“Trời, em đã nói rồi mà anh chẳng chịu nghe. Đã nói, chớ nên mua loại cây kiểng này, khó trồng lắm. Sức mấy trồng được. Để rồi anh xem em nói có đúng không nhé. Không tin à, anh lật ở trang 15 của quyển sách này, kiểm tra lại đi, để xem em nói có đúng như các kỹ sư thực vật hay không? Loại cây này cần nhiều nước, cả ngày vợ chồng con cái đều ở ngoài đường; anh em đi làm, con cái đi học, chiều mịt mới về nhà. Hỏi anh nè, ai tưới nước cho cây?”.
Cả một tràng liên thanh giòn giã nghe... ù tai!
Dù rằng, người chồng mới có ý định, chứ chưa hề bỏ tiền ra mua. Vậy mà đã thế. Huống gì, lúc sự việc xẩy ra thì nàng còn “liên tu bất tận” đến cỡ nào?
Qua trao đổi với nhiều người, tôi biết rằng, một trong những điều khó chịu, rồi bực bội là khi phải nghe “một nửa” nói nhiều quá. Ngộ thật. Lúc mới tán tỉnh, làm quen, ai cũng cũng có tâm lý được nghe giọng nói của người mà mình thương, mình yêu. Càng nhiều càng tốt. “Lời em ngon như có mật có đường/ Ta sung sướng gần em nghe giọng nói” (Bàng Bá Lân). Tất nhiên, sau khi thành vợ thành chồng, tâm lý ấy vẫn không thay đổi. Chỉ đáng phàn nàn là chàng/nàng nói nhiều quá.
Lúc ấy, chẳng lẽ phải bịt tai, ngoảnh mặt quay sang chỗ khác? Khó lắm đấy. Bởi lẽ “một nửa” đang tuôn ra dạt dào những lời vàng, ý ngọc đầy cả hai lỗ tai, mình lại có thái độ phản ứng? Ai đó đã đúc kết một kinh nghiệm quý giá, rằng, lúc “nửa kia” đang nói, cách tốt nhất là mình nên im lặng, dù không muốn nghe nhưng bề ngoài vẫn cứ tỉnh bơ như không. Thậm chí, thỉnh thoảng đôi lúc nhoẻn nụ cười tươi roi rói hàm ý: “Vâng ạ, em/anh nói đúng lắm” - dù trong bụng đang cáu tiết.
Sự thể hiện “cứ như không” nhằm giữ hòa khí trong nhà, tránh cãi cọ không cần thiết, có phải là bản lĩnh của một người thông minh và can đảm chăng?
Thông minh và can đảm hoặc là gì đi nữa, xét về bản chất của tình huống này, vẫn là nỗi khổ tâm.
Có lần chị Chi - bạn tôi kể lại câu chuyện có tính cách riêng tư bằng giọng nói rầu rỉ nhưng rồi tôi cứ cười thầm mãi trong bụng. Theo chị, anh Thành - chồng chị - không chê vào đâu được, xứng đáng được bình chọn là người chồng có trách nhiệm, người cha gương mẫu. Vậy sống chung với “một nửa” nhiều đức tính tốt, có lẽ suốt ngày thư thới, hân hoan?
“Ai cũng nghĩ thế, nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận”, chị thở dài rồi nói tiếp. Đại khái, bằng lời nói rổn rảng, hàng ngày Thành có ý kiến ý cò mọi lúc mọi nơi, dù rằng có thể nhằm mục đích tốt, muốn cho mọi việc hoàn thiện hơn. Thế nhưng, hễ một chút là nói dông dài, chuyện nọ xọ chuyện kia nghe “oải trời đậu”, mất thời gian. Chẳng hạn, lúc chị đang hướng dẫn bé nhóc phát âm cho đúng, phải “tròn vành rõ chữ”, A ra A, O ra O thật trơn tru. Cả hai mẹ con đang nhịp nhàng đọc to thì Thành bước tới. Và tất nhiên là chàng mở miệng.
“Anh ta nói những gì?”, tôi tò mò hỏi. Không nói không rằng, chị lấy chiếc điện thoại ra, thực hiện vài thao tác là vang lên giọng nói lúc du dương, khi nhấn mạnh, lúc hùng hồn, khi trầm lắng: “Phải phát âm ngon lành như vậy thì con mình mới không thua bạn thua bè, em nhỉ? Nhưng em phải nói chậm hơn nữa, con mới làm theo được. Bắt chước như anh nè: “A”. Đấy em nghe thế nào? Chuẩn quá. Em thử nói lại theo anh đi em. Cũng tàm tạm. Kìa, bé nhóc, nói theo ba nghe coi. Cũng tàm tạm. À, này em, anh nhớ ngày xửa ngày xưa có người dẫu ngọng nhưng nhờ luyện giọng, vì thế, về sau trở thành nhà hùng biện tài ba đó. Như thế, em thấy tầm quan trọng của việc luyện giọng chưa em? Người đó tên gì? Anh đố em đấy. Chịu thua chưa? Người đó tên là…”.
Ối dào, đang tranh thủ dạy con, rồi còn phải làm bao việc lặt vặt, ấy thế, Chi vẫn phải vểnh tai nghe những lời “vàng ngọc” chẳng đâu vào đâu. Thử hỏi ai không bực? Nhưng bực nhất, với chị Phi là tự nhiên lôi chuyện ngọng nghịu vào đây. Dở hơi quá đi mất. Tôi cũng nghĩ vậy, do đó, cứ cười thầm trong bụng là vậy.
Tại sao có nhiều người thích nói nhiều, nói dai, mọi lúc mọi nơi?
Phải chăng đó chính là tâm lý thích khẳng định, chứng tỏ “không phải dạng vừa đâu”, chuyện gì cũng bình luận bằng sự hiểu biết mà họ cho rằng, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” và có như thế, mới thật sự “sáng giá” trong mắt người bạn đời?
Những âm thanh cứ như thể đang “bắn súng liên thanh”, nghe một đôi lần, tùy trường hợp cần thiết ắt lọt vào tai, chứ nghe riết cũng dễ đâm ra bực bội. Nếu rõ tâm lý ấy thì một khi đã phung phí lời nói, mình cần nên chấn chỉnh ngay đi thôi.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 29.5.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|