngày tác giả về nghỉ hè ở Mỹ không?
Ngày mai thứ bảy rồi. Một tuần qua chóng vánh quá. Những vòm me vẫn còn nõn xanh lá biếc trên nền trời…
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|