THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “Bôi mặt” giữa chốn đông người

LÊ MINH QUỐC: “Bôi mặt” giữa chốn đông người


boimatgiuachondongnguoi-R

 

Nhiều người luôn tự hào, hãnh diện về vợ/chồng. Đơn giản vì nghĩ “người của mình” có danh phận trong xã hội, được thiên hạ trọng vọng nể nang. Vì thế, khi người kia đi đâu, người này cũng tìm cớ đi theo cho bằng được. “Một nửa” tài hoa quá, lịch lãm quá, trẻ trung quá nếu mình không kè kè bên cạnh, biết đâu có kẻ “xấu máu” nhảy xổm vào cuỗm mất thì nguy to. Chi bằng lúc nào cũng “én nhạn hiệp đôi”, không chỉ giải pháp khôn ngoan mà còn được tiếng khen vợ đâu chồng đó.

Khi đến chỗ bạn bè chứng kiến mọi người vồn vã, thân tình, quý mến họ cũng cảm thấy “mát mặt” vui vẻ. Nếu lúc ấy, họ tỏ thái độ khiêm tốn, hòa nhã thì chẳng có gì đáng phàn nàn. Đằng này, lại khác hẳn. Có nhiều người lại muốn chứng tỏ mình có uy có quyền, có “sổ đỏ” hẳn hòi mà vợ/ chồng phải “dưới cơ”. Thể hiện này nhằm ngụ ý mình cũng không phải hạng xoàng, chỉ “ăn theo”.

Chính vì suy nghĩ hạn hẹp đó, lắm tình huống “khó đỡ” đã xẩy ra.

Anh Xuân, đồng nghiệp của tôi là nhà thơ tiếng tăm, thường giao lưu đọc thơ ở các giảng đường đại học, trung tâm văn hóa nên được các cô, quý bà mê tít. Trước lúc bước lên sân khấu, anh có thói quen phì phà vài hơi thuốc lá, tất nhiên phải lén lút vì vợ thấy được là phiền. Lần nọ, anh vừa nhả khói, lim dim con mắt thả hồn lẩm nhẩm cho thuộc bài thơ sắp biểu diễn, bất ngờ, từ phía sau, một cánh tay thô bạo giật phăng điếu thuốc: “Ai cho phép anh?” Nghe giọng nói đầy uy quyền ấy, còn anh tiu nghỉu như mèo ăn vụng bị bắt quả tang. Không những thế, các đồng nghiệp của anh Xuân chứng kiến cũng chưng hửng, kinh ngạc.

Trong chương trình đó, anh đọc thơ không còn “phiêu” như trước, cứ như cậu học trò trả bài cho xong. Tiếng vỗ tay không rền như trước. Ít ai biết nguyên cớ từ đâu. Anh tâm sự: “Vợ tớ cấm tớ hút thuốc lá không sai, nhưng nếu cô ta có cách ứng xử khác thì vẫn tốt hơn”. Vâng, chuyện ấy có thể nhắc nhở sau, khi chỉ có hai người, muốn làm tình làm tội gì cũng được. Đằng này, sự bày tỏ uy quyền trước đám đông khiến anh cảm thấy tổn thương đến cụt hứng.

Lần khác, lúc hai người dạo chơi trên núi Yên Tử, “bầu trời cảnh bụt” đẹp như tranh thủy mặc khiến cảm hứng thơ trỗi dậy, anh lặng lẽ tìm nơi tâm sự cùng Nàng Thơ trên trang giấy. Lẻn chỗ ngồi khuất, nghĩ vợ sẽ không nhìn thấy, thế là anh tự cho phép mình phì phèo vài hơi thuốc lá, cắm cúi gieo vần. Không ngờ, cô vợ phát hiện ra, cằn nhằn một trận tơi bời, Nàng Thơ cũng hoảng hồn chạy mất dép.

Không ngờ sau đó, trong những cuộc vui với bè bạn, người vợ vẫn nhắc lại chuyện đó như một “chiến tích” đáng kể. Tưởng vậy là cách tốt nhất chứng tỏ quyền lực, nhưng  sự “quá hớp” ấy chỉ khiến anh Xuân tự ái hơn là tâm phục khẩu phục. Sau đó anh quyết “vùng lên” trả treo, chứ không còn “lép vế” nữa.

