THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Làm phúc cho một người

LÊ MINH QUỐC: Làm phúc cho một người

ng0onluatnhnguoi-1R

 

Với thói quen hiện nay, có lẽ chẳng còn mấy ai viết thư trên giấy trắng mực đen. Chỉ cần mở máy vi tính, gõ phím và send. Nhanh, gọn, lẹ. Có những trang thư, nếu đọc bằng dòng chữ viết tay, cảm xúc sẽ dào dạt hơn bội phần. Nét chữ, có thể đoán được tính cách người viết. Chẳng hạn, lá thư này, phải là tình cảm rất trìu mến của người anh dành cho em:

“Em còn nhớ ngày nào, anh dẫn em đi coi gian hàng đồ chơi bày dịp Trung thu ở những phố phường Hà Nội? Em chú ý đến một con búp bê bày trong tủ kính bóng lộn, một con búp bê Nhật. Em kéo tay anh: “Kìa nanh, trông con búp bê!”.

Con búp bê thật đẹp. Anh còn nhớ nó mặc quốc phục Nhật Bản màu đỏ in hình hoa sặc sỡ, tóc đen chải bồng và cầm một chiếc dù xanh nhạt, da trắng mịn, má ửng hồng, cặp mắt đen láy, trông con búp bê đó giống em như hệt. Rồi em thấy anh đứng tần ngần không muốn đi làm anh tê dại. Chắc em cũng nghĩ được là anh chỉ là một cậu học sinh mới mười bớn tuổi đầu, nhà nghèo, trông tương lai như qua một làn sương mỏng nên hồi lâu em nghẹn ngào kéo tay anh: “Thôi ta về đi”.

Cho hết ngày hôm ấy, chúng ta không ai nói với ai nửa lời: em tủi thân vì không đươc đồ chơi, anh buồn vẩn vơ bao ý nghĩ rối loạn trong đầu”.

Lá thư này, tôi chép lại từ một trang sách giáo khoa đã cũ, ngày ấy, cô giáo đã đọc lúc chúng tôi lúc tập viết chính tả. Sở dĩ chép lại, vì biết đâu, các bạn cũng băn khoăn nhớ về ngày tuổi nhỏ: “Ồ, mình đã từng trải qua tình huống đó”. Nỗi buồn rầu ấy, lúc nhớ lại liệu có ích chăng? Theo tôi là có, sau này lúc vào đời, người anh trong mẩu chuyện trên sẽ cố gắng làm việc thật tốt, ít ra cũng có thể thỏa mãn được niềm vui mà ngày thơ ấu đã vuột ngoài tầm tay.

Ca dao Viêt Nam có câu: “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Việc xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo là quý nhưng vẫn không thiết thực bằng cứu giúp cụ thể cho ai đó trong hoàn cảnh ngặt nghèo, cần kíp. Sự từ, bi, hỷ, xả kịp thời này rất phù hợp với tinh thần khoan dung của đạo Phật. Và trong đời, có những người may mắn, ngay lúc đó lại nhận được sự giúp đỡ kịp thời.

Có câu chuyện, chính tôi đã chứng kiến. Rằng, bấy giờ đang là sinh viên mới ra trường, còn ở nhà trọ và tất nhiên, tôi thường xuyên đi ăn cơm bình dân. Ngày nọ, ngồi chung bàn với tôi là mẹ con người thợ hồ. Nghe qua cách nói chuyện của họ, tôi biết, từ quê xa, bà mẹ lên thăm con. Cả hai vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, chẳng mấy chốc phần cơm hết vèo. Bà mẹ cũng vét nốt hạt cơm cuối cùng. Nhìn nét mặt lúng túng, ngần ngừ ấy, tôi thừa biết cả họ còn thòm thèm, muốn ăn thêm nữa. Nhưng rồi, họ buông đũa. Lúc ấy, ngồi sát cạnh tôi, một người đàn ông cũng vừa ăn xong, bỗng ông ta đứng dậy, vội bước vào quầy tính tiền. Rồi dăm phút sau, tự tay bưng ra hai phần cơm đặt trước mặt họ, ông ta ngập ngừng: “Xin mời mẹ con bác ăn giúp, hôm nay, cháu có mời hai người bạn nhưng họ lại không đến”. Hành động nghĩa hiệp ấy, đến giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi gương mặt rạng rỡ của họ.

