THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: HÃY “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI”…

LÊ MINH QUỐC: HÃY “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI”…

hay-de-gio-cuon-d-di-1-R

 

Khi nghe câu hỏi: “Giúp người khác là để làm gì?”, có lẽ nhiều người cười ồ lên và cho là ngớ ngẩn. Có một điều rất đơn giản, khi làm điều tốt, giúp đỡ ai là lúc tự bản thân nghĩ đến việc cần làm. Cần thực hiện theo sự mách bảo của lương tâm, chứ không vì động cơ gì khác.

Vậy đặt ra câu hỏi “để  làm gì” chẳng phải ngớ ngẩn đấy sao?

Mới đây, gặp nhau ăn sáng như thường lệ, một người bạn cho tôi xem tin nhắn: “Mọi việc xong rồi, đừng quên anh nhé”. Nhìn thấy bạn buồn xo, gương mặt đăm chiêu, tư lự. Tôi bèn hỏi: “Vừa nhờ cậy ai đó chuyện gì à?”. Bạn trả lời, đại khái, với nhiều lý do nên từ công ty A bạn xin chuyển qua công ty B. Do đang làm ở công ty B nên anh Z đã nhiệt tình giúp đỡ bằng cách tác động với ban giám đốc, trưởng phòng tổ chức để mọi việc nhanh chóng hơn. Tự thâm tâm, bạn rất cám ơn anh Z và nếu có dịp thì sẽ giúp lại.

Anh em chơi thân thiết với nhau bấy lâu, nay có chuyện cần đã nhiệt tình đến thế. Tốt quá. Nếu anh Z chỉ dừng lại đó, không còn gì phải bàn nữa. Tình bạn đang thắm thiết, chí cốt bỗng dưng có nguy cơ rạn vỡ bởi cái tin nhắn chết tiệt kia.

Người xưa có một câu cực hay: “Làm điều tốt không cần suy tính”, do không suy tính nên họ làm việc ấy như một lẽ tự nhiên từ sự thôi thúc của lòng mình. Mà một khi đã có sự suy tính nên sau đó, mới có lời nhắc nhở, kể công, đại loại như tin nhắn trên. Vậy hóa ra bấy lâu nay, sự xác lập quan hệ tự thâm nó đã hàm ý “bánh ít đi bánh quy lại”, nào phải vì lòng thành, sự quý mến dành cho nhau.

Tôi hiểu sự buồn rầu của bạn, bèn hỏi: “Thế giải quyết thế nào?”. Bạn trầm ngâm: “Anh Z đã nhắc thế, thôi thì, mình mua cái gì đó đem tặng, nếu cần thêm cái “bì thư” cho nó xong”. Sự sòng phẳng, lạnh lùng này, chỉ là mối quan hệ “tiền trao cháo múc”, vậy nên, bao nhiêu ý nghĩa tốt đẹp về tình bạn gầy dựng bấy lâu đã đổ sông đổ biển ráo trọi.

Từ thuở bé, tôi rất thích đọc truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam. Những gì ông viết ra dù không gì to tát, lớn lao, gây cấn, dữ dội nhưng vẫn luôn đọng lại sự hướng thiện khó quên. Chẳng hạn, vào mùa đông gió rét buốt như cắt xương, có nhóm trẻ đùa chơi với nhau.

“Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi: “Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi”. Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi, nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay.

Chị Lan cũng đến hỏi: “Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc?”. Con bé bịu xịu nói: “Hết áo rồi, chỉ còn cái này”. “Sao không bảo u mày may cho?”. Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn cùng nó với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà.

Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm: “Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ”. “Ừ, phải đấy. Để chị về lấy”. Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo". Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”.

Câu chuyện này, nhiều người cảm động và cũng “thấy ấm áp vui vui”.

Chị em Lan đã giúp bé Hiên từ sự thôi thúc của lòng mình, chứ không hề có đặt ra một điều kiện ràng buộc nào khác. Những giá trị nhân văn ấy, liệu chừng hiện nay có còn không? Tất nhiên vẫn còn ở quanh ta, nhờ thế, cuộc sống mới thêm tươi tắn những sắc màu ấm áp tình người.

Giúp người khác mà còn kèm theo sự ràng buộc khác, liệu có phải ý nghĩa của từ “giúp” ? Nhân bàn về chuyện này, ta thử xác định lại “giúp” hàm nghĩa thế nào? Đại từ điển tiếng Việt do Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam biên soạn (NXB Văn hóa Thông tin -1998) giải thích: “Giúp: 1. Góp sức làm cho ai việc gì hoặc đem cho ai cái gì đang lúc khó khăn, đang cần đến; 2. Tác động tích cực, làm cho việc gì tiến triển tốt hơn”. Ngoài ra còn có hàng loạt từ liên quan như: giúp đỡ, giúp ích, giúp sức, giúp việc v.v…

Xét từ giải thích trên, tôi xin kể một mẫu chuyện khác, liệu có phải là giúp? Rằng, mới vừa xuất bản một tập thơ nên anh bạn tôi vui lắm. Thời buổi này, chẳng có nhà xuất bản nào dám đầu tư in thơ vì thể loại này kén người đọc, khó thu hồi vốn, chứ đừng nói gì đến lợi nhuận. Do đó, dù không giàu có gì nhưng vì mê thơ nên anh bạn tôi cũng chạy vạy, gom góp được mớ tiền in thơ nhằm thỏa mãn sở thích.

Sau khi “đứa con tinh thần” chào đời, anh tổ chức một cuộc chè chén lai rai, mời một số thân hữu đến chung vui. Trong số đó, còn có vài người bạn là nhà báo. Sau khi đọc tập thơ, nhận thấy chất lượng tốt nên nhiều người hứa sẽ viết bài giới thiệu lên báo. Việc làm này không chỉ vì tình bạn mà còn cần thiết cho bạn đọc nữa. Như thế, chuyện “công/tư” rõ ràng, minh bạch.

Nếu mọi việc dừng lại đó, tốt quá.

Không ngờ, duy chỉ một người kề tai nói nhỏ: “Tớ viết bài giới thiệu ngay nhưng bù lại, cậu phải mua 100 số báo nhé?”. Nghe choáng chưa? Thật ra lời đề nghị này không hề sai, nhưng nếu đó là quy ước, hợp đồng giao kèo “thuận mua vừa bán” trong làm ăn, buôn bán thì vẫn bình thường. Ở trường hợp cụ thể này, khó có thể chấp nhận vì quan hệ của họ lâu nay vốn đồng nghiệp, là bạn bè thân thiết của nhau. Mà đã thân thiết nhau, khi thấy bạn có niềm vui mới thì mình chia sẻ như một hành động tự nguyện, chứ ai đời, lại đặt ra điều kiện ràng buộc nhau? Nếu đã là sự ràng buộc, rạch ròi, “ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”, còn gì là ý nghĩa của chung vui trong tình bằng hữu?

Trở lại câu hỏi: “Giúp người khác là để làm gì?”, không rõ các bạn có suy nghĩ gì? Riêng tôi, cho phép tôi đồ rằng, các bạn cũng đồng tình với một ca từ của Trịnh công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi”. Với câu nói của người xưa: “Làm điều tốt không cần suy tính”, còn có cả vế sau: “Mang ơn người đừng bao giờ quên”. Mà nếu người ta dẫu có quên đi nữa thì cũng chẳng sao.

Cuối cùng, hãy “để gió cuốn đi” nhẹ nhàng, thanh thản, không gì phải lăn tăn, vướng víu, bận tâm…

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 454 ngày 15.10.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com