THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: Lần đầu mẹ về quê chồng

Lê Minh Quốc: Lần đầu mẹ về quê chồng

Tet-nay-ba-me-ve-an-TetR

1.

Một trong những cảm xúc thay đổi lớn nhất trong đời cô thiếu nữ, có thể để lại dấu ấn không thể quên là gì? Có thể chính là lúc họ rời khỏi nhà cha mẹ, về nhà chồng. Từ đây, tâm cảm của họ đã có sự thay đổi lớn lao, mấy ai biết được điều này, nếu không do họ thốt ra tận đáy lòng một nỗi niềm đang giấu kín: “Một lần khép nép/ Chào biệt mẹ cha/ Phận con là gái/ Như hạt mưa sa/ Một lần e lệ/ Bước lên xe hoa/ Khép trang nhật ký/ Thôi dòng viễn mơ” Câu thơ của bà Trần Thị Tuệ Mai, con gái của nhà thơ Trần Tuấn Khải đã nói lên một điều khái quát.

Viễn mơ gì nữa. Ấy là lúc tất cả còn đang ở phía trước. Mới mẻ. Lạ lẫm. Bỡ ngỡ. Mà, trước đây họ chưa hề trải qua, chưa hề biết đến. Làm quen từ đầu. Trải nghiệm từ đầu. Sự việc đầu tiên bao giờ cũng hằn sâu trong ký ức, chẳng hạn lần đầu sinh con, được làm mẹ. Ôi chao, biết bao là âu lo lẫn hồi hộp. Rộn ràng và sung sướng. Lần đầu tiên ấy, dù ở độ tuổi nào người ta vẫn có cảm giác như nhất. Một cảm giác, mình đã thuộc về một người đầu ấp tay gối, đã thuộc về con. “Lấy chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn hang rồng cũng đi”. Cái sự “phải theo” ấy, là lẽ tất nhiên. Đồng cảm và chung vai gánh vác. San sẻ và thuận lòng vun đắp.

Từ đó, người phụ nữ không còn mang cái tên do cha mẹ đặt nữa, chỉ còn lại trong giấy tờ hành chính. Trong quan hệ thường ngày, họ được gọi theo tên chồng. Mẹ tôi được bà con láng giềng gọi “chị Châu” là gọi theo tên chồng - Lê Văn Châu, dù tên của bà là Lương Thị Ân. Và ngay cả lúc vợ chồng gọi nhau, cả hai không còn anh/ em, chàng/ nàng nữa mà gọi theo tên con. Mẹ tôi gọi ba tôi: “Ba thằng Lương”, ngược lại. ba tôi gọi mẹ tôi: “Mẹ con Ái”- gọi theo tên của của các con.

Và, tuy nhiên, không chỉ có thế. Theo lẽ thường sau khi ở chung nhà, ăn chung mâm, nằm chung gối, vào dịp nào đó, có thể giỗ quẩy, Tết nhất, lễ hội, đình đám… họ được chồng dẫn về quê chồng. Nơi ấy, có thể họ đã đến nhiều lần hoặc cũng có thể lần đầu tiên nhưng đi theo chồng lần này, họ lại xuất hiện với tư cách khác, vai trò khác. Khác trước nhiều lắm. Họ về đến một nơi mà lúc ấy, phải thể hiện vai trò dâu con trước “giang san nhà chồng”. Nào sẽ gặp gỡ những mối quan hề ràng buộc từ phía nhà chồng mà họ đã là một thành viên chính thức trong dòng tộc đó.

Thiêng liêng quá đi chứ.

Lẽ thường là thế. Nhưng rồi, nào có mấy ai được hưởng niềm sung sướng ấy, nếu lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh. Một thời điểm không bình thường, đã có biết bao bi kịch và nghịch lý dù lớn dù nhỏ, khó có thể quên. Trong muôn ngàn tâm cảnh ngỗn ngang ấy, tôi còn nghĩ đến chi tiết nhỏ, tưởng chừng như vụn vặt, không đáng kể nhưng đó là thiệt thòi của người phụ nữ đã cưới chồng nhưng rồi không thể về quê chồng.

Mẹ tôi cũng thế.

2.

