THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tự dưng chuốc lấy buồn phiền

LÊ MINH QUỐC: Tự dưng chuốc lấy buồn phiền


tu-dung-chuoc-lay-buon-phien-R

 


Trên cánh đồng, lúa chín vàng rực rỡ, có hai người nông dân tình cờ gặp nhau. Khi bước chân ra khỏi nhà, tâm hồn phơi phới, hân hoan họ nghĩ đến lúc tận mắt nhìn từng bông lúa thơm hương sữa. Tận hưởng niềm vui sau nhiều ngày đã khó nhọc trên đồng cạn dưới đồng sâu. Không hẹn mà gặp, cả hai cùng ngước mắt nhìn trời rồi mỉm cười chào nhau.

Đột nhiên một người bảo: “Trời xanh thế nhưng biết đâu trưa nay mây đen ùn ùn kéo đến. Tôi đoán chắc là sẽ có một cơn giông dữ dội đây”. Ngạc nhiên quá, người kia hỏi lại: “Ơ kìa, anh có làm sao đấy không? Thời tiết đẹp như sang xuân mà bảo sắp có mưa gió? Chà, sao lắm người ngớ ngẩn quá ta!” Người này gân cổ lên cãi: “Ai ngớ ngẩn? Ý anh muốn nói tôi là “té giếng”, “chập mạch” có phải không? Ăn nói hồ đồ vừa vừa thôi chứ”. Người kia đáp trả: “Ai có tật thì giật mình. Trời xanh, gió mát lại bảo sắp mưa gió thì ngay cả đứa con nít nó cũng cười vào mũi”.

Họ tiếp tục cãi cọ rồi mặt mày phừng phừng như say rượu. Không kiềm chế được, họ lao vào choảng nhau một trận ra trò. Đến lúc ngã huỵch xuống đất, u đầu sứt trán, cả hai nằm thở phì phò, cùng nhìn lên trời. Vòm trời vẫn xanh. Mây vẫn bay. Gió vẫn nhẹ nhàng đưa hương lúa thoang thoảng gần xa. Vẫn đâu đó có tiếng chim reo ríu rít yên vui. Chỉ có họ là tâm hồn đã hoen ố, trí não đã buồn bực vì chuyện “trời ơi đất hỡi”. Ông trời vẫn cứ nắng mưa theo lẽ tuần hoàn, không vì sự cãi cọ của họ mà thay đổi theo.

Cái tính hiếu thắng ở mỗi người, có thể ví von như ngựa bất kham chăng? Hễ có cơ hội là chúng lồng lên, bứt dây cương, mải miết lao về về trước không hề có sự định hướng.

Tôi từng biết có những đôi vợ chồng xa nhau nhau thì nhớ, nhưng gặp nhau, không chóng thì chày lại gân cổ cãi nhau như mổ bò. Mấy ông thầy bói gà mờ bảo rằng, do họ “khắc khẩu”. Có thật vậy không? Đi làm về, sau một ngày mệt bở hơi tai, người chồng ngồi phịch xuống ghế rồi cất tiếng hỏi dịu dàng: “Mình ơi, chiều nay ăn món gì? Có phải món gà tiềm thuốc Bắc như hôm nọ nhà mình ăn ngoài quán  không?”. Câu hỏi ấy không chỉ đơn thuần gửi đến một thông tin mà còn hàm ý san sớt tình cảm cho nhau. Lúc ấy, dù bữa ăn chỉ có mắm muối, tương cà nhưng sẽ ngon miệng, nếu câu trả lời cũng thân thiện. Không ngờ, từ trong bếp vọng tiếng gắt gỏng: “Lại món gà tiềm, bộ anh mê cô chủ quán rồi à?”.

Bị “chụp mũ” quá hớp, người chồng giẫy nẩy như đỉa phải vôi: “Em nói gì thế? Bộ đang nằm mê ngủ mớ nên nói sảng chăng?”. Cô vợ bảo: “Anh ăn nói cẩn thận nhá! Anh tưởng tôi ở nhà chỉ có ăn với ngủ? Anh thử làm việc nhà một ngày thì biết đá biết vàng ngay thôi. Đã vậy, đến giờ anh vẫn chưa còn tơ tưởng đến cô chủ quán à?”.

