THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tình ơi, tiền ơi!

LÊ MINH QUỐC: Tình ơi, tiền ơi!

 

tinh-oi-tien-oi

 


“Tiền là tiền là tiên là Phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe ông già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân…”. Câu đùa tếu táo này, ai cũng từng vài lần nghe qua và mỉm cười ý nhị. Không ai dám khẳng định sống trên đời mà không cần đến tiền. Đặt trong quan hệ gia đình có những trường hợp có thể châm chước nhưng một khi nhắc đến tiền thì phải “đâu ra đó”. Chẳng hạn, người chồng có thể đi ngược về xuôi, việc nhà không thèm ngó ngàng tới nhưng với vợ thì thu nhập hằng tháng dứt khoát phải nghiêm túc. Phải nộp đúng, nộp đủ không thiếu một xu.

Nói tóm lại, dù thề thốt ăn đời ở kiếp, dù hẹn hò đến cả kiếp sau vẫn tiếp tục “như chim liền cánh như cây liền cành” nhưng rồi lắm khi nói đến tiền thì… Thì sao? Thì cả hai cảm thấy có lúc lấn cấn, hậm hực khó thốt nên lời.

Anh bạn tôi lắm lúc “mất mặt” với bạn bè, ai cũng lén nói nhỏ sau lưng: “Lão ta keo kiệt tệ”. Anh thừa biết nên phân trấn với tôi, đại khái, “đường đường một đấng trưởng phòng” nhưng chẳng bao giờ anh chủ động mời mọc ai; hoặc kết thúc cuộc vui là tự giác mở ví góp tiền “hợp tác xã”. Chơi thế, chơi với ai? Anh nhăn nhó: “Ai thấu được nỗi khổ của tớ? Vợ chồng làm chung cơ quan nên tất tần tật các khoảng thu nào, bà xã tớ đều ký nhận giùm. Do đó, nhiều năm làm việc cùng công sở nhưng hiếm khi tớ có dịp xã giao đôi câu với các cô tài vụ, kế toán, thủ kho! Khi cơ quan chuyển tiền lương qua thẻ ATM, vợ tớ liền thủ thỉ ngọt ngào: “Anh đãng trí lắm, thường quên password nên em giữ thẻ giúp cho anh nhá! Lúc nào anh cần tiền, em xung phong đi rút hộ! Anh thấy em dễ thương chưa?”.

Vâng, dễ thương đến độ mỗi lần nhắc đến chuyện tiền là anh méo xẹo mặt mày.

Rõ ràng, một khi “nửa này” chủ động quản lý tiền nong một cách tích cực, “nửa kia” lắm lúc rơi vào cảnh ngộ bất cập. Tôi biết có những người, mỗi ngày phải “nhún mình” nhận tiền từ tay vợ, dù đó là tiền do chính công sức mình làm ra. Ai đó đã ví von một cách hài hước, giao tiền cho vợ giữ, đã không sinh lãi mà còn thuộc vào khoản “nợ khó đòi”.

Với vai trò xông xáo ngoài xã hội, người chồng luôn có nhiều mối quan hệ xã giao, có lúc phải chi những khoảng mà người vợ khó có thể biết; nếu biết cũng khó có thể thông cảm. Chị Thư “tư vấn” với bà xã tôi, đại khái, người vợ phải quán xuyến thu nhập của chồng vì đàn ông không biết được giá trị đồng tiền (?!). Bằng chứng, ngày kia chồng chị gặp nhóm bạn học cũ, tất nhiên sau “tay bắt mặt mừng” không thể thiếu cái khoản lai rai chút đỉnh. Tình cờ lúc bỏ quần áo vào máy giặt, chị phát hiện ra biên lai tính tiền ngày hôm đó. Đọc kỹ các món ăn và săm soi số tiền phải chi trả, chị choáng luôn. Chà, một nhậu lên đến vài triệu đồng bằng tiền đi chợ của cả nhà trong một tuần! Tính toán một lúc, chị Thư cảm thấy xót tiền quá! Chị cằn nhằn, nhưng chồng chị lại cười rổn rảng: “Làm ra tiền, phải biết tiêu tiền chứ em?”

Đúng thế, nhưng do giữa vợ và chồng không đồng thuận về cách tiêu tiền nên lắm lúc cãi cọ nhau. Với người này, phải mua vật dụng này nhưng người kia lại cản bởi cảm thấy chưa thật cần thiết. Nếu thu nhập có đồng ra đồng vào, chẳng ai so đo, tính toán làm gì nhưng gia cảnh vẫn còn thiếu trước hụt sau mà xài tiền “quá hớp”, ai chịu nổi?

Thú thật, tôi rất khoái săn hình nghệ thuật vì thế, lúc có tiền, tôi lại “nâng cấp” từ máy đến chân máy, ống kính tân tiến nhất. Dụng cụ chụp hình của tôi “đủ đồ chơi” không kém gì một cửa hàng bày bán máy ảnh. Oách chưa? Cái sự tự hào ngấm ngầm ấy của tôi tắt ngúm, vì bỗng một ngày vợ tôi sử dụng mọi chiến thuật, chiến lược làm chủ tình hình bằng cách nắm giữ luôn “tay hòm chìa khóa”.

Tôi biết có gia đình sòng phẳng trong việc thu nhập cá nhân, chàng chi trả các khoản này, vợ lo các khoản kia. Anh Hậu bạn tôi hào hứng cho biết: “Tớ chỉ chi tiền mỗi khi có “chuyện lớn”, còn “chuyện nhỏ”, ưu tiên dành cho vợ. Đàn ông phải thế chứ!”. Không ít đấng mày râu cùng suy nghĩ này, với họ tiền sửa chữa nhà, mua sắm vật dụng gia đình mới “chuyện lớn”; còn tiền điện, nước, gas, đóng học phí cho con, đi chợ hằng ngày chỉ “nhỏ như con thỏ”. Nhưng than ôi, “chuyện nhỏ” ấy cũng quan trọng và tiêu tốn đâu kém gì “chuyện lớn”?

Tuy nhiên, nếu rạch ròi quá trong chuyện sử dụng tiền, lắm lúc rơi vào tình cảnh dở khóc, dỡ cười. Có trường hợp đôi vợ chồng nhà nọ đưa vợ con về quê thăm ông bà nội, đường dài cả hàng chục cây số chứ ít ỏi gì. Dù vợ nằn nì thuê taxi cho an toàn nhưng chồng gạt phắt: “Đi xe máy cũng được em à, lại tiết kiệm cả triệu bạc”. Cô vợ nín khe, bực mình lắm nhưng lâu nay chồng là “chủ tài khoản” nên đành chịu. Nào ngờ, trên đường về quê, đang bon bon trên xa lộ thì xe cán phải đinh! Chồng hì hục đẩy xe đi tìm chỗ vá đến toát mồ hôi hột. Trong khi đó, thong thả đi theo đằng sau, cô vợ… cười một cách mãn nguyện

Nếu chỉ cần hít thở không khí để sống, có lẽ đời sống lứa đôi sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Khổ nỗi, để nuôi dưỡng tình yêu cần phụ trợ thêm nhiều thứ khác, trong đó, đồng tiền đóng một vai trò quan trọng ghê gớm. Do đó, xử lý nó như thế nào vẫn là điều cốt lõi. Mà cách xử lý đó, phía “đối tác” chấp hành tự giác và cảm thấy hài lòng, nếu bị ép buộc, không chóng thì chầy tổ ấm có nguy cơ trở nên… “lạnh như tiền”!

L.M.Q
(nguồn: TGPN 18.5.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com