Cuộc tình của họ đẹp quá đi mất. Ngay từ thời sinh viên, lúc ở chung ký túc xá, thay vì xuống nhà ăn tập thể ăn uống như bạn bè, bọn tôi đã thấy họ góp gạo thổi cơm chung. Sáng, trước lúc đến giảng đường, nàng đã bắt nồi cơm điện; trưa, đi học về, chàng lăng xăng nấu bếp. Cứ ríu ra ríu rít như vợ chồng son.
Thuở ấy, ăn uống chẳng có gì, bất quá cũng chỉ “Nước mắm đại dương, canh toàn quốc”, nhờ nấu ăn riêng nên mỗi ngày họ có thể tranh thủ “cải thiện” thức ăn “tươi” hơn. Nhưng đó chỉ chuyện nhỏ, điều quan trọng là họ luôn có dịp chăm sóc, quan tâm đến nhau. Và sau khi tốt nghiệp, lúc đã công ăn việc làm ổn định, họ tiến hành đám cưới. Bạn bè ai cũng mừng và bình chọn đó là cuộc tình đẹp nhất của Khoa tài chính kế toán trong niên khóa đó.
Những tưởng rằng, sự tươi đẹp và hạnh phúc ấy vững bền theo năm tháng. Mới đây, chàng rủ bạn bè uống cà phê, ai nấy đều bất ngờ khi nghe toàn những lời ca cẩm, phàn nàn về vợ. Ối dào, “chén trong sóng còn khua”, chứ huống gì vợ chồng không có lúc tranh luận, cãi vã? Chuyện đó bình thường thôi, không gì đáng quan tâm.
Thế nhưng, cuối cùng chàng “chốt hạ” vấn đề bằng một cử chỉ chẳng ai ngờ tới: Chàng móc cái ví trong túi và lật ra, chỉ có vài tờ bạc lẻ! “Thế đấy! Tớ phải sống làm sao đây?”. Nghe câu nói ấy thểu não, buồn rầu quá đi mất. Sở sĩ dẫn đến tình trạng này là cũng do xuất phát từ quan niệm sống “hai là một”.
Rằng, sau một thời gian thử sức ở một hai công ty, cả vợ lẫn chồng đều nhất trí, quyết tâm nghỉ và mở công ty riêng. Cú đột phá này, cả gia đình chồng/vợ đều tán thành. Còn may mắn nữa là họ được má vợ cho vay thêm vốn. Mọi việc diễn ra suông sẻ quá đi mất. Tuy nhiên, ngay sau đó, má vợ có đề nghị nho nhỏ với con rể là nên chọn vợ phụ trách kế toán, quản lý sổ sách. Hợp lý vô cùng vì dù gì nhiệm vụ này phù hợp với chuyên môn mà cô đã học.
Từ đó, xẩy ra tình huống mà chàng không ngờ đến: Mọi mua sắm trong nhà đều “được” vợ quản lý chu đáo, sít sao. Ngay cả tiền chi tiêu hàng ngày cũng vậy. Vợ cho đồng nào biết đồng nấy, chẳng có thêm một thu nhập nào khác. Thời làm ở công ty ngoài, có nhiều khoản riêng dễ dàng giấu vợ, nay chớ hòng. Đừng có mơ. Kể ra cũng tội nghiệp cho những ai bị quản lý một cách sít sao đến thế.
Ban đầu, nhiều đôi uyên ương cứ nghĩ rằng, cùng làm chung ắt càng thuận lợi. Chẳng hạn, mỗi ngày, cả hai cùng đến công sở, trưa ăn uống chung, chiều cùng về, chỉ riêng chuyện đó đó đã tiết kiệm được tiền xăng, bảo quản xe cộ; hơn nữa, họ cùng có chung mối quan tâm về công việc, và nhất là còn quản lý được giờ giấc của nhau. Thuận lợi quá đi chứ?
Vâng, rất thuận lợi, không ai có thể cãi lại nổi. Chỉ có điều từ thuận lợi đó mà Biền - bạn tôi thú thật, không thể nhớ mặt, biết tên hết các nữ đồng nghiệp của phòng kế toán. Bởi một điều đơn giản, hễ đến kỳ lương tháng, các khoản tiền thưởng đột xuất thì cô vợ cũng đều nhanh chân ký nhận và sau đó, quản lý giúp luôn cho chồng. Do đó, mới xẩy ra chuyện tréo ngoe, thỉnh thoảng hắn ta còn bị các cô phòng tài vụ “mắng vốn” kênh kênh kiệu kiệu. Rằng, tình cờ gặp nhau ngoài đường, lúc họ gật đầu chào, hắn cứ bơ mặt ra vì “đâu có quen biết” gì mà chào lại?
Nói đi cũng phải nói lại. Một khi làm chung công ty, đồng lương được vợ/chồng thay mặt quản lý thì cũng tốt thôi. Sự chi tiêu ngoài kế hoạch khó xẩy ra theo kiểu ngẫu hứng, bất đồng một cách vô bổ. Thu nhập bao nhiêu, chi xài cái gì, dẫu nhắm mắt cũng biết tỏng tình trạng tài chính của nhà mình. Tuy nhiên, ít ai có thể “lập trình” bởi có lúc xẩy ra tình huống mà họ không lường đến.
Gần đây, cô Xuyến nhắn tin hỏi vay tôi một ít tiền. Như tôi biết, vợ chồng cô thuộc hạng có thu nhập cao, vậy hà cớ gì lại mượn số tiền quá “bèo”? Hỏi ra, cớ sự là thế này, cô tâm sự vừa nhận đươc tin nhắn của cậu em trai cần “tài trợ” để mua một cái laptop thuận tiện cho học hành. Đòi hỏi này chính đáng lắm, lại chi tiêu trong khả năng, vậy, cô gật đầu cái rụp. Nhưng rồi, chồng cô lại “quăng cục lơ”, cứ cù cưa, chần chừ đến phát mệt!
“Nếu như người khác, gặp “sự cố” trên, tớ dễ dàng giải quyết, dễ như lật bàn tay”, Xuyến nói. Tại sao? Tôi chưa kịp hỏi, cô cho biết, chi cần đánh tiếng với anh em công ty, rồi tháng sau trừ vào lương. Vậy là xong. Nhưng trường hợp này, bạn vợ cũng là đồng nghiệp của chồng. Thế mới khó. Sự vay mượn này làm sao giấu kín? Va phải tình huống này, cô mới thấy sự hăm hở “hai là một” của thuở ban đầu, hóa ra cũng có lúc chẳng hay ho lắm đâu.
Vậy, trong những trường hợp tương tự, phải tính ra làm sao? Câu trả lời của Biền - bạn tôi: “Biết thế, lúc trước, tớ “nhảy” sang công ty khác thì khỏe quá”. Còn bạn?
L.M.Q
(nguồn: TGPN 21.5.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|