Khi gặp chuyện không vui, nỗi âu lo nào đó, khi tâm sự cùng bạn bè, ngươi thân ắt ta nghe lời khuyên: “Buông bỏ đi”. Câu nói ấy, nhẹ nhàng và chân tình, đúng lắm, phải là thế. Nhưng thực hiện được điều này, đó là một việc không phải dễ làm...
Tôi có quen chị bạn, trước đây, nhận thấy chồng chểnh mảng gia đình, chị đã lo lắng, loáng thoáng nghĩ đến anh ta đang léng phéng mèo mỡ đâu đấy. Chị lồng lộn hỏi điện thoại người này, nhắn tin dò hỏi người kia; hoặc phóng xe đi tìm cả đêm. Bạn bè ai cũng quở chị già nhanh, nhan sắc “tụt dốc” nhưng chị chẳng màng, vì biết đâu nhìn thấy chị tiều tụy ắt người chồng sẽ động lòng trắc ẩn mà nghĩ lại? Vì lẽ đó, mỗi chiều tan sở phải tất tả chạy về nhà lo cơm nước; sau đó, dù đói, dù mệt nhưng chị có ăn được đâu vì còn vò võ đợi chồng.
Chị nghĩ, mãi đến khuya vác xác về “tổ ấm” nhìn mâm cơm nguội tanh, vợ con vì chờ đợi mà bụng dạ đói meo ắt người chồng cảm động, tự rút kinh nghiệm cho lần sau?
Không ngờ, nhiều lần bước vào nhà nhìn gương mặt thểu não ấy, anh ta lại la toáng lên: “Đến giờ ăn thì ăn, chờ cái gì mà chờ? Người ta trăm công nghìn việc, chẳng lẽ, bỏ việc về nhà nhai miếng cơm cho qua bữa à?”. Chị rơm rớm nước mắt: “Vậy lần sau, mẹ con em ăn trước nhá?”. Vẫn giọng nói xộc mùi men: “Có thế mà cũng hỏi?”.
Nghe phát ghét.
Không riêng gì chị, nhiều phụ nữ cũng nghĩ rằng, dù bị ruồng rẫy nhưng mối quan tâm lớn nhất của họ là làm mọi cách, dành mọi thời gian giữ chồng trong tầm kiểm soát. Nhưng ngộ ghê, lúc đó, người chồng lại cảm thấy vợ mình như “gánh nặng”. Hình ảnh người vợ với bộ áo quần xốc xếch, gương mặt mất ngủ, mắt sâu hoắm, mở miệng ra là cằn nhằn, truy hỏi và lúc nào cũng kè kè bám theo có là biện pháp tích cực? Sẽ kéo gần hay đẩy chồng xa hơn?
Bây giờ đã khác. Chị thực hiện theo lời khuyên: “Buông bỏ đi”.
Mỗi lần đến giờ cơm, mẹ con chị ăn vui vẻ vào bàn ăn, cả hai hú hí, tâm sự, trò chuyện khỏi phải nghĩ ngợi lăn tăn. Sau đó, nếu thích, mẹ con dẫn nhau ra siêu thị ngắm hàng mới, mua sắm này nọ. Đúng giờ thì đi ngủ, không còn phải thấp thỏm, trằn trọc, thở vắn than dài, ngóng ngóng chờ đợi như trước. Anh ta về lúc nào thì mặc, tự hâm nóng thức ăn, còn chị cứ ngáy khò khò.
Từ đó, chị cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng, dễ chịu hơn, có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc cho bản thân nhiều hơn. Không những diện những bộ quần áo đẹp khi ra phố, thỉnh thoảng lại còn rủ bè bạn đi spa, cà phê “tám” đủ thú chuyện trên trời dưới đất…
Tâm lý con người lạ lắm, một khi thấy “người ta” thay đổi thái độ, không còn chầu chực, quan tâm, lo lắng đến mình nhiều như trước bỗng dưng chột dạ.
Trước đây anh chồng xem thường “cơm nhà”, tí tởn cùng “phở”, dù chị năn nỉ ỉ ôi, khóc lóc ấm ức nhưng vẫn bỏ mặc ngoài tai, chỉ vì nghĩ mình đang “có giá”. Nay “người ta” chẳng thèm quỵ lụy, “xuống nước” chút tẹo nào nữa, bỗng dưng một câu hỏi to tổ chảng nằm chình ình trong đầu: “Có phải “người ta” đã có ai khác chăng? Không thế, sao dạo này thay đổi quá vậy?”. Thế là cuống cuồng tìm hiểu nguyên cớ ra làm sao. Dần dần, chính anh ta tự điều chỉnh hành vi bởi thừa biết, nếu không quan tâm nhiều đến vợ con biết đâu “cha căng chú kiết” nào nhảy vào thay thế. “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa” thì khốn!
