1.
“Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường....”. Kỳ lạ cho văn chương chữ nghĩa, chỉ một đôi dòng giản dị nhưng với tôi, câu văn này của ông Thanh Tịnh đã hằn vết trong óc. Mỗi lần nhớ, lại bùi ngùi quay ngược về năm tháng đã xa lắc xa lơ. Lại hình dung ra ngày đầu tiên được mẹ dẫn đi học ở đình làng Hải Châu (Đà Nẵng), nơi ấy có cây đa che rợp bóng mát. Do tôi không chịu vào lớp, mẹ tôi xin cô giáo cho tôi ngồi ở bàn, sát cửa ra vào để tôi còn được nắm lấy bàn tay mẹ. Ối dào, ngày đầu tiên ấy, bao nhiêu là tiếng chim ríu ra ríu rít hòa lẫn vào tiếng đọc bài A, B, C… lúc nhịp nhàng khi ồn ào náo nhiệt. Tưởng chừng như âm thanh trìu mến đó vẫn còn ngân vang mãi.
Một kỷ niệm quá đỗi dịu dàng về hình ảnh người mẹ của mình.
Đời người, bất kỳ ai cũng có “ngày xửa ngày xưa”, đó chính là những ngày cả nhà sum họp trong bữa cơm gia đình. Có ba mẹ, có anh chị, có tiếng nói cười, có lời bảo ban, có những món ăn mình thích. Đơn giản vậy, thế nhưng sau này, mãi mãi trở thành “cổ tích” hòa tan vào máu thịt để trở thành một phần của ký ức. Dịu vợi đến nao lòng. Thơ mộng và thân mật. Và thật kỳ lạ, tình thương của người mẹ vẫn còn là sự lo toan miếng ăn ngon cho con, cho chồng. Được thế đã lấy làm hạnh phúc và sung sướng lắm.
Nếu không quan sát lúc mẹ nấu nướng, làm sao trong trường ca Hành trình của con kiến (NXB Trẻ - 2006), tôi có thể viết: “Những miếng ăn từ bàn tay mẹ nấu/ còn có cả tấm lòng/ cả gió rét mùa đông/ mẹ tất tả giật gấu vá vai kiếm từng xu ngoài chợ/ một đồng lãi gánh mười đồng nợ/ ăn mắm mút dòi/ dè sẻn chắt chiu/ ngay cả lúc cơm sôi/ còn có cả giọt mồ hôi/ của mẹ/ ngay cả khói chiều/ bếp lửa reo cũng ấm êm hạnh phúc/ làm sao có thể quên?”. Vâng, một khi đã không còn mẹ, nhớ lại, thấp thoáng hiện ra trước mắt chỉ là sương khói lờ mờ.
Có một điều chắc chắn, suốt đời sẽ không bao giờ, không bao giờ tôi có thể quên đi mùi vị nước mắm của quê nhà. Còn nhớ, vào cuối thập niên 1970, trước lúc chuyển quân lên đường 19B để sang biên giới trong cuộc chiến Tây Nam, tôi viết thư về nhà, đại khái, thèm nước mắm nhĩ Nam Ô quá chừng chừng. Chỉ là viết như một lời tâm tình cùng mẹ. Thật bất ngờ, ít lâu sau, từ Đà Nẵng mẹ tôi vừa đi tàu lửa vừa quá giang xe đò chạy bằng than đốt, kể cả nhờ xe công nông để đến tận doanh trại bộ đội. Cả đơn vị ai nấy đều kinh ngạc, không thể tưởng tượng nổi tại sao bà có thể tìm đến tận nơi khi mà thời buổi thông tin liên lạc không dễ dàng, đường sá cách trở, ầm ì tiếng súng.
Chuyến đi ấy, ngoài việc nhìn thấy mặt con, hỏi han đôi câu, mẹ tôi còn đem theo cho con vài bình nước mắm. Có lẽ từ ân tình sâu nặng ấy, thật lạ, bao giờ trở về Đà Nẵng, ngay từ lúc bước xuống sân bay tôi đã ngửi thấy trong gió mùi biển mặn, mùi nước mắm ngon thấm tê đầu lưỡi từ những ngày còn hành quân đi qua trận mạc của năm tháng thanh xuân... Tình yêu về nơi chôn nhau cắt rốn, còn hình thành từ tấm lòng của mẹ dành cho con: “Kìa bài thơ tứ tuyệt/ Là nước mắm đậm đà/ Từng giọt thơm điếc mũi/ Sực nhớ lắm quê nhà”. Ngày tôi trở về từ chiến trường K, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, sau ngạc nhiên: “Răng mi chững chạc rứa hè?”, tiếp theo vẫn là câu nói mà mỗi lần nhớ lại trong lòng tôi vẫn dạt dào một tình thương vô bờ bến: “Con muốn món gì, mẹ nấu cho ăn”.