Ba mẹ tôi gặp nhau tại vùng kháng chiến thời “chín năm”. Bấy giờ, từ xã Đại An, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) gia đình bên ngoại tôi tản cư về vùng Cây Sanh (nay thuộc thành phố Tam Kỳ). Mẹ tôi củng các dì mở quán tạp hóa, bà con đặt tên “quán Ba Cô”, ấy là do họ nhìn thấy dì, mẹ tôi xinh đẹp, duyên dáng lại chăm làm ăn, nết na. Lúc ấy, tại vùng này có đơn vị quân y của bộ đội đóng quân, ba tôi là một trong số các quân nhân ấy. Thỉnh thoảng lúc đi công tác, ông cùng đồng đội cũng tạt vào quán nghỉ chân, uống nước, tất nhiên không thể thiếu những lúc bông đùa, tán tỉnh các cô chủ quán. Tuổi trẻ vốn nhiều hoa mộng, tươi trẻ, ai chẳng thế.

Thú thật, tôi không biết ba tôi đã cưa cẩm, “thả thính” thế nào, rồi sau đó, cả hai “phải lòng” nhau. Và, như mọi chuyện tình “kết thúc có hậu” khác: lễ cưới đã đươc tổ chức thời gian đó. Sau khi “hòa bình lập lại”, ông bà ngoại tôi hồi cư về Đà Nẵng ổn định cuộc sống lâu dài. Tất nhiên, mẹ tôi sẽ được ba tôi dẫn về quê “trình diện” dòng tộc nhà chồng? Không thể. Đất nước tạm thời chia cắt. Làm sao có thể về thăm quê chông ở xa tít mãi ngoài làng Kỳ Vỹ, huyện Gia Khánh (Ninh Bình)?

Vì lẽ đó, hình ảnh về quê chồng hoàn toàn mù mịt trong tâm tưởng mẹ tôi. Không một dấu vết. Nếu có chăng, chỉ là từ giọng nói của chồng. Ngay cả chúng tôi, từng ngày lớn lên khái niệm về quê nội cũng mờ mờ sương khói. Không gì rõ nét. Không một kỷ niệm. Tuổi thơ tôi lớn lên, những yêu thương tươi thắm nhất chỉ ở quê ngoại, cụ thể vẫn là không gian của một ngôi nhà ở Đà Nẵng có nhiều cây xanh, tiếng chim ríu rít mỗi ngày. Nơi ấy, ông bà ngoại tôi đã sống. Chỉ có thế. Ngay cả quê ngoại cụ thể ra làm sao, thuở ấy, tôi cũng chưa đặt chân đến. Làm sao có thể về đến nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc thời ấy?

Thế thì, những ai sống trong trường hợp như thế này, ắt sẽ có suy nghĩ đơn giản mà sâu sắc rằng, quê nội/ quê ngoại chính là nơi mình đã chung sống với cha mẹ của mình suốt năm tháng hoa niên rồi trưởng thành. Suy nghĩ này, khiến con người ta không cảm thấy lạc lõng trong một thế giới mà ai cũng có một nơi cụ thể để tìm về. Nơi ngày xưa ấy và bây giờ, tôi tìm về trên hành trình vạn dặm vẫn là nơi còn đó dấu vết của ba mẹ mình, dẫu một đời người, một kiếp nhân sinh: “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì" (Nguyễn Gia Thiều). Nói thì nói thế. Chắc chắn, trong đời, ai cũng mơ ước được một lần, đôi lần được đặt chân đến vùng đất cụ thể đã sinh ra ba mình, mẹ mình để tận mắt nhìn lấy vòm trời, bờ tre, ngọn cỏ, con sông, dòng suối, hít thở trong không gian dịu vợi ấy… Nơi ấy, không chỉ địa danh hành chánh, còn là một phần máu thịt, ký ức của ba mẹ mình nữa.

Và, khi người phụ nữ về nhà chồng, họ cũng sống trong tâm thế ấy, vì rằng, từ có chồng, họ đã thành viên của dòng tộc tộc đó, họ cũng có ước mơ đó. Tôi còn nhớ, năm tháng êm đềm tôi lớn lên, có những lúc trong bữa cơm gia đình, mẹ tôi vui vẽ nói: “Bao giờ hòa bình, ba thằng Lương dẫn mấy đứa về thăm quê nội hè?”. Bao giờ, không ai có thể biết bao giờ? Nghe thế, ba tôi tỏ ra tư lự đăm chiêu, hẳn trong tâm trí của ông ngay khoảnh khắc ấy nhớ về câu thơ Nguyễn Bình:“Quê nhà xa lắc, xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Khi người vợ dặn chồng dẫn con về quê nội, tức là trong tình cảm ấy còn có cả họ nữa đấy chứ. Vâng, phận làm dâu con còn nằm trong ý nghĩa đó nữa.

3.

