THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Quan tâm đến nhau - “thần dược” của sức khỏe

LÊ MINH QUỐC: Quan tâm đến nhau - “thần dược” của sức khỏe

quan-tam-den-nhau

Có những câu chuyện bình thường, không giật gân, không gây sốc,  không ồn ào như scandal của thế giới showbiz nhưng lại được giới trẻ sự quan tâm, bàn cãi sôi nổi. Gần đây nhất, tôi chú ý đến mẩu chuyện mà các bạn đã bàn luận, có nhiều ý kiến trao đổi cực kỳ lý thú.

Chuyện như sau: Ngày nọ, trong một đợt đi thực tập trở về, một giáo sư dẫn các môn sinh về nhà mình liên hoan. Họ ăn uống hả hê, no nê bởi các món ngon. Sau khi kết thúc, các cô cậu sinh viên tự giác đem chén đũa bỏ vào bồn nước và chuẩn bị rửa. Thế nhưng vị giáo sư ngăn lại: “Đừng vội, có người rửa đây này!”. Ơ hay, chẳng lẽ vị thầy khả kính lại đi rửa bát à?

Không, ông bước đến bên người mẹ già và nhẹ nhàng bảo: “Mẹ, rửa chén đi nhé…”.

Ai nấy đều cảm thấy quá đỗi bất ngờ, tại sao giáo sư lại có thể đối đãi với người mẹ đã cao tuổi như vậy? Nào ngờ, khuôn mặt bà cụ rạng rỡ lên. Bà vội vàng đi đến bên cạnh bồn rửa chén, chậm rãi rửa chén, mất khoảng nửa giờ mới rửa xong. Lúc ấy, vị giáo sư vui vẻ nói với bà cụ: “Mẹ vất vả rồi, nghỉ ngơi một chút nhé!”. Ông cầm khăn mặt, lau tay cho mẹ rồi đưa mẹ về phòng nghỉ.

Sau đó, ông lại quay vào bếp, đem chén bát ra rửa một lần nữa. Biết các sinh viên ngạc nhiên không hiểu vì sao lại làm thế, ông ôn tồn giải thích: “Làm mẹ thì lúc nào cũng muốn làm chút gì đó cho con mình. Dù già rồi, nhưng trong mắt mẹ, con mãi mãi cần sự nâng đỡ của mẹ. Để bà rửa chén, bà sẽ cảm thấy con vẫn cần mẹ, một ngày trôi qua sẽ thấy rất phong phú và ý nghĩa. Hiếu kính cha mẹ, ngoại trừ việc giúp đỡ cha mẹ ra, còn phải cho cha mẹ một cơ hội để yêu thương chúng ta”.

Câu nói này đã khiến nhiều người suy ngẫm, bởi lẽ, một khi quan tâm đến người khác, thể hiện ở góc độ nào cũng chan chứa tình cảm yêu thương. Bình thường trong một ngày, chắc rằng ai ai cũng suy nghĩ như vậy, nhưng rồi lại quên béng đi. Lúc sực nhớ, than ôi, thời điểm ấy đã trôi qua. Thôi thì, đợi ngày mai vậy. Rồi công việc của ngày hôm sau cuốn hút khiến người ta lại quên đi. Đôi khi bi kịch của đời người chính là ở những việc nho nhỏ ấy, chứ không phải những gì thật to tát đâu.

Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại hình ảnh của người vợ tảo tần, anh bạn tôi vẫn còn rưng rưng nước mắt và tự dằn vặt lấy mình. Chung sống với nhau, người vợ chăm sóc, lo toan cho anh từng ly từng tí, anh muốn bày tỏ lòng cảm ơn bằng món quà nhân sinh nhật vợ. Thế rồi, ngày đó do mải mê bù khú cùng bạn bè nên anh quên đi. Mãi đến khuya, anh khật khừ quay về nhà trong trạng thái say mềm. Nửa khuya tỉnh rượu anh mới sực nhớ đã làm một điều không phải trong ngày vui của vợ, quà không mà hoa thắm, lẫn lời chúc mừng cũng không. Anh tặc lưỡi, biết làm thế nào trong đêm hôm khuya khoắt? “Thôi thì, đợi sáng mai vậy”. Sáng mai, anh thức dậy, vợ đi làm sớm và bị tai nạn giao thông. Từ đó, anh không thể còn có cơ hội để bày tỏ sự quan tâm đến người yêu thương nhất.

