THAY LỜI GIỚI THIỆU
Mẹ ơi, ngày ấy nay đâu?
Cuốn sách Mẹ đã đi chợ về của nhà thơ Lê Minh Quốc viết về 4 người thân ruột thịt đã mất: cha, mẹ, anh và chị. Tình cảm của tác giả trải dài theo những dòng ký ức vẫn tươi nguyên tưởng như sờ thấy được. Đây là cuốn sách viết về gia đình của Lê Minh Quốc nhưng thông qua đó đã khái quát lên “nếp nhà” chung của người Việt từng được diễn đạt qua văn chương xưa nay.
Lê Minh Quốc dành nhiều trang viết về mẹ nhất, bởi tất cả chúng ta không ai gần gũi và thương yêu ta hơn mẹ của mình. Mẹ của anh dành cả đời để chăm lo cho chồng con và bà luôn dành tình cảm đặc biệt riêng cho người con thiệt thòi nhất trong gia đình. Người thiệt thòi đó là Lê Minh Quốc khi mới 18 tuổi đã đi bộ đội sang tận đất Campuchia đối mặt với cái chết; tình duyên luôn lận đận với mấy bận lập gia đình đều không có quả ngọt đến gần 60 tuổi vẫn độc thân…
Những ai từng ghé thăm nhà của Lê Minh Quốc trong một hẻm nhỏ ở Sài Gòn sẽ gặp bà cụ bỏ Đà Nẵng vào chăm con. Anh mãi là đứa trẻ trong mắt bà. Với tất cả những đứa con dù lớn tuổi, thành đạt thế nào dưới gầm trời này cũng đều là trẻ thơ trong mắt những người mẹ. Mẹ đã đi chợ về còn nhắc đến những bà mẹ rất đỗi bình thường nhưng rất ấn tượng của bạn bè anh.
Viết về mẹ bao nhiêu trang sách, bao nhiêu bài thơ là đủ? Xin thưa là không đủ khi mẹ vắng đi trên cõi đời này! Đọc Mẹ đã đi chợ về thỉnh thoảng thấy Lê Minh Quốc hốt hoảng kêu lên: “Mẹ ơi, ngày ấy nay đâu?”. Khi về Đà Nẵng thọ tang mẹ xong trở lại Sài Gòn, bạn bè gặp Quốc chia buồn. Nhà thơ Phạm Hồng Danh, nhận xét: “Trông Quốc già hẳn”. Đúng là anh già thật chỉ sau mấy hôm cụ bà vĩnh viễn ra đi.
Lê Minh Quốc thừa nhận viết về cha rất khó, bởi cha anh rất tiết kiệm nụ cười, nghiêm khắc khó gần. Nhưng đọc Mẹ đã đi chợ về khi cha của anh đã không còn nữa, mới thấy ông là người rất thương con theo kiểu của ông. Cả tuổi thơ của Quốc không biết quê nội là gì vì cha anh quê ở Ninh Bình đi bộ đội Nam tiến và ở lập nghiệp lại Đà Nẵng. Ông dạy con theo cách riêng để sau này mỗi lần vấp ngã Lê Minh Quốc gọi thầm: “Ba ơi!” và nhớ lại những điều ông dạy như một chỗ dựa tinh thần.
Quốc là người sợ nước, trong một lần đi biển ông hất anh xuống biển để vượt qua nỗi sợ mà tập bơi. Chính hành động này của ông đã giúp anh thoát chết khi bơi vượt sông ở chiến trường K. Và cũng chính nhờ tủ sách của người cha, do lén đọc từ tấm bé đã hình thành một người viết trong Lê Minh Quốc sau này.
