THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “Vặn nhỏ volume lại đi”

LÊ MINH QUỐC: “Vặn nhỏ volume lại đi”

van-nho-vo-lum

 

Tối hôm qua, vì lý do cỏn con trong việc bếp núc, nàng và chồng cãi cọ. Mỗi lần cãi nhau, cả hai chỉ thì thầm “vừa đủ nghe để khỏi phiền lòng hàng xóm”, nhưng hôm qua, có lẽ do áp lực công việc ở cơ quan khiến nàng xì trét nên không kiềm chế được, nàng bèn há mồm ra oang oang.

Sau cơn giận, hạ hỏa, nàng tự trách mình sao lại to tiếng với chồng? Dù lúc ấy, người chồng đã năn nỉ nói nhỏ lại, nhưng do vẫn chưa đã nư nên nàng cứ “mở hết volume”. Biết sai, có hối hận nhưng nàng ứ xin lỗi, chẳng thèm “xuống nước”.

Rồi sáng nay, lúc tỉnh dậy, nàng đã thấy chàng ra khỏi nhà tự lúc nào, không còn chuẩn bị bữa ăn sáng cho vợ con như mọi lần. Bù lại, đó là lá thư có dòng chữ giận lẫy như sau: “Với giọng nói thánh thót, em đã bôi mặt anh ghê quá. Anh xấu hổ tợn. Từ nay, anh phải đeo khẩu trang ra khỏi nhà. Và bữa nay, anh phải đi xa ít ngày cho đỡ mắc cỡ với hàng xóm. Thế nhé”. Đi xa là đi đâu? Câu hỏi ấy hạ hồi phân giải, điều khiến nàng cảm thấy ái náy nhất vẫn là thái độ của mình đêm qua, nếu “vặn nhỏ volume” thì đâu xẩy ra cớ sự éo le này.

Nhiều đôi uyên ương gây nhau âm ĩ, thậm chí còn dọa lôi nhau ra tòa, không ai chịu nhường nhịn ai cũng chỉ vì lý do tương tự như trên.

Dạo nọ, Thúy sang nhà tôi chơi, thấy gương mặt rầu rĩ, tôi mới hỏi nguyên cớ, cô ậm ự chẳng trả lời. Chẳng lẽ, cô bị giật nợ hay chồng đã thậm thụt chân trong chân ngoài với mèo với mỡ. Nghe tôi tò mò đặt câu hỏi có tính suy luận, cô cười buồn mà rằng: “Hơn cả thế nữa anh à”. Chuyện gì trầm trọng quá vậy ta?

Rằng, lâu nay mỗi ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, tại nhà cô có mở thêm lớp dạy sinh ngữ cho các trẻ trong xóm, thù lao là tùy lòng hảo tâm do phụ huynh đóng góp. Làm việc này chẳng qua do cô nhớ nghề dạy học, cả nhà ai ai cũng đồng tình vì hơn nữa, dịp đó, cô cũng dạy luôn cho con của mình. Thế nhưng, vì sao nay cô lại muốn không dạy nữa? Cũng chỉ vì trước mặt các học trò, do bực bội vì lý do gì đó, người chồng đã mắng cô to tiếng. Với nhiều người, dù bị mắng nhiếc đi nữa họ cũng chấp nhận, không cãi lại nhưng nếu lúc ấy mặt người khác thì mọi việc lại khác hẵn, dẫn đến chiều hướng xấu hơn nhiều.

Chính vì mắc cỡ với học trò nên sau đận đó, Thúy muốn giải thể lớp dạy học tại nhà mình là vậy. Khi nghe cô tâm sự, tôi an ủi và quả quyết rằng, dù chuyện đúng sai chưa rõ thuộc về ai nhưng cách cư xử như chồng của cô là sai lè lè, và anh ta cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Ai đó đã nói một câu rất đúng, đại khái đã yêu thì phải biết giữ thể diện cho nhau. Theo tôi, có những chuyện cần nói nhỏ, chỉ đủ 2 người nghe cũng là một cách tốt.

Đâu phải lúc cãi nhau, giận hờn nhau mới nói nhỏ, thì thầm mà ngay cả lúc đang “chiến đấu” cũng cần “nói vừa đủ nghe”! Lần nọ, Liễn hỏi tôi: “Nè, cho tư vấn cho tớ chuyện này nhá”. Tôi hỏi lại: “Chuyện gì?”. Hắn ta cười cười có vẻ rất bí mật: “Thực hiện phòng cách âm xịn, tầm cỡ như phòng hát karaoke giá cả thế nào?”. Tôi bật cười bởi câu hỏi đó. Sau một hồi tỉ tê tâm sự, hắn mới tiết lộ rằng, dạo này, mỗi lần “xông trận” hắn đâm ra không còn hào hứng, tự nhiên như trước nữa, thậm chí còn e dè nữa là khác. Bởi lẽ, cô vợ tự dưng lại thích nói, lại nói liên tục với âm thanh to hơn trước gấp nhiều lần!

“Chà, gây quá, nếu du lịch nơi non xanh nước biếc, phong cảnh hoang vu thì cứ mặc sức. Nay ở trong nhà có con cái sờ sờ ra đó, đêm hôm khuya khoắt mà vợ cứ lại ồn ào quá thì làm sao đây?”, hắn nói rồi nheo mắt như… tự hào về khả năng của vợ chồng mình. Tốt thôi. “Chiến đấu” ngang cơ ngang sức cũng là một cách giữ gìn hạnh phúc cơ mà.

Thế nhưng lúc “giao ban” mà âm thanh “nhạy cảm” ấy cứ vang vọng, náo nhiệt thì đúng là gây thật, chứ chẳng đùa. Qua tình huống của Liễn, tôi nghĩ, cách âm phòng ngủ vẫn là một cách giải quyết tối ưu. Nói như thế, vì có nhiều người lúc ấy hoảng hồn năn nỉ vợ/chồng nói nhỏ lại thì y như rằng “đối tác” xụi lơ, không còn nồng nhiệt, hăm hở, nhiệt tình như đang có.

Trở lại với câu chuyện bức thư mà chàng đã ghi cho nàng. Sau cú “làm mình làm mẫy” ấy, cả hai cùng chọn phương án: Khi gặp sự cố cãi nhau, nhất thiết phải vào phòng ngủ, đóng cửa lại rồi tha hồ tranh luận. Thực hiện theo lối này, âu cũng là một cách giữ thể hiện cho nhau trước mặt con cái, bà con chòm xóm.

Đúng thế, vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau, làm sao tránh khỏi lúc “cơm không lành, canh không ngọt” hoặc thế nọ, thế kia… cực kỳ tế nhị? Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa vẫn có cách giải quyết tốt nhất. Nếu cứ ầm ĩ, to tiếng, không tìm cách khắc phục khiến người ngoài biết tỏng nội tình thì đâu phải khôn ngoan?

L.M.Q

(nguồn: TGPN 5.8.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com