THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Làm sao để... vui sống?

LÊ MINH QUỐC: Làm sao để... vui sống?

 

lamsaode-vui-song

 

Sống trên đời khó hay dễ? Trả lời thế nào là tùy vào nhận thức, quan niệm sống và góc nhìn của mỗi người. Tuy nhiên, có đôi lúc cảm thấy khó sống quá, chẳng phải vì đời sống kinh tế khó khăn, do vợ/ chồng “mèo mỡ” lăng nhăng, công việc không ổn định v.v… mà lý do lại cực kỳ lảng nhách. Bỗng dưng một ngày thức dậy, nghe thiên hạ kháo nhau về mình với những lời thị phi ác ý, gán ghép cho bao nhiêu thứ mà mình không hề có. Nhiều người đã từng trải qua tâm trạng trái khoái, éo le ấy mà chẳng biết làm sao có thể cải chính, “thanh minh thanh nga”.

Ngày kia, anh bạn tôi nghe phong thanh thiên hạ đồn nhảm là anh muốn leo lên ghế giám đốc. Do đó, không chỉ viết thư nặc danh tố cáo người đương nhiệm mà anh còn kết bè kết bạn, “dây mơ rễ má” với phần tử xấu nhằm thực hiện âm mưu “đảo chính”! Đại loại những chuyện nhảm nhí này được rỉ tai, bỏ nhỏ khiến ai ai cũng cảnh giác, dè chừng anh mà trong khi đó, chính “đương sự” lại… không hề hay biết gì. Khi các thông tin này lọt vào tai, anh bàng hoàng, sửng sốt, nổi giận bởi không ngờ tại sao lại có chuyện kỳ quặc này?

Những lời thị phi, đàm tiếu bôi nhọ người khác có muôn vàn động cơ khác nhau. Chỉ những người trong cuộc mới biết rõ sự thật nằm ở đâu. Trường hợp của anh bạn tôi, sau khi tìm hiểu kỹ mới thấy chỉ đơn giản như “đang giỡn”. Vậy mà cũng không tránh khỏi “búa rìu dư luận”. Lâu nay, làm việc tại cơ quan hầu như anh không “bà tám”, “buôn dưa lê”, chỉ chú trọng vào chuyên môn, tích cực hoàn thành nhiệm vụ. Đâu phải ai cũng nhìn nhận đó là sự tích cực? Có người suy luận anh khéo “đóng kịch”, tạo ra một hình ảnh “năm bờ oan” để “lấy điểm” đồng nghiệp, chứ nào tốt lành gì. Rồi đến lúc bầu bán, sắp sếp nhân sự, nhiều người cảm thấy anh có thể đạt phiếu tín nhiệm cao nên tung tin “lập lờ đánh lận con đen” cho bõ ghét!

Sự đời đôi lúc thật éo le, nếu cứ nghĩ ngợi rồi tâm tư bực dọc với những thứ u ám, xấu xa tự dưng trút xuống đầu, thử hỏi, làm sao vui sống?

Tôi xin kể câu chuyện mà chính anh bạn tôi đã tâm tình, nhờ đó, đã bình tâm trở lại.

Chuyện rằng, ngày nọ một vị giám đốc gọi cô nhân viên lên phòng làm việc. Sau khi trừng mắt nhìn, ném một xấp thư tố cáo trước mặt, ông ta mời cô ngồi xuống ghế và nói rành rọt từng câu, từng chữ nghe nổi da gà: “Tôi biết trong công việc, cô là người tích cực, năng suất tốt nhưng tại sao vẫn nghe anh em xì xào, đàm tiếu chuyện này chuyện nọ không hay ho gì về cô?”. Với người khác, ắt sẽ gân cổ lên bù lu bù loa: “Chuyện gì? Bằng chứng đâu? Tại sao lại gắp lửa bỏ tay người?” rồi đùng đùng nổi giận. Thế là cuộc trò chuyện có nguy cơ trở bên cuộc đối thoại, đấu khẩu rất ác liệt.