Một khi đem đến niềm vui cho người khác, chính mình cũng nhận được niềm vui đó. Điều này đơn giản quá phải không? Đúng vậy. Vì khi ta mắng nhiếc, cáu gắt, bực bội với một ai thì trước hết những lời hằn học ấy miệng ta phải nói, tai ta phải nghe. Tưởng hả giận nhưng thật ra đó là lúc tâm trạng u uất hơn bội phần. Biết được điều này ắt chúng ta phải tìm đến  niềm vui. Thử hỏi, tìm niềm vui dễ hay khó? Tôi nghĩ không khó lắm đâu nếu rộng lòng quan tâm đến người quanh mình. Một lời khen chân thành, thốt ra từ đáy lòng cũng khiến người nghe hả dạ, sung sướng. Nhìn nét mặt hân hoan của họ, ngay lập tức, ta cũng thấy như thể niềm vui ấy là của chính mình.

Không ai có thể vỗ ngực tự mãn có thể sống mà không cần đến ai khác. Nếu có, chỉ là kẻ điên rồ, hợm hĩnh. Vừa đi làm về, cả một ngày mệt nhọc trong phân xưởng sản xuất, tay chân mỏi rả rời nhưng người mẹ cảm thấy khỏe khoắn hẳn lên khi nghe tiếng trẻ bi bô: “Mẹ ơi! Uống ly nước mát nghen”. Chỉ là nước lọc, nào phải thần dược, thuốc tiên gì nhưng bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết.

Có những điều mà y học khó giải thích, vì sao cũng căn bệnh đó, cũng phác đồ trị bệnh như nhau mà với người này mau lành bệnh nhưng với người kia lại phải kéo thêm dài ngày? Một thầy thuốc giải thích rằng, với người bệnh thì thái độ quan tâm của người thân cũng là một động lực cần thiết cho sự phục hồi sức khỏe. Ít ra, trong lúc ấy, họ còn thấy có sự yêu thương, lo lắng nên tự mình vượt qua nỗi đau để không phụ lòng mong đợi của người thân. Lúc va vấp, lúc tuyệt vọng nếu có sự quan tâm của gia đình, anh em, bầu bạn thì mỗi lời an ủi, động viên có sức mạnh khiến người đó đủ sức nhảy qua vực thẳm; bằng không sẽ là sự buông xuôi trong chán chường, bế tắt.

Quan tâm nhau như một lẽ tự nhiên để thấy rằng, đời sống dù chưa như ý muốn nhưng niềm vui vẫn là điều có thật. Ai ai cũng có thể hái được trái ngọt trên đời, chẳng phải xa xôi gì mà ngay trong tầm tay mình. Có những bà cụ, thời trẻ hoạt động tích cực trong Hội chữ Thập đỏ với tinh thần nhân ái. Khi về già, sức khỏe không cho phép xông xáo như trước, các cụ vẫn chuẩn chị chu đáo các dụng cụ cứu thương, thuốc men hễ ai trong làng cần đến thì giúp ngay. Dù rằng y học ngày càng tiến bộ, các phương pháp chữa trị đã khác nhưng vì thương các cụ, thỉnh thoảng vẫn có người vẫn đến hỏi han, nhờ cậy. Nhờ vậy, các cụ cảm thấy vui sống hơn vì vẫn còn có ích cho cộng đồng.

Sự quan tâm dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất, há chẳng phải cũng là liều thuốc kỳ diệu đó sao?

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 399 ngày 9.5.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com