Trong cuộc sống này, giữa cõi bao la của đất trời ngàn đời nối tiếp, điều gì khiến cho con người ta thay đổi nhiều nhất? Có phải lúc sinh con đẻ cái? Chắc chắn thế. Tôi nghĩ đây là một hành trình trải nghiệm kỳ diệu, chỉ có như thế, ta mới có thể quan sát, nhìn lại hình ảnh chính mình đã khuất xa trong mịt mờ dĩ vãng, quá khứ xa vời, nay quay trở lại rõ nét từng giờ, từng ngày qua hình ảnh bé bỏng của đứa con. Từng ngày mới mẻ. Từng ngày lớn dần.
Rồi đến một ngày kỳ diệu nào đó, với con gái, đó là lần đầu tiên mẹ nó mặc cho chiếc áo dài mới tinh khôi; nó đứng nhìn trước gương và e thẹn mỉm cười. Lần đầu tiên ấy, người cha chứng kiến thì sao? Tôi chưa trải qua cảm giác này. Muốn thế phải… 18 năm sau nữa. Anh bạn tôi cho biết, lần đầu tiên ấy, tự dưng anh lại ứa nước mắt. Lén lau đi, quay mặt chỗ khác. Nó biết ắt cười cho. Một nỗi niềm sung sướng tột cùng. Tại sao thế? Phải chăng, họ nghĩ về thời gian đã cùng con gái vượt qua một chặng đường dài? Ngoảnh lại, ơ hay, thoáng đó đã mười mấy năm trời rồi đấy.
Mười mấy năm trời, dài hay ngắn? Ngắn hay dài cũng là lúc người cha nhìn con gái và nhớ lại câu thơ đã viết: “Chung quanh tôi nói bằng hơi thở/ Thiếu nữ thơm tho như trái táo tôi cầm/ Trong giấc ngủ tôi không còn hoảng sợ/ Thiếu nữ đến là rộn rã những bàn chân…”. Khi nhìn thấy con gái mình, chàng trai nào đã xúc động, đã hồi hộp như cái thuở mình thanh xuân mới lớn? Đóa hồng nào, con gái mình sẽ nhận lần đầu tiên trong đời? Nó đang lớn. Đã lớn. Người cha nhìn từ vạt áo dài của con gái: “Thấy từ trong gió tuổi thơ đi/ Áo đẹp. Hồn thơm. Bước nhu mì”...
Rồi đến một ngày, chàng trai nào sẽ ngẫn tò te đứng nhìn, tự nhủ trong mơ tưởng, hẹn hò, tán tỉnh con gái mình: “Dậy đi xuống phố rong chơi/ Mắt xanh môi ngọc còn phơi nõn nà/ Tôi về trong cõi quê nhà/ Bỗng đang từ một hóa ra hai người”. Con gái mình sẽ nghĩ gì khi biết điều này, từ chàng trai nọ? Rồi mọi việc thế nào, có xuôi chèo mát mái?
Chỉ nghĩ đến điều tưởng chừng đơn giản ấy, nhưng trong lòng người cha biết bao là âu lo, biết bao kỷ niệm cũ ùa về như thác lũ. Có thể ăn năn, có thể ngậm ngùi, có thể là gì nữa? Tôi đã trải qua nhiều cuộc tình, có hoan lạc, có đớn đau, có hy vọng và tuyệt vọng. Dù gì đi nữa, nghĩ lại vẫn thấy nhói trong lòng nỗi buồn rầu xa thăm thẳm. Những mối tình đã chia tay, đã xa, không thể đến với nhau là cũng do mình đấy thôi.
“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi”. Đừng đổ thừa cho ai khác. Ngày ấy, không thể nghĩ những cô gái ấy, những người tình ấy sẽ chịu đựng cảm giác hắt hiu thể nào khi mình đã gieo vào lòng họ mầm mống ly biệt. Lạy trời, nỗi buồn ấy không xanh tươi mà tàn lụi nhanh chóng. Họ lãng quên chóng vánh. Nếu không, tôi đây ngày nay làm sao có thể đền bù nổi? Phải chăng, chỉ khi nhìn về đứa con gái, người cha mới có sự thức tỉnh này chăng? Một sự thức tỉnh bởi không người cha nào mong đứa con gái phải trải qua cảm giác ấy.
