THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LƯƠNG THỊ ÂN (1927 - 5g sáng ngày 12.10.2017)

LƯƠNG THỊ ÂN (1927 - 5g sáng ngày 12.10.2017)

Mục lục
LƯƠNG THỊ ÂN (1927 - 5g sáng ngày 12.10.2017)
LỜI CẢM TẠ SAU TANG LỄ CỤ BÀ LƯƠNG THỊ ÂN
THƠ VIẾT VỀ MẸ
TIỄN MẸ VỀ CÕI VÔ CÙNG
2. TRĂM NĂM NHƯ CHỚP MẮT - MẸ ĐÃ ĐI CHỢ VỀ
Tất cả các trang

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-6ANH_nay

LƯƠNG THỊ ÂN (1927 - 5g sáng ngày 12.10.2017)

tin-buon-ve-me-LUONG-THI-AN(Báo Công An TP. Đà Nẵng ngày 14.10.2017)

THANH-NIEN-CHIA-BUON

Báo Thanh Niên ngày 14.10.2017)

bao-phu-nu-chia-buon

Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 13.10.2017)

tap-cgi-xua-va-nay-tin-buon

Tạp chí Xưa và Nay số tháng 10.2017


TB_4_CAM-TA-LUONG-THI-AN-20-10R

loicam-ta-bao-TTda-in-anh-nay-



 

MẸ

Khi con chim chích chòe hót vang ngọn cau

mẹ thức dậy ngồi bên bếp lửa

mùa đông xô vào cánh cửa

gió lạnh lẽo xẻo buốt xương

những cơn ho đục khoét hết đêm trường

mẹ trơ trọi biết lấy gì chống chọi?

giông bão đi qua

hằn vết nhăn trên trán mẹ già

con thơ dại trèo lên cây bưởi hái hoa

đỏng đảnh bước xuống vườn cà

đâu thấy bóng mẹ run lẩy bẩy

như một tàu chuối khô

cha con đã mỏi mệt bước giang hồ

trang sách đặt trên tay nghĩ ngợi

điếu thuốc lào lập lòe đêm tối

cát bụi cũng quạnh hiu

những đêm mưa ủ dột tiếng chim kêu

mẹ ru hời khắc khoải

mười tám tuổi con xa nhà đi bộ đội

đêm ngủ còn nghe mẹ gọi trong mơ

tiếng súng gầm lên trên trời Danrek

khúc dân ca rách nát

đồng đội con có người đã chết

còn há mồm để được gọi mẹ ơi!

đêm đêm con thắp ngọn sao trời

hỏi gà gáy ven sông

mẹ dậy lúc nào khi trời chưa kịp sáng

bếp lửa nhen lúc nào mà bây giờ còn ấm?

con hỏi chõng tre

từ lúc nào mẹ cựa mình thức trắng?

tưởng tượng một ngày kia

trăng treo trên vòm trời Đà Nẵng rất khuya

mẹ khỏe mạnh giã gạo

hương cau thơm rụng đầy sân nhà ông ngoại

thuở ấy mẹ mới về với cha

mới nghĩ vậy thôi con sung sướng khóc òa

một niềm vui vĩnh cửu...

 

NGÀY MẸ VỀ ĐÀ NẴNG

Lang thang sang Thái Lan

Trở về không gặp mẹ

Căn nhà rộng gấp hai

Con hóa thành đứa trẻ

Đây giường nằm của mẹ

Sợi tóc bạc vẫn còn

Bảy mươi còn xuôi ngược

Cũng vì cháu với con

Chập choạng bóng hoàng hôn

Bếp lửa giờ tắt ngúm

Buổi sáng nắng mai lên

Con mải mê ngủ nướng

Không được nghe từng tiếng

Gọi con dậy đi làm

Bốn mươi còn làm biếng

Mẹ không lời than van

Lang thang sang Thái Lan

Mơ về nhà gặp mẹ

Bây giờ chỉ mình con

Bơ vơ như đứa trẻ


GIẤC NGỦ CỦA MẸ

(Thương tặng Tân và Tiến)

có bao giờ mẹ ta ngủ hồn nhiên

thanh thản nằm trên chõng tre sau bếp?

gió thổi rúc xương cuối mùa mưa rét

mẹ cựa mình thao thức với chiêm bao

 

mẹ ta nhớ nhiều cổ tích với ca dao

dù chữ cắn đôi mẹ không biết đọc

ta chưa thấy mẹ cười, chưa nghe mẹ khóc

gương mặt đăm chiêu ngay lúc ngả lưng nằm

 

ta lớn lên như cá lội biệt tăm

xuôi ngược giữa dòng đời cay nghiệt

có bao giờ mẹ được nằm trên vần thơ ta viết

với những hương hoa phù phiếm ở đời?