Ai đó đã nói một câu rất đúng, một khi đem niềm vui đến ngưởi khác cũng là cho chính mình. Xin bổ xung thêm, ngay cả những ai chứng kiến cũng vui lay. Sự giúp đỡ kịp thời ấy, dù họ chẳng quen biết gì nhau lại là một phép màu nhiệm về tình yêu thương. Ngọn lửa tình người đâu phải từ những việc “đội đá vá trời”, đôi lúc chỉ cần có hành động san sẻ kịp thời là đủ.

Có thêm câu chuyện cảm động, tôi vừa đọc trên Internet, lạ thay, nhiều người đồng tình: “Chuyện này có thật”. Vâng, tôi tin có thật bởi lẽ lòng nhân ái trong quan hệ giữa con người xa lạ vẫn diễn ra như một lẽ sống tự nhiên của tình ái hữu. Nhân vật xưng tôi kể lại một kỷ niệm tuyệt vời của ngày thơ ấu:

“Lúc còn là một thiếu niên, một lần, tôi được cha dẫn đi xem xiếc. Khi nhập vào hàng người đang xếp dài trước quầy vé, tôi chú ý đến một gia đình đứng ngay trước chúng tôi. Họ có đến những 8 đứa trẻ mà đứa lớn nhất có lẽ chưa đến 12 tuổi. Nhìn dáng vẻ những đứa bé ấy có thể đoán được gia đình chúng không giàu có. Quần áo chúng không phải loại đắt tiền nhưng sạch sẽ và tươm tất. Và đó là những đứa trẻ biết cách cư xử. Cứ nhìn cái cách từng 2 đứa một nắm tay nhau xếp hàng sau bố mẹ chúng thì rõ. Chúng nói huyên thuyên một cách đầy phấn khích về những chú hề, những con voi và những trò xiếc khác mà chúng sẽ được xem tối nay. Rõ ràng chúng chưa từng đến rạp xiếc bao giờ. Buổi tối ngày hôm nay thật sự rất đặc biệt với cả 8 đứa trẻ ấy.

Cha mẹ chúng đang đứng ở đầu hàng với vẻ mặt hãnh diện nhất mà họ có thể. Người phụ nữ nắm lấy tay chồng, nhìn ông một cách dịu dàng. Ngay lúc ấy, người bán vé ngẩng lên và hỏi người đàn ông số vé ông ta cần. Người đàn ông trả lời đầy hứng khởi: “Cho tôi 8 vé trẻ con, 2 vé người lớn để tôi có thể dẫn cả nhà mình vào xem xiếc”. Nhưng, khi người bán vé báo giá của 10 chiếc vé, bàn tay người vợ đột ngột rời khỏi tay chồng, đầu bà ta gục xuống. Mặt người đàn ông hơi tái đi. Ông ta tiến lại quầy vé gần hơn và hỏi: “Anh nói giá bao nhiêu?”.

Người bán vé bình thản lập lại giá của 10 chiếc vé, nhưng người đàn ông không có đủ tiền. Làm sao ông ta có thể quay lại và bảo với 8 đứa con của mình rằng ông ấy không đủ tiền để dẫn chúng vào xem xiếc?

Chứng kiến tất cả những gì xảy ra, cha tôi lặng lẽ lấy từ trong túi ra tờ 20 đô và thả xuống đất. Sau đó, ông cuối xuống nhặt lên và vỗ vai người đàn ông, nói rất tự nhiên: “Xin lỗi, thưa ông, cái này vừa rơi ra từ túi ông”. Người đàn ông hiểu những gì đang diễn ra. Ông không cầu xin của bố thí nhưng rõ ràng ông có thể đoán đây là sự giúp đỡ trong một tình huống ngặt nghèo. Bối rối trong giây lát rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt cha tôi, chụp lấy tay cha bằng cả hai bàn tay như muốn vắt kiệt tờ 20 đô, một giọt nước mắt rơi lặng lẽ xuống má, đôi môi mấp máy một cách khó khăn: “Cảm ơn, cảm ơn ông rất nhiều. Điều này thật sự ý nghĩa với gia đình tôi lúc này”.

Sau khi nhìn cả gia đình người đàn ông khuất sau cánh cổng rạp xiếc, tôi và cha đón xe buýt về nhà, đơn giản bởi vì số tiền còn lại trong túi cha không đủ để mua vé cho hai cha con. Thật sự thì chúng tôi cũng chẳng dư dả gì! Nhưng tôi không hề giận cha. Những gì cha đã làm lúc đó đáng giá hơn cả ngàn buổi xem xiếc”.

Nghe kể lại câu chuyện này, ai không ứa nước mắt?

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 457 ngày 12.11.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com