THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Cuời với thi sĩ trào phúng Tú Poanh

LÊ MINH QUỐC: Cuời với thi sĩ trào phúng Tú Poanh

  

 

cuoi-voi-thi-si-tu-poanh

 

 

Dù thi đâu rớt đó, ạch đụi mãi mới đậu đến Tú tài, đã thế lại còn tự trào “Cao lâu thường ăn quỵt/ Thổ đĩ lại chơi lường”, thế nhưng oanh liệt thay, lẫm liệt thay, ông Tú Xương lại có nhiều môn đệ nối gót theo nhất trong lãnh vực thơ trào phúng. Ta có thể kể đến Tú Mỡ, Tú Nạc, Tú Sụn, Tú Kếu, Tú Lơ Khơ, Tú Xơn, Tú Poanh… “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Trong số nhân tài này, do không có văn bản nên lâu nay, giới nghiên cứu chỉ nhắc đến tên, chứ không đưa ra dòng thơ trào phúng nào của họ. Kể ra đáng tiếc thật.


Gần đây, nhờ kho tài liệu của Thư viện Quốc gia Pháp đã số hóa, ta có thể hiểu rõ hơn trường hợp thi sĩ trào phúng Tú Poanh.  Về Tú Poanh đã xuất bản tập Thơ vui (1940), Kén vợ gái cũ hay gái mới (1941), Tập Kiều (1942). Trong bài thơ gửi Tú Mỡ, ông tự giới thiệu:


Nào tôi đỗ Tú, Cử chi?


Bì sao với bác, nhà thi sĩ tài?


Nhưng anh em đặt: đúng rồi


“Tú Poanh” có nghĩa là: Tôi đủ trò


Cũng văn thơ, cũng sịt-bo


Cầm, cờ cũng đủ, kém thua chi đời


Sịt bo, còn đọc xịch bo/ xì bo tức sport: thể thao. Ông còn cho biết tiếp:


Cũng giang hồ khách một thời


Lại anh chàng nết vui cười trẻ trung


Vậy cần thêm thắt vài dòng


Để bà con khỏi lạ lung cái tên


Thơ trò phúng của ông, nói như nhà phê bình Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng là “Cười cợt để sửa đổi phong hóa”.


Tú Poanh cười cái gì?


À, ông cười chuyện này kể ra cũng lạ đời: vợ chồng nọ làm thuê cho ông chủ hãng buôn nhà giàu, tối ngủ tại đó luôn, một đêm, anh ta thức giấc thấy giường chiếu trống trơn. Cô vợ mình, ả lẻn đi đâu? Anh ta bèn lên phòng ông chủ, thấy rõ mồn một:


Cả hai: ông - ả thi nhau ngáy ầm


Trông cảnh tượng, chàng đâm hoảng vía


Nhè chủ nhân phát… khẽ nơi mông


Này, này tỉnh dậy đi ông


Làm sao có sự lạ lùng nhường kia?


Ông chủ thức giấc, ắt sợ hãi bởi ắt anh chồng mọc sừng sẽ thượng cẳng tay hạ cẳng chân?


Ta hãy chờ xem.


Sau một hồi phân bua “vòng vo tam quốc” nọ kia, ông chủ ra điều kiện:


Anh nhường chị ấy cho tôi


Nếu ưng anh được đền bồi, lợi to


Từ nay, tôi trả cho lương đúp


Và mong anh làm giúp cho tôi


Sức mấy, chắc chắn anh chàng này sẽ tức giận la toáng lên, cỡ như:


Quyến oanh rủ yến chính mi


Mặt lang dạ thú, ra gì đồ bay


Tao phải cho biết tay, biết mặt


Thằng già này, mày thật to gan


Vợ người liều lĩnh dùng tràn


Quả tang tóm được còn toa lòe à?