 

ta cầm hương hoa vung vãi khắp nơi

cho mối tình đầu, tình sau, tình cuối

thì lúc ấy mẹ ngồi trong bóng tối

tựa cửa một mình chống chọi với mùa đông

 

ta lớn lên thắp triệu ngọn lửa hồng

sưởi ấm trái tim bao tình-nhân-băng-giá

thì lúc ấy mẹ còng lưng quét lá

khi đốt cháy lên không đủ ấm bàn tay

 

đêm mẹ nằm co - ta nhớ cái cò gầy

lặn lội bờ sông, đầu ghềnh, cuối bãi

đêm mẹ nằm nghiêng - ta nhớ dòng suối chảy

lặng lẽ trôi qua giữa náo động ồn ào…

 

bất chợt ta nhìn hai hố mắt mẹ sâu

đã thấy sự lo toan, buồn phiền, mệt mỏi

mẹ chỉ âm thầm và suốt đời lặng lẽ

gương mặt đăm chiêu ngay thảnh thơi nằm

(1988)

 

RU MẸ NGỦ

(Tặng chị Ái)

Mẹ ốm sốt mấy ngày rồi

Con ru mẹ ngủ đứng ngồi ầu ơ

Hiền lành như một trẻ thơ

Mẹ cười móm mém cũng vờ ngủ say

Con ru hạt lúa sum vầy

Trĩu vàng đồng ruộng những ngày ấm no

Hai sương một nắng ốm o

Ầu ơ! Mẹ ngủ để cho khỏe dần

Khẽ thôi tiếng guốc ngoài sân

Mẹ vừa chợp mắt một lần ngủ ngon

Những ngày mẹ ốm là con

Không biết những tiếng cười giòn đi đâu?

 

NHỮNG NGÀY MẸ BỆNH


Có những ngày nắng sớm cũng quạnh hiu

Trời trở gió mẹ lại vào bệnh viện

Làm nũng, làm nư như trẻ nhỏ lên mười

Khuya giường bệnh cần có con bên cạnh


Trái gió trở trời, nóng run, rét lạnh

Mẹ ngỡ như lúc lội ruộng mưa dầm

Thời thiếu nữ qua nhanh hơn chớp mắt

Đã gần chín mươi như lá sắp lìa cành


Viết câu thơ bên giường bệnh mẹ nằm

Chữ nghĩa nhẹ tênh chênh vênh phù phiếm

Thơ ơi thơ có an ủi nhọc nhằn

Vỗ về mẹ - cơn đau đang ùa đến?


Cầm tay mẹ những phút giây chống chếnh

Con lựa lời như dỗ ngọt trẻ thơ:

“Mẹ cố ngủ, cố ăn  mau khỏi bệnh

Mẹ có ngoan - bác sĩ mới cho về”


Phía ngoài trời mưa gió kéo lê thê

Đột ngột chân mây dần dần hửng nắng

Câu thơ con lặng lẽ ước mơ:

“Mẹ về với con” cửa nhà thôi quạnh vắng


Thơ về mẹ là câu thơ im lặng

Tuổi năm mươi - con là trẻ lên mười

Năm tháng của một thời thiếu nữ

Lại quay về với mẹ sắp chín mươi…

(2015) 

THƠ CỦA MẸ

Mẹ đã đi chợ về

Hồng tươi con cá quẫy

Như câu thơ ngũ ngôn

Nhịp nhàng và mềm mại

Kìa bài thơ thất ngôn

Là chùm đào trĩu trái

Tôi cầm đưa môi hôn

Nhớ quê nhà xa ngái

Kìa thơ tình cỏ dại

Là những bó rau xanh

Nằm trên bàn tay mẹ

Lem luốc bụi thị thành

Kìa vần thơ lục bát

Là những ký gạo ngon

Hạt ngọc từ xứ Quảng

Phiêu lạc đến Sài Gòn

Kìa bài thơ tứ tuyệt

Là nước mắm đậm đà

Từng giọt thơm điếc mũi

Sực nhớ lắm quê nhà

Mỗi ngày mẹ đi chợ

Đem về vô số thơ

Qua bài tay nội trợ

Cưu mang con từng giờ

Từng ngày trôi mải miết

Sống trọn vẹn với thơ

Nhưng thơ con bất lực

Dù nuôi mẹ trong mơ

Trăm năm như chớp mắt

Mẹ đã đi chợ về

 

MẸ 
(Trích trường ca Hành trình của con kiến)

mẹ ơi! mỗi sớm mai chạm mặt với bình minh

con lại xòe hai bàn tay trắng

nhìn xuống hai bàn tay trắng

tự nhủ hương của hoa

kết tinh từ cay đắng

không gì vững bền hơn sự cần lao

được làm người lương thiện

không gì thơm tho hơn hoa hồng trong miệng

là ngôn từ chia sẻ yêu thương

là tiếng nói dịu dàng

những miếng ngon vật lạ trên đời

con đã nếm chân trời góc biển

vẫn không ngon hơn một củ khoai lùi

mẹ bóc vỏ mớm cho con ngày thơ ấu

những miếng ăn từ bàn tay mẹ nấu

còn có cả tấm lòng

cả gió rét mùa đông

mẹ tất tả giật gấu vá vai kiếm từng xu ngoài chợ

một đồng lãi gánh mười đồng nợ

ăn mắm mút dòi

dè sẻn chắt chiu

ngay cả lúc cơm sôi

còn có cả giọt mồ hôi

của mẹ

ngay cả khói chiều

bếp lửa reo cũng ấm êm hạnh phúc

làm sao có thể quên?

sống để dạ chết mang theo

làm sao có thể quên một điều giản dị:

“thượng đế nhân từ không có mặt ở khắp mọi nơi

ngài đã sinh ra các bà mẹ”

mẹ là hiện thân của từng giọt lệ

đã vì con mà khóc

vui cũng khóc

buồn phiền cũng khóc

đã vì con gạt đi nước mắt

lao ra giông tố cuộc đời

xòe cánh tay mỏng manh như nắng lụa

chở che con bóng mát dưới vòm trời

may mắn cho ai còn có mẹ

vẫn có em suốt cuộc hành trình

vẫn có những linh hồn thánh thiện

dõi theo ta như sao sáng trên trời


MẸ

Níu giữ anh ở lại với cuộc vui chỉ có thơ ?

