Chị Hân kể với bạn: “Ai thì không rõ, chứ nói thật, ông xã nhà tớ cực kỳ ham vui. Đêm qua, trở về nhà trong cơn say khật khưởng, “lão ta” còn gióng giả: “Sáng mai, lên nhà sếp của anh đấy! Em phải ăn mặc đẹp, cho tươi trẻ ra! Năm mới, tết đến, không ghé thăm coi sao được”. Tớ ngạc nhiên quá: “Mồng ba Tết, vợ chồng mình đã ghé qua nhà rồi, bộ anh không nhớ đã lì xì con cái sếp mấy cái phong bì đỏ chói à?”.
Nào ngờ, chồng tớ nói trơn như cháo chảy: “Em không biết gì về cái phép xã giao, đành rằng, trong Tết mình đã đến nhà sếp, qua Tết, mình đến nữa thì càng “tình thương mến thương” chứ có mất mát gì?”. Chị Hân cứng lưỡi, chẳng biết trả lời thế nào. Tưởng rằng, chỉ mỗi vợ chồng anh, nào ngờ, vừa nhón chân vào nhà sếp đã thấy đông đúc nhân viên, đồng nghiệp rộn ràng như…Tết!
Tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, do đó, nhiều người cứ tiếp tục vui xuân đón Tết. Cái máy giặt trở chứng, cái ống bị nghẽn, nước chảy lênh láng đầy bếp từ hôm trong Tết, anh chồng tặc lưỡi: “Chuyện nhỏ. Qua Tết anh sửa một loáng, xong ngay”. Người khác có thể ba hoa chích chòe, chứ anh Việt đã nói thì đâu ra đó, hơn nữa nghề của anh mà. Thế nhưng, làm gì có thời gian, đã “qua mùng” rồi nhưng Việt cứ nghĩ đang tràn trề xuân mới nên nhịp điệu vui xuân vẫn cứ kéo dài. Khổ là chỗ đó.
Mà thật ra, nói đi cũng phải nói lại, dù ra khỏi nhà với tâm thế đi làm việc nhưng vào cơ quan gặp bạn bè, sau vài câu hỏi han: “Tết nhất có gì vui không?” ắt có người lại “gài độ” lai rai một chút mừng năm mới. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, dễ dàng vì đầu năm chưa nhiều việc, còn có người về quê do trễ tàu xe chưa vào kịp…
Không phải ngẫu nhiên hồi trong Tết, nhiều cô vợ can ngăn, trách móc chồng: “Anh uống ít ít thôi, cứ cái đà này, qua Tết lăn ra ốm là khổ mẹ con em”. Người chồng cười khà khà: “Một năm chỉ có 3 ngày thôi. Sau đó, đố em thấy anh còn uống một giọt nào”. Nhưng vào cơ quan lại gặp lời mời “mừng năm mới”; quay về nhà, có bạn không kịp ghé thăm ngày Tết, nay đến thăm, chẳng lẽ năm mới năm me chỉ uống nước trà?
Lại nữa, còn có những cuộc họp mặt ngoài dự kiến.
Do mua sắm quá nhiều đồ ăn thức uống nên qua Tết nhiều thứ vẫn còn ê hề, làm sao “tống khứ”? Cách tốt nhất là mời bạn bè, hàng xóm sang nhà làm một bữa cho “đã đời” vậy. Nhất cử lưỡng tiện, vừa giải quyết được hàng “tồn kho” vừa được tiếng rộng rãi, hào phóng, sống có tình nghĩa.
Với hàng trăm lý do cực kỳ “chính đáng” nên không ít chuyện éo le xẩy ra. Chẳng hạn, cả tuần, nửa tháng chộn rộn Tết nhất cả nhà ăn uống thất thường, làm gì có hột cơm trong bụng? Vì thế, sau cuộc họp đầu năm người vợ vội rời khỏi công ty, tranh thủ vào chợ tìm mua bó rau thật xanh, con cá thật tươi đổi món. Chắc là chồng sẽ khoái khẩu chứ thịt thà, dầu mỡ, bia bọt nhiều quá, nay ăn cơm nhà ắt sẽ ngon miệng. Chuẩn bị cơm nước xong xuôi, chỉ chờ chồng đi làm về là quây quần bữa ăn gia đình, bỗng nghe điện thoại réo rắt: “Mẹ con em đừng đợi anh. Anh em rủ nhau làm vai ly mừng gặp mặt tân niên cho xôm tụ”. Người vợ bực mình cằn nhằn: “Hết Tết rồi anh ơi. Đừng kiếm cớ ăn nhậu nữa”. Bỗng nghe tiếng cười giòn tan trong điện thoại: “Em nhầm rồi, công ty anh vẫn còn… chưng cây mai đây nè”.
Nhớ lại đi, có phải ngày đầu năm, vợ chồng con cái đều chúc mừng nhau là gia đình mình hạnh phúc, đoàn kết, yêu thương nhau? Ấy thế, chỉ mới thoáng qua vài ngày đã xẩy ra những cuộc cãi cọ chỉ vì vợ/chồng ham vui “quá hớp”. Vợ tôi đây chứ ai. Không rõ cơ quan của nàng có thay đổi gì đột xuất không, chứ cả ngày liền đã xách xe ra khỏi nhà là về nhà muộn lắm. “Em đi đâu vậy?”. Nàng cười rõ to: “Họp năm mới”. Tôi ngạc nhiên: “Cuối năm họp rồi mà?”. “Cuối năm có chuyện cuối năm. Đầu năm có chuyện đầu năm chứ anh”. Chuyện gì vậy ta? Nghe nàng kể ra vanh vách mà tôi phát hoảng, nào là bạn họp mặt khai trương cửa hàng, bạn rũ đi xin lộc đầu xuân...
Nhiều người đưa ra lý do: “Làm ăn cả đời, chứ đâu phải một hai ngày. Mấy ngày đầu năm, thời tiết mát mẻ, công việc chưa bận rộn gì mấy, tranh thủ vui xuân thêm một chút thì đã có làm sao?”.
Vẫn biết là thế, nhưng thời khóa biểu chỉnh chu trong năm bị xáo trộn kéo dài khiến nhiều người đâm ra bực bội. Vui chơi bao giờ cũng thích thú hơn là bắt tay vào công việc, chẳng sai chút nào. Tuy nhiên, chơi dài ngày quá, ham vui quá trong khi đó mọi người đã bắt đầu vào nề nếp thì bỗng dưng mình trở nên lạc quẻ. Không chỉ thế, trong mối quan hệ vợ chồng cũng dễ dẫn đến sự “trật nhịp” không đáng có. Chi bằng, ai sao mình vậy. Trở lại với công việc hằng ngày như trước đó vẫn là điều cần thiết nhất.
L.M.Q
(nguồn: TGPN số Tân niên 15.2.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|