Nhưng không. Sau khi nghe sếp hỏi, cô vẫn bình tĩnh, nhỏ nhẹ: “Thưa sếp, sếp có nghĩ thế này không? Suốt cả mấy tháng trời hạn hán, nắng gắt bỗng dưng có trận mưa rào, phải chăng ai cũng vui mừng? Vâng, có người vui mừng vì ruộng đất hoa màu tươi tốt, trời đất mát mẻ nhưng cũng có người bực bội, cáu gắt vì đường bẩn, mưa ướt người”.

Thấy giám đốc chăm chú lắng nghe, cô mạnh dạn nói tiếp: “Mùa xuân, hoa nở. Mùa hè, trời nóng. Mùa thu, gió mát. Mùa đông, lạnh lẽo. Ấy là lẽ thường tình nhưng vẫn có người thích, kẻ không. Trời đất vốn “tự nhiên như nhiên” không thiên vị mà vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Sinh ra đời, chẳng có ai vẹn toàn cả, vì thế, tôi làm sao tránh được lời chê bai, chỉ trích? Có điều trước những lời thị phi, xin sếp cần bình tâm xét lại. Nếu cấp trên nghe lời thị phi, ắt nhân viên bị hại. Cha mẹ nghe lời thị phi, con bị ruồng bỏ. Vợ chồng nghe lời thị phi, gia đình ly tán…”.

Cô vừa nói đến đó, vị giám đốc gật gù: “Cô nói đúng. Tôi đang suy nghĩ lại. Cô hãy trở về phân xưởng và làm tốt công việc của mình”.

Trong trường hợp này, có hai điều đáng quý: thứ nhất, người đứng đầu cơ quan đã biết nghe lời phải, không vội tin những lời xàm bậy, đồn đãi hại đến danh dự một người; thứ hai, dù bị chế giễu, nói xấu nhưng cô nhân viên vẫn bình tâm xử lý những đồn không tốt về mình. Điều này, tưởng đơn giản nhưng rồi trong xử thế, không phải ai cũng có thể làm được.

Đọc Chiến quốc sách, có lẽ ai cũng rùng mình cho câu chuyện của vua Sở. Ngày kia, vua Ngụy tặng cho vua Sở một giai nhân sắc nước hương trời. Nhà vua cưng chìu nhất trong đám cung tần mỹ nữ. Dù vậy,  bà Trịnh Dữu vẫn lẳng lặng cấp thêm cho nàng nhiều lụa là, châu báu. Vua Sở tin bà không ganh ghét, ghen tuông. Tuy nhiên, lần nọ bà bảo mỹ nữ kia: “Vua yêu vẻ đẹp, nhưng ghét cái mũi của em. Khi gặp vua, em hãy che cái mũi đi nhé”. Cô này tin thật và làm theo. Vua ngạc nhiên hỏi Trịnh Dữu: “Vì sao hễ gặp ta, cô ấy lại che mũi?”. Trịnh Dữu đáp: “Cơ hồ như nó không ưa cái hơi thối của đại vương”. Chỉ câu nói đó, nghe mà không suy xét nên vua Sở nổi giận: “Hỗn láo thật”. Rồi ra lệnh… cắt mũi của mỹ nữ!

Làm sao có thể dò xét hết tâm địa của con người, một khi họ muốn ám hại ai khác? Nghe ai đó rỉ tai rằng, anh A, cô B đã nói về mình thế này, thế nọ, lập tức có người nhảy dựng lênm như đỉa phải vôi, đỏ mặt tía tai quyết “ăn thua đủ”. Cái nguy hại nhất, chưa kiểm chứng thông tin chính xác đến mức độ nào mà đã bày tỏ chính kiến. Thái độ và  hành động đó khôn ngoan hay ngốc dại?

Trong khi đó, những kẻ tung tin, rỉ tai nhằm “hạ bệ”, bôi nhọ người khác có lúc nào tự nghĩ, lời lẽ ác ý của mình cũng có thể “giết chết” một con người theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thái độ và  hành động đó quân tử hay tiểu nhân?

Mỗi chúng ta đã đều có câu trả lời cho riêng mình.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 397 ngày 18.4.2015)

 

Chú thích: Tựa của tác giả Lời thị phi như gió thoảng ngoài tai

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com