THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Cổ tích trong đời thường

LÊ MINH QUỐC: Cổ tích trong đời thường

 

 

co-tich-trong-doi-thuong-1-R

 

Thử hỏi, lúc hoạn nạn, bệnh hoạn, khi khổ đau, tuyệt vọng nếu cầu trời khấn Phật ắt sẽ gặp sự giúp đỡ của bà Tiên, ông Bụt? Phép màu ấy, trong thời buổi này chẳng một ai, ngay cả đứa trẻ lên mười cũng không thể tin. Tưởng là thế. Nhưng cuộc sống thiên hình vạn trạng, có những câu chuyện đã xẩy ra, dù chứng kiến sờ sờ, nhưng ta lại kinh ngạc quá đi thôi. Không kinh ngạc sao được vì giữa lúc mọi người sống theo quan niệm “đèn nhà ai nấy sáng”, “sống chết mặc bay” lại không ngờ có những “người thật, việc thật” xuất hiện giữa đời thường như bước ra từ cổ tích.

Xin kể câu chuyện có thật đã xẩy ra tại Ấn Độ. Ngôi làng đó, do địa hình núi non hiểm trở nên gần như cách biệt với đô thị. Ngày nọ, vợ của ông Dashrath Manjhi bị tai nạn. Lập tức, ông dùng xe ngựa đưa vợ đi bệnh viện. Khổ nổi, trên đường đi phải vượt qua một ngọn núi cao mà mạng sống của người bệnh đang như chỉ mành treo chuông. Đoạn đường gập ghềnh trúc trắc, hiểm trở đó kéo dài thời gian, do đó, người vợ không kịp có cơ hội được sự cứu chữa của các bác sĩ. “Vì ngọn núi này mà người vợ yêu quý phải sa vào tay thần chết. Vậy phải làm gì?”, ông Dashrath Manjhi tự hỏi.

Thế là, sau khi chôn cất vợ chu đáo, ông quyết tâm mở một con đường băng qua ngọn núi, chỉ vì canh cánh nỗi lòng “không muốn bất cứ người nào trong làng phải chịu chung số phận như vợ mình nữa”.

Theo thông tin báo chí: “Trong suốt 22 năm đẽo đá làm đường, ông Manjhi đã không quản ngày đêm, cứ lúc nào rảnh tay là ông lại đem búa, đục ra ngọn núi gần làng Gehlour, phía đông bang Bihar để cặm cụi đục đẽo. Sau khi ông hoàn tất việc tạo thành lối mòn xuyên núi, quãng đường 55km đường vòng đã được giảm xuống chỉ còn 15km khi người ta đã có thể đi thẳng xuyên qua núi”.

Ôi, tình yêu, vì tình yêu con người ta có thể làm được tất cả mọi điều. Tượng đài tình yêu có thật đấy chứ, chính là từ con đường đã mở ra. Lấy từ cảm hứng thánh thiện này, nhà làm phim Ketan Mehta đã xây dựng thành bộ phim The Mountain Man. Và con đường do ông Manjhi thực hiện bằng đôi tay và trái tim đập nhịp vì tình yêu đã trở thành một địa điểm du lịch. Hơn ai hết, các lứa đôi yêu nhau khi đến đó tham quan ắt có dịp chiêm nghiệm, suy ngẫm về giá trị bất biến của tình yêu. Giá trị đó chính là sự yêu thương, sẻ chia và dâng hiến trọn vẹn bất vụ lợi.

Những con người đáng kính trọng như ông nông dân nghèo Manjhi, dưới gầm trời này bao giờ cũng có. Chính họ tiếp tục viết thêm những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Mới đây thôi, nào phải xa xôi, nhiều người hảo tâm Việt Nam ta đã hiến đất mở đường, dựng trường học, thậm chí họ còn đem cầm sổ hồng, sổ đỏ, giấy tờ nhà cho ngân hàng vây tiền xây cầu, mở đường cho làng, cho xã v.v…

