“Con đã nói với mẹ rồi. Mẹ chủ quan quá đi thôi. Cứ như đang đi, đứng trên mây không bằng. Cứ vài ba tháng, bố lại về Hà Nội, mà mỗi lần chừng nửa tháng trời. Sao mẹ chẳng đặt nghi vấn? Chắc chắn có chuyện mờ ám. Con đoán chắc là…”.
Chị Kim đã nhắc lại cho vợ chồng tôi nghe lời tỉ tê, âu lo của cô con gái vào những ngày ở nhà chỉ có hai mẹ con. Đôi lúc chị tự hỏi: “Biết đâu con gái mình có lý?”. Suy nghĩ ấy, thoáng quá rất nhanh, đơn giản hơn ai hết, chị nghĩ chính mình mới là người hiểu chồng nhất. Và chị tin rằng, không thể nào người chồng có thể léng phéng, bồ bịch lăng nhăng, “chán cơm thèm phở”. Do đó, sau nhiều lần ậm ừ cho qua chuyện, chị bảo với con: “Bằng linh tính của người vợ, mẹ tin rằng bố con không phải là người tệ bạc. Nếu bố con có thêm ai khác, người biết trước nhất chính là mẹ”.
Trước những lời nói quả quyết ấy, cô con gái đã gạt bỏ sự nghi ngờ ra khỏi đầu, nhưng vẫn bí mật “theo dõi” hành tung của bố trong những ngày vắng nhà. Rồi cháu không phát hiện ra điều gì mờ ám. Thậm chí, có những lúc nửa đêm nữa hôm, cháu kiểm tra bằng cách nhắn tin: “Con nhớ bố”. Lập tức, từ Hà Nội, bố gọi điện thoại về tâm sự an ủi; chưa hết, những ngày bố quay trở về nhà, cháu còn lục lọi, xăm xoi mọi thứ trong va ly, xem có phát hiện ra chứng cứ gì không, đã thế, còn “tịch thu” luôn điện thoại để kiểm tra thêm.
Khi con cái trưởng thành, yêu quý bố mẹ thì bao giờ chúng cũng có ý thức gìn giữ hạnh phúc trong mái ấm. Tuy nhiên, các ông bố/bà mẹ cần tỉnh táo, cân nhắc và suy xét trước những ý kiến của các con, nhất là khi ý kiến đó có liên quan đến “nửa kia”. Trường hợp của chị Kim, dù có sự nhắc nhở từ cô con gái nhưng chị đã thể hiện sự tự tin và nhất là biết tin ở người chồng.
Cuộc sống thiên hình vạn trạng, mỗi người một việc, dù “thần thánh” đến cỡ nào đi nữa cũng không ai có thể kiểm tra sít sao, chi li được thời gian của “một nửa”. Buổi sáng, chàng/nàng ăn mặc đẹp, gọn gàng, bảnh bao và phóng xe đi làm. Ai dám chắc người đó chỉ đến công sở hay còn “tụt tạt” nơi khác? Rồi có những ngày, “người ta” đi làm về trễ, mặt mày bơ phờ, hỏi nguyên cớ tại sao thì nghe câu trả lời cứ thản nhiên như không: “Mấy hôm nay, sếp triệu tập họp thêm vào cuối giờ”. Nếu tin thì tự nhiên cảm thấy nhẹ nhàng, không có gì đáng lưu tâm, nghĩ ngợi; ngược lại, nếu lăn tăn ngẫm nghĩ: “Chắc nói dối. Họp gì mà chiều nào cũng họp? Hò hẹn với ai chăng?”. Vậy là gặng hỏi thêm, vì quyết tìm ra sự thật nên không ít người tung chiêu “chụp mũ”, “bắt nọn” đủ mọi thứ cho ra nhẽ mới thôi. Và cuối cùng là gì? Là một cuộc cãi vã nhau ầm ĩ vì chỉ là sự suy diễn, chẳng có chứng cứ gì khiến “nửa này” gào lên tức tưởi: “Bộ anh/em không tin nhau à?”.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng: Trong cuộc sống vợ chồng cần phải có niềm tin với nhau. Sống chung với nhau, có nghĩa là lúc cả hai tự nguyện ký kết giấy “chung thân”, chứ đâu phải “ngày một, ngày hai” mà cứ nghi nghi ngờ ngờ? Sau khi nghe tôi nói thế, anh Truyền gật gù bảo: “Cậu nói đúng lắm”. Sở dĩ, tôi trao đổi chuyện này với Truyền vì anh vừa trải qua một vụ “hố” khá bi hài. Mới tuần trước đây thôi, anh rầu rĩ cho biết: “Có lẽ vợ tớ đang ngoại tình”. Thông tin này nghiêm trọng quá, lựa lúc chỉ còn có 2 người, tôi mới hỏi thêm: “Nguyên cớ tại làm sao mà cậu nghĩ thế?”. Đại khái, anh cho biết là cả một tháng trời, vợ anh luôn trong trong tình trạng “án binh bất động”, hễ anh “đụng đến” thì cô ta luôn tìm mọi cách né tránh. Sống trong cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” nên anh đâm ra nghi ngờ với câu hỏi: “Biết đâu?”. Thế rồi, sau nhiều ngày lặng lẽ theo dõi vợ, anh mới phát hiện ra thời gian qua mình quá hồ đồ.
Số là, khi phát hiện trong người có những triệu chứng bất thường nhưng vợ Truyền lại không tâm sự cùng chồng mà lẳng lặng một mình đi khám bác sĩ. Trường hợp này, thật ra không có gì lạ, đơn giản chỉ vì họ nghĩ rằng: “Chắc chẳng có gì. Chưa chi đã nói ra, chồng/vợ thêm lo mà thôi”. Nếu lúc ấy, không có niềm tin ở vợ, Truyền hùng hùng hổ quy kết này nọ có lẽ sự việc không chỉ tồi tệ mà còn xúc phạm đến vợ nữa.
Đôi khi cũng oái oăm ở chỗ, tin… nhầm người. Thì chị Ngọc cùng cơ quan tôi chứ ai. Trước đây, một vài người “nhỏ to tâm sự” là anh Tuấn léng phéng với cô nọ làm việc ở ngân hàng, nhưng chị bỏ ngoài tai. Đùng một cái, sự việc vỡ lở ra. Ngọc cảm thấy bất ngờ đến độ lên tăng xông phải nhập viện.
Đứng trước tình hướng “tréo cẳng ngỗng” này, tôi nghĩ mỗi người có một cách giải quyết. Riêng tôi đồng cảm với cách lựa chọn của Ngọc. Sau khi lấy lại được thăng bằng, chị tâm sự: “Con người tệ bạc đó không xứng đáng với niềm tin của mình, vì thế, giữ lại làm gì? Có mất đi thì cũng chẳng lấy gì làm tiếc”.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 28.3.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|