THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Thương con lạ lùng

LÊ MINH QUỐC: Thương con lạ lùng

 

thuong-con-la-lung

 


Có một điều rất tự nhiên, dù không nói ra nhung ai ai cũng thừa nhận rằng, cha mẹ nào cũng thương con. Họ luôn mong muốn con mình được hưởng thụ những gì tốt nhất trong khả năng có thể; thậm chí, nếu cần hơn nữa, họ cũng sẳn sàng, tìm mọi cách đáp ứng cho bằng được. Thương con là một lẽ tất nhiên, vì thế tưởng dễ, rất dễ nhưng thật ra lắm lúc cũng rắc rối.

Tôi biết nhiều gia đình, hễ những dịp bạn bè của chồng / vợ kéo đến nhà ăn uống, bia bọt lai rai nhân dịp gì đó, sau khi tiễn khách ra về là gia chủ cãi nhau chí chóe. Nỗi hậm hực đè nén suốt cả buổi, giờ mới “bung” ra,  người chồng cằn nhằn: “Anh đã nói với em nhiều lần rồi, trước mặt khách, em đừng có khen, đừng nói vống về “cậu ấm” nhà mình nữa. Nếu sau này biết rõ, họ sẽ nghĩ thế nào?”. Người vợ ngạc nhiên: “Ơi hay, khen con mà anh cũng khó chịu nữa à? Sao anh ích kỷ, độc đoán thế?”.

Sở dĩ, người chồng cáu gắt vì cậu con trai lớn năm nay đã ngoài 20, nhưng chẳng nghề ngỗng gì. Mới vừa làm công ty này chừng vài tháng, nhưng lười biếng nên cậu tự động nghỉ, đàn đúm bạn bè lêu lỏng. Rồi xin cho làm công ty khác nhưng do vô kỷ luật nên bị đuổi, lại suốt ngày ăn bám bố mẹ. Vợ chồng khổ tâm lắm, răn dạy mãi vẫn chưa đâu vào đâu. Thế nhưng khi bạn bè đến chơi nhà, gọi con xuống “chào người lớn” cho phải phép, bao giờ người vợ cũng hào hứng giới thiệu con trai mình rất ngoan,  lúc nhỏ cháu học giỏi nhất trường, nay đang là kỹ sư tin học của một công ty uy tín, lương tháng bạc triệu. Nghe thế, nhiều người khen rồi hỏi xã giao vu vơ về tính năng của phần mềm nọ chống virus mới lưu hành, sự cố kia trên máy tính đặng nhờ tư vấn. Cậu “kỹ sư” ngẩn tò te trước tình huống bất ngờ, không lường trước nên lúng ba lúng búng. Thế là ông bố phải nói cười giả lả, lái qua chuyện khác để con mình lấy cớ dọt lẹ.

Có nhiều người thương con một cách lạ lùng, mù quáng. Họ nghĩ rẳng, nếu thừa nhận con mình hư hỏng, yếu kém khác nào gián tiếp thừa nhận không biết dạy con. Ngày kia, một đồng nghiệp đến tận nhà chị Phùng - bạn tôi - đòi nợ! Chị hoảng hồn, ngơ ngác không hiểu cớ sự ra làm sao. Sau khi nghe giải thích, đưa ra các chứng cứ rõ ràng, chị mới biết lâu nay cậu con trai quý hóa lén lút vay tiền mà chị không hề hay biết. Phải xử lý thế nào đây? Có phải chị bấm bụng trả tiền cho bạn rồi thú thật: “Con tôi hư lắm. Nếu chị thương tôi, thương cháu thì đừng bao giờ cho mượn nữa” hay sẽ nói trớ đi?