Thơ viết viết hoa thì may ra

Chứ thơ viết thường cũng chẳng là gì cả

Nhưng anh là thi sĩ ?

Thi sĩ là ai quái quỷ ở cõi đời

Huống gì anh là kẻ lạc loài

Em ạ,

Níu giữ anh chỉ có thể bằng tiếng hát

Giai điệu dịu êm kỷ niệm thuở trai tơ

Anh lắng nghe với bao tà áo xanh đây mùa thu

Anh thổn thức lòng ta dăm con hạc gầy vút bay

Xòe ra mười ngón tay

Anh vuốt mặt và nghiêng chai xuống rót

Giọt rượu giọt bia giọt ái tình giọt đớn đau phiền muộn

Nốc cạn niềm vui lẫn lộn nỗi buồn

Anh ngồi lại mơ hồ tay vuốt mặt

Rưng rưng chiếc ghế cái mặt bàn ngổn ngang ly chén

Anh ngồi yên nghe từng nhịp đồng hồ

Trên đỉnh trời ngôi sao mọc như thơ

Chẳng là cái quái quỷ gì chỉ còn âm nhạc

Nhưng anh phải về

Chẳng có gì níu kéo anh rời khỏi cơn mê

Ngoài một điều duy nhất

Mẹ

Vâng, mẹ tựa cửa mẹ hiền lành mẹ nhẫn nại như đất

Chờ anh về từ lúc chiều đã khuất...

 

MẸ VÀ QUÊ HƯƠNG

 
Làm sao vẽ được cơn cuồng nộ của bão? Những đêm đen toác hoác cả vòm trời. Nơi đó, có dòng sông điên cuồng nhào xuống đất. Đất hóa thành sông lênh láng ngược lên trời. 

Vẫn có mẹ một mình trong nước xiết. Chân không chạm đất. Mẹ đưa tay níu rách cả bầu trời. Mẹ dìu con lên chiếc ghe nhỏ xíu, chở che con không để nước cuốn trôi.

Vẫn có mẹ đưa hai tay run rẩy, níu lại căn nhà đang bứt móng lướt đi, níu lại cánh đồng đang chìm sâu dưới nước. Bốn ngàn năm nhẫn nại một sử thi. Bốn ngàn năm qua bão cũng điên cuồng như thế. Đất hóa thành sông. Sông lạc cội nguồn. Biển hóa nương dâu qua nhọc nhằn đời mẹ, thành niềm vui rơi xuống giọt lệ buồn.

Sau cơn bão trở về quê vẫn còn có mẹ. Những cây tre vững chãi dựng lên nhà. Những lứa đôi dựng tình yêu mới. Đất nước hoài thai tiếng trẻ khóc oa oa. Trẻ lớn lên cũng bền lòng như mẹ. Chống bão nghìn năm giữ vững cả sơn hà.

Đã nhiều lần con ước mơ được vẽ lại sự cơn điên cuồng của bão. Để dặn lòng gắn bó với quê hương. Trong buổi chiều rơm rạ bóng hoàng hôn. Và con vẽ. Chân dung của cơn bão là giọt nước mắt lặng lẽ. Lăn trên gương mặt già nua của mẹ...

 

(2000)


MẸ VỀ QUÊ CHỒNG

Năm mươi năm làm dâu

Quê chồng xa lăn lắc

Lần đầu tiên đi về

Mẹ mừng rơi nước mắt

Đêm trằn trọc không yên

Ba con giờ đã mất

Sớm mai mẹ lên tàu

Anh con cầm tay dắt

Sông núi dài trước mặt

Bỗng dưng mẹ khóc òa

Lấy chồng mười bảy tuổi

Bảy mươi mới về nhà

Cỏ mọc bờ ruộng xa

Níu bước chân mẹ lại

Ba con bay về trời

Cánh diều xa tít mãi...

Thắp một nén nhang thơm

Trên bàn thờ ông nội

Chao ôi cái kiếp người

Như mây bay gió thổi

Được trở về quê chồng

Mẹ bây giờ mới thấy

Vui buồn thuở đầu tiên

Làm dâu năm mười bảy

Mẹ bần thần đứng lại

Vân vê vạt áo dài

Nhìn xuống đôi guốc mộc

Mòn vẹt gót chân chai...

