THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Bây giờ muốn gì?

LÊ MINH QUỐC: Bây giờ muốn gì?


bay-gio-muon-gi-R

Nếu đặt máy ghi âm trong các phòng ngủ trên toàn cõi thế giới, tôi tin chắc rằng, từ Đông sang Tây, bất luận các chủng tộc nào, khi nghe lại, cũng đều có một câu than thở giống y chang. Mà câu đó cũng xuất hiện với tần số cao nhất. Câu gì vậy? Xin thưa, đó là câu hỏi thống thiết, bộc bạch một nỗi niềm chưng hửng to tổ chảng: “Nói tóm lại, em/ anh muốn gì?”.

Nghe câu nói đó, tôi đã hình dung ra những gương mặt đăm chiêu, nhăn mày nhíu trán, những cái lắc đầu bất lực. Họ không thể trả lời câu hỏi đó, dù đã cùng “một nửa” chăn gối, ăn nằm đến tận cùng hơi thở trong ngàn đêm hoan lạc, đời đời mê đắm. Có đôi lúc, cứ tưởng rằng, mình đã hiểu, thấu hiểu đến tận cùng chân tơ kẽ tóc, nhưng rồi, cuối cùng họ “ngộ” ra một điều cực kỳ đơn giản: “Hóa ra mình không hiểu gì cả”.

Anh bạn tôi kể lại rằng, cô vợ của anh rất thích ăn bánh ngọt khi cả hai cùng ngồi nhâm nhi ly cà phê bên vỉa hè Sài Gòn trong những chiều nhạt nắng. Lúc ấy, nhìn gương mặt nàng rạng rỡ, hàm răng trắng nõn cắn phập vào miếng bánh, lòng anh cũng vui. Vui vì biết nàng đang hào hứng tận hưởng vị ngọt của đường, vị béo của chocolate. Vui vì đã đem lại niềm vui cho nàng.

Một ngày kia, ngồi ở vị trí cũ, cũng món bánh ngọt nàng yêu thích nhưng đột nhiên lại nghe: “Anh chẳng nên tích sự gì cả”. Anh chưa kịp hỏi đã nghe vợ cằn nhằn với ngữ điệu lảnh lót du dương: “Em vừa đọc trên mạng, các bác sĩ bảo rằng, ăn nhiều bánh ngọt, có nguy cơ tăng cân. Vậy mà, lâu nay anh chẳng hề can ngăn em. Anh muốn em xấu đi, béo ục ịch chứ gì?”.

Nghe câu “chụp mũ” quá hớp, anh bạn tôi đớ lưỡi, trong đầu loạn xạ câu hỏi: “Nói tóm lại, em muốn gì?”.

Có câu chuyện này mới buồn cười làm sao: Hễ mỗi sáng thức dậy sớm, vợ chồng rủ nhau ra công viên tập thể dục, thế nào trên đường đi chàng cũng nghe nàng cằn nhằn ngọt nhạt. Chàng đi nhanh, đi trước vợ một khoảng cách: “Kìa, anh có hẹn với cô nào mà đi nhanh vậy anh?”. Bèn tụt lui phía sau: “Bộ đi chung với em, anh sợ thiên hạ bảo không xứng đôi vừa lứa chứ gì? Biết mà, anh chê em già hơn anh. Sao lâu nay không nói ra luôn đi anh?”. Rút kinh nghiệm, chàng đi sóng đôi với vợ: “Chà, chừng này tuổi rồi, cứ dắt díu nhau đi cứ như tình nhân, anh không sợ dám trẻ nó cười cho à?”.

Vậy phải làm sao?

Nếu không ít người đàn ông rơi vào trường hợp khiến toàn thân “đơ như cây cơ”, không thể cựa quậy, há mồm tranh luận gì được thì người phụ nữ cũng vậy. Mãi đến bây giờ, chị Hiền, bạn của vợ tôi vẫn còn ấm ức. Chuyện là ngay sau cưới nhau, anh Tiến chồng chị khuyên không nên theo học lớp nghệ thuật sân khấu nữa, dù chỉ còn một năm nữa là chị tốt nghiệp. Chị cần dành thời gian chăm sóc cho chồng con, bếp núc, mọi tài chánh thì anh sẽ lo. Sở dĩ như thế, vì anh thừa biết vợ mình có nhan sắc, theo nghề này, trở thành “người của công chúng” thì gay go, khó bề “quản lý”. Chi bằng ngăn cản trước vẫn tốt.

Vâng lời chồng chị nghỉ ngang. Anh Tiến hài lòng quá chứ gì? Chị Tiến bùi ngùi kể với vợ tôi: “Nhiều lần chồng em “mặt nặng mày nhẹ” chì chiết sao ngày ấy không chịu học đàng hoàng? Có bằng cấp mới dễ xin việc, chứ một mình ảnh kham không nổi chi tiêu trong nhà”.

Ngày mới cưới nhau, đôi lứa nào không ước mơ “Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn” (Nguyên Sa)? Họ sung sướng, hồi hộp chờ ngày đón nhận thành viên mới - một đứa trẻ ra đời sẽ sự gắn kết lâu dài. Lúc đó, nhiều người đàn ông leo lẻo, nói như hát hay: “Em ơi em à, em là số một, em là “năm bờ oanh”, hễ bất kỳ lúc nào em cần, anh có mặt ngay”.

Vậy mà, khi vợ vào bệnh phụ sản thì sao? Chắc hẳn họ sẽ tất tả chạy ngược chạy xuôi, lo lắng, thương cảm cho vợ “đi biển mồ côi một mình”? Lúc chuyển dạ, linh tính người vợ thừa biết phải đến bệnh viện phụ sản gấp. Trước sự việc trọng đại này, cô réo điện thoại gọi cho chồng. “Trụ cột” sẽ có mặt ngay chứ gì? Tất nhiên, nhưng còn có việc khác mà người chồng nghĩ quan trọng hơn. Quan trọng đến độ lúc anh đến bệnh viện đã thấy “thiên thần nhỏ” nằm khóc oe oe bên cạnh vợ tự lúc nào.

Trong trường hợp éo le này, nhiều người phụ nữ thốt lên ai oán như trong tuồng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài: “Số tôi sao bạc phước thể này hở giời!”. Dù chồng có biện minh cách nào đi nữa, người vợ cũng khó lòng cảm thông.

Những tình huống thế, có lẽ chỉ người trong cuộc mới có thể tìm ra cách giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, có một cách tốt nhất vẫn là thái độ “trước thế nào, sau cũng vậy”, chứ đừng nên thay đổi 180 độ khiến “nửa kia” cảm thấy hụt hẩng. Hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định điều gì, sự thay đổi đột ngột nào cũng khiến “nửa kia” cảm thấy chưng hửng, tổn thương.

L.M.Q

(nguồn: TGPN 13.7.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com