THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “Nói sai sự thật một chút thôi mà”

LÊ MINH QUỐC: “Nói sai sự thật một chút thôi mà”

noisaisu-that-1-chut-thoi-ma

 

Người ta thường dặn dò: “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Nói một điều gì đó không thật, hoặc “hứa lèo” với ai đó, nó chỉ có “hiệu nghiệm” lần ban đầu thôi. Sau khi bị phát giác ra là xạo, xạo xự, “ba voi không được bát nước sáo”, “lời thề cá trê chui ống”, lần sau chẳng ai thèm tin nữa. Câu  chuyện về thằng Cuội là bài học nhỡn tiền, lần nào cũng xạo ke khiến thiên hạ mắc lỡm, đến lúc sự việc rành rành xẩy ra nhưng nào có ai thèm tin nữa. Vì vậy, chớ nên nói dối một điều gì.

Về “lý thuyết” là vậy. Chắc rằng, ai ai cũng gật đầu cái rụp. Đồng tình trăm phần trăm. Tuy nhiên, trong đời sống vợ chồng lại khác. Có những chuyện không đơn giản như 1+1 bằng 2 mà cần phải nhìn nhận ở một góc độ khác. Uyển chuyển hơn. Linh động hơn. Có như thế, mới giải quyết được vấn đề một cách nhẹ nhàng, xuôi chèo mát mái.

Tôi có chị bạn khá thân thiết, dạo gần đây thỉnh thoảng vẫn thấy chị đến khám ở bệnh viện đa khoa. Điều khiến tôi ngạc nhiên, chẳng bao giờ thấy người chồng đi chung. Tôi thầm nghĩ, anh chồng này tệ bạc quá. Vợ bệnh thế này, mà cũng chẳng hề hay biết gì. Hay có thể biết nhưng không thèm quan tâm đến? Con người ta là thế. Khi chưa cưới nhau, lò tò đi theo đến nỗi mòn cả lốp xe, bất kỳ chuyện gì cũng quan tâm, chỉ cần “người ta” hắt hơi xổ mũi là đã lo sót vó, có mặt ngay tắp lự. Nhưng rồi, sau khi đã cưới hỏi, đã có với nhau vài mặt con thì lại thay tâm đổi tính.

Tệ thật.

Sau khi suy nghĩ một cách chín chắn như thế, chiều qua, tôi mới mạnh miệng đặt câu hỏi: “Sao lần nào chị cũng đến bệnh viện một mình, chồng chị đi công tác à?”. Chị bạn mỉm cười: “Mình giấu Q à. Chưa biết cụ thể, rõ ràng bệnh tật thế nào mà cứ oang oang ra ắt không có lợi”. Tôi ngạc nhiên quá: “Tại sao lại thế? Đã vợ chồng thì chẳng nên giấu giếm chuyện gì cả, hơn nữa, chị đang bệnh kia mà?”.

Với thắc mắc này, chị lại cười: “Anh ấy có hỏi, dạo này sức khỏe thế nào, mình vẫn trả lời là “năm bờ oanh”. Tốt lắm. Công ăn việc làm vẫn bình thường. Cơm ngày ba bát, bát ngát yêu đời”. Tôi lại càng ngạc nhiên tợn: “Sao lại thế nhỉ?”. Giây lát sau chị nói tiếp: “Con gái đang chuẩn bị thi chuyển cấp, cả nhà mình đang “tiếp sức đến trường” cùng con. Nếu chồng con biết mình đang có bệnh ắt phải lo lắng. Chi bằng, mình cứ nói dối đang khỏe mạnh để mọi người yên tâm”.

À, thì ra thế.

Có thể ghi nhận đây là “lời nói dối ngọt ngào”. Không vì chuyện của mình mà ảnh hưởng đến “đại cục”, chi bằng cứ nói dối một câu để mọi việc đang suôn sẻ vẫn cứ tiếp tục. Có nhiều người vợ/chồng cảm thấy mệt mỏi, ngao ngán khi hễ một chút gì vừa xẩy ra, người kia đã la toáng lên rồi. Cứ như thế, mỗi mình biết là “gánh nặng” quá sức, do đó, người kia phải có trách nhiệm san sẻ. Việc lớn thì chẳng sao, nhưng việc cỏn con “nhỏ như con thỏ” cũng thế ư? Oải lắm.

Chung sống với nhau, đâu phải lúc nào, chuyện nào cũng có thể huỵch toẹt ra. Sở dĩ như thế, người vợ/chồng không muốn vì mình mà cả gia đình phải quan tâm, xao nhãng công việc chung. Tính cách ấy, theo tôi khá phổ biến trong tâm lý con người ta, từ lòng yêu thương mà ra, chứ không phải là sự cá biệt của một ai.

