Khi mới yêu nhau, người ta thề non hẹn biển, nguyện ăn đời ở kiếp, “Chỉ có cái chết mới chia lia lứa đôi”. Tóm lại, trong đầu óc của họ lúc đó chỉ duy nhất có một hình bóng. “Xa nhau gió ít lạnh nhiều/ Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh (Trần Huyền Trân). Đừng hòng một ai khác có thể chen vào tình cảm của họ.
Thế nhưng, kỳ lạ thay, không ít người có tâm lý “cả thèm chóng chán”, do đó, sau khi đã “no xôi chán chè” thì lại thích “đuổi hoa bắt bướm”. Bi kịch của tình yêu từ đó nhú lên gai nhọn, và trong hành trình chung sống trái tim của người này, vì người kia bội bạc mà đâm ra rướm máu.
Ai cũng thừa biết rằng, một khi đã léng phéng “ngoài luồng”, nếu bị phát hiện, dù bào chữa bằng lý do “chính đáng” gì đi nữa, dư luận cũng khó có cái nhìn thông cảm. Nhưng rồi, tại sao từ xưa đến nay, vẫn xẩy ra chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”? Tôi có quen nhiều chuyên gia tâm lý đã từng tháo gỡ nhiều ca ngoại tình, qua trò chuyện, điều khiến tôi bất ngờ nhất vẫn là lý do cứ tưởng “chuyện như đùa”.
Những mẩu chuyện sau đây, có “mẫu số chung” là gì?
Trong gia đình chị X - bạn của tôi, một lời của chồng “ban ra” là cả nhà đều phải tuân theo răm rắp. Dù thấy sai lè lè nhưng vợ con đố dám cãi. Anh ta độc đoán, gia trưởng vì luôn nghĩ rằng: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nối cùng ta/ Bởi ghen trời, ta ngạo nghễ xông pha/ Lên vút thẳm, đứng trên nghìn đỉnh núi” (Xuân Diệu). Ấy là tâm sự của ngọn Hy Mã Lạp Sơn, khổ nổi, lại có đấng mày râu tự cho phép mình đóng vai trò đó, ngay trong căn nhà của mình.
Vừa há miệng ra phân bua, thưa lại, người chồng đã quát tháo ầm ĩ, khó có thể tranh luận. Tính gia trưởng ấy diễn ra mọi lúc mọi nơi, kể cả… trên giường ngủ. Bất kể lúc nào, dù chồng đang say sỉn tèm nhem; hoặc chị ốm đau nhưng chồng đã muốn là “trời muốn”. Khó có thể chối từ nếu không muốn phải nghe những lời chì chiết, đay nghiến, cằn nhằn thậm chí mạt sát thô tục từ miệng chồng.
Ngày kia, người chồng đưa cả nhà du lịch nước ngoài, nhưng vào phút chót anh at thay đổi ý định, không muôn đi nữa. Chẳng lẽ hủy chuyến đi, dù mọi thứ đã chuẩn bị chu đáo đâu vào đó? Cuối cùng, mẹ con chị vẫn cứ việc đi. Đã quyết ở nhà thì vợ con chớ có hòng năn nỉ ỉ ôi, xưa nay, tính cách của anh ta là thế.
Khi du lịch sang nước ngoài, chị tình cờ gặp lại người bạn thời sinh viên. Khỏi phải nói là họ mừng rỡ đến thế nào. Nơi xa lạ, suốt một tuần cùng đoàn đi tham quan, ăn uống chung, họ có dịp nhắc lại kỷ niệm thời di học và thân thiết hơn xưa. Điều khiến chị hài lòng, càng có tình cảm vì thái độ cư xử của người bạn cũ thân mật, nhẹ nhàng chứ không như chồng lúc nào cũng chỉ ra lệnh bằng các câu mệnh lệnh khô khốc. Chị cảm thấy mình được tôn trọng, được đối xử tử tế mà lâu này lúc ở nhà không hề có, không được chồng thể hiện bằng sự quan tâm chu đáo.
