THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Sức khỏe "mất" rồi mới... thấy tiếc

LÊ MINH QUỐC: Sức khỏe "mất" rồi mới... thấy tiếc

suc-khoe-mat-di-roi-moi-thytiec

 

Mỗi sáng mở mắt dậy, nhìn thấy trời xanh mây trắng, nghe tiếng chim ríu rít, có mấy ai nghĩ đó là hồng ân của cuộc sống mà ta đang tận hưởng? Công việc đang thúc giục từng giây, từng giờ, vậy làm sao có thể thả hồn theo những thứ “vu vơ” đó? Vâng, công việc bận rộn mỗi ngày lại cuốn hút, chẳng có một khoảng thời gian nghỉ ngơi, chứ đừng nói dành một ít thời gian vươn vai hít thở khí trời, ngắm nhìn thiên nhiên trong lành mỗi sáng.

Lúc ấy, con người ta lại vội vã lao ra đường, va chạm với khói xe mù mịt mà đôi khi chẳng có một lý do gì chính đáng; hoặc lại tất bật với công việc đang bề bộn trên bàn giấy. Trong một ngày, chúng ta quan tâm đến nhiều thứ nhưng oái ăm thay, không phải lúc nào cũng nhớ đến sức khỏe. “Ối dào, cần quái gì, tớ vẫn còn khỏe chán”. Đó là câu nói quen thuộc của nhiều người. Khi đang khỏe, ai cũng nghĩ không phải mình đang khỏe mà… rất khỏe.

Có thật vậy không?

Quan hệ xã hội, có thể người ta thừa nhận mình không giàu, không trẻ, không đẹp trai bằng người khác nhưng về sức khỏe thì… đừng hòng. Do đó, có những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, “xả láng sáng về sớm” bởi nghĩ rằng mình còn trẻ, còn khỏe, còn thừa sức chống chọi lại sức tàn phá của bia rượu qua những đêm thức trắng. Bằng chứng, “ai kêu tôi đó có tôi đây”, “thích là chiều” nên cứ nốc ồng ộc “bằng anh bằng em” chứ không thèm né tránh. Mà bia rượu là “cái đinh” gì? Chỉ cần ngủ một giấc là hôm sau lại khỏe re, việc gì phải bận tâm?

Vì vậy, mới có câu chuyện hài hước: Ngày nọ trung tâm kỷ lục trao giấy chứng nhận tuyên dương những ông cụ sống lâu, sống thọ, sống khỏe nhất trong làng. Có một ông cụ cho biết kinh nghiệm là thích gì ăn nấy, không thèm kiêng cử, cứ nốc rượu bia vô tội vạ, cứ miệt mài tình ái với bồ bịch, mèo mỡ bất kể ngày đêm… Nghe thế, thiên hạ ngạc nhiên quá bèn nhao nhao hỏi: “Thưa cụ thế năm nay cụ đã bao nhiêu xuân xanh rồi ạ”. Câu trả lời dõng dạc và dứt khoát: “Năm nay tôi tròn 25 tuổi!”

Một trong những điều tai hại nhất mà nhiều người ảo tưởng nhất, phung phí nhiều nhất vẫn chính là sức khỏe. Họ chủ quan nghĩ rằng, cơm ăn ngày ba bữa, ăm uống như voi thì còn lâu mới nằm liệt giường liệt chiếu. Do đó, đã vui đã chơi thì “bất cần thân thể”. Đã lao vào công việc thì bất chấp thời gian, không thèm nghỉ ngơi. Đã marathon trên đường đời thì cứ chạy hết tốc lực “qua mặt” thiên hạ mới oách! Cái sự ham hố này đúng hay sai là tùy theo quan niệm sống của mỗi người. Chỉ tiếc, trong lúc đó, mấy ai bình tâm, tự hỏi cơ thể của mình dạo này sức khỏe thế nào?

Không riêng gì tôi, chỉ cần một cú hắt hơi, sổ mũi là đã thấy thân thể “có vấn đề”. Chỉ một vết xước nhỏ trên ngón tay là đã thấy khó chịu lắm rồi. Chỉ một cơn đau nửa đầu ùa tới là mọi thứ đã lộn nhào, rối tung lên cả. Rồi trăm người như một, lúc ngã bệnh vì bất kỳ lý do gì, nếu hỏi: “Bây giờ anh cần gì nhất?”. Dù uể oải, mệt mỏi khốt thành lời nhưng ai ai cũng thành thật cho biết, báu vật mà họ cần nhất vẫn chính là sức khỏe. Ơ hay, chứ không phải tiền tài, danh vọng, địa vị mà trước đó họ đã có, đã từng tranh giành cho bằng được? Rõ ràng, sức khỏe mới là thứ quý nhất mà khi mất đi người ta mới thấy tiếc.

Không phải ngâu nhiên, danh ngôn Nga có câu: “Người có sức khỏe có một trăm ước muốn. Người không có sức khỏe chỉ có một ước muốn duy nhất, đó là sức khỏe”. Thế nhưng khi đang khỏe, nghịch lý thay, ít ai quan tâm phải quan tâm, lắng nghe đến sự thay đổi bên trong cơ thể chính mình. Phải nói thật rằng, trong cuộc sống cúng ta chỉ thay đổi quan niệm sống khi có được một nhận thức mới. Nhận thức ấy là gì? Tôi đã từng gặp nhiều người dù không giàu có hơn ai nhưng lúc nào cũng thanh thản, vô ưu trong nếp sinh hoạt hằng ngày.

Anh bạn chí thân của tôi cho biết, một trong những điều khiến anh thay đổi nhận thức là từ câu chuyện này: Có một điều không may mắn xẩy ra là ngôi nhà của anh bị hỏa hoạn. Toàn bộ của cải vật chất vun vén bao nhiêu năm, thậm chí dành dụm cả đời người, chỉ trong nháy mắt đã trở thành tro bụi. Anh đau khổ, buồn rầu đến phát bệnh và nhiều thầy thuốc đành bó tay, khó có thể chữa trị dứt.

Ngày kia, lúc anh đang nằm vùi trong sầu khổ, tình cờ có một nhà sư đến, lay anh và bảo: “Bần đạo xin chúc mừng ông”. Câu chói tai ấy khác nào sự mỉa mai, châm chọc, anh nổi giận đùng đùng: “Điên à? Chúc mừng cái gì trong khi tài sản của tôi đa bị thiêu rụi?”. Nhà sư vẫn từ tốn: “Ồ, không phải đâu. Tôi chúc mừng vì anh vẫn còn một thứ của cải quý báu nhất mà lửa không thiêu cháy nổi”. Anh ngạc nhiên hỏi: “Cái gì?”. Nhà sư mỉm cười: “Chính là thân xác của anh vẫn còn tồn tại”. Câu nói ấy như ánh sáng đã khiến anh bừng tỉnh.

Tục ngữ Việt Nam có câu cực hay: “Sức khỏe quý hơn vàng”. Câu nói này, đúng mọi thời đại, với mọi con người cho dù họ là sắc tộc nào đi  nữa.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 395 ngày 28.3.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com