THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: MỆT VÌ SỞ THÍCH CỦA NHAU

LÊ MINH QUỐC: MỆT VÌ SỞ THÍCH CỦA NHAU

 

metvisotyhij-cua-nhau

 

“Chẳng thà ở một mình, muốn gì làm nấy, chứ đã đùm đề vợ con rồi mà cứ thế này mãi, ai chịu nổi?”. Chị Thiện nổi cơn thịnh nộ, la toáng, cáu gắt với chồng khiến cả xóm nghe rõ mồm một. Chuyện này chẳng lạ gì, thỉnh thoảng vợ chồng nhà chị lại “đấu khẩu”.

Ai cũng biết, chồng chị - anh Tuất có thú vui nuôi chim cá cảnh. Bước vào sân nhà anh, cả hàng chục lồng chim chứ ít ỏi gì, chim chóc ríu rít hót vang. Vui tai lắm. Đã thế, lại còn thấy ngay ở góc sân, rồi chình ình ngay tại phòng khách lại thêm vài hồ cá nữa. Cá đủ các sắc màu bơi lượn tung tăng. Vui tai lắm. Thú vui này, ban đầu được vợ ủng hộ, nhưng rồi về sau, chị chỉ muốn tống khứ hết “của nợ” cho rảnh mắt.

Lần nọ, qua nhà tôi chơi, chị kể: “Này nhá, sáng dậy, việc đầu tiên là dọn lồng cho sạch sẽ, thay nước, cho chim ăn; chiều về lại tất bật với cá, hết “nghiên cứu” thức ăn đến thay nước, trang trí đèn, dụng cụ dưỡng khí… Chỉ có chim, cá mới là bạn tri kỷ nhất. Ai đời, vợ đau, con ốm cũng không quan trọng bằng lúc chim chóc ủ rủ, cá ngáp”. Tôi an ủi: “Vậy cũng tốt rồi, còn hơn chồng chị dành hết thời gian “chăm sóc” cho cô khác”. Chị cười buồn: “Chẳng thà mình không thấy cũng đỡ ngứa mắt hơn”.

Sở dĩ khuya hôm kia, chị Thiện bực bội la toáng lên là có nguyên do: trong số hàng chục con chim đang nuôi, Tuất quý nhất là con sáo biết “nói” bập bẹ, vì cưng nên đặt luôn cho nó cái tên rất oách “Love you”. Hôm đó, chẳng rõ vì nguồn cơn gì, cả ngày nó không thèm mở mỏ ra “nói” cho một tiếng, lại đứng thểu não, sầu thảm như đưa đám. Tuất lo sót vó. Chiều nhờ vợ đi đón con, tối bỏ cơm cũng chỉ vì anh dành hết tâm trí “điều tra” nguyên nhân. Mãi đến gần 10 giờ khuya, Tuất mới kết luận rành rành, sở dĩ “Love you” trở bệnh ăt vì “ngộ độc thực phẩm”.

Ai là “thủ phạm”? Chỉ có Tèo táy máy tay chân chứ còn ai nữa? Thế là một cơn thịnh nộ nổ ra ầm ầm như sấm sét. Cháu Tèo chối bai bãi, kêu rằng bị mắng oan; chị Thiện cũng bị chì chiết, mắng mỏ không biết dạy con. Chẳng ai chịu ai cả. Bực bội quá, Tuất xách gối ra phòng khách nằm ngủ. Có một chi tiết kỳ quặc, không ngờ sáng hôm sao “Love you” lại ríu ran, khỏe khoắn như trước. Tuất mừng còn hơn cả trúng số độc đắc!

Lại còn có chuyện tróe ngoe như trường hợp của một nhà sưu tập nọ. Bao nhiêu tiền của, thời gian, ông cũng đều dành cho việc tìm kiếm và mua sắm đồ cổ. Ban đầu cô vợ cũng thấy hay hay, vì bạn bè đến chơi đều tấm tắc khen chủ nhà sở hữu được “hàng độc” quý, hiếm. Nhưng một khi ông đã “lậm”, vợ con không còn là “cái đinh” gì nữa. Sống với một người mê vật vô tri vô giác đến thế, bỏ bê vợ con, có ai chịu đựng được không? Nếu có, cũng khó có thể hạnh phúc vì “nửa kia” làm gì còn có thời gian, tâm tình, chia sẻ cùng nhau?

Lần nọ, đang cà phê cà pháo, bạn bè cùng thấy điện thoại của Trường đặt trên bàn đang đổ chuông dồn dập. Hiện trên màn hình là dòng chữ “Chồng Yêu” nhưng cô không buồn bắt máy. Hỏi, tại sao? Cô đáp: “Có gì đâu mà phải nghe. Mấy hôm rày đi công tác xa, ngày nào ảnh cũng nhắn tin, điện thoại. Tưởng rằng, vì thương vợ nhớ con nên vui lắm, cảm động lắm. Nào ngờ, chỉ sau dăm ba câu hỏi han qua loa lại đến “tiết mục” ảnh dặn dò chăm sóc vườn lan. Ối dào! Không thèm hỏi chuyện ở nhà vợ con ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt... thế nào. Nghe phát chán!”. Có thể trong trường hợp tương tự, do người chồng nghĩ rằng, “vợ đã khôn, con đã lớn”, chẳng gì phải lo. Cái lo còn lại vẫn là những gì mà mình đam mê, phục vụ cho sở thích cá cá nhân. Suy nghĩ đơn giản ấy, dù vô tình nhưng cũng khiến “một nửa” chạnh lòng.

Mới đây thôi, lúc đến nhà của Dũng cùng công ty, tôi ngạc nhiên khi không còn nghe tiếng chó sủa ầm ĩ như trước nữa. Lấy làm lạ, tôi bèn hỏi chủ nhà. Dũng bật cười một cách khoái trá: “Tớ tống khứ hết rồi”. Dũng kể, tháng trước, bà xã của cậu ta đi tu nghiệp ba tuần ở nước ngoài. Vợ chồng xa cách. Ngày đêm, họ điện thoại liên tù tì. Lại còn qua email thể hiện sự thổn thức, yêu thương, chờ đợi. Cả hai cùng mong thời gian vùn vụt trôi qua, mau chóng đến ngày sum họp. Ngày ấy đã đến. Muốn tạo cho Dũng sự bất ngờ, từ sân bay, cô vợ đón xe đi thẳng về nhà. Nhìn thấy vợ, cậu ta mừng quá, vừa định bước đến ôm chầm lấy vợ, hỡi ôi trong vòng tay của nàng đã có con chó phốc. Nàng ôm lấy “cục cưng” hôn hít, vuốt ve, nựng nịu mặc kệ anh chồng đang đứng ngẫn tò te.

Một chuyên gia tâm lý bảo rằng, khó có thể thay đổi sở thích của người khác, vậy cách tốt nhất cả vợ lẫn chồng nên có cùng một thú vui nào đó. Nhờ thế, cả hai cùng có thời gian, điều kiện thỏa mãn sở thích, thú vui của mình. Bằng không, tự mình phải có chủ động “điều chỉnh” cho thích hợp. Trở lại với ý kiến của chị Thiện: “Chẳng thà ở một mình, muốn gì làm nấy, chứ đã đùm đề vợ con rồi mà cứ thế này mãi, ai chịu nổi?”. Câu nó đó, không phải không có lý.


L.M.Q
(nguồn: TGPN 20.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com