Trước ngày về nước, các con tranh thủ theo đoàn tiếp tục đi mua sắm, do mệt nên chị ở lại khách sạn và tranh thủ sắp xếp hành lý, quà cáp. Lúc ấy, như một sự ngẫu nhiên, người bạn học cũ bước sang phòng chị. Và sau đó chuyện gì đã xẩy ra? “Chuyện gì đến phải đến”. Chị ngạc nhiên vì đã tìm thấy một cảm giác, cảm hứng mới lạ mà lâu nay với chồng không hề đạt được, nói cách khác, chị được tôn trọng từ câu nói mơn trớn đến những cử chỉ ve vuốt…
Sau chuyến đi ấy, lúc quay về nhà, chị hối hận và chủ động cắt đứt mọi liên lạc với bạn học cũ, trở lại với đời sống gia đình. Tuy nhiên, chị vẫn sống trong sự giằng co, khó có thể tìm được câu trả lời: làm thế nào để chồng mình cũng có được thái độ thân thiện, sự quan tâm như người bạn học cũ? Nếu không giải quyết được, chắc chắn sự việc tồi tệ sẽ còn có cơ hội tái diễn, dù chị không hề muốn phản bội chồng.
Sau khi kể tôi nghe chuyện này, vị chuyên gia tâm lý gật gù bảo: “Sở dĩ người bạn cũ “đạt được mục tiêu”, chỉ vì anh ta đã đáp ứng được một điều mà chị X đang thiếu, đang cần. Đó là sự tôn trọng trong phép ứng xử giữa chồng và vợ”.
Một khi cảm thấy mình luôn “dưới cơ”, bị xem thường, bị “đè nén” quá mức thì người vợ/chồng thường có khuynh hướng một tìm một lối thoát khác. Không phải lúc ấy họ đã hết yêu, hết thương, đã quên nghĩa vụ đối với gia đình nhưng tự thâm tâm họ lại có đòi hỏi chính đáng là bản thân mình phải được tôn trọng, được bình đẳng dù là trên giường ngủ với cảm xúc rất bản năng.
Tôi có anh bạn thân, ai cũng khen “tốt số” vì sau khi tốt nghiệp đại học, anh may mắn cưới được con gái của vị quan chức nọ. Nhờ uy tín và tài sản của gia đình vợ nên anh có cuộc sống nhàn nhã. Mỗi ngày, anh chỉ có nhiệm vụ đơn giản là đánh xe chở vợ đi làm, đón đưa con đi học. Việc vợ kinh doanh, thu nhập thế nào anh không phải bận tâm, vợ lo tất. Đúng là sướng quá.
Nhìn bề ngoài là vậy, chứ trong mắt vợ thì anh không là “cái đinh” gì. Mọi việc trong nhà, chỉ vợ mới là người có quyền quyết định. Nhiều lần anh tâm sự: “Ngay cả lúc tớ muốn làm “chuyện ấy” nhưng một khi vợ không cho, dù năn nỉ đến gẫy lưỡi cũng đành chịu. Ngược lại, vợ đã muốn thì tớ phải cung cúc “thi hành nhiệm vụ”, không thể tìm cớ thoái thác. Mà mỗi lần “như thế, như thế”, tớ có cảm giác như được vợ “ban phát”, chứ không phải xuất phát từ cảm hứng yêu thương tình của tình chồng nghĩa vợ. Vậy tớ phải làm sao?”.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi lại hay tin chuyện gia đình anh lục đục. Cô vợ phát hiện anh “ăn vụng”… với Osin!
Vẫn biết rằng, chẳng một ai điên rồ cổ xúy cho việc ngoại tình. Nhưng cách phòng tránh thế nào, khó có thể đưa ra một “công thức” chung. Qua những mẩu chuyện trên, ta giật mình thấy rằng, đôi khi sự việc lại bắt đầu từ thái độ thiếu tôn trọng, xem chồng/ vợ như “kẻ dưới cơ”.
Như vậy, một trong những "chìa khóa" để giữ hạnh phúc gia đình, có thể nói không ngoa đó chính là sự tôn trọng lẫn nhau của hai vợ chồng.
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 474 ngày 20.5.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|