LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.5.2103

 

Đi ăn phở là về nhà, viết  một lèo đến 14 g, nghỉ ăn trưa rồi ngủ. Thức dậy đọc Nhà văn qua hồi ức người thân, đọc bài viết về gia đình Lưu Quang Vũ. Cảm động quá. Phải viết cái gì chăng? Hy vọng sáng mai. 16g bắt đầu dọn dẹp tủ sách.

Trước đây nhà văn Lê Văn Nghĩa tâm sự tếu táo: “Nhà mình nhiều sách, nhưng để tìm một quyển sách, biết chắc chắn có nhưng cách tốt nhất là ra tiệm sách mua ngay quyển sách mới cho đỡ mất thời gian tìm kiếm”. Q nay cũng thế thôi. Trước còn sắp xếp ngăn nắp. Nay chịu chết. Dù nhiều sách nhưng Q vẫn giữ thói quen hay la cà trong các nhà sách cũ, dù chẳng có nhu cầu mua gì nhưng cũng thích ngắm nghía các bìa sách. Loay hoay hết một ngày. Tìm trong sách của mình có quyển sách giáo khoa Le livre unique de Francais in năm 1935 tại Hà Nội. Điều khiến thích thú nhất, dù bài học là chữ Pháp nhưng các tranh vẽ đều là phong cảnh thiên nhiên, con người Việt Nam. Tranh vẽ tuyệt đẹp. Chẳng rõ của họa sĩ nào?

 

don-bien-phong-Co-ba

Nhà báo Lưu Đình Triều (3.2013)

Hôm kia đã email bài cho nhà văn Ngô Thảo, hưởng ứng bài viết cho tập sách đang thực hiện về nhà thơ Thu Bồn. Q thích khi viết câu này: “Với hai thi sĩ nổi tiếng và là niềm tự hào của Quảng Nam, tôi không rõ từ đâu, lâu nay trong lúc trà dư tửu hậu thiên hạ thường bảo rằng mấy câu lục bát nhảm nhí, lảm nhảm rẻ tiền này là của Bùi Giáng “trêu” Thu Bồn, đại loại: “Thu Vân ngồi cạnh Thu Bồn”. Nói như thế, tin như thế là ngốc nghếch và cũng chỉ là suy nghĩ của những kẻ tầm thường khi léng phéng đến với đến thơ, mon men bước gần những thi sĩ chân tài như Bùi Giáng, Thu Bồn...”.

Chiều, lại qua ăn tối với Chị Đẹp. Xem phim truyền hình. Lại nghe hứa hẹn là chiều mai có lẫu mắm. Mai hết detox đấy nhé. Vào facebook thấy Tẹo post tấm hình chụp tại Hội nghị khách hàng Hitachi. Vui. Đã chuẩn bị cho Tẹo một mớ sách đem về Đà Nẵng.

Mấy hôm nay trời cứ mưa lai rai. Thiên hạ bàn nhau nhiều về chuyện dịch sai các tác phẩm văn học nước ngoài, Q rất lưu ý đến phát biểu của dịch giả Trịnh Lữ trong tọa đàm Dịch thuật trong thực tế xuất bản ngày 8.5.2013 tại Hà Nội:  “Thay vì dịch phóng tác và Việt hóa mạnh mẽ như thời gian đầu (dịch cả tên riêng nước ngoài ra tiếng Việt cho người đọc thấy quen thuộc), dịch thuật Việt Nam hiện nay đang làm một việc là mang chất ngoại lai toàn cầu đến với người đọc trong nước, và đó là một cách làm đúng đắn, bởi nó sẽ góp phần làm giàu ngôn ngữ Việt”.

Nhớ ngày trước trước trò chuyện với nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, theo ông với những danh từ riêng thì đừng bao giờ dịch ra theo âm tiếng Việt. Ông nói: “Vấn đề người bản ngữ có đọc dễ hay không thì không nên đặt ra, vì không ai đòi hỏi họ đọc đúng. Vả lại làm sao đọc đúng được tất cả các tên riêng của mấy trăm thứ tiếng?... Đã biết được điều đó, thì tốt nhất là hy sinh cách đọc để ít ra cũng được cách viết. Vả lại vấn đề đặt ra ở đây là “nên viết như thế nào”, chứ không phải là “nên đọc như thế nào”. Tên Reagan mà trước đây các báo phiên là Rigân, nếu có ai cứ đánh vần ra mà đọc “Re - a - gan” chẳng hạn, thì cũng chẳng hại gì hơn. Một đằng không biết phải đọc như thế nào, phải hỏi người khác; một đằng thì nắm chắc 80% là đọc sai - và có lẽ là vĩnh viễn đọc sai - đằng nào hơn?"

Ông Hạo cực giỏi ngoại ngữ. Có lần I kể, do quá nhiều công việc nên vào thời điểm ấy I không muốn nghe bất kỳ một cuộc điện thoại nào của người Việt gọi tới, dù họ nói tiếng Nga hay Việt cũng vậy. Lúc ấy, sang Nga, ông Hạo gọi cho I, nghe máy điện thoại lập tức con gái của I gọi: "Mẹ ơi! Có người nào gọi nè". Đứa trẻ ấy đã được mẹ dặn là hễ người Việt gọi tới thì cứ bảo mẹ đã đi vắng. Nghe gọi nói của ông Hạo, nó chắc bẫm là người Nga!

Chiều nhận được email nhà báo Lưu Đình Triều gửi tấm ảnh mà anh chụp ở đồn biên phóng Cô Ba (Cao Bằng) - minh họa cho loạt bài Bút ký Biên giới phía Bắc post luôn vào nhật ký hôm nay.

Khi viết những dòng này, nhận được email nguyên văn như sau: “Con chào chú Quốc!!, con là sinh viên trường Nhân Văn TP HCM, con đang học môn Lịch sử giáo dục Việt Nam. Trong chương trình con học có phần về "việc học của học sinh thời xưa (phong kiên)  ", chúng con có tìm rất nhiều nguồn tài liệu nói về việc học của học trò ngày xưa, thầy dạy con kêu là về tìm bài viết của chú!!!nhưng tụi con tìm mãi mà không thấy hic.... nên con gửi mail hỏi chú về bài viết này của chú!! (con tìm hết trang web của chú luôn rồi mà không thấy) mong nhận được hồi âm của chú!! Trần Thị Mỹ Hạnh.GDK11. Thân!!!!!!!!!”

Không biết nên cười hay mếu đây?

Ngao ngán thật!

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment