THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH QUỐC: Tập sách NGƯỜI QUẢNG NAM (tái bản năm 2018)

LÊ MINH QUỐC: Tập sách NGƯỜI QUẢNG NAM (tái bản năm 2018)

 

nguoi-quang-nam-1r-tai-ban

THAY LỜI TỰA
Nhà văn Sơn Nam

Đọc tập “Người Quảng Nam” của nhà thơ Lê Minh Quốc, tôi thấy hình bóng người Quảng Nam hiện lên khá rõ nét. Từ trước đến giờ, chỉ ghé Đà Nẵng một đêm, ghé đèo Hải Vân một buổi, còn kỳ dư là hiểu Quảng Nam qua sách vở và qua các bạn từ Quảng Nam vào Sài Gòn làm ăn. Không rành địa thế, tôi lấy chuẩn là dãy Trường Sơn phía tây, nhưng cánh đông Quảng Nam rộng lớn lắm, khó thấy dãy Trường Sơn, họa chăng là bóng núi mờ nhạt. Thành phố Đà Nẵng do Pháp quy hoạch từ cuối thế kỷ XIX, trông như Sài Gòn, ngay hàng thẳng lối. Ấn tượng đầu tiên: ở những con đường lớn, các bảng hiệu đều rực rỡ, nét chữ rất chân phương, cổ điển, không có kiểu chữ nghiêng ngửa hoặc những dấu sắc mà nằm ngang như ở Sài Gòn, lại thấy ít chữ Anh và không có chữ Hán kèm theo. Rác rến ngoài đường gần như không có, chưa ngửi mùi ô nhiễm. Nhiều cây kiểng xanh rờn, lạ mắt, như cây trắc bá diệp, cây thanh tùng, không mọc gượng gạo như ở Sài Gòn. Gió mát, đất cao ráo. Trong quán ăn bình dân, nói chuyện lắm khi ồn ào, quả là “Quảng Nam hay cãi” nhưng không nghe tiếng chửi thề. Một tỉnh cổ kính, sực nhớ nếu Sài Gòn đã 300 năm thì Quảng Nam đã có 500 năm.

Đọc tập sách này, tôi lại nhớ có lần được đi thăm mộ cụ Hoàng Diệu. Nếu ở Nam bộ, đồng bào gọi là lăng. Công lao của Hoàng Diệu đối với đất nước còn cao hơn mấy ông vua đương thời. Phần mộ khiêm tốn quá, giữa cánh đồng lúa vắng vẻ, xa xóm làng. Ông đã thắt cổ tự tử, khi đánh Pháp, chống giữ thành Hà Nội lần thứ nhì. Đang trực chiến với giặc quá mạnh thì bọn nội ứng đã cho nổ kho thuốc súng trong thành. Bấy giờ cấp bực của ông là Tổng đốc, cai quản hai tỉnh; ông tự tử trong khi bà vợ đang nhổ cỏ ruộng lúa, như một nông dân lam lũ. Bà mẹ ông rất trong sạch. Lúc làm quan, có lần ông gởi về cho mẹ một vóc lụa. Bà mẹ không nhận, gởi trả lại cho con, kèm theo một nhành dâu, tượng trưng cho ngọn roi, để cảnh cáo đứa con đừng nhận quà cáp gì của dân. Tôi lại nhớ đến Trần Quý Cáp, nhà khoa bảng yêu nước bị thực dân quy tội lãnh đạo chống sưu cao thuế nặng hồi phong trào Duy tân. Bị bắt ở Nha Trang, xử tử lập tức, không cần ra tòa án. Chúng chém ngang lưng cụ để làm tăng sự đau đớn.

Quảng Nam có rất nhiều những nhân vật lẫy lừng mà nhân dân cả nước ngưỡng mộ. Khi cụ Phan Châu Trinh qua đời, thì tôi mới khóc oe oe ra đời, năm 1926. Đây cũng là năm ra đời của hai văn tài Quảng Nam, bạn với tôi, là nhà văn Vũ Hạnh và nhà thơ Bùi Giáng một thời “làm mưa làm gió” tại Sài Gòn. Đám tang cụ Phan trở thành quốc tang, người ta trật tự xếp hàng, tự giác, dài hơn cả cây số đưa tiễn. Cụ Phan Châu Trinh là một con người kiệt xuất của Việt Nam. Sau này khi nghiên cứu về phong trào Duy tân để viết quyển “Phong trào Duy tân ở Bắc Trung Nam”, tôi nhận thấy anh Nguyễn Văn Xuân khi viết Phong trào Duy Tân đã bắt “trúng mạch” của phong trào này, xuất phát từ Quảng Nam rồi mới lan rộng ra cả nước. Mà cụ Phan là nhân vật tiêu biểu nhất. Anh Xuân lớn hơn tôi năm bảy tuổi, lớn xác, tha thiết với truyền thống quê nhà, lập luận sắc bén.

Trong tập sách của Lê Minh Quốc cũng nhắc đến nhân vật rất có công hát bội, cải lương Nam bộ là cụ Lương Khắc Ninh. Theo hiểu biết của tôi thì cụ có hùn tiền cất rạp hát bộ Hội đồng Ninh trên đường Hamelin (nay Lê Thị Hồng Gấm) ở Sài Gòn, tồn tại trong thời gian ngắn. Cụ Ninh có người con trai là Lương Khắc Nhạn. Con trai ông Nhạn học chung lớp với tôi ở Cần Thơ, sau qua Pháp học, là họa sĩ, về nước có triển lãm và mời bạn học cũ đến dự. Đọc đến đoạn nhà báo Lưu Quý Kỳ, tôi nhớ là cấp trên của tôi, trong thời kháng Pháp. Ngoài tài năng “tác chiến” nhanh nhạy trên lãnh vực báo chí, ông Kỳ còn làm khá nhiều thơ. Một đoạn thơ của ông Kỳ mà đến nay tôi còn nhớ:

Chiều chiều ngó xuống Tam Quan

Thấy đàn cò trắng bay ngang ngọn dừa

Bà già ngồi võng đong đưa

Nhớ thằng con một năm xưa ở tù

Ở tù thì chết trong tù

Bà oán, bà thù, bà chưởi thẳng Tây

Ông Kỳ từng hoạt động cách mạng thời trẻ tại Hội An. Theo tôi, phố cổ Hội An được những người khó tính nhất yêu thích, vì tự bản thân nó có thực chất. Xưa kia sầm uất, các thương gia nước ngoài mô tả là náo nhiệt, nhiều mặt hàng bán ra và mua vào, còn ngày nay đáng gọi là khu du lịch lý tưởng: mát mẻ, sạch sẽ, có ngăn nắp, lại gần kề biển đông. Gió mát rười rượi. Thức ăn không đắt. Đường sá nhỏ bé vì thời xưa chỉ có cưỡi ngựa và xe ngựa. Hội An phải chăng là một kiểu thành phố sông nước và biển, kiểu Venise bên Ý.

Một trong những người đi tiên phong giới thiệu khu phố này có lẽ là giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu, thành viên của trường Bác cổ Viễn Đông. Hồi trước 1945, ông vào dạy ở Trường Trung học Khải Định và đã đi điền dã, phát hiện ra những ngôi mộ cổ của người Nhật. Sực nhớ đến vùng đồng bằng sông Cửu Long mà người Nhật cũng đến tham sát để tìm đường thủy lên mua bán với với vương quốc Cao Miên xưa, có lẽ cùng thời với cảng Hội An. Đọc Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thời Gia Long còn thấy dấu ấn, với địa danh, nay hãy còn: ở cửa Đại, cửa chính của sông Cửu Long, nay ở xã Thủ Thừa, còn gọi là cù lao Nhật Bổn, và cồn Tàu. Tàu là nơi tàu buôn tạm dừng.Nhưng Hội An phát triển nhanh, Nguyễn Phúc Chu đặt tên cầu Chùa là Lai Viễn Kiều, ngụ ý mời mọc thương gia nước ngoài đến, sẽ được ưu đãi, người Việt luôn hiếu khách.

So với chùa người Hoa ở Chợ Lớn thì chùa ở Hội An rất sạch sẽ, thoáng mát, bảo quản kỹ lưỡng và khung cảnh trầm lặng. Và có trầm lặng thì mới gợi được mùi đạo Lão. Anh bạn nhà thơ Đoàn Huy Giao, người Quảng Nam, đã lưu ý tôi cái bao cửa (cửa võng) trong chùa: nơi con ngựa đực và con ngựa cái đang nằm như động cỡn, với chi tiết rõ rệt, sắp giao hoan. Đây là Âm và Dương đang dấy lên để tạo ra cuộc sống với của cải và tiền bạc gợi ý nghĩa phồn thực. Chân đèn và các bộ lư đốt trầm khá độc đáo xa xưa, nhập từ Trung Quốc. Bên cửa một ngôi chùa, tôi giựt mình, bắt gặp nét bút viết tay chữ Hán lừng danh, hiện đại “Đinh thiên lập địa. Kế vãng khai lai”. Người viết là Vu Hữu Nhậm, “đầu đội trời, chân đạp đất để kế thừa quá khứ, khai sáng tương lai”. Vu Hữu Nhậm còn để lại vài chữ thần, ở Chợ Lớn. Nghe đâu trên nóc đình Minh Hương Gia Thạnh.

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”. Lời hát của Trịnh Công Sơn đã đánh trúng vào tâm thức người Việt ở phía Nam. Di tích của vương quốc Chăm, sau nhiều thế kỷ hưng thịnh hãy còn dãi dầu mưa nắng tại Quảng Nam và vẫn còn gợi sự suy nghĩ mông lung. Ở khu tháp Chăm rất nổi tiếng Mỹ Sơn không có gì để “chơi” mà là học hỏi, tìm về cội nguồn Đông Nam Á. Mỹ Sơn nhỏ bé mà cao vút trời và sâu lắng tận lòng đất. Đường đến Mỹ Sơn không xa, về phía núi non, gần dãy Trường Sơn, cao ráo. Tôi chợt hiểu ngoài này là “văn minh đường bộ” với xe cộ, gồng gánh là phương tiện chính. Lúa tốt, chăm sóc kỹ lưỡng, đặc biệt có những giàn bí đao, trái rất to, cũng như trái bí đỏ (bí rợ). Gần như mọi người đều cố gắng xây nhà tường, lợp ngói, nhằm chống giông bão, nếu lợp mái tôn như phía Sài Gòn thì tôn sẽ bay mất! Vách là phên đất, nhưng nóc vẫn ngói.

Trên bước đường mở nước, người Việt đã đến vùng Quảng Nam ngày nay khá sớm, phần lớn từ Nghệ An, đời Lê Thánh Tôn. Đồng bào ở đây xem trọng sự quan hệ tộc họ. Rất nhiều nhà thờ họ. Tôi chỉ mới thoáng nghĩ, chưa nghĩ sâu, đại khái cách nói, cách phát âm “của Nam kỳ” nhưng kỳ thật bắt nguồn từ Quảng Nam, như sơn thay vì san, đồng thanh (đồng thinh), trào vua (triều vua), dũng khí (dõng khí)… Rau mò om, khi nấu canh chua làm gia vị, gọi rau ngổ điếc, lá ngò gai thì gọi ngò Tây. Bánh tét cũng xuất phát từ ngoài này. Điệu nói thơ Lục Vân Tiên phía đồng bằng sông Cửu Long  quả là kiểu hô Bài chòi Quảng Nam, Bình Định. Thời mở nước người Việt đến đây với dân số ít, bên cạnh người Chăm đông đảo hơn. Vì vậy chịu ảnh hưởng Chăm, như thờ Bà (thần Bà - la - môn), ngồi ăn cơm trên đất, thích ăn mắm cái, tức là mắm cá biển còn nguyên cái, nguyên xác. Có nhiều điều đáng nhớ. Nhất là tục cúng vong, nhằm cúng người Chăm khuất mặt và lễ cúng Đất mà ở trong Nam những gia đình xưa còn noi theo, gọi cúng Việc Lễ, hiểu là cúng ông bà quá cố từ ngoài Trung.

Tập sách của Lê Minh Quốc quả là nhọc công, có gợi mở nhiều vấn đề thú vị, tản mạn trong nhiều chương sách. Đã chứng minh được những đóng góp của người Quảng nói chung trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt. Dễ đọc, dễ theo dõi. Có lúc văn phong bay bướm, dễ cảm thông nhưng lại có khi “nghiêm nghị” quá. Trước đây tôi ước ao có đủ tài liệu, thời gian để làm cuốn sách, đại khái tên gọi “Vai trò người Quảng Nam đối với nền kinh tế ở Nam kỳ”. Vai trò này rất lớn, không thể không khẳng định qua những lý giải khoa học, có chứng cứ. Đây cũng là một gợi ý, hy vọng sẽ có người Quảng Nam tâm huyết đeo đuổi đề tài này.

Viết tập sách về vùng đất mà mình chôn rau cắt rốn, sinh ra, là đáng hoan nghênh. Sẽ có người đồng ý điểm này, chưa đồng ý đoạn kia, không sao, miễn là viết bằng cái tình, vì tình tự quê hương mà không nhằm vụ lợi riêng tư nào. Trước khi viết “Người Quảng Nam” do quan hệ nhiều năm, chỗ thân tình, anh bạn Lê Minh Quốc có đến hỏi và nhờ tôi “cố vấn” vài điều, nhỏ thôi. Tôi từng trao đổi rằng: “Viết về vùng đất mình sinh ra là chọn con đường đi đúng hướng, để qua đó sống lại với đời sống tâm linh nguồn cội. Đời sống tâm linh là cần, nhưng cái tâm linh dạt dào sức sống ấy phải thúc đẩy con người nhìn ra thế giới, với các nước láng giềng. Tự tôn với cái “tâm linh thuần túy” của mình là tự sát. Phải tạo ra cái vật chất, phải có khoa học kỹ thuật, phải tồn tại và tồn tại cho bằng được”.

SƠN NAM

(Tháng 6.2006)

nguoi-quang-nam-2-r-tai-ban

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com