 

VẪN CÒN CÓ MẸ

(Tặng anh Bùi Nguyễn Kha, Khiêm và Tú)

Không gì bất hạnh hơn khi ta cài trên ngực đóa hồng

để suốt đời nhớ mẹ

dù thế nào ta cũng là đứa trẻ

một đứa trẻ cô đơn

suốt đời cô đơn

khi đã xa vòng tay của mẹ

lời kinh Phật là lời chia sẻ

nén nhang thơm đến tận cõi niết bàn

hương huệ thơm mênh mang

khiến ta buồn muốn khóc

mẹ tảo tần suốt một đời cực nhọc

để nuôi ta hoàn thiện trở thành người

trên đường đi, ta đã gặp hoa tươi

gặp tiếng cười, gặp niềm vui hạnh phúc

là lúc ấy mỗi ngày mẹ bạc tóc

âu lo nhìn theo mỗi bước ta đi

ta lớn lên xa vòng tay của mẹ nhu mì

ta xa những ngày mẹ một mình tựa cửa

ta đâu biết trong từng hơi mẹ thở

vẫn trái tim độ lượng gọi ta về

vẫn ân cần giọng nói

gọi tên ta ngay cả lúc ngủ mê

vẫn từng đêm chờ đợi

đợi ta về...

lúc ta quay về, mẹ đã đi xa

mẹ về hư không, mẹ về mây trắng

ta đã khóc bởi trong lòng trĩu nặng

muốn gọi mẹ ơi nhưng gọi đến bao giờ?

mẹ vẫn về trong mỗi lúc ta mơ

chở che cho ta trong đời thường mệt nhọc

đêm nay uống từng lời kinh Phật

ta ngước lên trời thấy từng giọt mưa rơi

giọt mưa rơi trên môi

mặn như nước mắt

ta đã nhủ lòng ta đừng khóc

sao vẫn còn đau nhói phía trái tim?

xin mẹ ngủ bình yên

trong cuộc đời ta vẫn còn có mẹ

 

TẾT XƯA

Đi vào trong chợ

Tìm lại Tết xưa

Tôi mua sợi nắng

Về đan gió lùa

Mua môi thắm đỏ

Đang tách hạt dưa

Trời giăng mây trắng

Trẻ thơ nô đùa

Níu vạt áo mẹ

Gì cũng đòi mua

Kìa hoa vạn thọ

Củ kiệu cải chua

Phong bì đỏ chói

Thơm lời dạ thưa

Mai lan cúc trúc

Cá quẫy ngộ chưa

Nọ tranh ngũ sắc

Tố nữ hứng dừa

Kìa rau xanh nõn

Cá đồng khế chua

Vui trong ngày Tết

Bánh chưng giao thừa

Bếp ngon lửa ấm

Reo tiếng cười đùa

Í a í ới

Áo mới se sua

Bày chim ríu rít

Gọi nhau sang mùa

Mẹ ơi ngày Tết

Con đã lớn chưa?

Đồng tiền mừng tuổi

Mẹ cầm tay đưa

Làm sao mua được

Những ngày xa xưa?

Mùa xuân năm ấy

Vọng tiếng chuông chùa

Quê nhà thuở nhỏ

Gió lướt sang mùa

Ngày mẹ mười bảy

Con làm sao mua?

(Sáng 29 Tết Bính Thân - 7.2.2016)

 

MẸ TÔI

Có những điều dễ nhớ lại mau quên

Đã cưu mang tôi sung túc ấm êm

Từng sống một thời trong nhung lụa

Có bao giờ biết mơ về về hạt lúa?

Hạt lúa to bằng cả bầu trời

Lại bé tẹo như chân lý mà thôi

Tôi đã lãng quên khi đầy đủ nhất

Hạt lúa giấu mình bình thường như sự thật

Tôi đã nhớ nhung lúc đói rã rời

Hạt lúa hiện về như một con người

Mỗi lúc cầm trên tay hạt lúa

Là tôi nghĩ đến mẹ tôi góa bụa

 

TUỔI THƠ

thuở tôi còn nhỏ xíu

mẹ đầu tắt mặt tối ngoài chợ Cồn

giao tám anh chị em tôi cho chị Bốn

ngày ấy mẹ mới ngoài ba mươi

còn tôi nay hơn bốn chục

vẫn như trẻ con

sực nhớ ngày xưa được chị Bốn ẵm bồng

nay mẹ lưng còng

thay chị Bốn lo toan củi lửa

từng đêm ngồi tựa cửa

đợi tôi về ngật ngưỡng giữa cơn say

suốt một đời chân giẫm lên mây

tìm kiếm những vần thơ vô vọng

một tôi một bóng

lơ tơ mơ dan díu với thơ

đâu biết nhiều đêm khắc khoải giữa cơn mơ

mẹ sực tỉnh

mong trời mau sáng bước nhanh ra chợ

ngõ xưa gập ghềnh chị Bốn mới đôi mươi

đường nay khấp khểnh mẹ đã tám mươi

ngẫm nghĩ vậy thấy buồn trên mí mắt

lăn dài xuống môi...