Ngược lại, con thương mẹ cũng không khác gì. Bây giờ lại nhớ, nhớ ngày nọ lần đầu tiên tôi dẫn mẹ đi ăn món chả cá Lã Vọng ở một quán ăn nổi tiếng nhất Sài Gòn. Nghe con trầm trồ khen ngon suốt buổi, trở về nhà, ít lâu sau, bà cũng mày mò tự tay làm cho con. Món đó ăn ở quán và ăn tại nhà do mẹ làm lấy, đâu ngon hơn? Khó có thể trả lời, chỉ biết rằng, bây giờ đi ngang qua quán đó thì cảm giác thèm được vào ăn đã không còn, đã nguội lạnh cảm hứng. Chỉ nhớ mồn một ở chỗ đó, cái bàn đó, ngày đó còn có mẹ. Nghĩ đến đó, tự dưng lướt xe qua nhanh, không ngoái lại nữa. Chỉ nhớ mẹ. Trộm nghĩ, cái ăn từ trong ký bao giờ cũng ngon hơn ăn thật, dù quán đó, chỗ ngồi đó, đầu bếp đó nhưng nay ăn vẫn không thấy đậm đà, thi vị bởi vì đã thiếu vắng đi hình ảnh yêu dấu của quá khứ xa vời vợi.
Ngày tôi đã định cư tại Sài Gòn, mẹ tôi cũng vào ở chung nhà, mỗi ngày bà lại đi chợ, qua đó, tôi mới có thể viết: “Mẹ đã đi chợ về/ Hồng tươi con cá quẫy/ Như câu thơ ngũ ngôn/ Nhịp nhàng và mềm mại/ Kìa bài thơ thất ngôn/ Là chùm đào trĩu trái/ Tôi cầm đưa môi hôn/ Nhớ quê nhà xa ngái/ Kìa thơ tình cỏ dại/ Là những bó rau xanh/ Nằm trên bàn tay mẹ/ Lem luốc bụi thị thành”. Bàng bạc trong tập thơ Yêu em, Đà Nẵng (NXB Trẻ-1999), vẫn là tình cảm của tôi đành cho mẹ. Tháng ngày đó, tôi đã có những bữa ăn ngon nhất trong đời. Và, nhờ thế, tôi có thể viết được gì đó, cũng là từ đó. Ở với mẹ, đứa con trai độc thân đã trở thành “ông trời”. Con muốn là trời muốn. Cơm một mâm. Chễm chệ ngồi. Ngày như mọi ngày. Cơm nước đủ đầy. Đâu ra đó. Lại những lúc đưa bạn bè về nhà bù khú bia bọt, cuộc nhậu bày ra, tha hồ khua môi múa mép, bán trời không mời thiên lôi; sau đó, cả lũ kéo nhau đi chơi tiếp, cửa nhà la liệt mâm bát, chai lọ lộn lạo bát nháo như một bãi chiến trường. Ấy thế, lúc quay về nhà đã gọn gàng đâu vào đó. Mẹ tôi không một tiếng cằn nhằn.
Lạ thật.
Thật lạ, tình cảm của mẹ dành cho con. Lúc đã 90, bà nằm ở bệnh viện Gia Định, lúc vào thăm, tôi cảm xúc bằng thơ: “Cầm tay mẹ những phút giây chống chếnh/ Con lựa lời như dỗ ngọt trẻ thơ:/ “Mẹ cố ngủ, cố ăn mau khỏi bệnh/ Mẹ có ngoan - bác sĩ mới cho về”. Bà trả lời thế nào? “Con chịu khó cơm hàng cháo chợ, hết bệnh, về nhà mẹ nấu cho con ăn”. Tức là dù bấy giờ, tôi đã ngoài 50, nhưng vẫn đơn thân độc mã, trong mắt của bà, tôi vẫn còn đứa trẻ con, còn phải có mẹ chăm sóc, lo toan cơm nước hằng ngày.
2.
Thời kháng chiến chín năm, mẹ tôi chỉ mới xóa nạn mù chữ, chỉ mới biết đọc i tờ, lúc gia đình ông bà ngoại tôi tản cư vào vùng kháng chiến ở Cây Sanh (Tam Kỳ). Dù vậy, bà đã dạy cho tôi rất nhiều tiếng Quảng Nam. Có nhiều từ tưởng chừng đơn giản nhưng nếu giải thích rành mạch cũng khó ra phết. Chẳng hạn, khi làm công tác văn học về toàn bộ tác phẩm của “cha đẻ” Tình già - mở đầu cho phong trào Thơ mới Việt Nam, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chú thích: “Ngẳng: chưa rõ về nghĩa này; Huình Tịnh Của (Đại Nam quấc âm tự vị) có ghi “ngang”, “ngáng”, “ngảng” (tức “ngảnh/ nghểnh”), “ngẩng”… nhưng không có ngẳng”.