Và cũng thật đáng quý những con người đã vấp ngã, sau năm tháng “xé lịch”, họ có thời gian nghĩ về lẽ sống ở đời. Vì thế, mãn án tù, họ có những việc làm rất đáng ghi nhận. Những ngày này, thỉnh thoảng đi xuống phố, nếu chú ý quan sát, các bạn sẽ thấy trên lề đường đã xuất hiện những chiếc xe bán bánh mì cùng một khuôn mẫu, phía trên có ghi dòng chữ “Bánh mì cộng đồng”. Ít ai ngờ đó chính là quà tặng của một người từng là “đại gia” dính líu trong vụ án kinh tế đình đám một thời. “Mục đích của việc tặng xe bánh mì là để tạo điều kiện cho những người từng lầm lỡ có cơ hội bắt kịp với việc tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống”, ông ta khiêm tốn cho biết.
Từ câu chuyện trên khiến tôi nhớ lại thuở nhỏ, được bà ngoại kể cho nghe câu chuyện cổ tích. Mà nay tôi tin có thật ở trên đời.

Ngày xửa, ngày xưa, có anh chàng nọ sống bằng nghề ăn trộm. Một đêm, do đói quá, chàng đến rình mò nhà ông thầy đồ ở xóm bên. Nhà thầy đồ nghèo xác xơ nhưng biết học trò lúc sáng có biếu thầy cái thủ lợn. Chỉ nghĩ đến đó, chàng đã thèm thuồng ứa nước bọt. Sang đến nơi, rình mò mãi tới khuya mà thầy vẫn chưa đi ngủ. Thầy chong đèn đọc sách, hết trang này tới trang khác. Chợt thầy đọc to lên một câu trong sách thánh hiền: “Tích thiện, sống phúc đức ắt gia đình giàu có; làm điều bất thiện ắt luôn gặp tai ương, hoạn nạn”. Chàng nghe chột dạ, có phải thầy biết mình rình mò nên khéo mắng đó chăng? Thế là chàng đứng dậy chạy một mạch về nhà, quyết từ nay bỏ nghề ăn trộm sống bằng nghề lương thiện.

Nhưng than ôi, miệng đời cũng éo le, do biết chàng đã từng làm nghề bất lương nên đi đến đâu cũng có người xì xào: “Cẩn thận đấy! Cái thằng ba đời ăn trộm đã đến kia!”. Cái tiếng "ba đời ăn trộm" khiến chàng tủi nhục, xấu hổ. Chàng về kể cho mẹ nghe. Bà mẹ bảo: “Không thể trách người đời con ạ. Mình đã gieo tiếng xấu thì nay phải chịu. Từ nay, nếu con làm được việc gì phúc đức họa may mới xóa được mấy tiếng đó”.

Rồi lần nọ, trời làm cơn bão to, nước lũ tràn về. Dòng sông mênh mông nước, không ai dám lội qua sông như mọi ngày. Dù trời đã sẫm tối, mưa mỗi lúc một nhiều nhưng mọi người vẫn ùn lại, loay hoay ở bờ sông vì chưa có đò. Không thể về nhà được, đêm đó chàng đành ngủ lại trong đình chung với nhiều người. Thấy chàng, ai nấy đều lấm lét cảnh giác vì sợ bị mất trộm, chàng tủi thân ngồi lẻ loi một xó, nghe thiên hạ xầm xì: “Phải chi quan huyện cho bắc chiếc cầu thì hay quá. Nếu làm được điều phúc đức đó, muôn ngàn người nhớ ơn”. Chàng nghe ra thấy sáng dạ: “Phải rồi, sao mình không bắt chiếc cầu cho làng?”. Quyết tâm của chàng đã mọi người ủng hộ và nhìn chàng bằng con mắt khác. Khi kể xong, bà ngoại tôi còn đọc thêm câu:

Làm việc phúc, hưởng việc lành
Những người tốt bụng thơm danh đời đời

Những con người ấy vẫn hiện quanh đây, chính họ đã khiến ta tin rằng, dù thế nào đi nữa, dù xã hội đầy rẫy nỗi đau xé lòng như chỉ vì tranh giành một hai mét đất mà anh em giết nhau, con cái đuổi bố mẹ ra đường; chỉ vì muốn ăn sung mặc sướng mà giở trò lừa đảo thiên hạ v.v… thì đốm sáng của sự hướng thiện vẫn nẩy nỡ dưới vòm trời quang đãng. Những câu chuyện tưởng rằng chỉ có trong cổ tích, trong trí tưởng tượng nhưng lại có thật ở đời thường.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 420 ngày 14.11.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com