THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Nơi chốn vun trồng tình người

LÊ MINH QUỐC: Nơi chốn vun trồng tình người

 

90558904_216306136348625_167497973582790656_n(Bài tổng kết cuộc thi Thành phố tôi yệu do báo Thanh Niên tổ chức)

Vào một buổi chiều tan tầm, phố xá đông nghịt, một bé nhóc ngồi sau lưng mẹ, mải mê ngắm nghía chiếc chiếc ô tô bằng nhựa đang cầm trên tay. Xe chạy qua con lươn giảm tốc, bất ngờ món đồ chơi ấy rơi xuống đất, bé chưa kịp kêu lên, từ phía sau dòng xe đã ùn ùn lao tới. Mất hút. Lúc ấy, có một người nhìn thấy, liền dừng xe, cúi xuống nhặt món đồ chơi ấy, rồi len lỏi bám theo, nhích dần, nhích dần, cuối cùng đã trao lại được cho đứa bé. Xong, anh ta quay xe đi về hướng khác. Câu chuyện này, chỉ có thế. Đơn giản, không gì ồn ào, không gây sốc, không… câu view. Thế nhưng lại đọng trong ta một tình cảm thân thiện, khó quên từ một làm rất nhỏ, đủ để gợi lên tình người đã diễn ra tại một đô thị lớn. Từ hình ảnh này, bất chợt tôi nhớ đến câu thơ Lục Vân Tiên: “Làm ơn há dễ mong người trả ơn”. Âu cũng là tính cách chung của cư dân vùng đất Sài Gòn phương Nam nắng ấm.

Trong cuộc thi Thành phố tôi yêu do báo Thanh Niên phát động, những câu chuyện rất đỗi đời thường này (CK 018) đã được kể lại bằng giọng văn chân thật, nhờ vậy, qua các chi tiết dù nhỏ nhưng lay động cảm xúc người đọc là vậy. Thật lạ, nơi mình sinh ra, yêu lấy nó bằng tình cảm máu thịt là lẽ thường tình, nhưng tại sao, tại nơi này, mình cũng mở lòng nhìn nhận và yêu lấy nó như yêu lấy nơi chôn nhau cắt rốn?

Nếu dùng chữ yêu thì chưa đủ để tỏ bày tấm lòng của tôi. Phải gọi là thương. Bởi chỉ khi thương nơi nào đó, ta mới nhớ quay quắt và thèm trở về mỗi bận đi xa. Bởi khi thương Sài Gòn, người ta mới tha thiết trở về, gắn trọn cuộc đời với nó mà bỏ qua những khói bụi, kẹt xe, lừa lọc... Bởi chỉ có thương Sài Gòn, người ta mới hiểu, miền đất này còn đó nhiều tấm chân tình, lắm điều trượng nghĩa” (CK 035).

Không thương sao được, có những con hẻm nhỏ chìm khuất đàng sau đường phố tấp nập, náo nhiệt lại là: “Nơi 30 năm nhân ái giúp đỡ người khó khăn cơ nhỡ. Trà đá, xe ôm, vá ép, thuốc chữa bệnh cho người nghèo… tất cả đều miễn phí giữa đất Sài Gòn đắt đỏ. Nghe thì có vẻ lạ lùng nhưng điều đó là sự thật: sự tử tế và tình người rõ nét trong những con hẻm Sài Gòn” (C 028). Không thương sao được, “ Mình từng dừng lại rất lâu ở một góc đường xa lạ, nơi có cái tủ tiền lẻ nho nhỏ dành cho người nghèo hay môi mắt cay xè lúc thấy chị bán bún đút cho anh bán vé số cụt tay ăn. Những thùng bánh mì miễn phí, bình nước đặt gọn bên đường thầm lặng mà ấm lòng người đến lạ... (CK 029). “Sao không yêu Sài Gòn được khi mới hôm qua, Sài Gòn bất chợt đổ cơn mưa chiều. Trong túi không có một ngàn đồng trong khi mưa càng lúc càng nặng hạt. Bỗng dưng phía trước mặt, chỗ hàng cây trên đường Phạm Văn Đồng (Q.5) có chùm áo mưa treo lủng lẳng kèm tờ giấy in dòng chữ: “Áo mưa (miễn phí)”… Sài Gòn như thế, cớ sao không yêu?” (CK 44).