Có những quý ông khi dẫn vợ đến nơi đông người, họ cứ oang oang “nói xấu” vợ cứ tự nhiên như không. Đúng sai chưa biết nhưng thái độ “bôi mặt” ấy khó có thể chấp nhận. Trong bữa ăn chung, khi đầu bếp dọn lên món vịt quay da vàng rụm bóng nhẩy, thơm phức, chưa ăn đã thấy ngon miệng. Lúc cùng gắp đũa, có người bảo: “À, món này,  chắc chị Xuyến vợ anh Giang nấu thì ngon không thua gì nhỉ?”. Sở dĩ nói thế, vì mọi người biết chị là chủ quán ăn nhỏ, có bán nhiều thức ăn ngon. Chị Xuyến chưa kịp trả lời, anh Giang đã chen ngang: “Ối, nhầm to. Quán ăn nhà tớ, tớ là người chỉ huy  đầu bếp, chứ vợ tớ có biết gì đâu!”.

Nghe có điếng người không?

Còn có chuyện như thế này, vợ chồng anh bạn tôi giận nhau mấy ngày liền: Thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, nếu có cớ gì đó hợp lý, người này nấu nướng tại nhà rủ bạn bè đến chung vui. Dăm ba lần đàn đúm lai rai, có người gợi ý: “Chà, tuần tới sang nhà anh Trấn nhá? Anh vừa tậu xe mới nên cũng cần “rửa xe” lấy hên”. Ai nấy vỗ tay ào ào tán thưởng. Tất nhiên, anh Trấn không thể né tránh: “Chuyện nhỏ. Tớ nhất trí và hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, chủ nhật tuần sau kéo nhau ra quán vì…”. Nói xong anh bỏ lửng, bạn bè gặng hỏi anh nói thẳng đuột: “Vợ tớ nấu ăn dở lắm. Sống với nhau gần mười năm trời, tớ biết tài nghệ nấu bếp của bà xã lắm rồi”.

Hầu hết, các phát ngôn “hắc ám” này đều nửa đùa, nửa thật nên người bị “hạ bệ” cũng gắng gượng cười, giả lả cho qua truông. Cãi cọ cho lớn chuyện à? Thiên hạ cười vào mũi chứ hay ho gì.

Tôi biết có những đôi vợ chồng thỏa thuận quy ước: Trước đám đông, cả hai cùng khôn khéo có lời khen “làm sang” cho nhau. Nhìn thấy vợ của bạn xúng xính chiếc váy đầm, có người khen đẹp, người chồng gật gù một câu mà nghe mát cả ruột: “Chà, khoảng ăn mặc của bà xã mình thì khỏi chê. “Bả” là người tư vấn “gu” thẩm mỹ cho tớ đây”. Câu nói ấy hại gì ai? Lại được lòng vợ, có phải hay hơn không? Lời lẽ nhẹ nhàng, tinh tế lại bày tỏ sự tôn trọng đã giúp người vợ tự tin hơn khi gặp bạn của chồng.

Mà cũng đừng quên rằng, một khi chính mình có những câu phát ngôn, hành động xem thường “một nửa”, liệu người ngoài tôn trọng hay cũng xem thường theo? Một câu nói, một hành động nào đó dù lớn dù bé nhưng xẩy ra nơi chốn đông người luôn dễ dàng đem lại sự tổn thương cho vợ/chồng. Chi bằng, những lúc ấy tự mình dẹp bỏ “cái tôi” to tổ chảng, nếu có gì không ưng ý, không hài lòng cứ lẳng lặng tự nhủ: “Hãy đợi đấy”. Hãy đợi khi quay về nhà, chỉ có hai người rồi “làm hành làm tỏi”, cằn nhằn thì cũng chưa muộn. Phép ứng xử ấy, khôn ngoan quá đi chứ?


L.M.Q  
(nguồn: TGPN 20.7.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com