Người anh của Quốc, anh Lê Minh Tâm bị liệt hai chân từ nhỏ nhưng cả đời sống rất lạc quan. Ngay cả lúc cuối đời sống chung với bệnh ung thư, anh Tâm cũng rất lạc quan. Khi chương trình Môtô học bổng của nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền sáng lập phối hợp với Quỹ Cơm có thịt tặng quà cho một xã nghèo ở tỉnh Điện Biên, anh Tâm cũng chống gạy đi theo rất hồ hởi, nhiệt tình.
Anh Lê Minh Tâm cũng là người làm cầu nối, rồi trực tiếp vào bệnh viện chăm sóc cháu Hồ Thị Dôm, người dân tộc thiểu số ở một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Cháu Dôm bị lửa thiêu cháy một chân do cha mẹ đi làm rẫy để cháu ở nhà vấp ngã vào bếp lửa. Dôm đi học bằng cách nhảy lò cò trên một chân còn lại. Anh Tâm đã liên lạc với Môtô học bổng tìm cách giúp cháu. Và khi cháu Dôm được tài trợ phẫu thuật, anh Tâm đã vào bệnh viện chăm sóc cháu cho đến khi hai chân của Dôm chạm đất như nhau. Anh ra đi để lại bao nhiêu niềm thương tiếc…
Chị Ái của Lê Minh Quốc là người chị thương yêu gia đình, nhất là với những người anh em của mình. Ở nhiều làng quê Việt một thời, người ta cho rằng: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Sinh được con gái kể như là nhờ vả được rất nhiều trong công việc hàng ngày. Nhiều người chị gái hy sinh tất cả vì đàn em của mình, có người mù chữ vì phải ở nhà giữ em cho cha mẹ làm việc thay vì đến trường đi học.
Chị Ái của Quốc luôn quan tâm đến ông em lớn tuổi nhưng cứ lông bông trong tình duyên. Một lần gần Tết khi mẹ Quốc còn đang ở Sài Gòn, tại quê nhà Đà Nẵng, chị Ái đã “lệnh” cho Quốc phải chuẩn bị thăm hỏi nhà một người nữ mà Quốc muốn cưới làm vợ. Khi cha không còn, mẹ ở xa thì người chị thay thế cha mẹ lo việc vợ con cho Quốc. Quốc còn chần chừ, chị Ái đập tay xuống giường buộc Quốc phải thực hiện ngay. Quốc nói: “Có phải chị không chị?” vì thấy tính cách của chị sao giống mẹ mình quá.
Mẹ đã đi chợ về cho thấy mối liên hệ ruột thịt trong một gia đình, những đứa con được sinh ra một nửa của cha hòa với một nửa của mẹ. Tính cách của chị Ái, của anh Tâm cũng phần nào phản ánh tính cách của Quốc, của em Quốc tạo thành một “nếp nhà” sinh sôi đến mãi đời con cháu… Sợi dây liên hệ ấy còn thuộc về tâm linh không thể nào lý giải.
Đọc Mẹ đã đi chợ về không còn là câu chuyện của riêng một gia đình, Lê Minh Quốc đã khái quát được tình cảm chung của các “nếp nhà” người Việt trong tình thương yêu ruột thịt. Tập sách này còn như một hồi ký của Lê Minh Quốc về xứ Quảng một thời mà gia đình của anh làm “hạt nhân” của câu chuyện.
Có nhiều chi tiết thú vị trong Mẹ đã đi chợ về, chẳng hạn Lê Minh Quốc “tiết lộ” viết sách không vì chữ “danh”, anh viết vì muốn khoe với cha mẹ mình. Nhưng tất cả những cuốn sách của Quốc đều chưa từng đến được tay cha, còn mẹ anh thì không đọc vì cụ bà mù chữ. Chi tiết này cho thấy Quốc quá cô đơn giữa cõi trần gian. Trong một bài thơ viết từ năm 1996, anh đã thốt lên:
Anh chị em xa cách
Có chia sẻ được gì?
Dăm ba lượt cưới vợ
Một đôi lần chia ly
Trên đường dài tôi đi
Biết chọn ai làm bạn?
