THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Cần gì phải “giữ kẽ”nữa?

LÊ MINH QUỐC: Cần gì phải “giữ kẽ”nữa?

cangiphai-giuke-nua

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Câu thơ này của Hồ Dzếnh, chưa hẳn ai ai cũng đồng tình. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ này, có lẽ nhiều người sẽ gật đầu cái rụp: Do không đến được với nhau nên lúc nhớ lại tháng ngày êm đềm ấy, luôn gợi lại trong tâm tưởng của nhau những tình cảm tốt đẹp nhất. Sau khi đã chung sống, đã thuộc tính thuộc nết, không ít người có lúc tròn xoe mắt ngạc nhiên rồi thốt lên tự hỏi chính mình: “Ủa? Sao lạ quá ta?”.

Lạ quá đi chứ, ngày còn đeo đuổi, săn đón  nàng, ít ai dám nghĩ anh là người bầy hầy, cẩu thả. Lúc nào đến nhà nàng, bát phố với nàng cũng áo quần là (ủi) thẳng cóng, giày bóng lộn như thể con ruồi vô ý đậu sẽ trợt chân té ạch đụi, toàn thân thơm mùi nước hoa rất “men”, râu tóc gọn gàng. Vậy những khi đã chồng vợ, anh lại trở thành người khác hẳn. Không còn giữ được tinh tươm như trước. Hễ thuận tay là anh vớ luôn bộ đồ nào đó trùm ngay vào người, chẳng cần biết sạch dơ miễn “nhanh, gọn, lẹ” là được.

Nhiều người đàn ông có suy nghĩ lạ lắm, họ nghĩ chẳng cần gì phải làm màu làm mè như trước nữa. Có thể liệt kê ra hàng loạt những chuyện nhỏ, đối với đàn ông không đáng quan tâm nhưng với phụ nữ lại rất kỵ: hôi như cú bởi lười tắm, đánh răng trước khi ngủ; lười thay vớ, quần áo; lười cạo râu… Tóm lại, họ lười chăm sóc bản thân. Nếu không yêu bản thân mình, làm sao đủ sức yêu lấy người khác? Khi nghe tôi nói thế, anh bạn tôi cười mà rằng: “Vẽ chuyện. Vợ chồng rồi, cần gì phải “giữ kẽ” nữa? Cứ sống tự nhiên như bản tính đã có, không gò bó có phải khỏe hơn không?”. Nghĩ thế, ắt trật lất. Ta có thể đặt câu hỏi, lúc đó, nếu chồng bày tỏ sự âu yếm, ve vuốt, mơn trớn thì vợ rất hứng thú hay tìm cách né tránh?

Câu chuyện này có thật, nghĩ lại cũng tức cười: Ngày nọ, cô gái út về nhà méc với mẹ tôi, đòi ly dị chồng vì một lý do rất lãng xẹt. Chồng của cô có thói quen mỗi lúc ách xì, hỉ mũi thay vì sử dụng khăn mu-xoa, quẹt luôn vào tay áo; lại có quen khạc nhổ bừa bãi trong nhà; lúc lên giường ngủ không có thói quen rửa chân khiến chăn gối dơ hầy…  Rõ ràng, không phải hết thương nhau nhưng rồi những chuyên vặt vãnh ấy cũng ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân.

Ngược lại, ngay cả phụ nữ cũng thế thôi. Chứng cứ rành rành đây nè, anh Thiện bạn tôi “tan da nát thịt” vì bị vợ phát hiện léng phéng “ngoài luồng”. Hỏi tại sao, anh tặc lưỡi: “Đi làm về nhìn thấy tóc tai của vợ rối bù, bộ quần áo mặc ở nhà ngã sang màu cháo lòng thì bao nhiêu cảm hứng, rạo rực xuân tình tan biến như bọt xà phòng. Vì thế, cho nên…”. Tất nhiên đây chỉ là cách bào chữa, nhằm làm “nhẹ tội” đáng trách nhưng nếu cô vợ tạo cho mình hình ảnh khác, có lẽ sự việc đã khác.

Tôi còn nhớ đọc đâu đó mẫu chuyện này, đọc trong tác phẩm nào đó,  không nhớ chắc lắm. Anh chàng nọ rất yêu người tình, dù hai người đã có đôi lần chung chạ nhưng anh vẫn còn tìm thấy ở cô sự rụt rè, bẽn lẽn. Điều đó, làm anh thêm hứng thú, luôn có cảm giác hấp dẫn vì còn phải chinh phục, khám phá. Thế nhưng cảm giác ấy tan biến đi chỉ lý do này: Lần nọ, lúc đứng ngay trước mặt anh, cô vẫn thản nhiên trút bỏ quần áo, lõa lồ như chốn không người. Sự dạn dĩ, tự nhiên, suồng sã ấy đã khiến anh cảm thấy như bị xúc phạm. Tâm lý này không chỉ trong tiểu thuyết đâu. Nhân tiện nhắc lại luôn, nhân vật Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cả hai anh chị cùng là người tốt, không có gì chê trách, biết họ yêu nhau nên anh em trong đơn vị đều tán thành, vun vén thêm vào. Vậy mà cô ấy không thể yêu anh được, chỉ vì mỗi lúc cầm tay anh, cô thấy ươn ướt mồ hôi, lạnh cả người.

Nói ra đừng cười, chứ thật sự có những chuyện “nhỏ như con thỏ” mà lại gay go. Chị Ngọc - bạn tôi có sở thích nuôi thú trong nhà. Con vật mà chị  cưng nhất là hai con mèo lông trắng như tuyết. Do cưng nên chị ẵm bồng cả hai lên luôn gường ngủ mà ve vuốt. Ban đầu chồng cũng tỏ ý thích, sau đó khó chịu ra mặt vì nhìn thấy lông mèo vướng trên nệm, gối mà xốn mắt. Anh cự nự, chị bảo anh không biết yêu thú, mà người như thế không ác mới là lạ (!?). Bực mình vì bị “chụp mũ”, anh né ra phòng khách mà ngủ. “Rồi cuối cùng thế nào?”, nghe tôi hỏi. chị cười giòn giã: “Chả phải nuôi mèo mỡ gì cả, dành thời gian… nuôi chồng cho nó lành”. Thật vậy, đôi khi không phù hợp nhau về sở thích nho nhỏ cũng có thể châm ngòi cho cuộc “chiến tranh lạnh” dễ như bỡn.

Yêu nhau, cưới nhau không phải lúc chấm dứt, kết thúc sự nỗ lực của hai người. Mà chính là lúc bắt đầu một hành trình thử thách lâu dài, thậm chí có nhiều va chạm. Để giảm bớt sự xung đột ấy, chắc chắc việc giữ hình ảnh của chính mình như lúc xuất hiện ban đầu từ tính cách, thói quen luôn là điều cần thiết. Phải cố gắng thôi, để khỏi phải nghe người bạn đời tròn mắt đặt câu hỏi: “Này anh/ em sao bây giờ lạ quá ta?” vì những chuyện cỏn con.

Câu hỏi ấy, ban đầu còn có yếu tố thân tình, thân thiện, nếu để chồng/ vợ lại hỏi lặp đi lặp lại nhiều lần ắt sẽ trở nên chuyện không nhỏ chút nào.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 22.12.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com