Lời nói thật ấy, chẳng có gì xấu hổ cả. Cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh. Đến nước này, lại chỗ bạn bè thân tình sao không nói thật để cùng ngăn ngừa phiền toái do con cháu gây ra? Vậy mà vẫn có những ông bố/ bà mẹ cứ nói như hát hay: “Chà, thằng con nhà mình nói có chí tiến thủ lắm nha. Tiền vay của chị là cháu đầu tư mua sắm dụng cụ nghiên cứu sản phẩm mới. Nay mai cháu mở xưởng sản xuất chắc chắn thành công to”. Nói nghe rất “oách xà lách”, dù họ thừa biết con trai mình vay tiền chỉ “nướng” vào sòng bạc, đề đóm... Cách xử lý ấy có là khôn ngoan? Chỉ biết rằng, sau đó dẫu có răn đe, mắng con như tát nước nhưng rồi họ lại tiếp tục bấm bụng trả nợ!

Việc nuôi con, giáo dục con là trách nhiệm hai vợ chồng. Vậy mà có những lúc vì chồng/ vợ lại giấu tiệt nhau lỗi lầm của con. Chính vì thế khi mọi việc vỡ lỡ ra lại thành lớn chuyện, khó còn có cơ hội sửa sai. Con trai của chị bạn tôi, do thua cá độ banh bọt qua mạng một số tiền quá lớn, chẳng rõ nó tỉ tê, khóc lóc thế nào mà chị mềm lòng, rồi giấu chồng cầm “sổ đỏ” ra ngân hàng vay tiền trả nợ. Đến khi người chồng biết được cách giải quyết thậm thụt ấy, cả nhà đã có nguy cơ chuyển hộ khẩu thường trú ra đê. Nếu trước sai lầm của con, người vợ thẳng thắn trao đổi, bàn bạc với chồng thì có thể sẽ tìm được cách giải quyết khác. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là cách xử lý theo kiểu “cá chuối dắm đuối vì con” chỉ khiến quý tử hư đốn ỷ lại, cứ nghĩ bố mẹ giàu, cần tiền là có tiền nên tiếp tục lao theo vết xe đổ.

Những lúc trò chuyện thân tình, nhiều ông bố bà mẹ cho biết, điều kỳ vọng nhất đối với con là sau này chúng tiếp tục tiếp nối công việc của họ. Ước mơ ấy chính đáng, chẳng có gì sai. Có điều cần suy nghĩ, sự nghiệp cả đời lao tâm, lao lực gầy dựng có được con cái chia sẻ, tán thành không? Từ người bán sách dạo ở bến xe, nhà ga, bến tàu, anh bạn tôi trở thành một ông chủ làm sách tư nhân thuộc loại “máu mặt”, tạo dựng được thương hiệu không “đụng hàng”. Anh đầu tư máy in, mua bản thảo, lập hệ thống phát hành nên hoàn toàn sống khỏe với nghề.

Khi các con anh lớn lên, anh dần dần từng bước “chuyển giao công nghệ”, mong muốn chúng tiếp tục phát huy thương hiệu như một cách làm vẻ vang gia đình và tiếp tục đóng góp cho xã hội. Than ôi, con anh lại có sở thích khác. Chúng lại muốn bố mẹ cho tiền đầu tư vào lãnh vực địa ốc, thị trường chứng khoán... Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Trong khi anh cương quyết từ chối, vợ anh lại khác. Chỉ vì không đồng tình trong việc hướng nghiệp cho con nên vợ chồng anh hục hặc mãi dù cùng thương con, làm mọi việc chỉ vì con. Tưởng rằng, nếu nhất quyết ép, bắt buột con cái đi theo con đường do mình chọn thì chúng sẽ mau thành đạt hơn? Chưa chắc. Con cái có sở thích, đời sống riêng của nó, cha mẹ dẫu có thương đến cỡ nào cũng không thể can thiệp thô bạo theo suy nghĩ chủ quan.

Vẫn biết rằng, đứa con chính là sợi dây bền chặt nhất gắn kết tình cảm vợ chồng. Gắn kết ấy về lâu dài như thế nào là cả một nghệ thuật, dù gì đi nữa cũng phải là sự hiệp lực, đồng tình giữa con và bố mẹ; giữa vợ và chồng.

 

L.M.Q

(nguồn: TGPN 15.12.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com