Đã là vợ chồng, tất nhiên, đi đâu thường có đôi, nhất là những dịp thôi nôi, tân gia, đám cưới, chung vui bạn bè… Về lý thuyết là thế, nhưng hỡi ôi, lắm lúc con người ta lại muốn “tếch” đi một mình. Thế mới sinh chuyện. Chẳng bù cho thời mới bồ bịch, còn hẹn hò, còn phải ra sức “đánh bạt” những tình địch khác, họ luôn ngong ngóng được gặp nhau. “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!” (Xuân Diệu). Nghe những câu thốt ra da diết ấy, sắt đá cũng phải mềm lòng. Cưới nhau xong, tưởng là mãi thế ư? Lúc nào cũng tay trong tay, chồng đâu vợ đấy và ngược lại cho thỏa lòng mong nhớ? Chưa chắc.
Anh chàng Nguyên, bạn tôi là một thí dụ, lắm lúc, mọi người cứ tưởng anh còn “trai tân”, chưa hề biết khái niệm đám cưới là gì. Bất kỳ trong các cuộc vui nào, kể cả liên hoan tiệc tùng được phép dẫn theo vợ con nhưng cũng chỉ mỗi anh vác xác tới. Ai có hỏi: “Vợ đâu?”, Nguyên cũng chỉ cười hề hề, đánh trống lảng qua chuyện khác. Có lần anh tâm tình tỉ tê với tôi: “Ngày nào cũng gặp mặt bộ không chán sao? Ngay cả lúc vui chơi với bạn bè, “bả” cũng đi theo ắt mất vui”.
Tại sao?
Anh thở dài: “Vợ tớ chăm tớ như chăm con, nhất cử nhất động đều được góp ý khi nhẹ nhàng, lúc cáu gắt”. Tôi bèn cười: “Khối người ước mơ đấy. Có như thế mới thể hiện sự quan tâm đến nhau. Chứ cả hai cứ im ỉm, ai làm gì thì mặc, không thèm để mắt tới thì đời sống tẻ nhạt lắm”. Nào ngờ, anh trả lời ngay: “Tẻ nhạt lại hay, ít ra nhẹ cái đầu”. Thì đây, nỗi khổ của anh là hễ có đông đúc mọi người, bao giờ cô vợ bé bỏng cũng tỏ ra uy quyền lấn lướt. Lúc sai vặt cái này, khi cằn nhằn cái kia để chứng tỏ mình là người có uy quyền tuyệt đối với chồng. Ngay cả lúc bia bọt lai rai, cao hứng miệng mồm phát ngôn đôi câu thì y như rằng: “Chuyện này, anh mù tịt mà cũng ngứa miệng ý kiến ý cò, không sợ đám bạn anh cười à?”. Nghe thế, Nguyên bèn vặt lại: “Cười ai?” thì câu trả lời cứ nhẹ tênh như không: “Bạn bè anh, họ cười… vào mũi em đây nè!”. Vậy là Nguyên “đứng hình” luôn!
Chưa hết, có những người còn quan tâm đến sức khỏe chồng quá mức cần thiết, do đó hễ chàng đụng đến món ăn gì đang bày biện, lập tức nàng nhẹ nhàng: “Hôm trước bác sĩ dặn dò những gì? Anh quên rồi à? Sao lại đễnh đoảng thế. Em nhắc lại nhé? Một là, hai là…”. Và đến cái “là” thứ mười thì chẳng còn lòng dạ nào mà ăn với uống nữa. Trong khi đó, nếu không có cái “remote” kè kè theo sau, người ta cảm thấy hào hứng hơn mà cũng tự nhiên hơn. Cứ việc nói cười rổn rảng, ăn uống vô tư mà không bị ai nhắc nhở.
