THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Cần một cái nhìn khác về... “thế giới ảo”

LÊ MINH QUỐC: Cần một cái nhìn khác về... “thế giới ảo”

 

can-co-1-cai-nhin-khac-ve-the-gioi-ao

Trong thế giới hiện tại, khi bước ra ngoài đường, nếu chẳng may bỏ quên cái gì đó ở nhà, chẳng hạn tiền, giấy tờ tùy thân… người ta cũng có thể tặc lưỡi rồi tiếp tục đi. Nhưng nếu quên thứ này, lập tức họ phải quay về lấy cho bằng được, bằng không sẽ đi đứng không yên, lúc nào cũng thấp thỏm, âu lo. Cái gì vậy? Xin thưa, cái điện thoại di động.

Từ cái điện thoại ấy, người ta có thể mọi lúc, mọi nơi “kết nối” với nhiều nguồn thông tin. Một trong nhiều nhiều nguồn thông tin được quan tâm hàng đầu chính là Facebook. Trang mạng xã hội này có sức hấp dẫn bởi  nó cho phép người sử dụng không chỉ tiếp cận mà còn có quyền chia sẻ, bình luận với những gì đã đọc, đã nhìn thấy. Rõ ràng, khoa học kỹ thuật đã phục vụ mọi tiện ích cho con người đến “tận răng”.

Có phải nhờ vậy, con người ngày càng hiểu nhau, thông cảm nhau và chia sẻ cho nhau nhiều hơn?

Chưa vội bình luận nhưng chắc chắn có nhiều người thèm khát được cả năm châu bốn biển phải biết đến cá nhân mình, do đó, tất tần tật mọi “động tĩnh” trong ngày đều “bắn” lên đó. Đại loại khoe một đôi giày mới, một quyển sách hay, một tấm hình vừa chụp v.v… nghĩ cho cùng  là quyền tự do của mỗi người. Nhưng đừng quên rằng, những riêng tự vặt vãnh này có ai buồn phải quan tâm đến? Cuộc đời này còn quá nhiều việc cần thiết hơn, sát sườn hơn, thời gian đâu để ý đến những cớ sự linh tinh đó?

Ô hô! Bất chấp, con người ta vẫn cứ tiếp tục khoe hình ảnh riêng tư dài dài lên mạng xã hội. Rồi ngong ngóng chờ xem có ai like, có ai comment gì không? Nếu có, họ vui ra mặt; nếu không, tự dưng chuốc lấy “nỗi buồn không tên” mà hậm hực, buồn bực. Ban đầu chẳng ai có tâm lý kỳ cục ấy, nhưng rồi một khi đã “nghiện” Facebook, nếu không tỉnh táo thì tính cách ấy dần dần hình thành trong nếp nghĩ.

Do đó, không phải ngẫu nhiên, nhiều người cố tình “tuyên bố” một câu thật sốc trên notes, post tấm hình “không giống ai” đặng thiên hạ “ném đá” chơi. Có mắng nhiếc thậm tệ đi nữa, cũng được, miễn được nhiều người biết đến mình. Sự thư giãn này trái khoáy ở chỗ, tự dưng từ một ngày đến nhiều ngày, cảm xúc buồn vui của chính mình lại bị lệ thuộc vào người khác. Mà những “người khác” trong “thế giới ảo” ấy, có phải ai ai cũng thật tâm, thật lòng với mình?

Không những thế, sở thích của mình lại gây phiền toái cho người khác, khiến bè bạn, người thân vò đầu bức tóc “kêu trời không thấu”. Chuyện gì vậy? Nhiều người than phiền rằng, thời buổi này không gì còn có thể riêng tư nữa. Chẳng hạn, một cuộc trò chuyện bù khú, “huynh đệ chi binh” rất riêng tư nhưng than ôi, chỉ ngay một phút sau từ vợ ở nhà đến bè bạn cơ quan cũng đều biết tỏng tòng tong. Đều có thể nhảy vào bình phẩm. Đều chõ mũi khen chê. Tại sao lại cho kẻ khác có cái quyền đó? Ấy cũng do bạn bè chung bàn có thói hào hứng post hình vô tội vạ.

