THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “Bụt nhà không thiêng”

LÊ MINH QUỐC: “Bụt nhà không thiêng”


butnhakhongthieng-R-1

Oái ăm chưa? Có còn nhớ hồi mới yêu nhau không? Trước lúc làm việc gì, người này cũng đều hỏi ý kiến người kia. Chẳng phải không tự quyết định được mà lúc ấy, họ cần có thêm sự đồng tình chia sẻ với nhau. Và biết đâu, có thêm ý kiến từ “người của mình”, mọi việc sẽ hoàn hảo, tốt đẹp hơn.

Còn nhớ ngày đó, sau khi nhận lương hằng tháng, tằn tiện tiêu xài, anh dành dụm được một khoảng tiền kha khá và quyết định mua chiếc xe. Tham khảo thông tin trên mạng, hỏi ý kiến bạn bè và anh đã có ý định trong đầu là quyết mua cho bằng được loại xe đó. Tất nhiên, anh cũng không quên hỏi ý kiến của nàng. Dù không hiểu gì về xe với cộ nhưng khi được đến, cô  nàng vui vẻ ra mặt, thậm chí, còn cho vây thêm chút đỉnh nữa để sắm chiếc xe tốt hơn. Sở dĩ thế, vì ít ra mình cũng là người được chàng tin cậy, hỏi han. Nghĩ thế, đã thấy vui.

Niềm vui lứa đôi, đôi khi chỉ cần biết ứng xử tinh tế, tôn trọng nhau bằng những việc làm nho nhỏ, chứ không hẳn những việc “đội đá vá trời”. Nhưng rồi, không phải lúc nào con người ta cũng giữ được tính cách ấy. Trong bộn bề công việc hàng ngày, họ có quá nhiều cơ hội tiếp xúc, quan hệ với những người tài năng hơn, giỏi giang hơn, khôn khéo hơn “một nửa” nhiều lắm. Đã thế, chung sống với nhau đã lâu, đã hiểu trình độ tri thức, sở thích của nhau, họ nghĩ rằng dứt khoát vấn đề này, vấn đề nọ chồng/vợ không “rành sáu câu vọng cổ”. Do đó, hỏi ý kiến để làm gì? Biết đâu, đã không am hiểu gì lãnh vực đó, lại “tài lanh” bàn tới bàn lui chỉ thêm rối việc.

Chị bạn tôi vốn là ca sĩ tiếng tăm, vì thế có nhiều mối quan hệ xã giao. Đó cũng là thế mạnh của chị, tuy nhiên anh Hợp, chồng chị lại không nghĩ thế. Anh cho rằng, chuyện học hành, du học của con nên chọn trường nào, học ở đâu chắc chắn vợ mình mù tịt. Cô ấy biết gì ngoài mấy nốt đồ, rê, mi, fa, son, la, si? Vì thế, anh lẵng lặng làm hồ sơ cho con mà không buồn tham khảo ý kiến. Tình cờ biết chuyện, chị phân tích rõ ràng từng vấn đề một, cái nào đúng, cái nào sai nhưng anh vẫn “kiên quyết giữ vững lập trường”.

Không tranh cãi nữa, chị bèn điện thoại mời người bạn là cán bộ giảng dạy ở trường một trường đại học danh giá đến “phân xử”. Lạ thay, cũng cách nhìn nhận vấn đề như chồng đã phân tích, anh lại tin theo răm rắp. Lúc ấy, anh mới gật gù: “Ơ hay, vợ mình cũng “năm bờ oanh” nào có kém gì ai”.

Đúng thế, tâm lý “bụt nhà không thiêng” là có thật. Vì thế, khi có thêm người thứ ba xuất hiện, qua chuyện trò, trao đổi, họ mới thấy chồng/vợ không phải “tầm thường” chút tẹo nào.

Có chuyện này mới hài hước làm sao. Rằng, trong sinh hoạt hằng ngày, dù không nói ra nhưng chị Huyền  - bạn của bà xã tôi tôi luôn ngấm ngầm xem thường chồng. Anh chẳng có tài cán gì ngoài việc mỗi ngày đi chợ, nấu bếp, đưa đón con cái đi học... Mỗi lần ra đường, anh “chơi luôn” chiếc áo nhàu nhịu, quần cũ mèm không thèm ủi, chân mang dép lẹt quẹt, rồi chiếc xe cũng cà tàng như khổ chủ. “Một người thuộc loại “cùi bắp”, ma nào thèm ghé mắt đến?”, nhiều lần chị tâm sự nửa đùa nửa thật. Vì thế, chị không thèm quản lý giờ giấc, chồng muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm miễn chu toàn việc nhà đã phân công.

Còn chị, với giữ cương vị không xoàng trong công ty nên có dịp tiếp xúc với nhiều đối tác, hội hè hội nghị ở những nơi sang trọng. Tất nhiên, tại những nơi đó, anh không thể béng mảng theo dù có năn nỉ níu váy vợ xin được tháp tùng. Đã thế, những lúc cần thực hiện một việc gì “trọng đại”, chị chỉ tham khảo bạn bè. Còn ý kiến người chồng? “Đừng có mơ”!

Rồi một ngày đẹp trời, có một việc xẩy ra rất đỗi bất ngờ khiến chị kinh ngạc đến độ lắp bắp như lưỡi đeo đá, không thốt nên lời. Lúc vừa bước vào một nhà hàng sang trọng, chị hoảng hồn thấy chồng mình tình tứ ngồi cạnh một phụ nữ sang trọng như bà hoàng. Ối, trời cao đất dày, anh ta cũng diện trang phục thuộc hàng hiệu láng cóng! Chị cắn răng vào môi, thấy đau điếng nên biết rõ ràng ràng là thật, chứ không phải đang nằm mơ!

Trong tình huống này, phải thể hiện “chủ quyền” ra sao? Chị luống cuống điện thoại tham khảo ý kiến vợ tôi. Nàng bảo: “Chị Huyền à! Chị cứ lẳng lặng ngồi xa quan sát, “thập diện mai phục”, tuyệt đối không nên “xuất đầu lộ diện” và…”. Và gì nữa? Tất nhiên, câu chuyện còn dài. Sau này, chị Huyền cho biết, “nhờ” có người thứ ba xuất hiện nên chị mới vỡ lẽ chồng mình cũng thuộc loại “sát nữ đại hiệp”, thế mà lâu nay mình xem thường nên “mất cảnh giác”!

Có những tình huống mà nếu người thứ xuất hiện, vợ/ chồng mới có dịp nhìn nhận lại nhiều chuyện mà lâu nay như mình đã lầm tưởng. Oái ăm chưa? Một phần có lẽ do tâm lý “bụt nhà không thiêng” nên lúc “gặp chuyện”, họ mới ngã ngửa! Họ bất ngờ nhận ra “một nửa” cũng “dạng không phải vừa đâu”. Vậy cách giải quyết tốt nhất là gì? Thiết nghĩ, có những chuyện sau khi đã hỏi han, tham khảo ý kiến bạn bè, chuyên gia v.v… thì giữa vợ/ chồng cũng cần phải trao đổi thẳng thắn. Điều cần thiết này, thể hiện sự tin cậy, tôn trọng nhau. Mà đời sống của lứa đôi, yếu tố đó chắc chắn không thể thiếu.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 6.7.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com