Thời gian không là liều thuốc nhiệm màu, khi có con gái bỗng có lúc những chuyện tình đã cũ lại cựa mình thức dậy. Quên quên nhớ nhớ. Xa xa gần gần. Mà thôi, mọi việc đã khép lại. Nói như niềm mơ ước của nhiều người làm cha làm mẹ là bao giờ cũng mong nó yêu một người, cưới lấy người đó và suốt đời hạnh phúc. Nhưng rồi, làm sao ai có thể biết trước điều gì sẽ đến khi mà bé nhóc ngày xửa ngày xưa sẽ lớn dần và xa dần vòng tay bảo bọc của mình? Nó sẽ có một đời sống khác. Chỉ mong nó đứng vững trên đôi chân của nó và đủ bản lĩnh giải quyết mọi việc không như ý. Hãy tin rằng, trên đường đi xa vời vạn dặm ấy ở phía sau bao giờ cũng có cha mẹ ngóng theo - một diểm tựa vững vàng nhất, đáng tin cậy nhất. Vì thế, trước một bất trắc gì chỉ mong con gái đừng sợ hãi.
Này Mì, và con cũng đừng bao giờ nghĩ rằng, hôn nhân là một sự kết thúc. Nói đúng ra, nó chỉ mới khởi đầu, chỉ mới bắt đầu của hai người: “Là môi đã chạm vào môi/ Đã nghe suối chảy, sông trôi... về nguồn/ Bỗng nghe vọng lại tiếng chuông/ Là nhịp tim đập vui buồn trăm năm”. Tất nhiên ba mong, cầu mong con gái được như thế, nhưng rồi, nếu không như thế mà phải trải qua những ngày địa ngục, cơm không lành canh không ngọt thì hãy làm sao?
Ối dào, sao ba lại nói với con những điều vừa “hắc ám” xúi quảy này nhỉ? Cái gì đến thì nó đến bằng không thì thôi. Tựa như khi đi trên sa mạc, người khôn ngoan luôn đặt ra cho mình mọi tình huống để có thể lường trước vì họ thừa biết rằng, trên trái đất này không hề có con đường nào chỉ trải hoa hồng. Nếu có, chỉ trong giấc mơ. Con đang sống trong đời thật, hãy nhìn bằng con mắt thật của mình, không qua một lăng kính nào khác.
Nếu trong đời thật rơi vào tình huống ấy? Phải chịu đựng vì thanh danh? Phải hy sinh vì con cái? Không, con người ta chỉ chết một lần nhưng hôn nhân không hạnh phúc tức là phải chết mòn mỏi nhiều lần qua nhiều ngày. Thế thì, việc quái gì phải chịu đựng? Lúc ấy, thí dụ nếu là con thì con hãy mạnh mẽ lên. Nghiến răng cắt đứt. Lìa bỏ. Dứt khoát lìa bỏ. Khi cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra. Dám mạnh mẽ sống, trước hết cho mình, chính mình. Chứ không phải sống vì người khác mà phải tự lừa dối cảm xúc. Vấn đề quan trọng nhất mà ba luôn cầu mong cho con, nghĩ về con sau này vẫn là con luôn hướng đến niềm vui sống mỗi ngày, từng ngày…
Này Mì, Ngày 8.3 là ngày phụ nữ được nhận những bó hoa của sự tôn vinh, ca ngợi, chắn chắn con được như thế. Vẫn chưa đủ, ba vẫn luôn nghĩ đến một ngày mai rằng, chính con, thế hệ của con đã là bông hoa ấy, tự mình kiêu hãnh tặng cho mình từng ngày, chứ nào phải chỉ trong Ngày 8.3 lại chờ đợi, van xin, trông ngóng từ người khác phái.
L.M.Q
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 23.3.2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|