THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tập nói

LÊ MINH QUỐC: Tập nói

 

Niềm vui lớn lao nhất của những người sinh con đầu lòng là lúc nghe con nói. Tiếng nói đầu đời ấy thiêng liêng vô tận, vô cùng bởi âm thanh bập bẹ gọi ba, gọi mẹ. Sự kết nối đời đời đã mở ra từ giây phút ấy. Từ đó, mọi sự giao tiếp đã có thể chia sẻ nhau từ tiếng nói. Ai cũng biết nói. Ai cũng có thể gửi đi một thông tin đến người khác bằng tiếng nói. Vậy, ơ hay, chẳng lẽ ông nhà thơ này đang quá chén? Đã say? Can cớ gì lại bàn chuyện “tập nói”?

 

dau-phai-tre-con-moi-can-tap-noi

 

Xin thưa, có phải ai cũng biết nói chăng? Tôi quyết là không.

Có người dù không xinh đẹp, nhan sắc chỉ cỡ Thị Nở nhưng khi mở miệng, lập tức người đối diện lại cảm tình như đang trò chuyện với Tây Thi. Bí quyết gì? Dễ lắm: “Chim khôn cất tiếng rảnh rang / người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”. Ngược lại có những hạng người dù cỡ hoa khôi quý bà, hoa vương quốc tế nhưng khi trò chuyện, ta lại liên tưởng đến “dùi đục chấm mắm cáy”. Với những thí dụ này, cho thấy rằng, bàn chuyện “tập nói” hoàn toàn không thừa chút tẹo tèo teo nào.

Trên đường đời, không phải lúc nào cũng gặp hoa hồng mà có khi va vấp phải sóng gió nhưng tại sao có người bình thản lướt qua, có kẻ u đầu sứt trán? Lúc ấy, có những người lại cãi nhau chí chóe, tuôn ra những lời sặc mùi chết chóc rồi phồng mang trợn mắt gấu ó và cuối cùng ẩu đả một phen sống mái. Sau đó, họ kéo nhau vào bệnh viện “tân trang” hình thể; nếu nặng nề thì rủ nhau ra “hụi nhị tì”! Trong khi đó, cũng trường  hợp đó, chẳng hạn, do phóng nhanh vượt ẩu nên va chạm người kia, nhưng rồi cả hai giải quyết êm thấm, nhẹ nhàng là do đâu? Lời nói trên đầu lưỡi nếu là sự xin lỗi, mong cảm thông cho nhau thì “nói phải củ cãi cũng nghe”. Lời nói chân tình, mềm mỏng có thể hóa giải được sự việc đang căng thẳng như sợi dây đàn sắp đứt.

Tôi có anh bạn, từ phòng làm việc ở nhà đến cơ quan, anh luôn treo bức thư pháp chỉ mỗi chữ “nhẫn”. Ý nghĩa nó ra làm sao? Anh bảo: “Có nhiều cách giải thích, nhưng với tôi đó chính là sự im lặng đặng suy nghĩ thật kỹ trước lúc muốn nói”. Sở dĩ như thế là do lần nọ, nghe bạn gọi điện thoại mách rằng trong giờ hành chánh nhưng vợ anh ngồi sau xe người đàn ông. Máu ghen nổi lên đùng đùng, lập tức anh gọi điện thoại cho vợ rồi xổ ra một hơi cho đã nư, đã tức. Nào ngờ, những lời nói ấy đã khiến vợ tổn thương bởi chị cùng đồng nghiệp đang đến ngân hàng thanh toán công nợ của cơ quan, chứ nào bồ bịch gì. Anh gật gù: “Phải chi lúc ấy, mình im lặng, lặng lẽ tìm hiểu rõ sự việc rồi mới nói thì hay biết bao”.

Người xưa bảo, “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” - một lời nói ra thì cả bốn con ngựa đuổi theo cũng không kịp là vậy. Do đó, lời dặn dò cẩn trọng lời ăn tiếng nói chẳng bao giờ thừa.

Có những điều ai ai cũng biết, nhưng lại quên béng mất, ấy là khi bực tức với phát ngôn đằng đằng sát khí thì cực kỳ có hại cho sức khỏe. Rồi bực dọc, bực bội, bực mình ấy nếu còn bám theo cũng khiến ta mất ăn mất ngủ như chơi. Đau cả đầu, mệt cả óc. Mà đâu chỉ có thế, khi tuôn ra những lời hằn học ấy, ai là người nghe trước nhất? Có phải chính người vừa nói không đó? Có vị bác sĩ bảo, bệnh vào từ miệng, hoạn nạn từ miệng mà ra. Ngẫm lại, cảm thấy sâu sắc biết chừng nào. Không chỉ cần ăn ngon mà con người còn có nhu cầu cần nghe những lời hay ý đẹp. Nó chính là thực phẩm của tâm hồn”. Tôi tin rằng nếu có dịp ngao du sơn thủy giữa một không gian tuyệt vời trăng thanh gió mát, nếu Thúy Kiều cãi vã ầm ĩ với Kim Trọng thì lúc ấy vầng trăng cũng lặn, gió cũng ngừng, bầu trời sẽ xám xịt lại chứ cả hai không thể đón nhận được cảm giác: “Lắng nghe lời nói như ru / Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng…”.

Trong mối quan hệ xã hội, có những kẻ khiến người khác xa lánh chẳng phải do xấu xa, lừa đảo, đầu trộm đuôi cướp mà cũng chỉ vì không kiểm soát được những gì đã nói. Có kẻ mở miệng ra là cố tình châm chọc người này, hạ nhục người kia nhằm tôn “cái tôi” trước bàn dân thiên hạ. Hành xử ấy, đạo Phật có từ “khẩu nghiệp”, Từ điển Phật học của Đoàn Trung Côn giải thích rõ ràng, cụ thể là: “Vọng ngữ (nói láo); ỷ ngữ (nói trây); lưỡng thiệt (nói đâm thọc làm cho người ta xa nhau); ác khẩu (chưởi mắng)”. Đừng tưởng nói cho sướng miệng, kẻ “khẩu ác nghiệp” phải chịu báo ứng từ lời nói của mình. Thử vắt tay lên trán, suy ngẫm lại là trong đời có bao giờ ta đã va vấp vào chuyện này chưa? Chắc chắn là có.

Tôi có chị bạn thuộc hạng “cao thủ võ lâm” trong làng “buôn dưa lê”. Bất kỳ chuyện gì đã lọt vào tai thì lập tức phát tán khắp mọi ngóc ngách từ đầu làng đến cuối xóm. Anh chồng bực quá, chẳng biết phải “trị” làm sao cho dứt thói xấu ấy? Ngày kia, vâng theo lời khuyên của một nhà giáo nên anh ra tiệm sách mua bức thư pháp ghi dòng chữ: “Khi im lặng chính là lúc đang nói” tặng vợ.

Vẫn biết rằng, chẳng ai có thể trong một ngày không nói. Có điều, lâu nay lời nói tuôn ra dạt dào rổn rảng khiến người nghe không ít lần chối tai, thì nay cũng thế nhưng bằng cách nào khiến lời nói ấy lại đem đến sự thư thái, hài lòng cho người đối diện? Mỗi người đều có cách tự tìm cho mình câu trả lời.

 

L.M.Q

(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần 27.9.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com