Nếu một trong hai người im lặng, mọi việc có thể “lái” qua chủ đề khác. Nhưng không, ai cũng giành phần thắng, tự cho cái lý của mình là đúng nên cãi chày cãi cối cho bằng được. Kết quả, chiều hôm ấy cơm nước lạnh tanh, nhà cửa không một tiếng nói cười. Đêm khuya vợ lẫn chồng trằn trọc vì bụng đói, không chợp mắt nổi. Hỡi ôi, trong khi ấy, cô chủ quán gà tiềm đã ngáy khò khò, hoàn toàn không hay biết gì chuyện cãi nhau “ấm ớ hội tề” của đôi vợ chồng nọ!

Thế đấy, sao lại tự dưng vơ vào người chuyện chẳng đâu vào đâu? Ôm rơm rặm bụng, ích gì? Chỉ tổ nhọc xác. Mệt cả đầu. Những cuộc cãi cọ từ lãng xẹt đến lãng nhách kiểu thế này, dễ dàng xẩy ra khiến nhiều người cảm thấy sống sao mà khó quá (!?). Thật ra, sống dễ hay khó chỉ “đương sự” mới cảm nhận, người ngoài khó có thể biết tường tận. Có mẩu chuyện này, mỗi lần đọc ắt nhiều người thấm thía sự ý vị thâm trầm:

Một hôm Trang tử cùng Huệ tử đi chơi trên cầu sông Hào. Trang tử nói: “Con cá nhỏ trắng kia bơi lội thung dung quả là vui”. Huệ tử nói: “Ông không phải là cá, làm sao biết cá vui?”. Trang tử đáp: “Ông không phải tôi, sao biết tôi không biết cá vui?”. Huệ tử nói: “Tôi không phải ông cố nhiên không biết ông rồi, nhưng ông vốn không phải cá nên không thể biết cá vui, đó là điều khẳng định”. Trang tử đáp: “Xin nói lại từ đầu vấn đề, ông hỏi: “Làm sao biết cá vui? là ông biết nên mới hỏi làm sao biết. Tôi làm thế này: Tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết vậy” (Nguyễn Tôn Nhan dịch).

Nghĩ cho cùng, cá vui hay buồn chẳng ai có thể biết một cách chắc chắn. Thế nhưng, với những bậc hiền triết, qua sự tranh luận có thể gợi mở nhiều suy ngẫm lý thú. Mà cũng vấn đề đó, giữa những người như chúng ta đây, có thể dẫn đến một kết cục khác. Tại sao như thế? Bởi sự tranh luận ấy, nhằm đạt đến cốt lõi của vấn đề đang bàn, chứ không phải tranh cãi “hơn - thua”, nhất nhất cho rằng chỉ mình là đúng, còn ý kiến khác đều sai lè lè. Tâm tính con người ta kỳ cục lắm, đôi lúc tranh luận, biết sai những vẫn quyết cãi cho bằng được. Nói nhỏ một chút, lối cãi ấy, dân gian gọi là “cãi dóng”. Rồi khi đuối lý, họ lại sử dụng cơ bắp giải quyết “nhanh, gọn, lẹ”!

Ngày hôm kia, tôi chứng kiến cuộc đấu khẩu ác liệt của hai nhân viên nọ trong công ty nọ. Họ bàn cãi về vị trí cái bàn của sếp đang đặt trong phòng làm việc. Anh A bảo, cái bàn đó “hại chủ” vì khi ngồi sếp quay mặt vào tường là không đúng phong thủy, phải xoay lại, hướng mặt ra phía cửa. Anh B lại bảo, sếp tuổi Hợi, vị trí cái bàn đó đặt hướng Đông Nam, ngó ra cửa sổ là hợp bổn mạng. Ai cũng cho mình đúng nên giành nhau nói đến đỏ mặt tía tai, thậm chí vài ngày sau còn không thèm nhìn mặt, gầm gừ như chó với mèo. Trong khi đó, vị sếp đứng đầu cơ quan không thèm đếm xỉa, không cần phải làm theo và nếu có biết, chỉ xem là chuyện “ruồi bu” vớ vẩn.

Thế thì, chuyện của thiên hạ, tại sao mình lại bận tâm, quan tâm rồi bàn tán, tranh cãi nhau như thể chuyện của mình? Có phải là vô duyên không?

Sống trên đời, phép ứng xử “mũ ni che tai” chưa chắc đáng hoan nghênh. Không thể lúc nào cũng “không nghe, không thấy, không nói”. Thế nhưng, có những chuyện hoàn toàn không ảnh hưởng mảy may, hơn nữa, mình cũng không có phận sự giải quyết vấn đề đó, vậy hà cớ gì phải quan tâm rồi tự chuốc lấy nỗi buồn phiền?

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 406 ngày 11.7.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com