THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: QUAY ĐẦU LÀ BỜ…

LÊ MINH QUỐC: QUAY ĐẦU LÀ BỜ…

QUAY-DAU-LA-BO-1-R

 

“Những ngày này, có nhiều vụ án giết người rúng động xã hội”. Buổi sáng, thức dậy sớm, thanh tịnh tâm hồn, nhìn đời bằng con mắt trong veo, lướt qua vài trang báo, đọc dòng chữ đó, đột nhiên ly cà phê đắng tê đầu lưỡi. Mà ngày nào cũng như ngày nào, lạ thay, lại nhan nhản các thông tin đen tối, hắc ám, ma mị làm sao có thể nhìn cuộc đời bằng con mắt lạc quan? Tuy nhiên, với ý thức công dân không ai có thể nói khác, nói trớ đi. Phải nhìn nhận thực tại đó, không thể né tránh…

Có điều nhìn nhận như thế nào?

Thật chạnh lòng, khi tôi chứng kiến một phiên tòa lưu động xử kẻ nghiện hút, ăn cắp tại khu phố nọ. Lúc kết thúc, bà mẹ của bị cáo thốt lên những lời chân thành xin lỗi bà con chòm xóm. Tâm tình ấy có được chấp nhận hay không? Phải được chứ. Vì dù gì, luật pháp đã xử đúng người đúng tội. Mẹ của kẻ xấu xin lỗi mọi người, thừa nhận sai sót, lỗi lầm của con, trách nhiệm dạy con của mình.

Thế mà, lập tức cả hàng trăm con người nhao nhao chế giễu bằng những lời lẽ cộc cằn, miệt thị. Vẫn biết, sự căm giận ấy không sai, nhưng kẻ xấu phải nhận bản án tương xứng, há gì đám đông lại tiếp tục “ném đá” về phía bà mẹ? Sao nỡ gây thêm tổn thương lần nữa, khoét sâu vào nỗi bất hạnh của người mẹ có đứa con hư?

Hẳn nhiều người người con nhớ vụ án kẻ giết người đã xử ở tòa án tỉnh nọ. Lúc Kiểm sát viên luận tội đề nghị áp dụng hình phạt tử hình, ngay lập tức phía gia đình bị cáo òa lên khóc lóc thảm thiết, đớn đau vì biết sắp vĩnh viễn mất đi một người thân. Ngược lại gia đình bị hại khua chiêng, gõ mõ, đánh trống ầm ĩ, đồng loạt vỗ tay hả hê lắm, sung sướng như vừa trúng số độc đắc, chỉ thiếu điều khui sâm-banh ăn mừng tại tòa. Gia đình bị hại từng đau đớn xé lòng vì đã mất người thân, nay phía thân nhân bị cáo cũng có nỗi buồn đau tương tự.

Vậy, hả hê sao đành?

Rồi còn gì bẽ bàng, thô lậu hơn trước những tiếng cười vô tư, khoái trá của đám đông lúc dự buổi xử án kẻ giết người đã diễn ra tại Yên Bái? Có tội, ắt đến tội. Đó là công lý. Do bị cáo là người dân tộc Dao, không rành tiếng Việt, khi quan tòa hỏi một đằng, bị cáo trả lời một nẻo thì đám đông lại nổ ra những trận cười bất tận. Theo báo chí tường thuật: “Bị cáo thấy người dân phía dưới cười nên cũng cười theo”. Kẻ giết người không ghê tay, không còn biết mùi tanh của máu, phút chốc trở nên tên hề đáng thương hại. Ai đã làm nên điều trớ trêu đó? Chính là sự vô cảm của đám đông.

Có ai trong đám đông ấy nghĩ rằng, ngồi dưới hàng ghế theo dõi xử án thì người thân, bà con ruột thịt của nạn nhân đang đau đớn như thế nào? Làm sao gan ruột họ không quặn thắt, không đứt đoạn khi nghe thủ phạm kể lại quá trình phạm tội. Họ ứa nước mắt. Nuốt nước mắt vào lòng để khỏi bật ra tiếng khóc. Hỡi ôi, ngay lúc ấy lại rôm rã những tiếng cười. Hóa ra cái ác, cái xấu không khiến người ta ghê gớm, kinh sợ mà chỉ đem lại sự cười cợt, nhộn nhạo? Trước nỗi đau của người khác, “hiệu ứng” tiếng cười của đám đông trở nên “lạc quẽ”, không có tình người.

Đành rằng, có tội phải đền tội, phải trả giá cho sai lầm của mình. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, sự thể hiện tấm lòng cao thượng, biết tha thứ cho “kẻ thù” là điều rất cần thiết. Suy nghĩ ấy, có lẽ nhiều người cho rằng “sách vở” quá, “lý thuyết” quá. Con người ta có phải là ông Thánh đâu, chẳng ai có thể dễ dàng bỏ qua khốn khổ, bất hạnh mà kẻ xấu đã trút xuống đầu chính mình/người thân của mình. Tôi xin phép không tranh luận, chỉ xin kể lại đã từng đọc trong Quốc văn giáo khoa thư:

Một hôm, một người hào phú có chuyện lôi thôi với một người thợ. Ðang cơn tức giận, người hào phú lấy hòn đá ném người thợ. Người thợ nhặt hòn đá cất đi một chỗ, nghĩ bụng rằng: "Thế nào cũng có lúc tao lấy hòn đá nầy ném được vào đầu mày". Một hôm, người thợ trông thấy người ấy ăn mặc rách rưới, đi qua trước cửa, vội vàng chạy đi lấy hòn đá, định để ném lại. Nhưng khi tay đã cầm hòn đá, anh ta lại nghĩ rằng: "Người ấy lúc còn giàu sang mà ta báo thù thì là dại, bây giờ người ấy khổ sở mà ta báo thù thì là hèn. Thôi, ta không nên báo thù". Rồi quăng hòn đá xuống ao.

Đúng quá, khi người ta không còn “lên voi”, đã “xuống chó” mà mình vẫn rắp tâm trả thù, đúng là hèn thật. Tục ngữ có câu: “Không đánh người ngã ngựa” là thể hiện một tinh thần thượng võ.

Tôi lại nhớ đến một câu chuyện cô tích: Ngày xửa ngày xưa, do ganh ghét nên vị quan nọ bị thiên hạ tố cáo ngày còn nhỏ từng ăn cắp dưa. Vì thế, không xứng đáng được triều đình bổ làm quan. Vậy phải xử làm sao vừa có lý có tình? Nhà vua cất tiếng hỏi: “Ai khi còn nhỏ, chưa từng bao giờ ăn cắp dưa? Xin giơ tay lên”. Mọi người im phăng phắt. Không một ai, và ngay cả chính nhà vua cũng không giơ tay lên. Không cần kể thêm, ta đã biết câu chuyện kết thúc thế nào rồi.

Trong triết lý sống của người Việt, có những suy ngẫm rất nhân văn, chẳng hạn, “Quay đầu là bờ”; “Buông dao đồ tể là thành Phật”… Sống ở trên đời, không một ai có thể tránh được lỗi lầm. Vấn đề đặt ra ở chỗ, một khi người đó đã ăn năn hối cải, đã sửa chữa để trở thành người tốt, lẽ nào ta lại không mở rộng cánh cửa chào đón sự phục thiện ấy?

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 440 ngày 11.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com