Từ hình ảnh nhân ái này, tôi lại nhớ đến câu thơ Lục Vân Tiên, khi làm việc nghĩa: “Nào ai tính thiệt so hơn làm gì”. Tính cách của Sài Gòn đó, có gì đó, sâu lắng, nhẹ nhàng khiến ta ấm lòng và dành cho thành phố này nhiều thiện cảm. Rõ ràng, có những điều tốt đẹp đã diễn ra, không chỉ trong văn chương mà đang vận động theo nhịp sống từng ngày…

Ngay cả người nước ngoài khi đến với Sài Gòn, họ lập tức bị “chinh phục” từ câu nói tưởng chừng bỗ bã nhưng thật lòng bày tỏ sự quan tâm: “Một hôm nọ, một chị người Sài Gòn hỏi tôi: “Joachim có dzợ chưa?”. Tôi bối rối, dzợ là cái gì nhỉ?! Sau khi tôi được giải thích rằng trong ngôn ngữ nói vùng này, người ta sẽ biến âm “v” thành âm “d” hay “dz”. Tôi hùng hồn, Joachim muốn có một dzợ người Sài Gòn lắm và muốn ở lại đây nữa” (CK 013). Mà nào phải người nước ngoài, có anh chàng nọ trọ học tại Sài Gòn, nhiều lần đổi chỗ ở bởi không thể chịu được cách gọi “cưng”, đã thế, lại có lúc bảo: “Cưng xạo bà cố”. Mãi sau này, “tôi bắt đầu nghiệm được là câu cửa miệng, cách nói vui, thân thiết của người Sài Gòn, chứ hổng phải ý đồ ghê gớm gì như tôi từng lo nghĩ” (ck 023). Thật thú vị, cách nói của người Sài Gòn qua từ “cưng” cũng là một “đặc sản” đấy chứ? Không phải ngẫu nhiên, trước đây thi sĩ Nguyên Sa đã chọn lấy như một đặc trưng: “Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng”. Trìu mến quá đỗi.

Không chỉ là cách xưng hô, “Mẹ tôi bảo người Sài Gòn sống hồn nhiên như bà con miền quê Nam bộ. Mẹ thường bắt gặp cảnh người dân ngồi ghế uống cà phê, sữa đậu nành, có người còn co chân kiểu “ngồi chống lũ” lên ghế như dân quê của tôi. Cái vẻ quê này không ảnh hưởng tới ai, người Sài Gòn là vậy, giàu có, nghèo có, nhưng họ vẫn đối xử với nhau như những người anh em ruột thịt. Ừ thì, Sài Gòn mà, thương nhau mà sống” (CK 05).

Thật vậy, nơi chốn này, con người ta đã thương nhau, nương nhau mà sống, dù xa lạ, lần đầu gặp gỡ nhưng như đã thân thiện. Tính cách cách ấy, không phải bây giờ mới có, đã định hình: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi” (Huỳnh Văn Nghệ). Bây giờ, dù Sài Gòn đã khác trước, đã hiện đại hóa thế nhưng biểu hiện của tình người vẫn bền theo năm tháng. Chính điều này đã làm nên  hồn cốt, cốt cách của cư dân vùng đất này, dù sinh ra tại đâu nhưng một khi đến với Sài Gòn, từ trong sâu thẳm tình cảm người ta có được tính cách cao thượng ấy.

Lý giải điều kỳ diệu này, có nhiều hướng mà Thành phố tôi yêu là một thí dụ sinh động. Thành công lớn nhất của cuộc thi, theo tôi vẫn là những nét đẹp bình dị trong dòng chảy từng ngày, tưởng rằng lạnh lùng, vô cảm nhưng ẩn giấu trong sâu thẳm vẫn là sự mở lòng bao dung, vẫn giữ được nếp sống thân thiện trở thành nơi chốn vun trồng tình người. Chính vì như thế “Chúng tôi xem như quê hương của mình” (CK 010); “không chỉ trên giấy tờ hành chánh mà là từ tâm tư ngày càng gắn bó với thành phố đáng yêu này (CK 039).

L.M.Q

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 27.6.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com