Đôi khi, ta nghe nói “lương tâm cắn rứt”. Rồi có người đùa lại: “Lương tâm đâu có răng mà cắn?”. Nếu có ai cắc cớ hỏi: “Lương tâm là gì nhỉ?”, sẽ trả lời ra sao?
Tôi đã làm một động tác nho nhỏ, thử tra cứu lại xem từ trước đến nay, các bậc hiền giả đã có những định nghĩa về lương tâm như thế nào. Cuối cùng, tôi chọn lấy câu nói của Mahatma Gandhi (1869-1948) - một con người bình thường như hàng triệu con người đã sinh ra trên trái đất này, nhưng nhân cách sống, tư tưởng, đạo đức đã đạt đến mức được thiên hạ tôn sùng như vị Thánh - Thánh Gandhi. Ông nói thế này: “Người uy quyền nhất mà tôi chịu tuân theo mệnh lệnh dưới thế gian này là “cái tiếng nói thì thầm” trong chính con người tôi. Đó là lương tâm”.
Tôi hiểu rằng, lương tâm chính là sự hiện diện của hạt giống tốt bất biến trong tâm hồn mỗi người. Ai cũng có lương tâm. Thế nhưng, quá trình mưu sinh với nhiều va chạm thù oán, ganh tỵ rồi sự nhọc nhằn của miếng cơm manh áo, sự hãnh tiến, ham hố mua danh hoặc vì sự trục lợi ti tiện, nhỏ nhen nào đó v.v… có lúc người ta quên đi lương tâm chính mình. Rồi sau đó, lúc tĩnh tâm nghĩ lại, với việc xấu đã làm, tội ác đã gieo thì người ta lại thức tỉnh và cảm thấy “lương tâm cắt rứt”.
Minh họa, cho “cái tiếng nói thì thầm” như Thánh Gandhi đã chia sẻ, tôi nhớ đến câu chuyện của anh bạn lái xe taxi đã kể.
Ngày kia, đêm đã khuya, trên đường phóng xe về nhà nghỉ ngơi, anh ta thấy phía trước một đám đông đang nhốn nháo. Với kinh nghiệm nhiều năm lái xe, anh thừa biết, có người đang gặp tai nạn cần phải chở gấp đến bệnh viện. Dừng xe lại hay phóng đi luôn? Câu trả lời ấy, không dễ dàng chút nào. Nếu dừng lại, cuốc xe ấy chắc gì anh được trả thù lao? Biết đâu lúc vào bệnh viện, anh lại phải là người làm thủ tục, trả tiền viện phí vì thân nhân của nạn nhân không có mặt. Rồi sau này, lúc cần điều tra vụ tai nạn, một trong những người được mời đến cơ quan công quyền như nhân chứng thì anh phải có mặt, mất thời gian lắm. Đó là chưa kể đưa nạn nhân lên xe, máu me dính đầy băng ghế ngồi, phải tốn tiền rửa xe v.v... Chỉ nghĩ đến đó, anh đã cảm thấy biết bao phiền toái.
Trong khi đó, sau một ngày mệt nhoài công việc, anh cần nghỉ ngơi; cần quay về nhà với vợ dại con thơ thì có gì là sai? Hơn nữa, nghĩ cho cùng, giữa anh và nạn nhân đó hoàn toàn không có một chút liên hệ ruột rà gì, vậy cớ gì phải suy nghĩ cho mệt đầu? Mà dẫu xe của anh không đến ắt có xe khác thôi, thành phố này đâu thiếu gì xe taxi. Chính vì thế, khi xe sắp đến gần đám đông đang vẫy gọi, đang chờ đợi thì anh vội vàng hãm phanh rồi quay ngược đầu xe. Anh phóng xe như ma đuổi vì không muốn nghe những tiếng kêu đang gào theo. Anh thở phào nhẹ nhỏm vì đã né tránh được một việc vớ vẩn.
Nhưng rồi, cũng chính lúc cảm thấy nhẹ nhỏm nhất, không thèm để ý đến việc ấy nữa, anh lại nghe có tiếng của chính anh đang vọng lên: “Này, X (tên anh ấy) ngươi là kẻ khốn nạn, ích kỷ. Tại sao có thể cứu được một con người đang sắp chết mà lại từ chối? Suốt đời ngươi có thể quên được tiếng kêu gào của đám đông réo gọi không?”. Anh ta cãi lại: “Việc đó, không phải của tôi. Cứu sống người bị thương chỉ là các y, bác sĩ, chứ nào có liên can gì đến tôi? Tôi không phải thủ phạm gây ra tai nạn đó, hơn nữa, tôi còn phải về nhà, vợ con tôi đang chờ đợi”.
