THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: Vua Thành Thái cũng khoái… cười

TIỂU NHỊ: Vua Thành Thái cũng khoái… cười



vau-thanh-thai-cung-khoai-cuoi

 

Lâu nay sử sách nước nhà, một khi ghi chép về hành trạng của ông vua nào đó, hầu hết chỉ là những sự kiện liên quan đến chính trị, xã hội, ít thấy ghi sinh hoạt của “thiên tử” trong đời thường. Về sau, dân đen chỉ có thể biết qua những câu chuyện kể có tính chất “thiên hạ đồn rằng…”, truyền tai rỉ miệng, thêm thắt ít nhiều, khó có thể xác định hư thực ra làm sao.

Với trường hợp vua Thành Thái, dân gian còn lưu truyền dăm câu chuyện cười cực vui, nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị.

Dù lên ngôi thiên tử nhưng vua Thành Thái vẫn giữ thoái quen thỉnh thoảng cho hát bội vào Đại Nội biểu diễn. Ngài là người cầm chầu, đến lớp nào diễn xuất sắc hoặc kém thì đánh trống khen chê, thưởng phạt phân minh. Nếu chỉ có thế, chẳng có gì đáng nói? Thưa, không đâu, vì trong các buổi diễn này, ngài là người đặt ra luật lệ quái chiêu có tên gọi là “cứng - mềm”.

Thế nào là “cứng - mềm”?

Trên báo Tràng An số 21 ra ngày 10.5.1935, Phan Khôi có kể lại về các đêm diễn ấy thì nhà vua còn: “Sai thị vệ ra ngoài bắt thiên hạ vào coi. Những người bị bắt hầu đủ mặt: cu li xe, bọn bán hàng rong, bọn bán nước, thợ mộc, thợ mã, thầy tu, học trò, v.v… Vả lại người nào đi vào cũng đều phải đem theo đồ nghề của mình vào, rồi ai làm việc gì cứ làm việc ấy.

Bản ý vua làm vậy là muốn cho rạp hát trong Nội của mình như rạp hát ở nhà quê: có đủ các đẳng nhân coi hát, lại có kẻ bán kẹo, có người bán bánh. Chính mình vua cũng xen lộn trong đám đông mà coi hát như thường.  Đương hát, đương mua bán, đương vui, tự dưng không ai biết gì hết, có lệnh truyền bắt “cứng”, ấy là ai nấy cũng phải “cứng”.

Cái lệnh ấy do chính mình vua phát ra. Khi ấy vua ăn bận như người thường: cái quần trắng, cái áo the thâm, đầu bịt khăn lượt đen, chân dận giày hạ, đứng vào giữa rạp, nói lên độc một tiếng thật to mà rằng: “Cứng!” Đó là lệnh truyền.

Bấy giờ hết thảy trong rạp ngoài rạp, bất kỳ ai, đều phải tuân lệnh. Ai không tuân mà chết! Những người nào từ cha sinh mẹ đẻ chưa biết “cứng” là gì, cũng phải coi theo kẻ khác mà “cứng”.  Anh kép đương múa, vừa cất cái chân lên thì phải để nguyên cái chân như thế. Ả đào vừa mở miệng hát, cũng phải mở miệng như thế luôn, không được ngậm miệng mà cũng không được hát thêm tiếng nào. Kẻ đánh trống chầu mới vừa giá roi chầu lên cũng phải để y là lúc mới vừa giá lên. Ngoài rạp, người bán chè vừa đặt đòn gánh lên vai toan gánh đi rao bán, thì phải đứng im như lúc vừa đặt đòn gánh. Thậm chí có người đàn bà vén quần đi tiểu, cũng phải vén quần rồi để đó, không được có sự cử động gì khác.

Thế là “cứng”. Một cái quang cảnh của xã hội vua mới bày ra, vua cũng đặt cho cái tên mới ấy.

Ai nấy phải theo lệnh mà “cứng” mãi như thế cho đến khi nào vua hạ lệnh khác bảo “mềm” đi mới thôi. Thế nhưng vua có chịu cho “mềm” liền đâu. Mỗi lần hạ lệnh bắt “cứng” rồi, là vua đi chơi, có khi đi tuốt lên Kim Luông hay xuống tới Bao Vinh lận. Có ông hoàng bà chúa nào thấy thế, lấy làm tội nghiệp cho những người bị “cứng”, bèn đi tìm vua, nhắc và xin vua hạ lệnh “mềm”, khi ấy vua mới chịu về mà hạ lệnh cho.

“Thôi cho mềm đi”. Vua lại vào giữa rạp, nói một câu như thế, ấy là ai nấy mừng reo như được tha cho tội chết. Mà được thế, cũng đã phải ngồi hoặc đứng im, không được rục rịch, ngứa không được gãi, muỗi đốt không được đập trong ba bốn giờ đồng hồ rồi!”.

Tạo ra tình huống cười kiểu này, e chỉ có cỡ nhà vua mới ra lệnh nổi. Thế nhưng. Vua có lối gây cười cực kỳ trêu ngươi thì dân đen cũng có cách chơi xỏ được như thường. Nghe kể là trong gánh hát nọ, có tay kép hài diễn cực đỉnh, ai xem cũng phải mê tít thò lò, không những thế, trong đời thường anh ta lại có tài nói ngọt lọt đến xương, nói hay đến độ con kiến trong hang phải chui ra. Tài nghệ ăn nói cỡ ấy, ngoài Huế và cả dân miền Trung dùng từ “hót”, vậy ta tạm gọi tên anh ta là Hai Hót.

Ngày kia, vua Thành Thái sai Hai Hót đến, dạy rằng: “Nghe bảo tài hót của mi rất tuyệt nhưng ta vẫn chưa tin. Nay, mi hót ta nghe mà ta phải cười, bằng không thị vệ lấy đầu mi”. Nghe lời phán, Hai Hót dường như sợ hãi, ôm mặt khóc hu hu, run lẩy bẩy, thổn thức nghẹn ngào, không thể thốt nên lời, miệng câm như hến. Nhà vua bực mình quát: “Răng? Mi muốn mất đầu hử”. Bấy giờ, Hai Hót liền sụp lạy, ngước đầu lên tâu: “Bẩm bệ hạ, con có tật nghiện thuốc lào nhưng sáng giờ chưa hút điếu nào, lại vừa thấy ống điếu của bệ hạ trên bàn ngự kiam khiến cơn nghiện trỗi dậy hoành hành, con không thể hót được. Xin bệ hạ chém đầu con”.

Thương tình, ngài sai thị vệ đem ống điếu đến, hút xong, Hai Hót chỉ cười hì hì, chẳng thèm hót lời nào. Ngạc nhiên quá, nhà vua hỏi: “Ủa, sao chưa hót? To gan, giỡn mặt hử?”. Hai Hót liền thưa: “Muôn tâu bệ hạ, con vừa hót xong rồi ạ. Xưa nay có ai được vinh dự hút điếu ngự? Chỉ có con mới được ơn mưa móc nhưng con nào có xin xỏ gì đâu”. À, thì ra thế. Nó vừa hót xong rồi. Vua Thành Thái hiểu ra, bèn… bật cười khanh khách.

T.N

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - ngày 15.3.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com