THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Bài học khai tâm

LÊ MINH QUỐC: Bài học khai tâm

 

bai-hoc-khai-tam-1RRR

 


Trong cuộc đời mỗi người, hầu như ai cũng có “bài học khai tâm”. Có thể đó là lời cha mẹ dặn, bài học lúc còn mài đũng quần ở lớp tiểu học, hoặc đôi khi chỉ là một vài câu ca dao, tục ngữ… Ký ức của tuổi thơ thật lạ, những gì đã tiếp thu ngày đó, dù bao nhiêu năm trôi qua nhưng nó vẫn còn đọng lại trong ký ức.

Với tôi, một nhà báo chuyên nghiệp, đã theo nghề tròm trèm chừng 30 năm trời, thế nhưng không thể quên thời hoa niên đã đọc tờ báo Thiếu Nhi. Tờ báo này do ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng tại Sài Gòn đã đầu tư kinh phí thực hiện. Tại sao lại nhớ? Đơn giản chỉ vì mỗi kỳ số báo ra, tôi luôn náo nức tìm đọc Lá thư chủ nhiệm. Đó là những đoản văn ngắn tương tự chuyên mục Sức khỏe cho tâm hồn của chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần (Báo Khoa học phổ thông) hiện nay. Không ngờ, một cậu học trò mê đọc báo, rồi khi sống bằng nghề báo lại tiếp tục “nối bước” việc làm người đi trước.

Ôi, nghĩ cho cùng mọi việc cũng từ chữ “duyên” đấy thôi.

Nhắc lại và nhớ rằng, có lần ông Nguyễn Hùng Trương lồng trong bài viết của ông mẩu chuyện: Có một người bình thường nhưng từ tổng thống đến người phu quét rác, lúc gặp ông cũng đều chào hỏi, thân tình. Một nhà báo đặt câu hỏi, muốn có được thành công đó, cần yếu tố gì? Ông ta trả lời: “Tôi không nổi nóng với ai hết”. Chẳng lẽ đơn giản thế thôi ư? Chẳng thể tin được, nhưng rồi bây giờ, đã bước vào đời, tôi càng nghiệm ra, không dễ dàng một chút nào, nếu không có một cái tâm khoan dung.

Thử hỏi, ta sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?

Ngày xưa, có ông quan sắp vào hầu vua, thị tì bưng cháo nhưng chẳng may đổ vào áo chầu. Cô ta sợ quá, vội lấy tay gạt cháo ra ngoài nhưng ông quan vẫn bình tĩnh hỏi: “Tay con có làm sao không?”. Chỉ một câu hỏi nhã nhặn ấy, liệu chừng ta có làm được không hay mắng mỏ xối xả vì thị tì đã làm hỏng chiếc áo quý? Không phải ngẫu nhiên, khi lật trang báo ra, nhiều người thích đọc những mẩu chuyện tưởng như chẳng có gì, nhưng ngẫm lại nó lại có một triết lý sống sâu sắc.

Tôi lan man nghĩ thêm, nếu đọc/học điều ấy ngay từ trẻ chắc chắn hữu ích hơn, gấp nhiều lần khi ta đã có tuổi. Ngày xửa, ngày xưa có người thầy dẫn học trò ra khu vườn, chỉ vào cây mới nhú, bảo: “Các em hãy nhổ cây này lên”. Trò nào cũng thực hiện dễ dàng. Bước đến cây thứ hai, thứ ba, thứ tư, cũng vậy. Nhưng đến cây thứ năm, cây đã xum xuê lá cành, các em dù vận dụng hết sức lực nhưng cây vẫn đứng trơ, không thể lay chuyển. Thầy giáo bảo: “Thói quen, tính cách của ta cũng vậy. Khi còn non nớt, ta rũ bỏ dễ dàng, nhưng càng về lâu nó đã mọc rễ, định hình ngay trong tâm hồn thì khó có thể thay đổi”.

Xin nhắc lại, “khó” chứ chẳng phải “không”. Mọi việc điều có thể thay đổi. Sở dĩ nhắc lại chuyện trên vì hôm kia, cô giáo - bạn của tôi có ra bài tập làm văn: “Em hãy kể lại câu chuyện mà em thích nhất”. Thật bất ngờ, sau khi chấm bài của học trò, cô bạn tôi đã chọn ra cho mình “bài học khai tâm”. Trong bài làm văn ấy, một em học sinh kể lại, ngày nọ có người đến báo cho Tổng thống Abraham Lincoin là ông bị người bạn ganh ghét, đã bôi nhọ, nói xấu chê bai đủ điều.