(2004)

 
LÊ MINH QUỐC


Tiễn mẹ về cõi vô cùng

 

1. Trong trí nhớ của tôi khi nghĩ về mẹ bao giờ cũng là lúc bà cụ đứng bên bếp lửa. Ngọn lửa reo vui, ấy chính là biểu hiện của sự hạnh phúc ấm áp nhất trong mỗi nếp nhà. Hãy nhìn vào trong mắt người mẹ, lúc ấy ta sẽ thấy sự hài lòng, đau đáu trọn vẹn một nỗi niềm vì con, lo toan cho con từ miếng quà tấm bánh. Chỉ thế thôi ư? Không, khi có cháu thì người mẹ nào cũng dành tình thương ấy cho sự tiếp nối qua thế hệ sau.
Tiễn mẹ về cõi vô cùng - Ảnh 1.

Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc và mẹ

Người đàn bà Á Đông, ngay lúc có chồng đã hầu như không còn "hiện diện" nữa, ngay cả tên do cha mẹ đặt cũng gọi theo tên của chồng. Mẹ tôi tên Ân nhưng mãi mãi về sau mọi người chỉ gọi bà Năm Châu. Thậm chí, đến lúc đã vào bệnh viện ở tuổi 90 nhớ nhớ quên quên, khi bác sĩ hỏi tên gì, bà cụ lại buột miệng nói ra tên của chồng. Kỳ lạ quá, phải không? Chẳng phải đâu. "Có chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng răng đen". Mẹ tôi thuộc mẫu "những người muôn năm cũ", khi tôi lớn lên vẫn còn thấy búi tóc, nhuộm răng đen, thích ăn trầu và nhớ nhiều ca dao, tục ngữ. Khi viết tập chuyên luận "Người Quảng Nam", mẹ tôi chính là người đã cung cấp nhiều tài liệu, chi tiết của nếp sinh hoạt của một thời dĩ vãng.

Nhớ về mẹ, tôi nghĩ rằng nhiều người vẫn còn nhớ đến những lúc nôn nóng chờ mẹ đi chợ về. Lúc lớn lên, sẽ khác chăng? Không đâu. Vẫn cứ là sự chờ đợi của một Tình yêu Vĩnh cửu. "Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng/ Con sang chơi nhà bạn, í a/ Con cầm cây đàn con hát/ Con cầm cây đàn con hát/ Hát cho mẹ về với con" (Trịnh Công Sơn). Ca khúc ấy không chỉ dành cho trẻ thơ, dù ở lứa tuổi nào, khi nghĩ về mẹ bao giờ cũng thấy mình bé bỏng. Xa mẹ là thấy nhớ. Mong mẹ về với con. Thích được ngồi bên chân mẹ, được cầm lấy bàn tay mẹ, hỏi han đôi câu và lúc được nghe giọng nói của mẹ lại cảm nhận một sự tin cậy không gì sánh nổi.

2. Ngày còn thơ bé, ai lại không từng níu áo đòi mẹ dẫn đi chợ? Với tôi, đó là kỷ niệm tốt tươi nhất trong ký ức. Suốt một đời không thể nào quên: "Tôi lon ton theo sau/ Mẹ tôi nhanh chân bước/ Có mấy o tiểu thư/ Mời mẹ mua gương lược/ Không ven sông cỏ ướt/ Sao lại gọi Chợ Cồn/ Mời bà con mua "gộ"/ Tiếng rao nghe rất ngon/ Nước mắm Nam Ô thơm/ Khiến tôi thèm điếc mũi".

Và chợ Cồn, thời bé, chỉ nghĩ là nơi mẹ buôn bán mỗi ngày nhưng lúc lớn lên mới thấu rõ tần tảo, nhẫn nại của một người đàn bà quê mùa, chỉ mới thoát nạn mù chữ lại đủ bản lĩnh gầy dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Chỉ từ hai bàn tay mót cá, đòn gánh tre mà dựng lên thương hiệu "Vĩnh Châu" lừng lẫy, bày bán hàng nữ trang thuộc hạng giàu có của một thời. Và cũng từ bản lĩnh ấy, lúc thăng trầm của thời cuộc lại thừa sức nuôi đủ tám con cùng một ông chồng ngồi tù Côn Đảo vì làm "quốc sự".

Có lẽ tôi còn là người may mắn khi được mẹ chung sống suốt năm tháng dài lúc xa quê. Những ngày ấy, tôi đã sống cực kỳ sung sướng khi nhìn thấy: "Mẹ đã đi chợ về/ Hồng tươi con cá quẫy/ Như câu thơ ngũ ngôn/ Nhịp nhàng và mềm mại/ Kìa bài thơ thất ngôn/ Là chùm đào trĩu trái/ Tôi cầm đưa môi hôn/ Nhớ quê nhà xa ngái/ Kìa thơ tình cỏ dại/ Là những bó rau xanh…". Được sống chung với mẹ, dù bất kỳ nơi nào cũng là lúc con người ta được chan hòa với vùng trời hoài niệm của tuổi thơ. Từ giọng nói quê mùa, từ món ăn dã qua bàn tay nội trợ của mẹ, nghĩ cho cùng đó là chất men để tạo dựng lên trong tâm trí mỗi người về tình yêu quê hương xứ sở.

