THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y

LÊ MINH QUỐC: Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y

 

khng-co-nghe-no-nhan-d-o-bang-nvghe-y

 


“Không có nghề nào cao đẹp bằng nghề thuốc, một nghề đòi hỏi nhiều bổn phận  nhiều trách nhiệm tinh thần. Nhưng chính trách nhiệm đó, nhất là trách nhiệm tinh thần làm cho nghề nghiệp chúng ta cao đẹp’’ (Duhamel). Trong dòng phát triển của nền y học dân tộc nước ta đã có những bậc danh y cũng đều tâm niệm như thế. Câu nói: “Dùng thuốc Nam trị bệnh người nước Nam” (Nam dược trị Nam nhân) của ông Tổ thuốc Nam - Tuệ Tĩnh đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Nhà thư mục học nổi tiếng E. Garpardone (Pháp) hoàn toàn có lý khi viết trong tạp chí của trường Viễn Đông Bác Cổ: “Có thể nói không quá đáng rằng, Tuệ Tĩnh là người sáng lập thật sự ra nghề thuốc Việt Nam, về sau Hải Thượng Lãn Ông là người tuyên truyền có hiệu quả về nghề này”.

Tài liệu về tiểu sử của Tuệ Tĩnh chưa thống nhất, nhưng có một điều chắc chắn ngài còn để lại đến ngày nay là hai bộ sách quý Nam dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác tư y thư. Viện Nghiên cứu Đông Y Việt Nam đã khẳng định: “Tuệ Tĩnh đã tổng hợp và để lại nhiều bài thuốc kinh nghiệm quý báu cho một số khá nhiều bệnh tật. Đó là một tài liệu có giá trị lớn cho sự kế thừa và phát huy vốn cũ y dược của nhân dân ta, thật là một cống hiến rất lớn”.

Nếu không tận tâm với nghề, làm sao danh y Tuệ Tĩnh có thể để lại cho đời sau những công trình hữu ích, thiết thực ấy?

Sự tận tâm ấy, còn có thể nhìn thấy ở Thánh y Hải Thượng Lãn ông. Năm 1756, lúc bấy giờ đã ngoài ba mươi xuân, ngài lên kinh đô tìm thầy để tiếp tục học thêm nghề thuốc nhưng không gặp được thầy giỏi. Không nản chí, ngài mua thêm sách chuyên môn rồi trở về Hương Sơn (Hà Tĩnh) dồn hết tâm lực để nghiên cứu. Ngài tâm niệm: “Tôi tự nghĩ làm thuốc cũng như ngưòi cầm binh, thầy thuốc cũng như vị tướng, làm tướng mà không biết binh pháp sao thắng được bên địch, làm thuốc mà không biết tinh dược làm sao cứu được người đời. Nhà cầm binh chia quân đội ra tiền, hậu, tả, hữu, trung còn nhà làm thuốc thì chia tinh dược ra kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ. Nhà cầm binh chú trọng về trận đồ, về tình hình bên địch, còn nhà làm thuốc phải rõ về âm, dương, hàn, nhiệt của từng vị thuốc để chữa cho những chứng biểu lý, hư, thực của bệnh nhân”.

Tôi không rõ, các thầy thuốc hiện nay có còn ghi lại kinh nghiệm chữa trị của bệnh nhân hay không? Có như thế, qua từng thực tiễn mới có thể rút ra những kinh nghiệm cho lần sau. Xin mời các bạn cùng chia sẻ một “âm án” của danh y Hải Thượng Lãn Ông, qua đó, ta thấy rằng ngài không giấu thất bại kể cả: “Thầy thuốc có trách nhiệm công bố những thành công của mình cho mọi người cùng biết, không nên truyền thụ cho riêng ai”. “Âm án” của ngài như sau:

“Tên Tiểu là người đi buôn, sau khi ốm mới dậy nhân thương thực cảm phong mà vừa thổ vừa tả, bốn tay chân giá lạnh và đoản khí, đi thuyền về nam đã một ngày một đêm, người nhà đến nói với tôi để xin thuốc, tôi đến xem mạch thì sáu bộ “trầm và vi” tựa như không, tinh thần lai hỗn loạn, tôi biết là chứng nguy không muốn cho thuốc, nhưng vợ y cùng mẹ vợ kêu nài, vả lại vợ y đã có thai ba tháng, hàng ngày sinh nhai chỉ nhờ người chồng. Tôi thương tình cảnh đó mới cho uống bài “Sâm truật phụ”, hết ba thang thì chứng thổ tả ngưng và đã thấy có mạch, bốn chân tay đã hơi ấm và đã biết người ngoài. Tôi cho uống bài “Cứu dương thang” mà mỗi lần uống lại cho ăn một bát cháo đặc, được một ngày một đêm thời khí của dạ dày đã trở lại mà ăn uống đã tiến, nhưng lại thấy sốt nóng tự bàn chân bốc lên như lửa đốt, lại khát quá độ.