Ông đã xử lý ra làm sao?

Cô bạn tôi bảo: “Trường hợp này đã từng xẩy ra với tớ. Do đùng đùng nổi cơn tức giận, tớ quyết tìm người đã nói xấu mình để “nói phải nói trái” cho “ra môn ra khoai”, dằn mặt cái thói “gắp lửa bỏ tay người”, quyết “ăn thua đủ” một phen. Tôi tò mò hỏi thêm: “Kết cục như thế nào?”. “Hỏng bét hết mọi chuyện”, cô không giấu tiếng thở dài. Dù không kể ra nhưng tôi thừa biết nguyên nhân: chỉ mới nghe thông tin từ một chiều, không kiểm chứng gì thêm, vội vã có kết luận ắt sẽ dẫn đến cách xử lý sai lệch.

Không chỉ trong đối nhân xử thế, nghiệp vụ của nhà báo cũng thế. Cần phải kiểm tra từ nhiều nguồn thông tin. Có khi thông tin ấy là đúng, nhưng đâu phải cách giải quyết nào cũng cứ “thẳng mực tàu”, “phang” tới tấp, không kiêng dè, chẳng việc gì phải “úp úp mở mở”, cứ huỵch toẹt cho… sướng tay (!?).

Về lý không sai nhưng về tình thì sao?

Mỗi năm, hễ đến 21.6 - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng nghiệp của tôi lại có dịp ngồi lại ôn lại vài kỷ niệm cũ. Đã lâu lắm rồi, cách đây chừng hai mươi năm, có nhà báo thâm nhập thực tế điều tra một vụ tiêu cực. Với các chứng cứ rành rành, anh ta đưa lên mặt báo tất tần tật sai lầm của người đó. Nếu chỉ dừng lại đó, không sao. Chỉ tiếc, lúc đó do còn trẻ, “hăng tiết vịt” nên anh ta không thiếu những câu bình phẩm, chê bai, mạt sát cứ như đổ dấm chua vào mặt. Chưa hết, để “câu khách”, anh ta lại còn biếm nhẽ, bơi móc chuyện riêng tư của vợ con người đó. Dù rằng, người đó sai lầm, công luận cần lên tiếng phê phán nhưng cách thể hiện đằng đằng đằng sát khí như “xúc đất đổ đi”, chẳng khác gì đẩy họ xuống vực thẳm, không còn cơ hội phục thiện.

Sau khi tờ báo đó phát hành, cô con gái của người đó phải gánh lấy một áp lực nặng bề. Bước ra khỏi nhà, nghe thiên hạ bình phẩm, xì xào chuyện nhà mình; vào lớp học lại bị bạn bè chỉ trích, xa lánh, trêu chọc. Quá xấu hổ, không thể chịu đựng được miệng tiếng, lời ong tiếng ve mỗi ngày, cháu đã chọn một cách giải quyết tiêu cực, dại dột.

Khi hay tin, đồng nghiệp của tôi bàng hoàng, không ngờ sự việc lại chuyển qua một hướng khác, than ôi, đã không còn có cơ hội cứu sống một mạng người. Dù muốn, dù không, anh ta vẫn mang mặc cảm, dằn vặt lương tâm vì đã góp phần đẩy đến một kết thúc tồi tệ nhất. “Mỗi bài báo, cùng một sự việc nhưng tùy theo cái tâm mà mỗi người có cách thể hiện khác nhau”, nhớ lại bài báo của lúc mới vào nghề, anh tâm sự đó chính là “bài học khai tâm” về nghiệp vụ, có được từ một cái giá quá đắt.

“Nếu nói đó là kinh nghiệm thì tôi nghĩ đây là thứ kinh nghiệm đắng cay chua xót quá, chắc không ai muốn có những kinh nghiệm như vậy trong đời mình”, nhân vật anh Thơm Râu Rồng của nhà văn Trang Thế Hy đã từng cay đắng thốt lên. Vì lẽ đó, nếu có được “bài đọc khai tâm” từ những gì đã học/đọc, vẫn tốt hơn chứ?

Trở lại, câu chuyện của Tổng thống Abraham Lincoin, ông đã xử lý ra làm sao? Sau khi nghe nói, ông mỉm cười và bảo: “Bình thường thì bạn ấy nói đúng lắm”.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 441 ngày 18.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com