Rồi kỳ diệu thay, khi mẹ đã đến lứa tuổi "xưa nay hiếm" thì sao? Mẹ lại trở thành đứa trẻ là lúc đang bệnh, thích nhõng nhẽo với con: "Cầm tay mẹ những phút giây chống chếnh/ Con lựa lời như dỗ ngọt trẻ thơ/ "Mẹ cố ngủ, cố ăn mau khỏi bệnh/ Mẹ có ngoan - bác sĩ mới cho về". Ngày xưa mẹ dỗ con, bây giờ con dỗ mẹ. Có tình cảm nào ở trên đời diệu vợi đến thế không?

3. Thời còn trẻ, trong mắt mẹ thì ông ngoại chính là "ông trời", lúc về già thay thế vai trò ấy lại chính là con. Con muốn là trời muốn. Đã lo cho con, vì con thì không người mẹ nào từ chối điều gì, dẫu khó khăn nhất. Còn nhớ, vào thập niên 1980, trước lúc chuyển quân lên đường 19B để sang biên giới trong cuộc chiến Tây Nam, tôi viết thư về nhà, đại khái, thèm nước mắm nhĩ Nam Ô quá chừng chừng. Chỉ là viết như một lời tâm tình cùng mẹ. Thật bất ngờ, ít lâu sau, từ Đà Nẵng mẹ tôi vừa đi tàu lửa vừa quá giang xe đò chạy bằng than đốt, kể cả nhờ xe công nông để đến tận doanh trại bộ đội. Cả đơn vị ai nấy đều kinh ngạc, không thể tưởng tượng nổi tại sao mẹ tôi có thể tìm đến tận nơi khi mà thời buổi thông tin liên lạc không dễ dàng, đường sá cách trở, ầm ì tiếng súng. Chuyến đi ấy, ngoài việc nhìn thấy mặt con, hỏi han đôi câu, mẹ tôi còn đem theo cho con vài chai nước mắm.

Có lẽ từ ân tình sâu nặng ấy, thật lạ, bao giờ trở về Đà Nẵng, ngay từ lúc bước xuống sân bay tôi đã ngửi thấy trong gió mùi biển mặn, mùi nước mắm ngon thấm tê đầu lưỡi từ những ngày còn hành quân đi qua trận mạc của năm tháng thanh xuân...

4. Có những kỷ niệm thoáng qua, tưởng nhẹ hều nhưng lại là dấu vết không phai, không bao giờ phai trong ký ức. Đó chính là lúc con người ta đã mất mẹ. Vĩnh viễn không bao giờ còn được gặp mẹ ở cõi đời này nữa. Khi chạm lấy quê nhà, với tôi bao giờ cũng là lúc: "Tôi về ngoảnh lại Nghìn Sau/ Thấy lau sậy trắng bể dâu luân hồi/ Bỗng nhiên tôi gặp lại tôi/ Từ lòng mẹ bước Vào Đời an nhiên". Bây giờ mẹ đã về cõi khác. Một cõi Vô Cùng. Không bao giờ còn được gặp mẹ. Cảm giác ấy còn hay mất? Chắc chắn là còn, dù bây giờ đã không còn được như thuở níu áo đòi mẹ dẫn đi chợ nữa.

Thuở ấy chỉ cần mẹ cho đồng tiền là mua được tất. Bây giờ lại không thể. Vâng, không thể: "Quê nhà thuở nhỏ/ Gió lướt sang mùa/ Ngày mẹ mười bảy/ Con làm sao mua?". Đã không thể mua được thuở xuân sắc mẹ mới về với ba, vì thế, trong ngày mất mẹ, anh em tôi đã nghĩ đến câu "Xin miễn chấp điếu" là vậy. Mẹ chào đời bằng hai bàn tay trắng, đã tròn 90 nhắm mắt xuôi tay vẫn hai bàn tay trắng. Nhẹ nhàng và siêu thoát. Không còn gì vướng víu với cõi trần này nữa.

Đã không, không thể được nhìn gương mặt, được nghe giọng nói của mẹ nữa, tôi biết nhiều người đã có một đêm thức trắng nằm bên cỗ quan của mẹ. Vĩnh viễn sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy bóng dáng của mẹ một lần nữa. Chỉ nghĩ thế, đã ứa nước mắt. Và tôi ngồi yên lặng, nằm bên mẹ một lần, chỉ một lần cuối cùng: "Nghe tiếng lòng rất khẽ/ tiếng kinh cầu tiễn bước mẹ đi/ thắp nén nhang trầm âm thầm nước mắt/ thấy trên trời một vầng sáng bay đi/ mẹ đi qua đời con vĩnh viễn/ vẫn vẹn nguyên dấu nhớ lại quay về…".

(Đà Nẵng, ngày 12-10-2017)
LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Người lao động ngày chủ nhật 16.10.2017)


.

medadi-cho-ve-bao-PN

TRĂM NĂM NHƯ CHỚP MẮT - MẸ ĐÃ ĐI CHỢ VỀ

 

1.