Do đó, ngay sau ngày thống nhất, có lẽ ngày ba mẹ tôi vui nhất là lúc nhận được lá thư ngoài miền Bắc. Chuyện là, trong thời điểm đó, ba tôi gửi là thư về quê nội, gửi về địa chỉ làng xã ngày xửa ngày xưa, ngày chưa chia cắt đất nước. Kỳ lạ thay, lá thư đó vẫn đến đúng nơi và chú ruột tôi đã hồi âm. Chi tiết này cho thấy, thời chiến tranh hầu như địa danh ở ngoài Bắc không có nhiều sự xáo trộn, thay đổi. Khỏi phải nói, ba mẹ tôi sung sướng, mừng rỡ biết chừng nào. Lá thư ấy một lần nữa đã đánh thức trong lòng mẹ tôi niềm khát khao từ thuở thanh xuân: đưọc chồng dẫn về quê chồng. Một niềm vui trong sáng và thánh thiện. Ước mơ đó, nay dễ dàng quá, chỉ trong tầm tay. Tưởng là thế. Nhưng rồi không là thế. Đời sống bấy giờ đã có quá nhiều thay đổi, không ai có thể lường trước. Chẳng mấy chốc, thời gian cuốn trôi một đời người. Mãi đến lúc ba tôi mất, mẹ tôi vẫn chưa một lần về quê chồng.

Vây, ước mơ của mẹ tôi vĩnh viễn khép lại?

Không, cũng như nhiều người phụ nữ khác, mẹ tôi thuộc thế hệ của ý thức: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Biết được nỗi lòng canh cánh của bà từ thời còn son rỗi đến lúc đã già, anh em tôi mới tố chức cho mẹ được về quê của ba. Với ý định này, chuyện gì xẩy ra? Lạ thay cho tình cảm của người phụ nữ Việt Nam, tôi nghĩ, tựa như sợi dây đàn đã nằm yên, đã lãng quên trên bức tường thời gian, bụi mờ đã phủ, âm thanh đã mất, thế nhưng khi nghe các con nhắc đến chuyện này, lập tức gương mặt mẹ tôi rạng rỡ, tán thành ngay. Ối dào, trong lòng bà réo rắt biết bao cung bậc xốn xang. Cứ như ngày bà còn trè, được ông bà ngoại dẫn đi chơi đâu đó. Hơn cả thế, vào năm 2001, đây là lần đầu tiên bà được anh Lương tôi - con trai cả dẫn về quê chồng. Thế thì, ngay lập tức, tình cảm của cô thôn nữ mới lớn ngày xưa đã sống dậy trong lòng bà cụ đã ngoài “thất thập”.

 

Thử hỏi, làm sao không cảm động?

 

Có lẽ trong đời, tôi không thể có thêm được bài thơ nào xao xuyến hơn khi nhớ về mẹ. Nhớ về giây phút đầu tiên thời son trẻ “mẹ về với ba” trong ngày cưới. Mẹ ơi mẹ. “Năm mươi năm làm dâu/ Quê chồng xa lăng lắc/ Lần đầu tiên đi về/ Mẹ mừng rơi nước mắt/ Đêm trằn trọc không yên/ Ba con giờ đã mất/ Sáng mai mẹ lên tàu/ Anh con cầm tay dắt/ Sông núi dài trước mặt/ Bỗng dưng mẹ khóc òa/ Lấy chồng mười bảy tuổi/ Bảy mươi mới về nhà/ Cỏ mọc bờ ruộng xa/ Níu bước chân mẹ lại/ Ba con bay về trời/ Cánh diều xa tít mãi…/ Thắp một nén nhang thơm/ Trên bàn thờ ông nội/ Chao ôi cái kiếp người/ Như mây bay gió thổi/ Được trở về quê chồng/ Mẹ bây giờ mới thấy/ Vui buồn thuở đầu tiên/ Làm dâu năm mười bảy/ Mẹ bần thần đứng lại/ Vân vê vạt áo dài/ Nhìn xuống đôi guốc mộc/ Mòn vẹt gót chân chai…”. Đó là cái Tết êm đềm nhất trong ký ức mẹ tôi, kể từ ngày có chồng. Yêu dấu biết bao nhiêu. Ngây thơ biết bao nhiêu. Trong sáng biết bao nhiêu. Và, bây giờ, nhớ về ngày Tết mẹ đã về thăm quê nội, ngày ấy vẫn còn có mẹ, tôi lại thảng thốt, bùi ngùi thốt lên: “Mẹ ơi mẹ”.

 

L.M.Q

 

(nguồn: Ấn phẩm PHỤ NỮ TP.HCM XUÂN 2022)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com