Rất tiếc chuyện này… không hề xẩy ra! Sau khi nghe ông chủ dỗ ngon ngọt:


Chàng nghe suy nghĩ hồi lâu


Xem chừng có lợi gật đầu, ừ ngay


Bộ vui vẻ bắt tay lão chủ


Rồi trở về phòng ngủ thong dong


Thiệt kỳ lạ chửa? Còn thêm chi tiết này, ít ai ngờ tới:


Lại còn điều rất lạ lùng


Là cô ả vẫn ung dung ngáy tràn


Vai tuồng đóng, tuy can hệ nhất


Cô thản nhiên… nhắm mắt, ngủ say


Tình tiết trong câu chuyện cắm sừng vừa diễn ra, đầy kịch tính nhưng thiệt éo le. Rồi có anh chàng nọ vốn kép hát thường đóng vai quan võ:


Mỗi khi tuồng đóng xong xuôi


Kép mang binh phục diện chơi phố phường


Cũng lon vàng, cũng huy chương


Nào ai biết được phường tuồng chính tông


Càng khen chàng: bảnh vô cùng


Chàng càng khoái trí ưa dùng áo… quan


Không ngờ, “Một hôm bại lộ mưu gian/ Nhà binh cho tóm, hỏi han đôi lời”. Thế là xong phéng cái trò mèo đội lốt hổ! Thời nào cũng có bọn lừa đảo bằng cách đi xe hơi bóng loáng, ăn mặc sang trọng vào nhà hàng, thiên hạ tưởng gặp khách sộp. Nhầm chết. Hãy xem hoạt cảnh thiệt tức cười là có dăm ngài đi xe “Fo Uýt” (frod V8), vào chơi nhà cô đầu ở Hà Đông ăn uống thả giàn:


Hết sâm banh bốp bốp! lại bia


Cốc này cốc khác “săng tê”


Thả hồ ăn uống nọ kia… nào ngờ


Cả năm “phốt tầm phơ” rỗng tuếch


Ăn chơi xong liệu tếch cho mau”


Bằng cách nào? Là cả bọn tìm cách rút trước, “Để một chàng giả vờ ngồi đợi/ Sau kế cùng, đành phải tháo thân”. Lại còn có chuyện lên đồng với kết thúc rất bất ngờ, bữa nọ:


Thầy đồng nhảy nhót lon ton


Khăn chầu áo ngự luôn luôn khoe màu


Chung quanh thầy, kẻ hầu người hạ


“Tấu lạy ngài” ầm cả điện lên


Những nào “ngài đẹp chín nghìn”


“Ngài vui chơi nước non tiên xa gần”


Nghe bao nhiêu lời tung hô “có cánh”, thầy đồng thích quá, khoái quá, bèn hứng chí đến độ:


Rồi thầy đồng vớ khăn thắt cổ


Dang thẳng tay kéo cố ra oai


Nhưng oai lại biến ra tai


Thầy đồng lè lưỡi, tắc hơi lúc nào


Cái này mới lạ: “Bọn ngồi quanh xiết bao hồi hộp/ Cùng xì xào “Thánh ốp mạnh không?”, tức là họ cho là do… thánh nhập vào mạnh quá nên thầy đồng mới ngủm củ tỏi! Phê phán mê tín thật ấn tượng. Thuở ấy, bọn cường hào ở nông thôn còn tai quái, nhũng nhiễu ghê lắm, Tú Poanh kể câu chuyện nhà nọ có tang ma nhưng không “biết điều”, nhân thấy có nhiều người lui tới, chúng liền:


Vu cho những nào là lập hội


Phép không xin, thật tội phi thường


Lại nhân danh: “Nào là bức trướng cải lương/ Bài trừ tục báu của hương thôn mình”. Bị chụp mũ, khiếp quá, gia chủ sợ một phép, cuối cùng:


Có người thác, có say mèm


Say sưa cho đỡ khát thèm thế thôi


Cạnh người chết, chết tươi cũng hốc


Thịt bứ mồm. rượu nốc hàng chai


Ai lo ai mếu, mặc ai


Lệ làng phải đủ, thiếu thời… biết tay


Trường hợp đáng tởm này, nói như nhà văn Ngô Tất Tố là “Họ vẫn ăn vào cái xác chết”.

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay - số 1109 ngày 1.6.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com