Ông Ân ngắc ngứ là phải. Sở dĩ không tìm ra từ ngẳng, đơn giản đây là thổ âm, thổ ngữ của người Quảng Nam, có tính cách vùng miền. Thế nào là ngẳng? Trước hết, ta hãy nói về từ nghịch. Nghịch có nhiều cấp độ nhưng đứng “đầu bảng” vẫn là nghịch trổ trời. Từ điển của Huình Tịnh Của có ghi nhận “chơi trổ trời: chơi thấu trời, chơi dữ quá”, thì nghịch này cũng có ý nghĩa na ná như ngẳng. Ở đây, chữ “trổ trời” có thể hiểu là tính từ chỉ một hành động nào đó vượt ra ngoài khuôn phép - chẳng hạn, đứa con trong nhà không ngoan, hư đốn quá lắm, người mẹ mắng: “Cái thằng hư trổ trời!” là vậy. Ấy là câu bà hay mắng lúc tôi tinh nghịch, hoang đàng chi địa.
Lại nữa, mỗi lần đi chợ về, bà lại lôi mấy chị em ra giếng tắm và hay mắng: “Mấy đứa mi chơi cái chi mà nhớp như lồi”. Lồi là cái gì? Thỉnh thoảng, tôi lại nghe những câu như: “Quớ trời, thằng nớ nói như ngồi trên trính”, “Lý sự quá Phan Khôi”, “Con gái con lứa chi mà ngồi chàng hãng như bà Quảng bán đưa”, “Tang ma nhà héo”… Nếu trong Nam có câu “Đi mút chỉ cà tha” thì người Quảng có câu “Đi tới Huế”, tức là đi xa, xa lắm, chưa chắc quay trở lại v.v… là tôi cũng học từ bà. Nếu không thấm đẫm tình cảm về mẹ, quê mẹ, chắc chắn tôi không đủ cảm hứng để hoàn thành chuyên luận Người Quảng Nam (NXB Trẻ - 2018).
Không những thế, dù chỉ mới “tốt nghiệp” lớp Bình dân học vụ nhưng cũng như mọi bà mẹ đảm đang khác, mẹ tôi tính rợ cực giỏi, chỉ một loáng nhẫm trong đầu là đâu ra đó, máy tính cỡ hiện đại nhất cũng chào thua. Nếu không thế, làm sao một người buôn gánh bán bưng, tờ mờ sáng mỗi ngày, quang gánh lên vai, tất ta tất tưởi chạy một mạch ra bãi biển Thanh Bình biết tính toán mua cá tươi từ thuyền bè đánh cá, từ người quăng kéo lưới rồi chạy ù ra bán lẻ tại chợ Hàn. Tần tảo mỗi ngày đều như vắt chanh, để đến một ngày nọ…
Không biết lý giải thế nào, về chuyện này.
Rằng, những năm tháng hồi cư năm 1954, gia đình nhà bên ngoại tôi còn nghèo túng lắm, có lúc trong nhà không còn hạt gạo. Bỗng dưng rạng sáng ngày mồng Một Tết năm đó, có người đến “xông đất”. Ngạc nhiên chưa, người đàn bà này là ai? Không rõ. Không phải người trong làng. Sau vài câu hỏi han, bà ngỏ lời mượn bà ngoại tôi chiếc đòn gánh. Mà lại mượn cái đòn gánh đã mòn trên vai mẹ tôi từng ngày kiếm sống. Không hẹp hòi, bà ngoại tôi gật đầu, sau Tết, vẫn không thấy trả lại. Nào ngờ đó là một phép lạ. Vì ra Giêng ngày rộng tháng dài, bỗng gia đình ông bà ngoại tôi từ đó làm ăn phát đạt, mua may bán đắt đến diệu kỳ. Những tiệm vàng mang chữ “Vĩnh” của dì, cậu như Vĩnh Châu, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận... lần lượt được khai trương - một thời lừng lẫy ở chợ Cồn.
