LỜI NÓI ĐẦU
Nếu không cộng tác với báo Tuổi Trẻ cười, tôi đã không có cơ hội thử sức với thể loại trào phúng, châm biếm. Năm 1996, từ những gì đã viết, đã sưu tập, ghi chép ròng rã tronng nhiều năm liền, tôi đã in tập sách Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam (NXB Trẻ). Tập sách này đã tái bản nhiều lần.
Không dừng lại đó, sau tiểu thuyết hoạt kê Đời, thế mà vui (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2014), tôi quay trở lại với các tiểu phẩm hài hước, châm biếm và viết theo yêu cầu của báo Tuổi Trẻ Cười.
Tập sách Số đỏ Lý Toét Xuân Tóc Đỏ tân kỳ dị truyện, nay NXB Trẻ ấn hành, bạn đọc có thể nhận ra dấu vết của chủ đề báo Tuổi Trẻ Cười đã thực hiện trong những năm qua.
Thể loại này, theo tôi, còn khó ở chỗ, ngoài việc tìm kiếm chất liệu từ cuộc sống, người viết còn phải dày công xây dựng thành những tình tiết mà khi thời sự đã đi qua, tiểu phẩm ấy vẫn "đứng" được trong lòng bạn đọc.
Thử thách ấy, liệu chừng tôi có thể vượt qua nổi không? Câu trả lời xin dành cho bạn đọc.
Tuy nhiên, có một điều xin thưa, không phải ngẫu nhiên, khi viết tiểu phẩm châm biếm, tôi đã sử dụng lại tên các nhân vật trứ danh đã nổi tiếng trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Bởi vì rằng, lâu nay, khi cần nói điều gì đó, chúng ta thường mượn lấy điển tích Trung Hoa mà quên rằng, nước Việt ta cũng có những câu chuyện, nhân vật tiêu biểu, khái quát, sâu sắc không thua kém gì.
Cần gì phải vây mượn “Đa nghi như Tào Táo”, “Bá Nha - Tử Kỳ”, “Xấu như Chung Vô Diệm” v.v… Những nhân vật, sự việc như “Quả cam Trần Quốc Toản”, “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, “Thần tốc như Quang Trung”, “Sợ vợ như Thúc Sinh”, “Số đỏ như Xuân Tóc Đỏ”, “Oẳn tà rroằn”, “Hiền như cô Tấm”, “Tình bạn Lưu Bình - Dương Lễ”, “Nồi cơm Thạch Sanh”, “Oan Thị Kính”, “Quả dưa An Tiêm”, “Ăn vạ như Chí Phèo”, “Xấu như Thị Nở”, “Cọc nhọn Bạch Đằng”, “Bi kịch Kép Tư Bền” v.v… tại sao không xây dựng thành điển tích, điển cố của người Việt?
Văn hào Lỗ Tấn bảo: “Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường đó thôi”. Trộm nghĩ, nếu muốn xây dựng điển tích, điển cố của người Việt, trước hết cần đọc kỹ bộ Đại Việt sử ký toàn thư và các tác phẩm văn học, chính luận từ thời dựng nước đến giữ nước, lấy đó làm căn bản thì có thể thu thập được nhiều sử liệu, văn liệu rất quan trọng.
Riêng tôi, khi viết tiểu phẩm, truyện ngắn trào phúng, hài hước cụ thể ở tập Số đỏ Lý Toét Xuân Tóc Đỏ tân kỳ dị truyện, tôi cố tình mượn tên các nhân vật trong dòng văn học hiện thực phê phán, nhân vật trào phúng trong dân gian Việt Nam cũng nhằm thực hiện ý đồ trên, ít ra cũng là một cách nhắc đi, nhắc lại những nhân vật điển hình đó với bạn đọc hôm nay.
Với cách làm này, tôi mạo muội nghĩ rằng, một khi các nhà văn tiền bối như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Ngô Tất Tố… đã xây dựng thành công những nhân vật làm rạng rỡ cho cả một nền văn học không chỉ của một thời; một khi nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã “khai sinh” ra Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh v.v..; vậy, sự kế thừa, nối tiếp đưa các nhân vật ấy “sống lại” trong thời buổi này, cũng là một cách phổ cập nhiều hơn nữa với thế hệ trẻ.
Những ước mơ rằng, những nhân vật này đi vào đời sống, và một khi ngày càng quen thuộc hơn nữa, hễ một khi cần ví von, cần khái quát về một tính cách, diện mạo nào đó, ta có thể vận dụng đến, chứ không cần phải vây mượn từ điển tích, điển cố của nước ngoài.
Tất nhiên, công việc này đòi hỏi công sức của nhiều người, chứ không một cá nhân nào có thể. Tôi chỉ là cậu học trò nhỏ của các nhà văn thế hệ trước, xin được cùng nhân vật của họ tiếp tục nối gót con đường trào phúng, châm biếm mà họ đã đi qua và để lại nhiều dấu ấn rực rỡ.
Lê Minh Quốc
(2017)
Ghi chú:
Sách dày 284 trang, khổ 15x20cm, giá bán 75.000 đồng.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|