“Mẹ dậy từ sáng tinh sương Mưa rơi nặng hạt con thương vô cùng/ Trong chăn con nghĩ mông lung/ Mai sau xa cách vẫy vùng với ai/ Mẹ tìm về chốn thiên thai/ Quy y đức Phật trên đài hoa sen”. Đó là những câu thơ tôi đã viết về mẹ từ năm còn học lớp 8 tại Đà Nẵng. Và bây giờ, điều đó đã dến. Một sự thật hiễn nhiên, không một ai có thể cưỡng lại, phải chấp nhận và mỉm cười xuôi tay nhắm mắt. Cuộc chia tay rời xa Cõi Tạm bao giờ cũng gieo trong tâm thức người ở lại nhiều nỗi ngậm ngùi, bùi ngùi và giọt nước mắt. Phải chấp nhận và không bao giờ có thể sống trong tháng ngày của niềm vui và hy vọng: “Phía ngoài trời mưa gió kéo lê thê/ Đột ngột chân mây dần dần hửng nắng/ Câu thơ con lặng lẽ ước mơ:/ “Mẹ về với con” cửa nhà thôi quạnh vắng/ Thơ về mẹ là câu thơ im lặng/ Tuổi năm mươi - con là trẻ lên mười/ Năm tháng của một thời thiếu nữ/ Lại quay về với mẹ sắp chín mươi…”.

Với mẹ tôi, có thể rẳng ngay giây phút này, tôi không nghĩ đến bất kỳ một sự bi thảm, buồn bã nào cả. Trong quan niệm quan hôn tang tế của Việt: “Trẻ làm ma, già làm hội”. Một khi đã sống tròn 90 năm trên trần thế, sự ra đi cuối cùng ấy cũng là một ngày hội, chói lòa Ánh sáng chứ sao?  Tôi nghĩ đến im lặng của Âm Dương cách biệt lúc người đi kẻ ở là sự đưa tiễn sen hồng, huệ trắng, tình yêu thương, tiếng kinh cầu và nhẹ nhàng siêu thoát.

Trong cuộc đời, bất kỳ ai cũng chứng kiến một/ nhiều cuộc chia ly, không bao giờ còn gặp lại người ấy nữa. Thế nhưng một khi mất mẹ lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đã từng có lúc nghĩ rằng, một khi mất cha/mẹ là lúc con người ta mới thật sự chia lìa vĩnh viễn với cội nguồn của sự hình thành, tạo dựng nên thân xác, hình hài của chính họ. Sự ràng buộc căn bản nhất, then chốt nhất đã không còn, dù rằng có anh có em, cô dì chú bác nhưng cũng chỉ là yếu tố cần chứ chưa phải là đủ. Bấy giờ, con người ta chính thức lẻ loi, đơn độc trong cõi hỗn mang của trời đất, của vũ trụ, của cõi nhân sinh.

Mãi mãi, không bao giờ họ còn được sống trong cảm giác: “Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân/ mấy kẻ đi qua/ mấy người dừng lại?/ sao mẹ già ở cách xa đến vậy/ trái tim âu lo đã giục giã đi tìm” (Đỗ Trung Quân). Ấy là sự linh cảm của tình mẫu tử mà không một sự huyền bí nào có thể sánh nổi. Đơn giản chỉ vì rằng, tình cảm mẹ dành cho con là một lẽ tự nhiên. Sự tự nhiên ấy, làm sao có thể lý giải nếu điểm xuất phát không là tình máu mủ từ ruột thịt do chính người mẹ sinh ra?

2.

Những năm tháng cuối đời, mẹ tôi chung sống với tôi. Và thật kỳ lạ, một khi đứa con chưa lập gia đình, trong mắt người mẹ chỉ là một đứa trẻ lớn xác. Bao giờ cũng là câu hỏi ân cần mà tôi đã từng nghe hơn 50 trước: “Con thích ăn gì mẹ nấu?”. Các bà mẹ thường lấy sự con ăn ngon, ngủ yên là hài lòng, an vui. Sống với mẹ thích quá đi chứ? Chưa chắc, có những lúc tâm hồn tả tơi gai nhọn, tình phụ đớn đau, tương tư chết ngất những muốn ngủ vùi cho quên ngày tháng. Nhưng rồi mỗi một ngày, mẹ vẫn mâm cơm dọn sẵn và ngóng đợi con về nhà, thì làm sao có thể: “Sầu tình cơm chẳng muốn ăn/ Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm”?

Sống chung với mẹ còn là niềm cảm hứng để nghĩ về tình mẫu tử. Nếu không chứng kiến những lúc mẹ nằm bệnh, làm sao nhà thơ Trần Đăng Khoa có thể viết được câu thơ thật cảm động: “Cả đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”? Tôi đã trải qua giây phút ấy, bây giờ, lúc này mãi mãi không còn gặp lại nữa: “Mẹ ốm sốt mấy ngày rồi/ Con ru mẹ ngủ đứng ngồi ầu ơ/ Hiền lành như một trẻ thơ/ Mẹ cười móm mém cũng vờ ngủ say”; và “Những ngày mẹ ốm là con/ Không biết những tiếng cười giòn đi đâu?”. Sẽ không  bao giờ còn có cơ hội để hỏi thêm lần nào nữa, dù chỉ là trong giấc chiêm bao.