Mới đây thôi, cô Yến sang nhà tôi chơi, tâm sự: “Anh à, chẳng biết tại làm sao chồng em dạo này làm việc tợn. Trước kia, mỗi chiều về, cơm nước xong là vắt chân chữ ngũ, nằm đọc báo, nay lại khác”. “Khác như thế nào?”, tôi hỏi. Yến thì thầm: “Anh ấy, mở máy vi tính làm việc suốt đêm. Trông miệt mài lắm. Cứ thế này đến lúc ngã lăn đùng ra ốm, chỉ khổ mẹ con em”.

Tôi bật cười: “Cô cứ lo xa, biết đâu anh ấy lên mạng “chát chít” với ai đó thì sao?”. Yến lắc đầu: “Không hề, em bí mật quan sát thì đúng anh ấy đang thống kê các con số trong chuyên môn. Có phải vì nợ nần gì chăng? Cần kiếm thêm tiền lo cho “mèo mỡ” gì chăng? Có thế mới tranh thủ làm thêm ngoài giờ chứ?”.

À, cũng có thể lắm. “Sao Yến không hỏi chồng để xem anh ấy giải thích thế nào?”. Yến đáp: “Tất nhiên, em có hỏi, chồng em cho biết là công việc ở cơ quan dạo này nhiều quá nên phải tranh thủ làm đêm”.

Có thật vậy không? Với sự nhờ vả của Yến, tôi lặng lẽ tiến hành một cuộc “điều tra”.
Sự việc thế này: Khoảng tháng trước, anh Tiến, chồng Yến nhận  được điện thoại của mẹ vợ ở quê. Bà cụ cho biết là vừa phát hiện ung thư và cần vợ chồng anh trợ giúp một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, bà cụ không cho cô con gái biết, đơn giản chỉ vì Yến đang chuẩn bị đi tu nghiệp ở nước ngoài. Có được suất đi này, Yến phải cật lực làm việc tích cực, nhiều năm liền đạt “chiến sĩ thi đua” tại cơ quan. Nếu biết tin, Yến bỏ ngang cơ hội này thì sao? Hơn ai hết, bà cụ biết con mình có hiếu, thương mẹ nhất trên đời thì sự thay đổi ý định chỉ “chuyện nhỏ”. Vì lẽ đó, bà cụ giấu và bản thân của Tiến cũng giấu nốt. Muốn có tiền, giúp mẹ vợ, không còn cách nào khác là Tiến phải nai lưng ra lao động ngoài giờ là vậy.

Sự nói dối ấy, cần thiết lắm chứ?

Ai cũng biết rằng, không có một “quy định hành chánh” nào bắt buộc đã là vợ chồng ắt phải chia sẻ tất tần tật mọi việc, không ai giấu giếm với ai việc gì. Nỗi buồn, vui, âu lo, sung sướng… của người này thì người kia phải biết, lúc an ủi, khi chia sẻ, có như thế thì mới thật sự “thuộc về nhau” từ chân tơ đến kẽ tóc. Trên lý thuyết là thế, nhưng rồi có những sự việc cụ thể, con người ta lại chọn phép ứng xử khác: nói dối. Bởi lẽ điểm xuất phát chính là từ lòng yêu thương, lo lắng cho nhau. Có nghĩa lúc đó, có thể họ âm thầm gánh lấy sự thiệt thòi, chịu đựng “chỉ mình biết, chỉ mình mình hay”.

Thực hiện được như thế, phải là người có tự tin, bản lĩnh. Họ không muốn, “nửa kia” biết chuyện mà phải phân tâm, phải lo lắng bởi chưa đến mức cần thiết. Hơn nữa, có những việc chẳng là “cái đinh” gì, nhưng nếu người vợ/ chồng hay biết thì sẽ chuyển sang một gam màu khác. Có lúc xám xịt hoặc bi quan hơn?

Qua những trường hợp vừa nêu trên, ta thấy, đôi lúc có những tình huống, không phải người ta nói dối mà chỉ “nói sai sự thật một chút tẹo thôi”. Mà những tình huống ấy, cần phải châm chước, cảm thông. Nghĩ cho cùng, “lời nói dối ngọt ngào” cũng là vì tiếp tục giữ lấy ngọn lửa ấm trong nhà, đang có, đang yên lành. Chứ không phải vì một lý do gì khác. Do đó, nếu người chồng/ vợ nếu phát hiện ra, cần có cái nhìn khác, độ lượng hơn trước khi kết luận nó.

L.M.Q

(nguồn: TGPN 4.7.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com