Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Đây là câu thơ của Kahlil Gibran - trích trong tập thơ Nhà tiên tri (The Prophet) xuất bản năm 1923, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch. Ai lại không ý thức, tin tưởng để vui sống mỗi ngày? Nhưng rồi trong bộn bề công việc, có lúc không thể tranh khỏi va chạm, tranh cãi chí chóe đã khiến lòng chùng lại. Trời đang xanh bỗng chuyển gió mây mù. Kỳ cục cho tâm lý mỗi chúng ta, có nhiều mối quan hệ đã là ruột thịt, bạn bè thân tri kỷ, nhưng rồi, lúc không hài lòng lập tức trong lòng dậy sóng u ám. Bao nhiêu tính tốt của họ, ta quên béng hết, chỉ nhớ những gì xấu xa, đáng ghét nhất. Phần “chơi được” ở họ tan biến đi, chỉ còn lại hình ảnh “không ra gì”, chỉ thấy sự xấu xa, đáng ghét.
Mà một khi oán ghét ai đó, chính là lúc tự làm khổ mình vì phải canh cánh gánh lấy sự bực bội, nhìn đâu cũng thấy ngao ngán, mỏi mệt. Nghĩ về điều tốt, hướng thiện thì trong lòng nhẹ nhàng, có thể vui vẻ huýt sáo thong dong, ngước nhìn trời xanh mây trắng. Thi hào Nguyễn Du đã nói được một điều hiển nhiên, ai cũng thừa nhận là đúng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hết thẩy các sự việc dù bi quan, lạc quan nghĩ cho cùng cũng tự lòng mình mà ra. Vậy làm thế nào để giữ được sự nhẹ nhàng tâm hồn, luôn có cái nhìn thân thiện với anh em, bầu bạn?
Thời hoa niên, ngày ấy, nhà tôi sống gần chùa. Có một điều khó lý giải là vì sao các tiểu trạc tuổi bọn tôi, sao lại điềm tĩnh, chững chạc và “người lớn” chứ không hề “tâm viên ý mã”? Tại sao thế? Nghe tôi hỏi, bà ngoại tôi bảo, do các tiểu sống trong không gian thanh tịnh và ăn chay nên tính tình đằm lại. Có đúng vậy không? Mãi đến lúc đã “ngũ thập” tôi mới nhận ra bà tôi nói đúng. Ích lợi của việc ăn chay, không gian sống tác động đến sức khỏe, tâm tính như thế nào, các bác sĩ đã giải thích, tôi xin phép không lạm bàn. Tuy nhiên, chỉ như thế có lẽ vẫn chưa đủ. Thêm một điều quan trọng vẫn là sự “định hướng” của chính mình.
Đọc tập sách Cõng nhau trong một cõi người (NXB Trẻ) của Hoàng Công Danh, tôi chú ý đến chi tiết: Chú tiểu Sanh (còn gọi là “điệu) chỉ mới chừng lên mười, do nặng nghiệp tam bảo nên được cha mẹ gửi vào chùa sống với sư thầy. Ngày nọ, dọc con đường lên chùa, bỗng dưng mọc lên la liệt… quán nhậu! Từ đó, điệu Sanh và đạo hữu: “đi quá một đoạn rồi nhưng vì mùi hành mỡ khiến điệu chững lại, đi chậm hơn. Cho đến khi nghe tiếng chuông chùa điệu mới rảo bước đi cho dứt được”. Thậm chí có lúc: “Đến ngang quán nhậu, mùi thịt hầm đã xốc ngay vào mũi. Nước bọt cứ ứa chèn ấy ra cổ họng khiến điệu không thể niệm chú được nữa. Bước chân cũng nhấc chậm lại, nặng nề hơn”. Một ngày kia, điệu Sanh buồn buồn mếu miệng thưa với thầy: “Thầy ơi, con không đi đường đó nữa”.
Có phải đó là giải pháp hữu hiệu nhất? Nếu khu phố mình đang sống không hề “văn hóa” chút nào, này nhà nọ có thói xấu đổ bừa rác ra ngoài đường, thú nuôi phóng uế bừa bãi, nọ nhà kia thường chửi vợ mắng chồng v.v…, mình phải dọn đi nơi khác chăng? Do không cãi cọ với đồng nghiệp, không được sếp cất nhắc, mình tìm cách “giải thoát” bằng cách nghỉ để qua một công sở khác chăng? Trước khi tìm câu trả lời, ta hãy trở lại với câu hỏi của điệu Sanh, sư thầy đã trả lời thế nào? Thế này: “Có một con đường ấy thôi con, chẳng thể còn lối nào khác. Đi cho khéo là được”. Ta hiểu rằng, “Đường đạo đường đời chung nhau, dẫu có chỉ dẫn hay không thì điều quan trọng là do người đi mà thôi”. Đúng quá, cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề cuối cùng vẫn do nhận thức của chính mình.
Trên đời, không có một ai hoàn toàn xấu và ngược lại. “Nhân vô thập toàn” kia mà. Ngay cả tử tù vẫn còn có điểm sáng cuối cùng, ít ra đó là giây phút ăn năn, hối hận vì tội ác đã gây ra. Nhìn thấy “điểm sáng” của người khác tưởng dễ nhưng thật ra lại khó, nếu cái tâm không khoáng đạt, khoan dung, hỉ xả. Đứng trước công chúng, vị giáo sư nọ cầm tờ giấy trắng và quẹt lên một dấu chấm đen. Ông ta đưa lên và hỏi người đứng gần nhất: “Anh thấy gì?”. Người này trả lời: “Một dấu chấm đen”. Ông lại tiếp tục hỏi những người khác và cũng đều nghe câu trả lời tương tự. Cuối cùng, ông nói: “Vâng, có một dấu chấm đen nhưng không ai nhìn thấy tờ giấy trắng”. Bài học này nhẹ nhàng có thể gợi lên nhiều suy nghĩ.
Có những lúc xuôi ngược đường đời, ta gặp những việc đem lại những điều không như ý, tại sao ta không nhìn thấy sự tốt đẹp ở đó? Truyện Kiều có câu: “Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra”. Tôi xin thưa rằng, có lẽ các bạn cũng đồng tình: Nếu biết “dọn lòng”, gạt bỏ đi những tị hiềm, ganh ghét, cay cú hơn thua và vị tha hơn với mọi người, may ra chúng ta mới có được sự mong chờ hân hoan, náo nức đón nhận:
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 387 ngày 20.12.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|