Tháng 3 này, TP HCM phát động và khuyến khích phụ nữ mặc áo dài khi đi làm, lúc ra phố… Từ đây, nét đẹp truyền thống tiếp tục được đề cao
Có lẽ ấn tượng mạnh mẽ, khó quên nhất trong ký ức tuổi thơ tôi là năm tháng hoa niên, có lần đi cắm trại ở Huế. Ngày đó, trên đường lên chùa Từ Hiếu, bất ngờ nghe vọng lại lanh lảnh tiếng rao bán chè. Từ con đường làng vi vút thông reo, tôi thấy một phụ nữ mặc áo dài màu lam, đi chân đất, trên vai là đôi quang gánh. Chè ngọt và ngon. Khi bà bước đi, từ phía sau, tà áo phất phới reo vui, thoảng nhẹ theo gió. Hình ảnh như thật như mơ ấy đã đi vào tâm thức của cậu học trò mới lớn. Sau này, tôi còn bắt gặp áo dài trên xuôi ngược đường phố.
Chính từ đó, tôi dành cho chiếc áo dài đã là một cảm hứng của thơ: “Áo trắng như mây trước lớp/Tan trường hai buổi nắng mưa/Làm mắt ai nhìn không chớp/Thôi đừng, em có lời thưa/Thưa rằng em còn đi học/Còn chưa kịp lớn. Áo dài/Xin đừng ghi thơ lên đó/Làm em mất ngủ đêm nay”. Xốn xang lòng người nhất vẫn là mùa hè, hoa phượng đỏ ngập sân trường, tiếng ve kêu râm ran, giữa trưa nắng lại thấy dập dìu nữ sinh khoác áo dài trắng. Ông thi sĩ Hoàng Trúc Ly, có lần đứng trước Trường Nữ Trung học Hồng Đức ở Đà Nẵng nhìn thấy hình ảnh đó, thốt lên: “Ô hay, con gái bay nhiều quá/Hai cánh tay mềm như cánh chim”.
Áo dài xuống phố ở trung tâm TP HCM Ảnh: HẢI ĐÔNG
Tùy theo tâm trạng lúc vui hoặc buồn, ngậm ngùi hay hào hứng khi bắt gặp tà áo dài, mỗi người có sự liên tưởng khác nhau. Ông “Paris có gì lạ không em” Nguyên Sa bằng tâm thức rất mơ mộng đã băn khoăn tự hỏi: “Có phải em mang trên áo bay/Hai phần gió thổi, một phần mây/Hay là em gói mây trong áo/Rồi thở cho làn áo trắng bay?”. Ngay cả người Việt Nam “chính hiệu con nai vàng” cũng chưa thể lý giải hết ma lực quyến rũ, nền nã của tà áo dài thì người ngoại quốc còn ngắc ngứ đến dường nào?
Nói đầy đủ về lịch sử áo dài, phải là một công trình nghiên cứu công phu. Tôi dám quả quyết rằng áo dài chính là sự cách tân từ kiểu áo dài năm thân truyền thống. Ngày 11-2-1934, trên Báo Phong Hóa có bài viết “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”, tung ra kiểu “áo dài Le mur” của họa sĩ Cát Tường. À, lạ chưa? Nhìn hình ảnh tư liệu, tôi nhận ra áo dài của thuở mới phôi thai là “cổ bánh bẻ”, “cổ viền” và phần tay áo là kiểu “đuôi tôm”, “quả tim”… Chắc chắn nhà văn Nhất Linh cũng góp phần không nhỏ tạo bởi các tranh minh họa do ông vẽ. Bấy giờ, tờ Phong Hóa rồi sau đó Ngày Nay do nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đang in số lượng lớn nên áo dài “tân thời” được quảng bá rộng rãi.
Sự hấp dẫn kỳ lạ của trang phục đã tôn vinh vẻ đẹp nữ tính của phụ nữ Việt khó có thể có câu trả lời chính xác, “trầm trọng” cỡ như: “Tại sao? Vì lý do gì?”. Mà đôi khi, cũng chẳng nên tìm hiểu bằng lý trí rạch ròi như cộng trừ nhân chia, cứ để cảm nhận ấy đến tự nhiên, như đã gió thì bay, và rõ ràng trong áo dài tự nó đã có... gió. Bằng chứng, khi nhìn một người phụ nữ bước đi với những đường nét gợi cảm của hình thể, ta chỉ thấy thấp thoáng mờ mờ ảo ảo bởi tà áo đã chuyển động che khuất. Chuyển động theo gió. Chuyển động theo mỗi bước đi nhịp nhàng. Mỗi người có một sự liên tưởng khác nhau và có cảm giác ai cũng “choáng ngợp” trước vẻ đẹp đơn sơ, trong trắng ấy.
Tôi biết có những nữ sinh thời tiểu học nghịch ngợm như “con yêu bánh nậm” nhưng lên trung học lại dịu dàng hẳn. Hỏi tại cớ làm sao? Nhiều cô thỏ thẻ “niêm hoa vi tiếu” mà rằng: “Mặc áo dài thì không thể đi đứng nghênh ngang như trước”. Thì ra thế, hai vạt áo uyển chuyển nhẹ nhàng đã khiến tự người ta phải ý thức hơn trong hành xử. Đó không phải “quyền lực” của áo dài là gì?
Tuy nhiên, phải cần nhấn mạnh việc phát động phái đẹp mặc áo dài là điều đáng hoan nghênh. Chỉ dừng lại đó, vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất hiện nay, rất cần sự thay đổi tích cực hơn nữa từ môi trường sống. Nếu bạo lực học đường vẫn còn, ra phố vẫn nơm nớp lo sợ cướp giật, vẫn nghẹt xe, bụi bặm mù mịt… thì làm sao có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của tà áo dài mong manh ấy? Ca từ của Thanh Tùng và Từ Huy: “Áo bay trên đường như mây xuống phố”, liệu rằng có thể?
Bên cạnh việc khuyến khích, kêu gọi nữ giới đồng loạt sử dụng chiếc áo “Hai phần gió thổi, một phần mây”, mỗi chúng ta cần chung tay tạo dựng lại những giá trị sống đang dần dần bị đánh mất. Có như thế, lúc ấy, mỗi người mặc áo dài như một sinh hoạt bình thường trong đời sống chứ không phải chỉ “xuân thu nhị kỳ” của hội hè, hội nghị, đình đám có tính cách phô diễn.
Từ sự trở lại của tà áo dài, cần có sự thay đổi khác nữa, ít ra từ trong nhận thức của mỗi người, để tiếp tục tôn vinh trang phục truyền thống đặc sắc của phụ nữ Việt.
L.M.Q
(nguồn: Báo Người Lao Động 13.3.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|