Ăn nhậu thì hay ho cái gì mà phải khoe? Kìa, gã kia cởi trần; kìa, lão nọ úp mặt xuống bàn ngáy khò khò. Nọ, ly chén ngổn ngang; này, ghế bàn xộc xệch. Hình ảnh đó chẳng ra làm sao. Mà “có làm sao” thì cũng “chẳng làm sao”, bởi cuộc chơi này hoàn toàn riêng tư và không làm phiền gì… đến trật tự thế giới, hòa bình nhân loại. Thế nhưng một khi đưa tấm hình dù riêng tư ra công khai, bao giờ thiên hạ cũng nhìn nó trong quan hệ xã hội nên làm sao tránh được những lời bình phẩm này nọ? Cũng đừng quên, người ngoài chỉ thấy hình, không thể biết nội dung câu chuyện, ngữ cảnh ra sao ắt có cái nhìn không chính xác.

Ngày trước có nhà phê bình nọ nếu muốn “nện” ai, chỉ việc cắt lấy một câu văn, xóa ngữ cảnh và đem ra bình luận. Thiên hạ chỉ căn cứ vào câu văn trơ trọi đó cho rằng đúng, nhưng không biết trước và sau câu đó còn có câu khác nữa. Sự cắt xén này cũng tựa như trong chuỗi sự kiện, chọn một vài tấm ảnh post lên, làm sao người xem không nhìn vấn đề lệch lạc?

Chắc chắn mạng xã hội sẽ còn phát triển dài dài bởi nó đáp ứng được tâm lý đơn giản, đại loại, khi ta làm bất kỳ một việc gì ngay lập tức “làng trên xóm dưới” biết đến. Biết để làm gì? Trả lời câu hỏi này không dễ dàng, bởi chẳng ai buồn lòng suy nghĩ đến, chỉ cần thỏa mãn nhu cầu của mình ngay lúc đó là được. Sự thỏa mãn ấy tất nhiên dẫn đến nhiều bất cập như vừa trao đổi.

Vậy xin nghĩ rằng, trong sự lựa chọn vui sống, thư giãn mỗi ngày nên chăng chúng ta cần phải có một cái nhìn khác về “thế giới ảo”.

Cái nhìn khác là gì? Tùy quan niệm sống của mỗi người, chẳng ai có quyền khuyên ai phải thế này, phải thế kia. Cho phép tôi kể câu chuyện nho nhỏ: Một cụ già hỏi các con cháu mình, làm sao có thể xác định cái giây phút đêm vừa chấm dứt và ngày mới bắt đầu? Có nhiều câu trả lời, chẳng hạn, lúc ấy nhìn con vật ở đàng xa khó phân biệt được là sóc hay mèo; hoặc nhìn cái cây kia khó biết là xoài hay mận v..v… Các câu trả lời này đều nhận lại cái lắc đầu, cuối cùng cụ nói: “Khi nhìn thẳng một người đàn ông, ta có thể nhận ra đó là người anh em của mình; nhìn thẳng một người phụ nữ, ta có thể nhận ra đó là chị em của mình. Nếu không làm được như vậy, dẫu mặt trời có rực rỡ đến đâu thì vẫn còn là đêm tối”.

Triết lý sống này, có đến được từ trong quan hệ của “thế giới ảo”? Vậy hà cớ gì ta phải lệ thuộc cảm xúc từ like, comment của người khác, rồi mỗi ngày chìm đắm trong đó mà cứ tưởng “thật”. Trong khi đó, người thân thiết có thật sờ sờ bên cạnh, bằng da bằng thịt rõ ràng ràng, chia ngọt xẻ bùi từng ngày thì mình lại không mảy may quan tâm đến. Đó có phải là một trạng thái tâm lý bình thường?

L.M.Q 

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 396 ngày 11.4.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com