Mới đây, anh Trung chung cơ quan với tôi bị một trận “quê quá xá” mà sau đó, anh né tránh luôn mọi người. Trong chương trình biểu diễn văn nghệ, sau khi anh lên sân khấu cất giọng hát du dương, khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Không ít cô ái mộ đem hoa lên tặng, chưa hết, lúc ra về, nhiều cô còn ngấp nghé xin chụp ảnh chung. “Chuyện nhỏ” thôi, đúng quá. Nhưng có một người cảm thấy “chuyện lớn” nên lúc anh đang tí tởn cười toe toét bỗng đâu cô vợ bước ngang vào kéo cái xoạch: “Về đi anh. Khuya rồi”. Câu nói oang oang lẫm liệt ấy vừa thốt ra khiến mọi người chưng hửng, còn anh đứng trơ như trời trồng.
Tâm lý muốn thể hiện “quyền lực” là chuyện có thật. Ít ra, cũng ngầm cho thiên hạ biết, chàng/nàng đã “như chim vào lồng, như cá cắn câu”. Mà “chủ nhân” đang đứng sờ sờ ngay tại đây, chứ nào phải ai khác.
Khi tôi đem suy nghĩ này ra hỏi các nữ đồng nghiệp trong công sở, nhiều cô đã gật đầu cái rụp. Họ còn cho rằng, không chỉ có thế, nhiều người đàn ông còn biểu hiện ở một góc độ khác, chẳng hạn, “đánh bóng” người vợ một cách quá hớp. Và đây là mẩu chuyện mà Thúy kể: Trước kia, hễ mỗi lần chồng vui chơi với bạn bè, anh em trong gia đình, cô luôn đòi đi theo. Một phần, do cô còn trẻ đẹp nên đó là dịp được chưng diện quần áo đẹp. Và điều thích thú khác nữa, cô còn được chồng quan tâm từng chút một, cứ như thể “trong đôi mắt anh em là tất cả”.
Thử hỏi, sao lại không hãnh diện?
Nhưng rồi về sau mỗi lần đi chung, cô cảm thấy như cực hình. Đơn giản chỉ là anh… luôn khen ngợi cô trước mặt mọi người. Lời khen ấy, ban đầu nghe cũng thinh thích, nhưng nghe riết cô cảm thấy nó giả quá. Khi gặp đám bạn cùng làm ngành ngân hàng, anh khen vợ đã tốt nghiệp thủ khoa hai trường đại học tài chánh và kinh tế; lúc gặp đối tác khác mê văn nghệ văn gừng, anh lại “khiêm tốn” bảo, dù không phải nhà văn nhưng vợ anh đã viết cả hàng trăm bài thơ, nếu đem in ắt nổi tiếng không thua gì Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… “Quê độ” nhất là dịp Nguyên tiêu vừa rồi, có người bạn của chồng nằng nặc đòi cô đọc cho nghe bài thơ mới sáng tác! Lúc đó, nếu độn thổ được vẫn tốt hơn đứng sượng trân, đỏ mặt tía tai vì cô có biết thơ thẩn là cái quỷ quái gì đâu!
Thế đấy, đôi khi hoặc muốn chứng tỏ “ta đây”; hoặc “bơm” quá mức thì vô tình đã đẩy “một nửa” vào tình huống cực kỳ khó xử. Chuyện tế nhị này, khó có thể “đính chính” ngay trong lúc đó, nhưng nếu nó chỉ xẩy ra một đôi lần, còn có thể châm chước, “rút kinh nghiệm”. Nhưng một khi “nửa này” cứ lặp đi lặp lại như quán tính, chắc chắn chỉ đem lại sự bực bội cho “nửa kia”. Do đó, khi có dịp cần thiết lẽ ra phải đi chung với nhau, quấn quýt như thời mới yêu nhau thì người ta lại tìm cách… né! Mà này, biểu hiện ấy về lâu về dài hoàn toàn không có lợi cho đời sống hôn nhân. Phải chấn chỉnh đi thôi.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 21.3.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|