Chỉ trang sách chung tình
Vẫn lung linh ánh sáng
Mỗi lúc chiều chạng vạng
Một tôi trong một nhà
Cầu mong người tri kỷ
Từ trang sách bước ra
Không đâu, ngày xưa đó, anh vẫn có tri tri đấy chứ? Đó là mẹ. Nay bà cụ đã mất. Tiếng kêu ấy càng buồn. Và bây giờ, quả thật, anh đang sống trong tâm thế:
Cầu mong khi vấp ngã
Cũng gượng đứng được lên
Một ngày sao dài quá
Bao giờ mới hết đêm?
Vâng đó là khi Lê Minh Quốc vẫn chưa vợ con dù đôi lần kết hôn, người ruột thịt ngày càng vắng dần và lúc còn sống thì cha mẹ cũng không chia sẻ được điều Quốc viết. Có còn chăng một sự hốt hoảng về những gì đã qua như anh đang kêu lên: “Mẹ ơi, ngày ấy nay đâu?”.
Nhà thơ Trần Hoàng Nhân
LỜI BẠT
CHUNG MỘT GƯƠNG MẶT CUỘC ĐỜI
Ai mà chẳng có Mẹ. Nhưng Tình yêu của Quốc dành cho Mẹ là một tình cảm vô cùng thiêng liêng, vô cùng đặc biệt. Những trang văn, nhũng bài thơ đằm thắm về mẹ và người thân trong nhà đã khuất, nếu không có một tình yêu mãnh liệt, một xúc động tràn bờ thì khó có thể tạo nên viết bền bĩ, dai dẳng như thế.
Vì hoàn cảnh chiến tranh, Quốc ít nhớ quê nội. Vì hoàn cảnh chiến tranh, ký ức về Ba là những cảnh bắt bớ, tù đày, là tiếng xiềng xích, là những bài học nghiêm khắc… May mắn làm sao, Quốc còn có quê ngoại, còn có Đà Nẵng, còn có anh chị em, còn có Mẹ… Tất cả như bàn tay ấm áp, xoa dịu những vết thương thời thơ ấu. Tất cả như bàn tay ấm áp, nuôi dưỡng cảm xúc thi ca từ thời thơ ấu.
Những ký ức đó như dòng sông đầy phù sa, nuôi dưỡng tâm hồn Quốc những lúc xa quê hương. Cho đến tận bây giờ và mãi về sau, những ký ức đó trở thành niềm an ủi của Quốc. Nhìn vào danh mục những tác phẩm của Quốc, bạn đọc phần nào cảm nhận điều này.
Hình ảnh quê hương, cuộc đời của những đấng sinh thành đã tặng cho Quốc nghị lực lớn lao. Một chàng trai thư sinh, chưa tốt nghiệp phổ thông, đi bộ đội, vào chiến trường. Sau 5 năm, trở về. Tay trắng. Lại lẽo đẽo đi học bổ túc văn hóa. Để thi đại học. Để vào Sài Gòn lập nghiệp. Tự mình làm nên tên tuổi của mình. Báo hiếu cho Mẹ. Đón Mẹ vô Sài Gòn.
Nhớ thuở xưa, đời Thanh, nhà thơ Mạnh Giao (751-814), lúc nhỏ, được mẹ chăm sóc tận tình. Ngoài 50 mới thành đạt. Đón mẹ đến nơi mình làm việc, ông viết bài thơ “Nghênh mẫu Lật Dương tác”: “Từ mẫu thủ trung tuyến/ Du tử thân thượng y/ Lâm hành mật mật phùng/ Ý khủng trì quy y/ Thùy ngôn thốn thảo tâm/ Báo đắc tam xuân huy?”. Dịch nghĩa: “Sợi chỉ trong tay mẹ hiền/ Nay đang ở trên áo đứa con đi xa/ Khi con sắp lên đường, mẹ khâu thật kỹ/ Sợ rằng con sẽ lâu không về/ Tấm lòng của con như ngọn cỏ/ Làm sao đền đáp nổi ánh nắng ba tháng xuân?”.