Một tiếng nói khác trong tâm lại vọng lên: “Nếu là vợ, là con của ngươi cũng gặp tai nạn trong đêm hôm khuya khoắc, gặp phải một tài xế ích kỷ, khốn nạn như ngươi thì chuyện gì sẽ xẩy ra?”. Lần này, anh tài xế giật nẫy người, đuối lý: “Ừ nhỉ, mình đâu phải là kẻ ích kỷ”. Thế là anh vội vã quay ngược đầu xe, chạy lại đoạn đường đang xẩy ra tai nạn. Và anh nhủ thầm: “Mọi người hãy chờ tôi. Nỗi đau của người khác cũng là nỗi đau của tôi”.
Vâng, tiếng nói lương tâm, “cái tiếng nói thì thầm” ấy đã đưa anh về nẻo thiện, về với tâm tính thiện: hễ thấy ai hoạn nạn cần sự giúp đỡ, mình không được quyền quay lưng, ngoảnh mặt.
Nhân vật Raskolnikov trong tác phẩm Tội ác và hình phạt của văn hào Dostoevsky cũng là mẫu người minh họa cho định nghĩa về lương tâm mà chúng ta đang bàn đến.
Vin vào lý do bà cầm đồ Alyona Ivanovna là “mụ đàn bà tồi tệ, bệnh hoạn, tham làm ăn lời cắt cổ, hút máu đồng bào, hành hạ ngay cả cô em út của mình”. Con người như thế sống chẳng có ích cho ai nên Raskolnikov đã giết để cướp của. Dù không bị bắt nhưng cuối cùng cảm thấy “lương tâm cắt rứt” nên hắn ta ra đầu thú, dù biết rằng sẽ bị chết rục trong tù hoặc bị đày đi Tây Bá Lợi Á. Chi tiết này cực hay, khi biết chuyện, chính cô gái điếm đã bảo: “Ngay bây giờ anh hãy đứng tại một ngã tư, cúi đầu trước thiên hạ và nói “tôi là một tên sát nhân”. Anh cần phải chịu khổ đau để chuộc lại tội lỗi. Sau đó, Thượng đế sẽ trả lại cuộc sống cho anh”.
Qua kiệt tác này, Dostoevsky muốn nhấn mạnh rằng, hình phạt lớn nhất khi con người ta phạm tội là sự dằn vặt trong tâm hồn của chính kẻ đó. “Chàng chỉ thừa nhận tội lỗi của mình ở mỗi một điểm đó: chẳng qua chàng đã không qua được cuộc thử thách và đã ra tự thú”. Rõ ràng, áp lực của lương tâm còn ghê gớm, khiến người ta còn sợ hãi hơn cả các ràng buộc của luật pháp. Nếu trước đó, “cái tiếng nói thì thầm” của Raskolnikov kịp thời lên tiếng, chắc chắn mọi việc đã khác. Không phải ngẫu nhiên, từ năm 2007, Tạp chí Time đã bình chọn Tội ác và hình phạt là một trong số những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại.
Trong tâm hồn mỗi người đều có tiếng nói của lương tâm. Làm thế nào để nó luôn thức tỉnh và nhắc nhở ta trước mỗi hành động, dù rất nhỏ? Trả lời câu hỏi này, nói thật, quá lớn lao so với những gì tôi đã nhận thức, chỉ mạo muội nghĩ rằng, sống mỗi ngày, sống trong từng khoảnh khắc trôi qua hãy luôn nghĩ rằng ta đang đối diện với lương tâm của chính mình. “Không sợ người khác phán xét mình mà sợ lương tâm phán xét” (Vessiot). Có như thế cũng là một cách để tự điều chỉnh hành vi, thái độ, từ hành động đến lời ăn tiếng nói. Như thế đã đủ chưa? Hay còn có gì các biện pháp gì khác nữa, xin được nghe những lời chỉ giáo của các bậc cao minh.
Riêng về anh bạn tài xế của tôi, qua câu chuyện trên, anh cho biết, đêm ấy, dù mệt nhọc, trễ hẹn về nhà với vợ con nhưng anh lại cảm thấy sảng khoái, hài lòng. Và đêm đó, nói một cách văn chương là anh đã “gối đầu lương tâm” mà ngủ. Sống trên đời, mọi đêm cũng đều có được giấc ngủ đến nhẹ nhàng, thư thới ấy ắt cũng là ước mơ của mọi người.
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số Tân niên 20.2.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|