Sau khi ăn cơm chiều, khác mọi ngày là bật truyền hình xem thời sự trong ngày, lần này, cô vợ lại chăm chú lướt Ipad. Giây lát sau, cô gọi tới tấp: “Cưng ơi, cưng à lại đây”. Nghe giọng nói âu yếm quá, người chồng thắc thỏm mừng thầm vì nghĩ rằng sẽ nhận được tin vui gì đây. Vội vàng đến cạnh vợ, chàng chưa kịp âu yếm choàng tay qua vai thì nàng đã tuôn ra một “tràng liên thanh”: “Đây cưng, xem màn hình đi. Đẹp chưa? Thích chưa? Hoành tráng chưa? Cưng thấy gì chưa?”.
Thấy gì là thấy gì?
Nhìn theo ngón tay của vợ di di trên màn hình, chàng thấy rõ mồn một căn nhà khang trang, ngăn nắp, sạch sẽ, tiện nghi. Vậy có gì lạ? Rồi cô vợ lại đưa tay chỉ vòng quanh bốn phía trong nhà: “Đấy! Nhìn lại nhà mình đi cưng”. So sánh với những gì vừa xem, đúng là một trời một vực. Bừa bộn, chật chội, mọi thứ tứ tung chẳng đâu vào đâu, chẳng “mỹ thuật” gì cả.
May quá, cô vợ đã nói ngay: “Dọn nhà. Phải dọn nhà gấp. Đúng không cu Ủ, cu Tí?”. Mệnh lệnh của vị “tổng chỉ huy” đã ban hành! Nghe vậy, lập tức, hai đứa nhóc đồng thanh hô to: “Chấp hành mẫu hậu”. Chẳng lẽ mình đứng ngoài cuộc? Xem ra lạc lỏng lắm, tức thì người chồng cũng… bắt chước hô theo: “Chấp hành, chấp hành!”. Âm thanh ấy nghe reo vui. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, đôi khi lại thể hiện qua nhũng việc cỏn con ấy. Hạnh phúc lắm.
Ngày dọn nhà được cô vợ lên kế hoạch “tổng tấn công” vào dịp cuối tuần. Phải thế thôi. Bấy lâu nay, công việc mỗi ngày đã cuốn các thành viên theo thời gian sít sao, vì thế, cửa nhà bừa bộn lắm, ít có lúc dọn dẹp. Ai cũng thừa nhận rằng, đây là việc nên làm, dịp đó, cần tống khứ đi những thứ thừa thải, hư, cũ mà lâu nay không sử dụng đến. Có như thế, không gian mới thoáng đãng, sạch sẽ, gọn gàng như ý. Như vậy, việc làm này quá đơn giản, phải không?
Chưa chắc.
Vừa rồi, lúc cà phê cà pháo “tám” chuyện, tôi nghe Lâm hỏi Trung: “Sắp tới, con gái tớ làm tiểu luận về tình hình thơ văn giới nữ thủ đô. Cậu cho tớ mượn một ít sách báo cũ nhá?”. Tôi biết, Trung gật đầu ngay vì hắn ta luôn thiện chí với bồ tèo bè bạn, hễ ai cần là cho mượn ngay, không đợi hỏi đến câu thứ hai. Lần này cũng vậy chứ gì? Không ngờ, Trung xụi lơ: “Cậu tìm đến… mấy bà bán ve chai thì hợp lý hơn”.
Hỏi ra mới biết, lúc dọn nhà, cô vợ đã tống khứ đi toàn bộ sách báo cũ mà hắn ta đã ki cóp gìn giữ bấy lâu! Sở dĩ như thế vì cô cho rằng: “Thời buổi này, cần tìm hiểu gì cứ hỏi ông Google là xong. Việc gì phải chứa mớ giấy lộn cho chật nhà?”. Thế đấy, lúc dọn nhà, có những thứ nửa này cần giữ lại thì nửa kia cảm thấy ngứa mắt, xốn mắt lắm, thế là bèn “thanh toán” ngay tắp lự. Sự dùng dằng, đôi co tất nhiên sẽ xẩy ra, không khéo có thể sẽ “lái” qua chuyện khác. Rắc rối lắm.
Này nhé, trong lúc dọn nhà, người vợ rất muốn giữ lại những đôi giày, túi xách đã cũ, dù bấy lâu không sử dụng đến, số lượng lên đến vài hàng chục, chứ ít ỏi gì. Với phụ nữ, có những thứ dù không sử dụng đến nhưng họ vẫn không muốn cho đi, có lẽ do muốn thỉnh thoảng ngắm nghía cho vui mắt chăng? Trong khi đó, đối với người chồng chẳng qua chỉ là một mớ “xì can hen”, bẩn mắt. Tống quách đi có phải hơn không? Không thèm hỏi vợ một câu, chàng bèn gọi mấy cô em gái lại và cho chúng tùy nghi lựa chọn. Vừa gọn nhà, thông thoáng lối đi lại vừa có dịp thể hiện tình cảm dành cho em ruột. Vậy không phải “một công đôi chuyện” là gì? Tốt quá đi chứ?
Tốt lắm.
Chiều hôm đó, đi làm về tận mắt nhìn thấy “tài sản” đã không cánh mà bay, cô vợ dẫm chân kêu trời. Tiếc của nên cô cằn nhằn chồng luôn suốt mấy ngày liền. Mệt cả đầu. “Yên tâm đi em. Anh sẽ mua cho em những thứ mới hơn, tốt hơn, đẹp hơn, thời trang hơn. Cười lên một cái đi em”. Chẳng hề thấy tiếng cười đâu cả, chỉ là câu mếu máo lặp đi lặp lại: “Anh ơi, đó là kỷ niệm của em. Hic, hic”.
Tâm lý này khá phổ biến, có những thứ chỉ thuộc hạng “đồng nát”, giữ lại chỉ chật nhà nhưng với "nửa này" nhưng lại “báu vật” với "nửa kia".
Bây giờ nghĩ lại một chuyện đã qua, xẩy ra lâu rồi nhưng Bá - bạn tôi cho biết lại muốn mắng vợ thêm một câu cho đã nư. Rằng, ngày còn độc thân, nhà nghèo, từ quê lên thành phố trọ học, lúc ấy, thỉnh thoảng mẹ hắn ta có lên thăm và lo bếp núc. Thời ấy, chỉ là mấy cái bếp lò đun bằng than, củi mà bà mẹ lặn lội ra chợ mua sắm rồi nấu những bữa cơm ngon. Sau này, mẹ mất đi, với Bá, đó là những kỷ vật vô giá. Nhìn thấy nó là dịp nhớ về mẹ, do đó, dù chuyển đi đâu, hắn cũ kệ nệ đem theo.
Nào ngờ lúc dọn nhà, trong lúc Bá đang loay loay trên lầu thì dưới nhà, cô vợ đã liệng luôn mấy cái bếp đó vào xe rác. Đơn giản chỉ vì cô nghĩ rằng. hiện tại đã sử dụng bếp gas thì những thứ ấy giữ lại làm gì cho rác nhà?
Vâng, dọn nhà là việc cần thiết nhưng rồi, giữ và tống khứ đi những gì, xem ra cũng nhiêu khê. Tốt nhất, trước đó cứ bàn bạc cùng đáo nhằm tránh trường hợp cửa nhà thông thoáng, gọn gàn nhưng tình cảm lại “chật” đi. Biết đâu đó.
L.M.Q
(nguồn:TGPN 3.4.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|