THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tìm cách xử lý khôn ngoan

LÊ MINH QUỐC: Tìm cách xử lý khôn ngoan


 


tim-cach-su-ly-khon-ngoan

 

“Tèo đâu?”, nghe mẹ gọi, thằng nhóc cất tiếng: “Bẩm, mẫu hậu, có đệ tử đây”. Đang ngồi bù khú, bia bọt lai rai cùng bạn bè, ông bố cũng hứng chí cười theo, tỏ ra thích thú lắm.

Chả bù cho lúc trước, thật bực mình vì lúc đang tiếp khách mà vợ “đá thúng đụng nia”, “chửi cho mắng mèo”. Nói thế vì mới đây thôi, khi một vài đồng nghiệp đến chơi nhà, cô vợ mặt sưng mày xỉa, cau có, tỏ ý bực bội khi nhìn thấy chàng đang phì phèo thuốc lá. Nhìn thấy gương mặt khó chịu ấy, mọi người tinh ý rồi nháy mắt ra dấu để nhanh chóng “rút lui có trật tự”. Đêm ấy, họ xẩy ra cuộc cãi nhau inh ỏi. Tất nhiên cuối cùng, người chồng bảo “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” chỉ vì muốn tình hình êm dịu, khỏi phải nghe lời cằn nhằn lúc đang thiu thiu ngủ. Thế là chàng bèn mạnh miệng thề sẽ bỏ thuốc lá vào ngày mai.

Ối dào, cái ngày mai ấy xa thăm thẳm, chẳng rõ bao giờ mới đến. Bằng chứng, hiện giờ từ miệng chàng vẫn thở ra đầy khói không thua gì ống khói tàu hỏa! Ủa, mà này, cô vợ gọi cu Tèo vào sai bảo gì vậy? Cô bảo: “Con ra ngoài phòng khách nhét vào tay bố cái mẩu giấy này nhá”. Chú nhóc vâng lời, chấp hành mệnh lệnh của “mẫu hậu” ngay cái rụp.

Nhận tờ giấy từ tay nhóc út, người chồng kín đáo lật ra xem, đó là cái tin in sờ sờ trên báo: “Tác hại của việc hút thuốc lá nguy hiểm ra làm sao?”. Chàng nhìn cái tít, liếc xuống đôi dòng là lập tức nhớ lại lời đã hứa với vợ. Sự nhắc nhở này, chỉ vợ/ chồng biết với nhau, do đó, mọi người vẫn cười nói oang oang, vui vẽ, không hề biết chuyện gì vừa xẩy ra.

Có thể nói, các nhắc nhở này tinh tế và không ngoan lắm. Dù bị “sửa lưng” nhưng người trong cuộc vẫn không tự ái, không mất mặt với bạn bè. Vì lẽ đó, họ lẳng lặng tiếp thu, và vui vẻ “sửa sai” nhanh chóng.

Khi bàn về chuyện này, tôi sực nhớ trong đám bạn thân thiết, Thịnh là người nắm được bí quyết… làm món bò bít-tết cực ngon. Có lần cô bảo: “Nhờ anh xã mình đó”. Ai nấy bật cười không thể tin nổi bởi Dũng hoàn toàn không có một chút năng khiếu gì về chuyện nấu nướng. “Vậy nhờ là nhờ cái gì?”, mọi người nhao nhao hỏi.

Theo lời Thịnh kể, trước kia, lúc họ đang chuẩn bị tiến đến đám cưới thì mẹ Dũng ngỏ ý sang chơi nhà cô. Thử hỏi còn gì vui hơn? Rõ ràng, bà có cảm tình, quý mến con dâu tương lai nên mới có ý định đó. Vậy thì, đây là cơ hội quá tốt để cô trổ tài bếp núc, “ghi điểm” vời mẹ chồng.

Trong lúc các bậc phụ huynh đàm đạo thì đôi trẻ lăng xăng dưới bếp. Lúc ăn, nhìn thấy món bò bít-tết được bày biện, ai cũng tưởng là ngon. Nào ngờ lúc đưa lên miệng nhai thì lại có cảm tưởng như muốn trẹo quai hàm. Thịt bò gì lại vừa cứng vừa dai như như miếng bìa cạc tông! Quan sát nhìn thấy sự tréo ngoe này, Dũng cứ làm như không biết gì, hắn ta cứ bô bô khoe chính tay mình làm món ngon này.

Cách nói vô tư cứ như thật của Dũng đã hóa giải cho Thịnh một pha cực kỳ cấn. Cô thở phào nhẹ nhỏm trong lòng, vì ít ra cũng không bị bà mẹ chồng chê vụng nấu nướng. Sau đận đó, cô âm thầm lướt web, tìm đọc sách nữ công gia chánh để nâng cao “nghiệp vụ”. Nhờ thế, mẹ Dũng dù có lúc đi ăn nhà hàng nhưng bà vẫn khen: “Vợ thằng Dũng nhà tôi làm món này là ngon nhất xứ”.

Nếu trước đó, vì lý do gì đó, Dũng cứ đổ hết mọi vụng về cho vợ thì liệu Thịnh có hứng thú gì để học hỏi, tìm cách khắc phục nhược điểm của mình?

À, còn có chuyện này nữa. Rằng, dạo này, vào mỗi chiều có lịch dạy kèm, tôi không thấy bé Cưng - con gái của Lâm sang học nữa. Có lẽ cháu bận việc gì chăng? Tôi không để ý lắm, nhưng vài lần sau việc này lại tiếp diễn. Thế lại tôi mời vợ chồng Lâm sang nhà chơi và hỏi lý do. Lâm bảo: “Tại cháu mắc cỡ với chú”. Nghe lùng bùng cả hai lỗ tai, Trời đất, có chuyện gì vậy? Kỳ cục quá đi mất.

Nghe Lâm nhắc lại tôi mới nhớ, mới gần đây, khi sang chơi, do táy máy, nghịch ngợm nên cháu làm bể cái bình đựng hoa. Với tôi, chỉ là chuyện nhỏ, không đáng bận tậm lắm. Ngược lại, vợ chồng Lâm lại mắng sa sả, lại còn dọa là cháu phải đập heo tiết kiệm mua đền. À, thì ra thế. Cách xử lý, răn đe của vợ chồng bạn không khéo nên tự dưng tôi không còn có dịp dạy kèm cho cháu nữa. Tôi bảo: “Chuyện này phải tìm cách hóa giải thôi. Tớ phải sang nhà vợ chồng cậu chơi để tớ “làm lành” với bé Cưng. Tội nghiệp cháu”.

Cách xử lý của Lâm, theo tôi, điều tồi tệ nhất là chuyện “nhỏ như con thỏ” nhưng lại tạo ra một khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Bởi lẽ trẻ con “ăn chưa no, lo chưa tới”, sau sự việc cỏn con ấy đã không xử lý khéo, liệu chừng khi va vấp chuyện khác lớn hơn, các cháu có tìm đến bố mẹ để giải bày, tâm sự để được hướng dẫn cách tháo gỡ? Đó mới là điều đáng âu lo nhất.

Trong cuộc sống thỉnh thoảng xẩy ra chuyện không như ý là lẽ thường tình. Vì lẽ đó, nhiều người đồng tình cho rằng, khi đứng trước một tình huống éo le nào đó, cần bình tĩnh để tìm cách xử lý khôn khéo nhất. Có như thế, mới mong đạt được hiệu quả như ý. Nếu không, có thể xẩy ra tình huống tồi tệ mà ta không lường hết. Có như thế, mới mong đạt được hiệu quả như ý.

L.M.Q

(nguồn: TGPN 15.5.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com