Nhiều phụ nữ cũng có tâm lý đó. Có cô gái - bạn thân với bà xã tôi tâm sự có lần rơi vào tình trạng “say nắng”, vì thế, cô đã thay đổi lịch sinh hoạt hằng ngày. Không rõ chồng cô có biết hay không mà vẫn không hề dò hỏi, thắc mắc gì cả. Có điều lúc cô vừa ra khỏi nhà, anh ta cũng phóng xe đi luôn. Đi đâu chỉ có trời mới biết. Mà lại còn ăn mặc đẹp, gương mặt rạng rỡ ngời ngời nữa chứ! Đã thế, thỉnh thoảng chiều cuối tuần, cứ đúng vào lúc vợ chồng con cái quay quần là có tiếng gõ cửa, thì ra, dịch vụ chuyển hoa của bưu điện gửi đến cho anh một bó hoa hồng đỏ thắm.
Ban đầu bình thường nhưng đến lần thứ ba, thứ tư cô cảm thấy có điều gì rất đáng lo ngại: “Phải chăng có ai đó đang “tấn công” chồng mình?”. Cô giật mình và thay đổi cách ứng xử, phải “canh me” đến chồng nhiều hơn. “Chẳng lẽ, đợi nước đến chân mới nhảy” à? Còn lâu! Tớ chẳng dại”, cô mỉm cười giải thíh lý do vì sao hết… “say nắng”. Từ đó, cô hết “hướng ngoại” mà “hướng nội” nhiều và nhiều hơn trước bội phần.
Thế đấy, dù vợ/chồng “giở quẻ” với bất kỳ tình huống nào, mình cũng chớ có sợ hãi, yếu đuối, van xin rồi âm thầm đau khổ. Nếu xẩy tình huống xấu nhất, chẳng hạn, “nửa kia” không “cải tà quy chính” thì những năm tháng còn lại vẫn đáng sống, không việc gì phải chán đời đến độ tuyệt vọng.
Chị bạn tôi là chuyên gia “gỡ rối tơ lòng” về lãnh vực hôn nhân gia đình, đã từng tháo gỡ “ngòi nổ” cho nhiều ca hóc búa. Có những trương hợp, chị bảo: “Người trong cuộc phải biết thương lấy chính mình”. Câu nói nghe ra dễ dàng quá, vì thế, tôi không tin.
Thế nhưng khi đọc mẩu chuyện này trên internet, tôi mới giật mình và thấm thía: Người đàn ông nọ có cô cô gái duy nhất, ông rất yêu thương và đó chính là nguồn sống.Chẳng may, ngày nọ cháu bị bệnh và mất. Nỗi đau này âm ĩ mãi trong tim. Ông không thể vượt qua nổi, mỗi ngày than khóc, nước mắt đầm đìa. Một ngày kia, ông ngủ thiếp đi trong nổi đớn đau và mơ thấy mình đang đứng trước cửa thiên đàng. Ông thấy có một đàn trẻ nhỏ, mỗi gương mặt tươi tắn như thiên thần đang cầm những ngọn nến lung linh ánh sáng. Có điều lạ, có một cô bé cầm ngọn nến trên tay không thắp sáng, nó đã tắt.
Ngạc nhiên và nhìn kỹ hơn, ông bàng hoàng nhận ra đứa bé ấy chính là con gái bé bỏng của mình. Sao lại thế cơ chứ? Ông ngạc nhiên đến gần và hỏi: “Tại sao nến của con là ngọn duy nhất không cháy sáng”. Cô bé buồn bã trả lơi: “Con vẫn thắp đấy cha ơi. Nhưng giọt nước mắt của cha lại dập tắt mỗi lần con thắp lại”. Nghe câu nói ấy, ông bừng tỉnh. Thức dậy, nhớ về giấc mơ kỳ lạ đó, ông đã thay đổi tức khắc thái độ sống.
Vâng ạ, “buông bỏ đi” cũng là một nghệ thuật sống. Có những tình thân, yêu thương nhất, một khi đã mất thì hãy chấp nhận đối diện cùng nó để tìm lấy hướng giải quyết khác mang sắc màu tích cực hơn. Và hơn cả thế, thái độ ấy còn giúp cho ta vượt qua được tháng ngày ảm đạm, buồn rầu mà chẳng ích gì…
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 473 ngày 15.5.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|