“Không ven sông cỏ ướt/ Sao lại gọi chợ Cồn?”. Tuổi thơ của bất kỳ ai, sung sướng nhất vẫn là được mẹ dẫn đi chợ, nhất là chợ Tết, lúc ấy, mở ra một tầm mắt lạ lẫm, ngạc nhiên với biết bao tò mò, thích thú, với tôi, vẫn chính là chợ Cồn. Những câu thơ tôi thích nhất lúc viết về ký ức tuổi thơ vẫn chính chất liệu từ những lúc: “Trời giăng mây trắng/ Trẻ thơ nô đùa/ Níu vạt áo mẹ/ Gì cũng đòi mua/ Kìa hoa vạn thọ/ Củ kiệu cải chua/ Phong bì đỏ chói/ Thơm lời dạ thưa/ Mai lan cúc trúc/ Cá quẫy ngộ chưa?”. Vẫn còn hình dung ra đứa bé lon ton chạy theo sau lưng mẹ, là tôi…
Mà, cũng do có tiệm vàng hoành tráng tại chợ Cồn nên lúc đánh “tư sản mại bản”, gia đình tôi mới gặp nhiều hệ lụy. Trong lúc giông bão điên cuồng ấy, mới thấy rõ nét tính cách “Quảng Nam hay cãi”, từ mẹ tôi. Cãi ở đây là do bà “ỉ lại” gia đình mình đã nuôi quân thời kháng chiến, chồng bị đày ra Côn Đảo vì tội làm “quốc sự” nên quyết không thua mọi lý lẽ nào, biện pháp nào. Do bà đứng mũi chịu sào một cách quyết liệt, không khoan nhượng, ngôi nhà mới được giữ lại được, dù mọi của cải đã tịch thu trống rỗng, trống huơ, trống hoác…
Ngày đi bộ đội về, nằm nhìn lên trần nhà, tôi mới thấm thía hai từ ‘bể dâu”. Ngày đó, chiếc đòn gánh mà bà ngoại đã cho mượn vào dịp Tết năm xưa, nào ngờ nó lại quay trở về. Tôi thấy mẹ tôi lại ra chợ Cồn tần tảo, đầu tắt mặt tối với chiếc đòn gánh trên vai mỗi ngày chạy chợ để nuôi chồng con thời buổi cực kỳ khốn khó. Có lúc nhìn thấy chiếc đòn gánh ấy, sờ vai lấy mẹ, bỗng dưng tôi rùng mình kêu lên: “Bớ cụ Nguyễn Du, thiên cơ nào giáng bút khiến cụ viết được câu thơ thần sầu quỷ khốc: “Cũng có kẻ đi về buôn bán/ Đòn gánh tre chín rạn hai vai”? Hai từ từ “chín rạn” nhìn từ vai mẹ, với tôi đã là một ám ảnh. Ơn trời, sau đó mọi việc đã khác.
Mỗi lần nhắc lại chuyện này, mẹ tôi chỉ cười.
Lạ thật.
3.
Ngày mẹ tôi mất, đối với tôi là một dấu ấn sâu đậm, không thể nào quên được, cho đến nay, hễ mỗi lần thầm nhắc: “Mẹ ơi”, tư dưng lại rưng rưng nước mắt. Biết chuyện này, từ ngày đó, người bạn thân thiết của tôi là nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ đã an ủi, đại khái, theo triết lý nhà Phật thì mình phải biết quên, có như thế người mất mới nhẹ lòng siêu thoát. Mọi việc đã qua, đã mất thì không nên cố sức trì níu, níu kéo lại bởi làm sao giữ được hư không? Thấu hiểu điều này, tôi đã tập quên bằng cách viết tập sách Mẹ đã đi chợ về (NXB Trẻ - 2018).
Có điều, trong tập sách không có một chi tiết, vì bấy giờ chưa xẩy ra.
Đó là ít lâu sau, khi chạm vào ngưỡng cửa lục thập, lần đầu tiên, tôi có con. Nỗi ân hận lẫn tiếc nuối vẫn là mẹ tôi không thể biết tin vui mà thuở còn sống, bà nhiều lần thúc giục, trông ngóng, chờ đợi theo từng ngày. Như một cách báo tin cho người đã khuất, tôi lấy tên của mẹ, thêm một dấu sắc để đặt tên cho con đầu lòng: Ấn. Vì lẽ đó, tôi mới viết: “. Có một điều vô cùng giản dị/ Mãi bây giờ, tôi mới nhận ra:/ Đất và Trời, Âm và Dương - chỉ một/ Khi mỗi nhà thêm mầm sống sinh ra…”. Lúc gọi tên con là nhớ đến mẹ. Con chính là dấu ấn thiêng liêng mà mẹ đã dành cho mình. Chỉ nghĩ vậy, tôi đã thấy an ui, hạnh phúc, ít ra từ một cõi xa xăm nào đó, nếu biết chuyện này, mẹ ơi, chắc hẳn mẹ đã vui. Và tôi tự nhủ cùng mình, tự hứa với mẹ mình để bà yên tâm: “Con đã tự đi, đã tự đứng tĩnh tâm/ Đã mỗi ngày vững bước đôi chân/ Đã nếp nhà rộn ràng tiếng khóc cười bi bô mới mẻ/ Hơi thở mẹ/ Ấm áp phía sau lưng/ Đã từng ngày xuân/ Mẹ ơi mẹ bây giờ con đã lớn…”.
L.M.Q
(nguồn: Tập sách Mẹ và con - Nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2021)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|