Đó là vì vì thổ nhiều thì hại chân dương, tả nhiều thì hại chân âm, dù có uống Sâm, Phụ hồi dương, nhưng dương không có âm để liễm lại, hỏa không có thuỷ để chế đi, cho nên phù việt trở nên mà nóng tự huyệt “dũng tuyền” bốc lên, là âm hỏa xông lên trên. Tôi nghĩ như vậy rồi cho uống một thang: hai lạng Thục địa, 3 chỉ đan sâm, 2 chỉ Mạch môn, 1 chỉ Ngũ vị, 1 chỉ Phụ tử, 1 chỉ Ngưu tất, thêm bấc thắp đèn ngày xưa sắc đặc cho uống nhiều, mới có một thang mà khát khỏi ngay, nhưng vẫn nóng như trước  lại thêm sợ rét run người lên không chịu nổi.

Tôi nghĩ rằng Nội kinh có nói: “Dương hư thời sợ rét, âm hư thời phát sốt” thì chứng này là chứng dương kém ở ngoài, âm kiệt ở trong. Tôi mới cho uống bài “bát vị thang” bỏ Trạch tả thêm Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, Cao ban long uống một chén to thì nóng đỡ một nửa, đến thang thứ hai thì người mát, xem mạch thì “hồng và sắc” mà không có thứ tự, thầy thuốc một lần thở ra hút vào mà mạch của bệnh nhân bảy lần phồng lên xệp xuống, lại lúc thấy lúc không mà không có thần không có lực.

Tôi thấy nóng lui mà mạch vẫn không điều hòa, là âm dương ly tuyệt, tôi bảo vợ và mẹ y rằng không thể chữa nổi. Nhưng họ thấy bệnh đã đỡ quá nửa, ngờ là tôi không thấy tiền thuốc đầy đủ nên bỏ dở không chữa, rồi đem quần áo, đồ đạc ở trong thuyền đến nhà tôi mà nói rằng: “Nhà đói khổ chỉ có những thứ này để bù vào tiền  thuốc”. Tôi vừa thẹn vừa giận  nói cho họ biết là nói thật chứ không phải vì buộc lợi. Vợ y thưa rằng: “ Sống chết chỉ lạy nhờ tôn ông đâu dám tìm thầy thuốc khác”. Tôi trả những đồ vật họ đem đến, rồi đem bài “bát vị” đã cắt cho trước kia, cho uống xen với bài “quy tì”.  Uống được mấy hôm thì tinh thần bệnh nhân mạnh nên ăn uống thêm bội. Nhưng tôi ngờ là giả tượng, vì những chứng hư yếu lắm mà dùng thuốc để bổ tiếp thì mạnh dần mới là tốt. Chứ trường hợp này như ngọn đèn sắp tắt mà cháy mạnh, quả nhiên, mấy hôm sau bệnh nhân khí tuyệt. Thở ra hít vào không nổi. Gia đình bệnh nhân đến nói, tôi cho uống Sâm, Phụ thì thở ngược lên thật mạnh rồi chết.

Về chứng này, tôi chữa hằng tuần khó nhọc, không đáng kể số tiền thuốc mà nhà bệnh không trả được, chỉ hiềm rằng: không biết vì bệnh nặng mà thuốc còn ít hay là vì tôi chưa nghĩ hết mọi lẽ? Vậy xin ghi lại đây để hỏi các bậc cao minh”.

Câu chuyện mà danh y Hải Thượng Lãn Ông ghi lại như thế đã phản ánh sinh động đời sống của nhân dân ta trong thế kỷ XVIII. Và bây giờ đọc lại, chúng ta thấy phương pháp chữa bệnh của ông không khác gì phương pháp thám chẩn lâm sàng (examen clinice) của các bác sĩ thời nay. Rõ ràng, không phải bất kỳ ca bệnh nào, thầy thuốc cũng có thể chữa trị, tuy nhiên điều đáng quý ở đây là cần làm hết sức mình và ghi lại “âm án” để đời sau tiếp tục nghiên cứu. Ôi, nghề cứu người nhọc nhằn thay.

Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam có nhiều điều cần chia sẻ, cho phép tôi được chọn lấy một lời dạy của Thánh y Hải Thượng Lãn Ông: “Thầy thuốc phải trọng nghề nghiệp là một nhân thuật, chuyên bảo vệ mạng sống của con người. Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 429 ngày 27.2.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com