Mẹ mất, chúng ta sẽ mãi mãi sẽ không bao giờ có dịp được hạnh phút, vỡ òa nỗi sung sướng, hạnh phúc diệu kỳ như nhà thơ Kiên Giang đã nói hộ nhiều người là lúc được Ngủ bên chân mẹ: “Con ngỡ trở về thời bú mớm/ Nghe bên thềm vẳng tiếng ầu ơ”. Nhớ lắm những ngày chưa xa  ấy nhưng làm sao có thể ngược trở về quá khứ. Quay về với thời gian chăm sóc cho mẹ : “Có những ngày nắng sớm cũng quạnh hiu/ Trời trở gió mẹ lại vào bệnh viện/ Làm nũng, làm nư như trẻ nhỏ lên mười/ Khuya giường bệnh cần có con bên cạnh/ Trái gió trở trời, nóng run, rét lạnh/ Mẹ ngỡ như lúc lội ruộng mưa dầm/ Thời thiếu nữ qua nhanh hơn chớp mắt/ Đã gần chín mươi như lá sắp lìa cành/ Viết câu thơ bên giường bệnh mẹ nằm/ Chữ nghĩa nhẹ tênh chênh vênh phù phiếm/ Thơ ơi thơ có an ủi nhọc nhằn/ Vỗ về mẹ - cơn đau đang ùa đến?”.

Trong đời mình, có lẽ một trong những điều nuối tiếc nhất là mẹ tôi không biết chữ. Thời kháng chiến chín năm, mẹ tôi chỉ mới xóa nạn mù chữ, chỉ mới biết đọc i tờ, thế nhưng cũng như mọi bà mẹ đảm đang khác, mẹ tôi tính rợ cực giỏi, chỉ một loáng nhẫm trong đầu là đâu ra đó, máy tính cỡ hiện đại nhất cũng chào thua. Nếu không thế, làm sao từ một người buôn gánh bán bưng ở chợ Hàn, sau hồi cư năm 1954 đã là chủ tiệm vàng lững lẫy nhất một thời ở chợ Cồn với tên gọi “Vĩnh Châu”?

Tôi đã viết hàng chục quyển sách nhưng mẹ tôi không thể biết tôi đã viết những gì. Nhưng chắc chắn một điều, hễ các bà bạn già ghé chơi nhà bao giờ bà cũng  khoe tôi “hay chữ”. Thế nào là hay chữ? Tôi không rõ lắm. Dù công việc của con ngày qua ngày chỉ nhì nhằng viết lách, chỉ là những con chữ, xác chữ phơi trên bàn phím thế nhưng trong mắt người mẹ lại là một điều gì ghê gớm lắm. Lúc con ngồi làm việc, bà chỉ dám quan sát từ phía sau, đi đứng khẽ khàng, không gây tiếng động.

Do đó, những gì đã viết, đã vẽ dù chỉ là giấy nháp, vứt bỏ đi nhưng bà mẹ vẫn nhặt lấy, sắp xếp cẩn thận, đơn giản chì vì có bút tích của con. Chắc chắc mẹ tôi là một độc giả trung thành nhất, hễ lúc đem sách mới xuất bản về nhà, dù con không nói gì nhưng bà cũng biết, lại thể hiện sự sung sướng ra mặt.

3.

Tôi về Đà Nẵng là trở về với ngôi nhà của năm tháng tuổi thơ: “Thấy từ ký ức rạ rơm/ Những ngày đi học rập rờn nắng mưa/ Vòng tay ngoan ngoãn dạ thưa/ Vẫn còn ba mẹ đón đưa ân cần/ Nền nhà còn đó dấu chân/ Tường nhà vọng tiếng tình thân của đời”. Bây giờ và lúc này đã khác. Không bao giờ còn được nằm bên chân mẹ, không bao giờ còn nhìn thấy ánh mắt đau náu niềm thương yêu vô bờ bến, nhất là khi đứa con ấy chưa trưởng thành, vẫn lẻ loi ở cõi mưa nắng trần gian.

“Lúc ta quay về, mẹ đã đi xa/ mẹ về hư không, mẹ về mây trắng/ ta đã khóc bởi trong lòng trĩu nặng/ muốn gọi mẹ ơi nhưng gọi đến bao giờ?/ mẹ vẫn về trong mỗi lúc ta mơ/ chở che cho ta trong đời thường mệt nhọc/ đêm nay uống từng lời kinh Phật/ ta ngước lên trời thấy từng giọt mưa rơi/ giọt mưa rơi trên môi/ mặn như nước mắt/ ta đã nhủ lòng ta đừng khóc/ sao vẫn còn đau nhói phía trái tim?/ xin mẹ ngủ bình yên/ trong cuộc đời ta vẫn còn có mẹ”.

Niềm vui vĩnh cữu ấy, những ai đang còn có mẹ xin hãy giữ gìn và nâng niu như một hành trang trong cõi nhân sinh này. Rồi đến một lúc nào đó, chính mình cũng sẽ là một sự nối tiếp. Trăm năm như chớp mắt/ Mẹ đã đi chợ về”. Và sung sướng thay, hạnh phúc thay, đó cũng chính là lúc ta cùng mẹ, cả hai mẹ con cùng “đã đi chợ về”. Đã rời khỏi chợ/ cõi chợ đời - nói như triết gia Hermann Hesse: “Dù đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này” nhưng một khi trần gian đã chối bỏ thì cũng gì phải sợ hãi bởi lẽ trên hành tình hư vô ấy mỗi chúng ta vẫn còn có mẹ.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 13.10.2017)


Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com