THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Đẩy nhau vào chân tường

LÊ MINH QUỐC: Đẩy nhau vào chân tường

 

daynhauvaochantuong

 


Anh bạn tôi là một tay thám tử tài ba, nếu so sánh với Sherlock Holmes thì khập khiễng, tuy nhiên anh đã có nhiều vụ “phá án” nổi đình nổi đám. Có lần tôi hỏi, sau những vụ theo dõi, điều tra về chuyện tình yêu hôn nhân, điều gì khiến anh cảm thấy phân vân, áy náy nhất? Không một chút chần chừ, anh nói ngay: “Đó là lúc thân chủ bắt tận tay, day tận trán” khiến vợ/chồng bị bắt tại trận. Với các chứng cứ rành rành, “nửa kia” không thể chối cãi phải tâm phục khẩu phục, một lòng một dạ quay về với gia đình? Từ rày, sẽ hết dám léng phéng? Ban đầu, tôi cũng tưởng vậy nhưng thực tế cho thấy biện pháp ấy cực kỳ thất sách”.

Sau khi có hai mặt con, anh Tường bạn tôi đâm ra chán vợ. Nói nhỏ thôi, anh gọi vợ là “hàng secondhand” nên dành thời gian, tiền bạc để tí ta tí tởn với cô nàng “chân dài váy ngắn” múp rụp; rồi hẹn hò với các cô nàng chỉ mới nhìn bề ngoài đã thấy no nê con mắt. Sau khi đã lựa chọn chán chê, anh sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” với một cô “bồ ruột”. Dù vậy, mọi chuyện trong nhà, anh vẫn lo toan chu đáo và giữ kín mọi bí mật.

Không riêng, gì anh Tường mà nhiều người dù “tay hai tay ba” nhưng vẫn giữ lấy mái ấm, chứ không hề muốn có sự xao trộn, thay đổi. Chẳng rõ, nghe đồn đãi xa gần từ ai, vợ Tường quyết tâm làm “ra nếp ra tẻ”, “ra ngô ra khoai” cho bẽ mặt.

Trước đầy đủ “bá quan văn võ” nào là con cái, anh chị em thì anh chàng “ăn vụng” cãi chối được không? Tất nhiên là không. Vậy phải làm sao? Anh Tường đành chọn giải pháp là cuốn gói ra khỏi nhà. Dù trong lòng không hề muốn nhưng sự việc đã rõ như ban ngày, chẳng còn chút sĩ diện nào, làm sao có thể hàn gắn? Sau này, tâm sự với tôi, Tường thở dài: “Lỗi tại tớ là đã đành, nhưng nếu ngày ấy vợ tớ khôn khéo hơn thì vẫn chưa đến nỗi… Sau cái vụ đánh ghen đó tớ còn mặt mũi nào nhìn mặt nhìn mặt, dạy dỗ con cái? Rồi mọi việc lại ầm ĩ từ nhà đến cơ quan, theo cậu, tớ phải giấu cái mặt vào đâu?”.

Có những chuyện trầm trọng tương tự, nếu biết cách giải quyết tinh tế, khéo léo vẫn có thể tìm đến một kết thúc “có hậu”. Có người biết vợ “say nắng” với đồng nghiệp trong công sở. Từ kiểm tra điện thoại, tin nhắn đến theo dõi “đường đi nước bước”, anh đã có kết luận rõ như ban ngày. Dù trong lòng hờn ghen  như lủa đốt, thế mà, ngoài mặt anh vẫn cứ tỉnh bơ như không.Anh muốn giữ thể diện cho vợ và nhất là uy tín của vợ đối với con cái.

Ngày nọ, người vợ cho biết sáng mai sẽ đi công tác xa, thừa biết mọi sự nhưng anh vẫn lẵng lặng thu xếp quần áo cho vợ. Xong xuôi mọi việc, anh vỗ trán như sực nhớ ra một điều rất quan trọng: “Chà, anh quên béng đi mất. Ban đêm, em thường nhức chân, đau vai kia cơ mà”. Thế là anh vội vội vàng vàng phóng xe ra phố mua thuốc. Lâu nay, trước lúc đi xa, vợ chồng vẫn nằm bên nhau, nhưng lần này anh bảo con gái út sang ngủ với mẹ: “Mai mẹ con đi xa, đêm nay hai mẹ con tha hồ hú hí, tâm tình nhá”, còn anh sang phòng con.

Nửa khuya, người vợ rón rén ngồi dậy, mở va ly xem chồng đã chuẩn bị những gì. Chị thấy có đầy đủ thuốc men, cả toa thuốc nhắc nhở phải uống thuốc đúng giờ, đúng ngày theo lời dặn của bác sĩ. Chưa hết. Biết chị dễ cảm lạnh nên anh không quên gửi theo cái khăn quàng cổ mà lần sinh nhật nọ của chị, anh mua đưa cho con gái tặng mẹ. Sự chu đáo này khiến chị cảm động và bừng tỉnh. Chị ngồi thừ người suy nghĩ lại nguyên cớ nào đã khiến mình “thả mồi bắt bóng”. Những phiêu lưu tình ái sẽ thế nào nếu mọi việc vỡ lỡ ra? Sáng hôm sau, lấy cớ đang ốm chị hoãn chuyến đi công tác.

Khi đã biết người của mình đang “chân trong chân ngoài”, cách giải quyết tốt nhất là gì? Nhiều chuyên gia tâm lý bảo, hãy dùng biện pháp “mưu phạt tâm công”, tức “đánh vào lòng người” bằng hành động quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn, cử chỉ ân cần hơn. Sự giận dữ, bực bội, mắng mỏ, chì chiết, vũ lực thô bạo có thể đem lại hiệu quả tức thì nhưng “di chứng” lại lâu dài. Nói như thế, vì vợ chồng là chuyện ăn đời ở kiếp, chứ không phải ngày một ngày hai mà đùng đùng “đạp đổ” chóng vánh.

Mà làm như thế là vô tình rơi vào cặm bẫy, ý muốn của người thứ ba đang mong đợi vì “bất chiến tự nhiên thành”. Bằng không, chính người trong cuộc lại có tâm lý muốn tìm một cái cớ; hoặc chủ động tạo ra cái cớ khiến “một nửa” giận dữ làm rùm beng, bù lu bù loa, hoạch toẹt mọi chuyện. Đến nước đó, họ dễ dàng vin vào đó mà có hành động dứt khoát.

Khi biết chồng/vợ “lạt lòng”, lập tức ai ai cũng có phản ứng tự nhiên là níu giữ, giữ rịt lấy người của mình bằng mọi cách. Đừng hòng một ai có thể chen ngang “phá đám”, chia rẽ tình chồng nghĩa vợ. Suy nghĩ này không sai, nhưng tìm cách giải quyết hợp lý vẫn là bài toán khó. Dù đã có “thiên thời - địa lợi” nhưng xin đừng quên “nhân hòa” vẫn là yếu tố điều không bỏ qua. Vấn đề là đừng bao giờ đẩy “một nửa” vào chân tường, ngõ cụt, không lối thoát. Cho dù họ có lỗi đi nữa, nhưng cách giải quyết ấy không hề cải thiện được tình hình, chỉ khiến mọi sự trở nên thảm hại hơn rất nhiều.

 

L.M.Q

(nguồn: TGPN 29.12.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com