Những ngày ở chiến trường K, Quốc thường viết thư gửi về ngôi nhà 56 Triệu Nữ Vương, Đà Nẵng. Mẹ Quốc cùng ngôi nhà ấy từng đón rất nhiều đồng đội của Quốc về phép, ghé qua. Nhưng Mẹ Quốc, là người, như nhà thơ Thanh Thảo, từng viết về Mẹ của mình: “Cả đời Mẹ chưa từng viết một phong thư/ Dù chỉ dăm ba chữ”. Nhưng có hề chi. Nói như Lâm Ngữ Đường, đọc sách có chữ chỉ là người đọc bình thường. Đọc sách không có chữ, mới là người tài. Đó là cuốn sách đời.
Trong cuốn sách đời ấy, từ ngôi nhà Quốc đã ở thời bé, tôi đã gặp cách thành viên trong nhà và thân thiết tình cảm anh em. Các anh, chị, em, ba mẹ của Quốc dù đã gặp mặt, dù chưa nhưng một khi nghĩ về mẹ Quốc, nghĩ đến các bà mẹ tần tảo nuôi con, đã sống vì con, tôi lại thấy gần gũi, thân mật.
Tôi cứ hình dung, cảnh mẹ Quốc, ngồi nghe đồng đội kể chuyện con mình; hay cảnh mẹ Quốc, ngồi nghe đứa cháu đọc thư Quốc. Những bức tranh này, sẽ rất đẹp, rất hạnh phúc. Bởi ngôi nhà đó, nếu không có Mẹ Quốc, như con đại bàng xòe cánh gìn giữ, hôm nay đã khác rất nhiều. Ngôi nhà ấy là địa chỉ của ký ức. Và Mẹ là người bảo vệ ký ức cho anh em Quốc mà Quốc đã là người thể hiện lại điều đó qua tập sách Mẹ đã đi chợ về.
Trong đời, ai chẳng có một lần reo lên tiếng ấy! Tiếng reo của niềm vui. Tiếng reo thời thơ dại. Nghe tiếng reo ấy, người mẹ cũng vui, các con càng vui. Càng có tuổi, chúng ta càng ước ao được reo lên tiếng ấy. Bởi trước Người Mẹ, mỗi chúng ta, dù là “ông trời” cũng chỉ là một đứa con nhỏ.
Khi chọn câu thơ: Như nắm mùa đông hơ ngọn lửa/ Cho tuyết đầu non chảy máu ra” (Hoàng Trúc Ly), Quốc tự hỏi: “nghĩ gì?”. Tôi nghĩ, tình cảm thiêng liêng máu mủ dù đã xa khuất, đã chìm đi trong bận rộn, xuôi ngược thường ngày, có lúc tưởng chừng nguôi ngoai nhưng đâu phải thế. Mùa đông lạnh lẽo, tuyết trắng vô hồn luôn gợi lên sự buồn bã, lãng quên, vậy mà bằng tình cảm da diết yêu thương một khi nhớ về cội nguồn, về ba mẹ anh chị đã mất, con người ta vẫn tìm thấy sự Hiện tại, sự Đồng hành cùng với chính mình. Chẳng ai có thể mất đi, nếu trong ta vẫn còn lưu giữ lại hình ảnh, tình cảm của người đã khuất. Tập sách của Quốc đã hướng đến ý nghĩa nhân văn đó.
Và qua hình ảnh Bà Mẹ của Lê Minh Quốc, bạn đọc sẽ thấy hình ảnh của ba mình, mẹ mình. Bởi các Bà Mẹ Việt Nam đều có chung một gương mặt, một cuộc đời.
Nhà biên kịch ĐOÀN TUẤN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|